Hồi ức của một sỹ quan Cảnh sát giao thông

Chủ Nhật, 31/12/2017, 10:42
Người sỹ quan Cảnh sát đó trước khi nghỉ hưu giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, mang quân hàm Thượng tá. Một đời gắn bó với công việc của một Cảnh sát giao thông, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của đời sống, của thời cuộc, của giao thông đô thị, của tình người, ông đã ngồi xuống và viết một cuốn sách.


Hồi ức của tình người

Người sỹ quan Cảnh sát đó trước khi nghỉ hưu giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, mang quân hàm Thượng tá. Một đời gắn bó với công việc của một Cảnh sát giao thông, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của đời sống, của thời cuộc, của giao thông đô thị, của tình người, ông đã ngồi xuống và viết một cuốn sách.

Trong cuốn sách ấy, những tưởng ông sẽ kể về những thành tích của chính mình để “khoe” với mọi người, giống như không ít cuốn sách hồi ký mà ta đã đọc. Nhưng thực ra, cái sự “khoe mình” của ông ở đây không hề có.

Dường như đã có một lý do lớn hơn cho việc ông viết cuốn sách này. Đó là thông qua những trang sách để nhân dân hiểu hơn về một công việc mà ở nơi này, nơi kia đang còn nhiều định kiến, nhiều đánh giá, nhận định chưa đúng, chưa công bằng.

Thượng tá Trịnh Văn Sỹ chụp ảnh với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội. 

Ban đầu tôi có chút e ngại, không biết một người sỹ quan Cảnh sát giao thông sẽ viết gì trong cuốn sách của ông. Ông sẽ kể những gì về mình để có thể níu chân độc giả từ đầu đến cuối cuốn sách, vượt qua cái khô khan hạn hẹp thường thấy ở không ít cuốn hồi ký mà họ đã đọc và đã... chán. Nhưng thực sự cuốn sách đã cuốn tôi đi.

Từng trang, từng trang sách như những ngả đường đời bất tận với đủ mọi cung bậc buồn vui, trăn trở của một người Cảnh sát giao thông. Thượng tá Trịnh Văn Sỹ không kể lại đơn thuần công việc của người Cảnh sát giao thông như phần lớn chúng ta hình dung. Ông mang đến cho chúng ta những điều cao hơn thế, rộng hơn thế, để chúng ta hiểu về một ngành nghề trong xã hội và cũng là hiểu thêm về tình người, về cuộc đời.

Mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều mang một số phận riêng, một sứ mệnh riêng. Nghề nghiệp họ làm là do họ lựa chọn, hoặc cũng có thể do số phận đã chọn họ. Số phận trao cho mỗi người một công việc để thông qua công việc đó họ tự bộc lộ phẩm chất của mình.

Và tôi chắc rằng, không có công việc nào dễ dàng, không có công việc nào là không có những khó khăn để thử thách tài năng, bản lĩnh, tấm lòng cũng như sự tử tế trong mỗi người. Từ trong mỗi công việc với những đặc thù riêng biệt, mỗi người sẽ xác định một điểm nhìn để từ đó họ nhận diện cuộc đời, nhận diện con người, định hình một thái độ sống. Vinh quang hay cay đắng, thành công hay thất bại cũng chính là khởi lên từ thái độ sống đó.

Thượng tá Trịnh Văn Sỹ đặt tên cho cuốn sách của mình: “Trên những ngả đường đời” như một cách để ông suy ngẫm về cuộc đời rộng lớn này. Đời một chiến sĩ Công an giao thông thì luôn gắn với những con đường. Từ những ngã tư đường phố, ở những chốt chặn giao thông, họ làm nhiệm vụ của mình, là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Mọi ngả đường đều có bóng dáng những chiến sĩ ấy.

Họ tiếp xúc với người dân cũng trên mọi ngả đường đó. Và mọi bài học cuộc đời họ nhận được cũng chính trên những cung đường họ làm nhiệm vụ của mình. Với một người như Trịnh Văn Sỹ, những ngả đường mà ông đi qua trong suốt 39 năm 9 tháng công tác trong ngành Công an đã thực sự trở thành những ngả đường đời cho ông nhận diện chính mình, nhận diện con người, thu nạp những yêu thương trắc ẩn để lựa chọn cách sống làm một người tử tế, một người với chiều kích chưa khi nào bị giới hạn bởi bộ quân phục ông mặc mỗi ngày.

Những chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát giao thông thế hệ hôm nay sẽ gặp trong cuốn sách cuộc sống khó khăn đến mức họ khó mà hình dung của những người chiến sĩ thuộc thế hệ cha, anh họ. Những năm đi học ở Trường Sỹ quan Cảnh sát Suối Hai với biết bao gian nan, thiếu thốn mà Trịnh Văn Sỹ và bạn bè ông đã trải qua.

Bìa cuốn “Trên những ngả đường đời” - hồi ức của Thượng tá Trịnh Văn Sỹ. 

Đói ăn, thiếu nước, phương tiện đi lại khó khăn, ghẻ lở hắc lào chia nhau từng lọ thuốc bôi, nhưng trong hoàn cảnh đó tình con người với nhau lại sáng nhất, ấm áp nhất. Những người thầy đối với trò như cha đối với con.

Những phút giây lắng lòng xúc động khi chia sẻ câu chuyện về cuộc đời một người chị bán sắn ở chợ Suối Hai mà người sinh viên Trịnh Văn Sỹ đã gặp. Những bài học đầu tiên về đời, về nghề mà ông lĩnh hội từ môi trường sinh viên, để khi ra trường nhận công tác có thể hiểu thêm về nhân dân, đồng bào mình...

Rất nhiều trang sách cảm động Thượng tá Trịnh Văn Sỹ dành để viết về những người thầy, bạn bè đồng nghiệp của mình. Ông đã soi bóng mình trong rất nhiều người để độc giả không chỉ thấy ông, mà thấy được cả một lực lượng, cả một công việc, một nghề vừa vinh quang vừa hiểm nguy với nhiều góc khuất mà nếu chỉ nhìn bộ trang phục của họ một cách khô cứng thì nhân dân không thể nào hiểu hết.

Đó là người Trưởng phòng đầu tiên của Trịnh Văn Sỹ khi ông bắt đầu chân ướt chân ráo vào nghề, bác Tiệp, giữa đêm mùa đông giá rét đi tìm một người tâm thần không họ hàng thân thích để đưa cho họ thức ăn và áo ấm.

Đó là một bác Chuông, Phó trưởng phòng sống một cuộc đời bình dị làm nghề, và cuộc chia tay cảm động với chiếc ghế của mình trước khi về hưu. Chiếc ghế bác được một người bạn tặng cho, đã cùng bác 40 năm làm nghề, bác rất muốn mang về nhà khi nghỉ hưu nhưng vì đã tự nguyện ghi nó vào sổ tài sản cơ quan nên bác không cho phép mình làm việc ấy.

Ngày nghỉ hưu, chiếc “ghế” là người cuối cùng bác Chuông chào tạm biệt, như tạm biệt một người bạn thủy chung đã tri kỷ, đồng cam cộng khổ với mình. Đó là người đồng nghiệp Lê Đức Đoàn, người Cảnh sát giao thông nổi tiếng trong lòng nhân dân Thủ đô, người đi qua cầu Chương Dương lúc nửa đêm mang theo một tình yêu thiết tha với cây cầu, một lòng trắc ẩn sâu kín với con người, với cuộc đời.

Người Cảnh sát giao thông ấy đã gắn với cây cầu Chương Dương từ khi mọi người đi qua chào mình là anh, rồi là bác, là bố, là ông, và thậm chí đến lúc có người chào là... cụ. Cho đến khi nghỉ hưu, ông đã có 18 năm đứng làm việc ở một nơi vất vả nhất.

Bên cạnh việc làm nhiệm vụ giữ trật tự giao thông cho người dân đi lại thuận tiện, ông còn cứu giúp 42 con người đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, quê quán khác nhau, vì lý do nào đó đã định nhảy cầu tự tử. Một người Cảnh sát suốt đời đã làm nghề bằng một cái Tâm thiện, được nhân dân yêu quý...

Đó là anh Nguyễn Duy Ngọc, người khởi xướng cuộc “cách mạng văn hóa ứng xử” trong lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội, làm cho hình ảnh người Cảnh sát Thủ đô đẹp hơn trong mắt nhân dân. Đó là anh Đào Công Hải, người cho đến lúc về hưu vẫn mang nặng cảm giác “nợ cấp dưới của mình” là không thể cho họ những ngày nghỉ trọn vẹn...

Và còn rất nhiều, rất nhiều đồng nghiệp khác, trong những bộ hồ sơ khác mang tên hồ sơ của tình người, đã để lại trong Thượng tá Trịnh Văn Sỹ một niềm xúc động sâu sắc. Đối với ông, những công việc tốt đẹp của đồng nghiệp, cấp trên mà ông được chứng kiến trong cuộc đời Cảnh sát giao thông của mình đã trở thành những ký ức ấm áp nhất, tuyệt vời nhất.

Thượng tá Trịnh Văn Sỹ với nhà văn Mỹ Martha Collins.

39 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, Thượng tá Trịnh Văn Sỹ luôn đau đáu một nỗi niềm, làm sao để giao thông được thuận tiện  thông suốt hơn, bớt đi những mất mát cho người dân, và bớt đi những mất mát cho lực lượng Cảnh sát. Ông là người có nhiều tâm sự trước những vấn đề như tình người trên đường, những ứng xử của người Cảnh sát với nhân dân.

Ông buồn vui trước những con số lên xuống hàng năm, về số vụ tai nạn giao thông, những tổn thất to lớn về người mà tai nạn giao thông giáng xuống. Ông thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn không thể nói thành lời của người Cảnh sát giao thông, trong một môi trường, hoàn cảnh giao thông còn nhiều bất cập ở nước ta.

Ông viết về công việc của người Cảnh sát giao thông thế này: “Mùa hè trên đầu họ là bầu trời không gợn mây, nắng chói chang. Mặt đường nơi họ đứng làm việc tỏa ra hơi nóng hầm hập như một chiếc chảo rang. Bốn phía nơi họ đứng là biển người biển xe, là sự hỗn độn, ầm ĩ của âm thanh. Bên cạnh họ là khói bụi, là mùi xăng dầu, mùi mồ hôi tỏa ra từ chính cơ thể họ.

Nhiều người đi đường chứng kiến một nữ Cảnh sát giao thông đang đứng trên bục chỉ huy giao thông ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi gục ngã xuống đường vì sự khắc nghiệt của thời tiết, của môi trường, của công việc. Mùa đông, mùa mưa, gương mặt họ tái nhợt, môi họ thâm lại, có những lúc toàn thân họ run lên vì giá rét...”.

Những người chiến sĩ Cảnh sát giao thông như Trịnh Văn Sỹ đã thực sự phải tôi rèn qua những khắc nghiệt như vậy để hoàn thành công việc của mình, để lúc về nghỉ hưu có thể thanh thản uống trà mỗi sáng, tự hào về đóng góp nhỏ bé của mình cho sự bình yên của nhân dân trên mỗi ngả đường...

Bình Nguyên Trang
.
.
.