Khi "tầm nã" trở thành niềm đam mê

Thứ Hai, 28/03/2016, 10:43
Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) chuyên ngành Cảnh sát Kinh tế nhưng kể từ khi ra trường, anh chưa có một ngày nào làm đúng chuyên ngành mình học. Những cuộc truy bắt tội phạm hình sự và tội phạm bị truy nã cứ cuốn anh đi khắp mọi miền đất nước. Không cuộc truy bắt nào là không có dấu ấn của anh. Anh bảo đó là niềm đam mê, cũng là cái nghiệp mà anh trót gắn bó hơn chục năm nay. Anh là Trung tá Nguyễn Vũ Hải, Đội trưởng Đội Truy bắt Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Nam Định.


Trung tá Nguyễn Vũ Hải sinh năm 1976. Năm 2000, tốt nghiệp Học viện CSND chuyên ngành Cảnh sát Kinh tế, chàng Cảnh sát trẻ đất Thành Nam hăm hở lên tăng cường cho vùng Tây Bắc (Tuyên Quang) với bao hoài bão, khát khao của tuổi trẻ. Có lẽ chính những năm tháng lăn lộn ở vùng Tây Bắc ấy đã càng hun đúc thêm tình yêu với nghề Cảnh sát hình sự (CSHS) của anh.

Năm 2003, Trung tá Nguyễn Vũ Hải được điều về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14, nay là PC45) Công an tỉnh Nam Định. Năm 2006, anh được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ là Đội phó Đội Án xâm phạm sở hữu. Từ tháng 6-2009 đến tháng 6-2011, anh được điều về làm Phó trưởng Công an phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định, nhưng có lẽniềm đam mê được truy bắt tội phạm vẫn không thể từ bỏ nên tháng 6-2011, anh lại về đầu quân cho Phòng PC52, Công an tỉnh Nam Định và là Đội trưởng Đội Truy bắt từ đó đến nay. 

Lực lượng cán bộ của phòng còn mỏng nên hầu như vụ việc nào Trung tá Nguyễn Vũ Hải cũng là người tham gia trực tiếp. Không cuộc truy đuổi nào là không phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, nhưng với lính "tầm nã" thì đó là công việc "thường ngày ở huyện”. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời, rong ruổi từ Bắc vào Nam, khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng càng khó khăn, nguyhiểm các anh càng say nghề.

Trong chuyên án bắt đối tượng Cường "trố", Trung tá Nguyễn Vũ Hải cùng đồng đội đã phải theo đối tượng vào tận Thanh Hóa, Nghệ An rồi Đắc Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận. Phải đi nhiều chuyến các anh mới bắt được đối tượng khi hắn đang lẩn trốn ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hay như cuộc truy bắt đối tượng Kiên "Kiểu" (trú tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Kiên "Kiểu" bị Công an Nam Định truy nã về tội "Chống người thi hành công vụ", là đối tượng côn đồ, nguy hiểm có tiền án về "cố ý gây thương tích" và "gây rối trật tự công cộng" cũng như có nhiều mối quan hệ với nhiều đối tượng hình sự trên địa bàn thành phố Nam Định nên việc bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn 100 ngày lẩn trốn, Kiên đã bị bắt.

Trung tá Nguyễn Vũ Hải.

Các đối tượng bị truy nã thường rất ranh ma, xảo quyệt, tìm mọi cách để che giấu tung tích khiến việc truy lùng gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại chuyên án vây bắt đối tượng Phạm Hữu Dũng, kẻ giết người trốn nã sau 10 năm lẩn trốn, Trung tá Nguyễn Vũ Hải vẫn không quên được những ngày tháng rong ruổi khắp nơi truy tìm tung tích đối tượng, có những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng.

Năm 1991, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, đối tượng Phạm Hữu Dũng, sinh năm 1967, trú tại phường Nguyễn Du, Nam Định đã ra tay sát hại anh Lâm Văn Thanh cùng trú tại thành phố Nam Định. Sau khi gây án, tên này bỏ trốn vào phía Nam và liên tục thay tên đổi họ, di chuyển chỗ ở để tránh sự theo dõi của lực lượng Công an.Trước hành vi đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT tại địa phương, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Phòng PC14 lập chuyên án truy bắt. Tuy nhiên suốt nhiều năm trời, Dũng đã lặn biệt tăm. Hắn xóa mọi dấu vết không để lại bất kì một manh mối nào nhằm che giấu tung tích của mình.

Quá trình xác minh thân nhân đối tượng, Cơ quan điều tra biết được, Dũng là con thứ hai trong gia đình có bốn anh em. Bố mẹ Dũng đều đã nghỉ hưu. Anh trai và hai em của Dũng có công việc đàng hoàng và có cuộc sống khá sung túc.Tuy nhiên, khi hỏi về các mối quan hệ của Dũng thì những người này hầu như mù tịt bởi họ không nhận được bất kì một mối liên hệ nào từ Dũng.

Tháng 10-2010, Phòng PC52 được thành lập, hồ sơ chuyên án được chuyển giao lại cho ban chuyên án mới của PC52. Và một kế hoạch đấu tranh chi tiết được vạch ra, Trung tá Nguyễn Vũ Hải trực tiếp chỉ huy một tổ công tác lần theo manh mối của đối tượng. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là gia đình Dũng đã chuyển cả nhà đi nơi khác sinh sống mà không có bất kì sự thông báo nào với cơ quan chức năng. Thậm chí khi các trinh sát về quê của Dũng tại xã Yên Tiến, huyện Ý Yên cũng không thu thập được bất cứ manh mối gì. Anh trai của Dũng cũng bỏ việc tại Sở thủy lợi Nam Định để chuyển đến nơi ở mới.

Không nản chí, các anh đã tìm đến gặp tổ trưởng tổ dân phố nơi Dũng sinh sống để nắm thêm manh mối. Trong cuộc gặp gỡ này, các anh đã có được nhiều thông tin quý giá như gia đình Dũng hiện đang định cư tại Sài Gòn, còn em gái của đối tượng  hiện vẫn đang sinh sống tại thành phố Nam Định.

Nhờ sự giúp đỡ của tổ trưởng dân phố, các trinh sát đã xác định được địa chỉ của em gái Dũng. Tuy nhiên, khi xác minh được thông tin về em gái Dũng thì tung tích về hắn vẫn bặt vô âm tín. Mất một thời gian dài Trung tá Nguyễn Vũ Hải cùng đồng đội phải căng mình truy tìm những dấu tích, những mối liên hệ của gia đình đối tượng. Cuối cùng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với C52, Bộ Công an ở phía Nam, các anh  đã phát hiện nơi ở của Phạm Hữu Dũng tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau 20 năm lẩn trốn, Dũng đã lấy vợ và có con. Chỉ đến khi Dũng bị bắt, vợ Dũng cũng như những hàng xóm xung quanh mới bàng hoàng khi biết hắn là tội phạm trốn truy nã vì tội giết người.

Trong câu chuyện với các trinh sát ngày bị bắt, tên tội phạm giết người ân hận thú nhận: khoảng 5 năm sau ngày gây án, hầu như đêm nào Dũng cũng cảm thấy lo lắng, sợ sệt, không yên. Sau này, tưởng rằng mọi người đã quên vụ án nên Dũng mới yên tâm lấy vợ và lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tá Nguyễn Vũ Hải chia sẻ, với nghề Cảnh sát truy nã quan trọng nhất là công tác vận động đầu thú.Trên thực tế, không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú, nhất là khi chúng đã "cao chạy xa bay" và tạo được vỏ bọc an toàn. Trong khi, không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng nhiệt tình cộng tác với Công an vận động người thân quay về chịu án. Người trinh sát phải là một chuyên gia tâm lý biết làm tốt công tác vận động, tạo được niềm tin với người thân của đối tượng để họ làm cầu nối tác động đến người phạm tội. Kiên trì thuyết phục, để người thân của đối tượng hiểu, pháp luật nghiêm trị những kẻ phạm tội ngoan cố, nhưng luôn khoan hồng, bao dung đối với những người phạm tội biết ăn năn, hối lỗi.

Chuyên án bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Tiến Dũng (Dũng Bắc) (trú tại phố Bắc Ninh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) thành công cũng nhờ công tác vận động đầu thú được chú trọng. Nguyễn Tiến Dũng bị truy nã về tội giết người, là đối tượng đã có 3 tiền án về tội "trộm cắp tài sản" "cố ý gây thương tích", đối tượng trong ổ nhóm côn đồ, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm.Trong thời gian dài kiên trì thuyết phục và cương quyết với gia đình cũng như đối tượng, ngày 24-6-2015, Dũng biết không thể trốn thoát nên đã phải ra đầu thú.

Nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận 3 Bằng khen của Bộ Công an,1 bằng khen của Trung ương Đoàn khi còn đang công tác tại Phòng PC45, l bằng khen của Bộ Công an và là điển hình tiên tiến toàn lực lượng Cảnh sát truy nã năm 2012, đó là những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Trung tá Nguyễn Vũ Hải. Dù biết truy nã tội phạm là công việc nguy hiểm nhưng anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ, bởi đó là niềm đam mê, là cơ hội để anh thử thách và rèn luyện bản lĩnh của mình.

Ngọc Mai
.
.
.