Khắc chế những chiêu trò đối phó với quản giáo ở Trại giam Thanh Phong

Chủ Nhật, 29/07/2012, 11:47
Gắn bó với Trại giam Thanh Phong đã gần 30 năm, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn - Phó Giám thị trại có nhiều kỷ niệm khó quên với nghề và với những phạm nhân đã và đang từng cải tạo ở đây. Trong cuộc đời làm quản giáo rồi tới làm giám thị của mình, điều khiến cho ông và những đồng đội của ông cảm thấy hạnh phúc nhất là những phạm nhân sau khi hoàn thành cải tạo, trở về với xã hội và trở thành những con người có ích.

Trại giam Thanh Phong – Thanh Hóa thuộc sự quản lý của Tổng cục VIII – Bộ Công an quản lý hơn 3.000 phạm nhân trong đó có trên 700 phạm nhân đã từng có từ 1 đến 7 tiền án và không ít phạm nhân có án tù dài từ 20 năm đến chung thân. 60% số phạm nhân phạm tội về ma túy hoặc có tiền sử ma túy.  Trong số đó có gần 400 phạm nhân nữ được quản lý ở 5 phân trại khác nhau. Số lượng phạm nhân nghiện, có HIV, mắc bệnh lao ngày càng tăng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác giáo dục, dạy nghề.

Thời gian gần đây, Trại giam Thanh Phong cũng tiếp nhận thêm các phạm nhân chống đối, không chịu cải tạo ở một số trại giam trên cả nước chuyển đến. Trong năm 2012, Trại giam Thanh Phong đã tiếp nhận 15 phạm nhân từ trại A2 – Khánh Hòa, hay 15 phạm nhân trong vụ án thuê “xã hội đen” giết người ở Hà Tĩnh được bóc tách, chia nhỏ và phân về các trại giam trong đó Trại giam Thanh Phong tiếp nhận ba đối tượng trong đó có hai phạm nhân đã có một tiền án và một phạm nhân từng có ba tiền án.

Theo Thượng tá Đỗ Thanh Sơn, sự hiểu biết pháp luật của phạm nhân hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với ngày xưa nên công tác giáo dục, quản lý cũng phải rất công bằng và công khai từ việc phân công lao động cho tới việc xét giảm án cũng như xử lý các phạm nhân vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, phạm nhân cũng có nhiều “chiêu trò” để đối phó với quản giáo. Những phạm nhân có tư tưởng này thường là những phạm nhân đi án dài nên tư tưởng thường không thông suốt. Bên cạnh những biện pháp quản lý, giáo dục thì việc động viên, cảm hóa phạm nhân là một trong những điểm vô cùng quan trọng mà các giám thị và quản giáo ở đây ai cũng phải ghi nhớ và cố gắng thực hiện.

Nhắc tới những phạm nhân đã từng cải tạo trong trại, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn không quên nhắc đến phạm nhân Hiệp “xích lô”, quê ở Quảng Ninh. Khi mới vào trại, Hiệp chống đối lại các quản giáo và không chịu cải tạo. Sau giai đoạn đó, Hiệp tìm đủ mọi cách để trốn không phải lao động. Nhưng bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn đã giáo dục và cảm hóa được đối tượng cộm cán này. Sau một thời gian cải tạo tốt, Hiệp đã được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước và đã được ra trại trước thời hạn.

Không giấu nổi niềm vui và sự tự hào, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn “khoe”: Hiệp “xích lô” ngang bướng ngày xưa giờ đã trở thành ông chủ của một công ty vận tải làm ăn thành đạt ở Quảng Ninh với hơn chục đầu xe với rất nhiều công nhân. Đó điều mà những người làm công tác quản lý trại giam luôn mong đợi sau khi phạm nhân ra tù tái hòa nhập với xã hội.

Công tác quan tâm, chăm sóc những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng được Trại giam Thanh Phong hết sức chú trọng. Năm 2011, cán bộ giám thị, quản giáo đã quyên góp được 80 triệu đồng cho Quỹ Tấm lòng vàng của trại. Số tiền này được trích một phần để tặng quà Tết cho 240 phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn không bao giờ có người thăm nuôi, mỗi phạm nhân một suất quà 200 nghìn đồng. Sự quan tâm này vừa làm cho những phạm nhân này có một cái Tết tươm tất hơn, vừa khiến họ bớt đi mặc cảm để quyết tâm cải tạo tốt làm lại cuộc đời. Công tác giáo dục cá biệt để nắm tâm tư, nguyện vọng tình cảm và hoàn cảnh thân nhân cũng giúp cho công tác cải tạo phạåm nhân được sát sao hơn nữa.

Có không ít phạm nhân khi vào trại cải tạo, kiểm tra sức khỏe thì phát hiện họ có HIV và gia đình tuyệt nhiên không thăm hỏi gì. Những đối tượng này thường có tâm lý chán nản và suy nghĩ tiêu cực.  Lúc này cán bộ lại phải động viên, tạo điều kiện cho họ gọi điện về nhà thông báo tình hình cho người thân. Khi gia đình biết được, họ đã quan tâm hơn, thỉnh thoảng vào thăm và thường xuyên viết thư động viên. Có những phạm nhân sau khi ra trại, có những phạm nhân nhờ được uống thuốc đầy đủ nên rất khỏe mạnh và thường xuyên gọi điện vào thông báo tình hình cho những cán bộ đã từng quản lý họ.

Có một lần khi Thượng tá Đỗ Thanh Sơn đang phụ trách phân trại số 1. Sau khi đi lao động về, phát hiện thấy phạm nhân Sỹ “còi” có biểu hiện lạ nên đã yêu cầu anh dừng lại để kiểm tra. Phạm nhân lúc đầu còn chối nhưng khi Thượng tá Sơn nói sẽ tha lỗi nếu như phạm nhân tự giác thì anh ôm mặt khóc và nói rằng “có mang đồ cấm trong người”. Khi bị yêu cầu nộp ra ngoài, Sỹ ngượng và nói rằng đang giấu trong… quần lót. Khi các cán bộ quản giáo quay đi thì Sỹ “còi” lôi ra ngoài một… túi nilon đựng rượu. Lần ấy dù bị lập biên bản và tịch thu tang vật nhưng chỉ bị nhắc nhở chứ không bị phạt. Hiện nay, Sỹ “còi” cũng đã ra trại và mở một xưởng mộc ở thành phố Thanh Hóa với 30 công nhân, làm ăn rất thành đạt.

Sau khi kể lại cho tôi nghe câu chuyện, Thượng tá Sơn cầm máy điện thoại và gọi điện cho anh Sỹ “còi” trong câu chuyện ấn tượng vừa xong. Gặp lại người quen cũ, anh Sỹ cười nói rất vui vẻ và ngỏ lời mời chúng tôi về thăm xưởng mộc của anh tại Thanh Hóa.

Thượng tá Đỗ Thanh Sơn tâm sự với tôi, những phạm nhân sau khi ra khỏi trại hòa nhập tốt với xã hội và trở nên thành đạt là mong muốn và là điều tự hào với bất kỳ người làm công tác quản lý giáo dục ở các trại giam. Điều đó chứng minh một điều, trại giam đã hoàn thành được chức năng xã hội của mình là cải tạo những con người lầm lỡ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Ông còn giới thiệu cho chúng tôi nghe về một mô hình của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự được triển khai ở huyện Nga Sơn – Thanh Hóa cách đây vài năm. Biết những phạm nhân sau khi ra trại thường khó hòa nhập bởi mọi người thường có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với họ chứ chưa nói đến việc cho họ vay vốn làm ăn. Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự đã tạo điều kiện cho những phạm nhân sau khi ra trại được vay vốn không lấy lãi để cho họ có thể làm lại cuộc đời.

Theo lời Thượng tá Đỗ Thanh Sơn, không ít phạm nhân của Trại giam Thanh Phong sau khi ra trại đã nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Quỹ này và trở thành những tấm gương làm ăn giỏi trong xã hội. Nhiều địa phương cũng đã cử đại diện đến Nga Sơn học hỏi mô hình này để có thể nhân rộng ra với quy mô lớn hơn nữa.

Công tác liên lạc với phạm nhân sau khi ra trại cũng được Trại giam Thanh Phong tiến hành rất quy củ. Để chứng minh cho điều ấy, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn không ngần ngại cho tôi xem hàng loạt số điện thoại của những người đã từng là cựu tù Trại giam Thanh Phong, nay đã trở về và hòa nhập thành công với xã hội bên ngoài.

30 năm công tác trong nghề trại giam, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn đã chứng kiến rất nhiều mảnh đời, nhiều số phận khác nhau. Có lẽ nỗi buồn nhất với họ chính là việc phải đón nhận những người đã từng cải tạo quay trở lại trại vì những lý do khác nhau.

Ông nói rằng, hiện nay tù nhân khi mới vào cải tạo có rất nhiều mánh khóe để đối phó lại với quản giáo và đương nhiên công tác giáo dục cải tạo cũng phải có những cách thức để khắc chế lại những hành vi chống đối ấy. Thế nhưng, cách thức thành công nhất chính là thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của những người trót lầm lỡ, giải thích cho họ hiểu được và quyết tâm cải tạo để sớm được hòa nhập với xã hội, làm lại cuộc đời. Và đương nhiên, sau vấp ngã, họ lại có thể đứng dậy và thành công trên đường đời là điều mà bất kỳ cán bộ trại giam cũng mong muốn và cảm thấy tự hào

Tuấn Hải
.
.
.