Kế “Điệu hổ li sơn” băng cướp Bạch Hải Đường

Thứ Bảy, 02/08/2014, 11:00

Nhớ về chuyên án triệt xóa băng cướp Bạch Hải Đường cuối những năm 1980, vị tướng già trở nên sôi nổi: “Băng cướp này do Nguyễn Văn Phái cầm đầu, có những đàn em đắc lực như Vũ Văn Huy, Lê Văn Huy và một số đối tượng khác. Chúng rất manh động, luôn mang theo súng AK, lựu đạn, dao nhọn; có đêm chúng gây ra 4 vụ cướp, bắn chết 2 người... Chúng dùng tên tuổi tướng cướp Bạch Hải Đường tại Sài Gòn trước năm 1975 để xưng danh băng nhóm của mình, khiến người dân hoang mang”. 

Trong kí ức tuổi thơ của tôi, ông là một người đôn hậu nhưng nét mặt luôn nghiêm nghị với cặp lông mày lưỡi mác đen dày như thách thức mọi khó khăn, trở ngại phía trước. Trong cái khu tập thể Công an ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) thời ấy, nhà tôi ở tầng 5, nhà ông ở tầng 2. Mỗi lần gặp ông, lũ trẻ con hiếu động chúng tôi đều thấy hơi... sợ nên nhanh nhảu chào ông. Sự lễ phép của chúng tôi thường được ông đáp lại bằng một nụ cười hoặc lời chào ngắn gọn, trầm ấm khiến chúng tôi dần cảm thấy ông rất dễ gần, cởi mở. Khi đó, chúng tôi đâu biết ông là người đang chỉ đạo đấu tranh với những băng cướp nổi tiếng một thời... Ông là Thiếu tướng Đỗ Văn Hùng, nhưng nhiều người vẫn gọi thân mật và trân trọng  là Tướng Đỗ Hùng.

Đúng hẹn, tôi đến thăm bác Đỗ Hùng. Ở cái tuổi 77,  vị tướng già vẫn giữ được dáng vẻ tráng kiện và ông vẫn nhớ từng chi tiết về những tên cướp nổi tiếng một thời cùng quá trình đấu tranh, khám phá mỗi vụ án. Thiếu tướng Đỗ Hùng sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm 1959, khi đang là một thầy giáo làng, ông gia nhập lực lượng Công an. Trước khi nghỉ hưu năm 2004, ông mang cấp hàm Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Nhớ về chuyên án triệt xóa băng cướp Bạch Hải Đường cuối những năm 1980, vị tướng già trở nên sôi nổi: “Băng cướp này do Nguyễn Văn Phái cầm đầu, có những đàn em đắc lực như Vũ Văn Huy, Lê Văn Huy và một số đối tượng khác. Chúng rất manh động, luôn mang theo súng AK, lựu đạn, dao nhọn; có đêm chúng gây ra 4 vụ cướp, bắn chết 2 người... Chúng dùng tên tuổi tướng cướp Bạch Hải Đường tại Sài Gòn trước năm 1975 để xưng danh băng nhóm của mình, khiến người dân hoang mang”.

Lật lại hồ sơ băng cướp Bạch Hải Đường, không khỏi giật mình bởi sự tàn bạo, hung hãn của những kẻ mặt người dạ thú. Cầm đầu băng cướp là Nguyễn Văn Phái (SN 1954, trú tại xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh), một tay anh chị có nhiều thành tích bất hảo. Phái gặp Vũ Văn Huy (SN 1967, trú cùng huyện Yên Hưng) trong những ngày sống chui lủi. Huy từng là bộ đội nhưng đang bị truy nã vì dùng súng AK bắn chết một người cùng đại đội và đào tẩu cùng khẩu súng AK (số hiệu 19097229). Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, hai tên côn đồ hợp thành băng cướp rồi thâu nạp thêm một số đối tượng bất hảo.

Vụ cướp đầu tiên được chúng khởi sự vào ngày 4/7/1989. Hôm đó, tại đèo Hạ Mi (giáp ranh giữa Bắc Giang và Quảng Ninh), chiếc xe tải biển số 14A – 3216 do tài xế Phạm Văn Bình lái từ Quảng Ninh sang Hà Bắc. Đến lưng chừng đèo Hạ Mi, anh Bình giật mình khi thấy giữa đường có một người đàn ông đang giương khẩu súng AK về phía mình nên vội đạp phanh. Trong lúc Phái cầm khẩu AK ở dưới cảnh giới, hai tên Lê Văn Huy và Vũ Văn Huy bám lên cabin, lột chiếc đồng hồ SK trên tay nạn nhân... Đúng lúc đó, chiếc xe khách do anh Nguyễn Văn Tâm điều khiển chở khoảng 20 người cũng chạy tới. Tên Phái lập tức thị uy bằng một tràng đạn AK; tiếng nổ chát chúa khiến những người trên xe như chết lặng... Trong ngày đầu “mở hàng”, bọn chúng cướp được khoảng 300.000 đồng (một số tiền lớn thời đó) và nhiều tài sản có giá trị. 

Vợ chồng ông Đỗ Hùng và con, cháu.

“Tin về những vụ cướp táo tợn liên tục xảy ra khiến chúng tôi không khỏi lo ngại. Lãnh đạo Bộ Công an giao Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh Quảng Ninh, Hà Bắc và các địa phương liên quan khẩn trương điều tra, truy xét, bắt giữ băng cướp này” – Thiếu tướng Đỗ Hùng nhớ lại. Trong một cuộc họp chỉ đạo chuyên án, có ý kiến cho rằng: Ngoài các lực lượng chức năng, cần đưa một đại đội cảnh sát bảo vệ lên truy quét băng cướp. Ý kiến đó không phải không có lý nhưng suy xét kĩ, Thiếu tướng Đỗ Hùng cho rằng: “Băng cướp hoạt động thoắt ẩn thoắt hiện ở vùng rừng núi. Nếu ta đưa lực lượng đông đảo lên, cũng không dễ dàng phát hiện, bắt giữ được chúng. Chỉ nên sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, lôi chúng ra khỏi vùng rừng núi vừa dễ bắt giữ, vừa bảo đảm an toàn cán bộ, chiến sĩ”. Thế là một kế hoạch hoàn hảo được xây dựng nhằm “Điệu hổ ly sơn”.

Đánh hơi thấy sự truy lùng gắt gao của lực lượng Công an, Nguyễn Văn Phái bí mật đưa vợ con cùng Vũ Văn Huy trốn khỏi Quảng Ninh. Thiếu tướng Đỗ Hùng nhận định: Chắc chắn chúng sẽ trốn đến nơi có người thân ruột thịt hoặc bạn bè chí cốt. Kết quả trinh sát đúng như vậy, Phái và đồng bọn trốn về tỉnh Bình Định, nơi hắn có người chú họ tên là Nguyễn Thanh Trừng ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Một tổ công tác của Tổng cục Cảnh sát được thành lập, cấp tốc lên đường... 

Giữa lúc các đơn vị thuộc Tổng cục Cảnh sát, Công an các địa phương tăng cường lực lượng bám theo hướng di chuyển của băng cướp thì chúng trở ra Bắc và tiếp tục gây án trên đường đi. Tối 12/11/1989, tại phía bắc đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình), sau khi chặn không được 2 chiếc xe tải, Phái và Huy quyết tâm chặn chiếc xe tải thứ ba, hiệu KMAZ mang BKS 50C-4635 do anh Lê Thanh Hải điều khiển. Đứng giữa đường, Huy cầm lựu đạn, Phái cầm khẩu AK bắn xuống mặt đường nhưng chiếc xe vẫn không giảm tốc độ. Phái lập tức bắn thẳng vào buồng lái khiến một người trên xe là anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) tử vong vì viên đạn xuyên từ nách phải sang nách trái... Đến chiếc xe khách BKS 75A – 0702 do tài xế tên là Cường chạy từ phía Bắc vào, chở 40 hành khách, Phái nổ súng và chiếc xe buộc phải dừng lại. Huy nhảy lên xe, quát tài xế: “Đưa tao 200.000 đồng!”. Khi anh Cường rút ra một cọc tiền, Huy chê ít không lấy và dùng dao đâm vào tay trái và đùi phải anh này rồi nhảy xuống xe, lên cửa sau buộc người phụ xe phải đưa tiền. Đúng lúc này, có lẽ thấy chưa cướp được tiền và muốn ra oai nên Phái nổ một loạt đạn vào phía sau chiếc xe làm anh Nghiêm Văn Thành (15 tuổi) chết tại chỗ, ông Nghiêm Đắc Lực (44 tuổi, bố đẻ nạn nhân) bị thương nhẹ. Một viên đạn cũng găm vào mông Vũ Văn Huy, khiến hắn kêu lên với Phái: “Chú bắn trúng cháu rồi!”. Hai tên cướp vội xuống xe rời khỏi hiện trường. Huy bị thương vào phần mềm, máu chảu từ hông ướt sũng chiếc quần. Dìu Huy được một đoạn, tên trùm băng cướp định thủ tiêu đồng bọn, nhưng Huy van lạy: “Xin chú đừng giết cháu. Chú cứ bỏ cháu lại cho đỡ vướng chân nhưng xin để cháu được sống!”. Nghe Huy van xin, Phái mủi lòng không nỡ xuống tay với Huy. Hắn bỏ lại đồng bọn và mất hút vào màn đêm dày đặc trên đỉnh đèo Ngang. Phần Huy, do bị thương nặng, đói khát nên mò vào một hộ dân xin ăn và bị lực lượng Công an bắt giữ cùng tang vật 1 quả lựu đạn, 1 con dao nhọn.

Thời điểm xảy ra vụ cướp đó, Thiếu tướng Đỗ Hùng và đoàn công tác đang có mặt ở Vinh (tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây). Thiếu tướng Đỗ Hùng lập tức đến hiện trường xem xét, sau đó ông chỉ đạo: Giam giữ tên Huy cẩn thận, không để xảy ra sơ suất đối tượng bỏ trốn hoặc tự sát; cử cán bộ có kinh nghiệm khai thác Huy để phán đoán đường đi, địa điểm bỏ trốn của Phái; chuyển tiếp lệnh truy nã của Bộ về tên Phái, in nhiều ảnh thông báo cho các đơn vị, địa phương, nhân dân nơi tên Phái có khả năng xuất hiện.

Trước sự truy lùng ráo riết của lực lượng Công an, Nguyễn Văn Phái định trốn sang Lào nhưng không được. Hắn giấu khẩu súng AK trong bụi cây gần một chòi chăn vịt thuộc xã Vạn Ninh (huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình) rồi nhảy tàu ra Bắc, đúng như phán đoán của Ban chỉ đạo chuyên án. Đến ngày 26/2/1990, Nguyễn Văn Phái bị bắt giữ tại Hà Bắc.                                                 

Thiếu tướng Đỗ Hùng tâm sự: “Bắt được tên Phái, chúng tôi như trút được gánh nặng. Việc đầu tiên là phải thu hồi được khẩu súng AK hắn đã sử dụng gây ra bao tội ác. Tôi chỉ đạo anh em lấy lời khai đối tượng, yêu cầu hắn vẽ sơ đồ cất giấu khẩu súng và cử một tổ công tác vào tìm ở Quảng Bình. Nếu không tìm được, sẽ di lí Phái vào. Quả nhiên, theo sơ đồ do Phái vẽ, anh em đã tìm được khẩu súng AK tang vật”...Thiếu tướng.

Trần Duy Hiển
.
.
.