Hoa trái của tu dưỡng và rèn luyện

Thứ Tư, 11/07/2018, 11:19
Ngày 25-6, cộng đồng mạng loan truyền câu chuyện 2 chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) dùng xe đặc chủng mở đường để chở một em bé đi bệnh viện cấp cứu, người ngồi sau vừa ẵm em bé vừa cho bú bình.


Song song với những lời tán dương, khen ngợi hành động đầy nhân văn của các anh, một số cư dân mạng đặt vấn đề: Phải chăng hình ảnh loan truyền cảm hứng các anh thực hiện ngày hôm đó chỉ là một phút giây “bộc phát” tự nhiên của vài cá nhân, hay là kết quả của một quá trình đào tạo, rèn luyện của người chiến sĩ Công an nhân dân?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến trò chuyện với “người trong cuộc” vào một ngày hè nắng nóng ở TP Hồ Chí Minh.

Hành động “gây sốt”

Tiếp chúng tôi là Trung úy Đoàn Tấn Phú và Thượng úy Vũ Đình Nam, thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh. Thượng úy Nam là người đã dùng xe đặc chủng chở em bé đến bệnh viện, còn Trung úy Phú chính là người đã có hành động gây sốt cộng đồng mạng khi cho em bé bú bình trên đường đưa em đi cấp cứu.

Hình ảnh đẹp của Trung úy Đoàn Tấn Phú và Thượng úy Vũ Đình Nam gây sốt cộng đồng mạng.

Theo chia sẻ của Trung úy Phú, quê anh ở Củ Chi, xuất thân trong một gia đình bình thường, có ba mẹ làm nghề bán đồ ăn sáng. Hai vợ chồng anh thuê nhà ở Gò Vấp, vợ anh là một nhân viên văn phòng. Bản thân anh vừa được chuyển từ Đội CSGT Gò Vấp lên Đội CSGT Tân Sơn Nhất chỉ 4 tháng.

Hôm đó, hai anh Phú và Nam đang đứng chốt ở góc đường Trường Chinh - Lê Thạnh (đường có 2 làn ô tô - xe máy) thì nghe tiếng một người phụ nữ kêu lớn nhưng không biết kêu ai. Lúc đầu do phương tiện đông đúc nên anh cũng không để ý, nhưng nghe người đó kêu nhiều lần nên quay lại nhìn và gọi Thượng úy Nam cùng đi đến để xem tại sao người ta kêu hoài. “Khi chúng tôi đến, chị kêu “Cứu con em với!”. Chúng tôi nhìn kỹ thấy chị đang chở một em bé chừng 14 tháng, người tái xanh có lẽ do say nắng”, anh Phú kể.

Ngay lập tức, anh Phú và Nam đã dùng xe đặc chủng mở đường dẫn 2 mẹ con người phụ nữ đến một bệnh viện ngay đường Trường Chinh gần đó. Tuy nhiên, đó là bệnh viện bảo sanh, người ta chỉ nhận bà mẹ có thai chứ không nhận cấp cứu em bé. Thay vào đó, nhân viên bệnh viện chỉ họ đến Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức trên đường Núi Thành (quận Tân Bình).

Trung úy Phú và Thượng úy Nam ngay lập tức quay đầu xe, mở đường bằng xe đặc chủng để giúp người phụ nữ chở con đến bệnh viện trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, khi đến đường Phạm Văn Bạch, nhận thấy lưu lượng xe mỗi lúc một đông, người phụ nữ không biết đường đi, lại đang trong trạng thái tinh thần hoảng loạn và cháu bé đã ngất xỉu, các anh đã thuyết phục người mẹ đưa cháu bé lên xe môtô đặc chủng để chở bé tới bệnh viện.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, đã đến tận chốt trực để biểu dương hành động nhân văn của Trung úy Phú và Thượng úy Nam.

“Lúc đầu chúng tôi chỉ định mở đường cho chị ấy chở con đi thôi, nhưng do đường đông quá và thấy chị đã hoảng loạn nên hỏi chị: “Chị đưa em bé cho em chở lên bệnh viện trước”, Trung úy Phú nhớ lại. Người phụ nữ ngay lập tức đồng ý, tin tưởng giao con cho 2 chiến sĩ CSGT chở đến bệnh viện cấp cứu. 

“Em bé lúc đó người xanh lét giống như say nắng nhìn sợ lắm. Còn mẹ bé chở con một mình mà bị rối lại không biết đường. Nên tôi quyết định cùng anh Nam hú còi xe đặc chủng chở em bé đi”, anh Phú kể. “Đến bệnh viện tôi đưa em bé vào cấp cứu và nói với các y, bác sĩ khoảng 10 phút nữa người nhà sẽ tới và tôi sẽ chờ người nhà tới mới bàn giao em bé”.

“Dân mạng đã ‘phát sốt’ với hình ảnh anh ôm em bé trìu mến và cho bú bình ngay trên yên xe đặc chủng. Nhờ đâu anh có vẻ ‘chuyên nghiệp’ như vậy?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Anh Phú cười hiền lành: “Vì ở nhà tôi cũng có cháu bé được 12 tháng nên biết cách ẵm và chăm em bé”.

Học tập và được thấm nhuần

Trung úy Đoàn Tấn Phú cho biết hành động của anh hôm đó là một phản ứng gần như bộc phát tự nhiên từ trái tim chứ không tính toán suy nghĩ gì cả. “Làm được việc này tôi thấy rất vui. Tôi không gặp lại chị đó, nhưng cũng nghe báo chí nói sức khỏe cháu bé đã bình thường trở lại”, Trung úy Phú chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thiếu tá Đinh Thanh Tâm, Đội trưởng Đội TCCT PC67, Công an TP Hồ Chí Minh, để có được một hành động đầy tính nhân văn “bộc phát tự nhiên” như vậy, các anh đã trải qua một quá trình học tập, phấn đấu và rèn giũa đạo đức trong một thời gian dài. “Những việc làm như trên là bình thường, không có gì lạ bởi trong quá trình học tập và công tác người chiến sĩ CSGT đã được thấm nhuần. Đó là trách nhiệm của người CSGT”, Thiếu tá Đinh Thanh Tâm cho biết. 

Trung úy Đoàn Tấn Phú (trái) và Thượng úy Vũ Đình Nam.

“Nó cũng giống như việc người CSGT giúp dân đẩy xe chết máy, cùng người dân dẹp cây ngã, đất đá đổ ngoài đường, phát áo mưa cho người dân trú mưa dưới gầm cầu, hầm đường bộ… Đều là những việc rất tự nhiên của CSGT”.

Thiếu tá Tâm cho biết ngoài nghiệp vụ, công tác tuần tra kiểm soát, các anh vẫn thường xuyên được cấp trên mời các chuyên gia về nói chuyện, bồi dưỡng các nghiệp vụ chuyên sâu và cách hành xử với cộng đồng. 

“Ra ngoài xã hội cần phải biết làm những việc gì chứ không thể chỉ biết xử phạt. Với mỗi công dân thì trách nhiệm bình thường, nhưng người chiến sĩ Công an mặc quân phục thì trách nhiệm phải lớn hơn. Việc làm của mình phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm. Lúc đó đường tắc, người dân không thể đi, không có ưu tiên của xe cấp cứu, nhưng người chiến sĩ có thể làm được điều này vì có xe ưu tiên, có thể giúp người bệnh đến bệnh viện nhanh nhất trong tình trạng kẹt đường. Người dân cần giúp đỡ trong khi mình mặc sắc phục đứng đó mà không có hành động gì thì không chấp nhận được”, Thiếu tá Tâm chia sẻ.

Thiếu tá Tâm cho biết ở Phòng CSGT việc tập huấn xử lý tình huống là bình thường và thường xuyên. Những chiến sĩ nào qua công tác kiểm tra xử lý tình huống nếu không đạt sẽ bị lên danh sách gửi thông báo, có quy định, chấm điểm hẳn hoi. 

“Chúng tôi thực hiện bài bản, từng bước từng bước, lúc đầu vi phạm thì xử lý nhẹ nhưng hồ sơ có lưu lại, lần 1, lần 2, lần 3… Ban đầu bắt lỗi để các đồng chí cảm thấy ngượng, sau dần dần sửa đổi để ý thức được nâng lên và cuối cùng trở thành ý thức của chính bản thân, từ đó sẽ có những hành động đẹp bộc phát một cách tự nhiên, được cộng đồng đón nhận”, Thiếu tá Tâm chia sẻ.

Được biết, hàng năm dưới sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC67, Phòng PC67 Công an TP Hồ Chí Minh đều phát động cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. 

Theo đó, Phòng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo chuyên đề nhằm nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống của CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Phòng cũng đã triển khai nhiều đợt thi đua ngắn hạn, đột xuất theo kế hoạch của Công an TP; đề xuất Hội đồng Thi đua khen thưởng Công an TP khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác. Chủ động biểu dương hàng tháng trong các buổi chào cờ đầu tháng đối với các cá nhân, tập thể có gương người tốt việc tốt... 

Ngay với lãnh đạo Phòng, các anh đã xây dựng 12 tiêu chí nhận xét, đánh giá đối với lãnh đạo, chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ để đánh giá đúng phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực công tác của từng lãnh đạo, chỉ huy để đưa vào phân loại 6 điều Bác Hồ dạy hàng tháng.

Nhờ đó, năm 2017, Phòng đã đề nghị và được Công an TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an và Cục C67 khen thưởng đối với 29 tập thể và 476 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các đợt thi đua cao điểm, khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đột xuất. Có 268 lượt CBCS nêu gương “Người tốt, việc tốt”. 

Trong đó, 145 lượt CBCS nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ của người vi phạm với số tiền tổng cộng 40.120.000 đồng; 72 lượt CBCS nêu gương dũng cảm trong đấu tranh chống tội phạm; 51 lượt hình ảnh đẹp CBCS tham gia giúp đỡ nhân dân được ghi nhận. Đã xây dựng được 132 gương điển hình tiên tiến hàng năm; 32 gương điển hình tiên tiến một số mặt; 10 gương điển hình tiên tiến toàn diện...

Với những nỗ lực rèn giũa có hệ thống, bài bản và bền vững, tin rằng những tấm gương người tốt việc tốt, những hành động lay động trái tim của các CBCS CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành những tấm gương sáng cho cộng đồng, cho người dân cả nước.

Long Viên
.
.
.