Phòng PC50 - Công an TP Hà Nội:

Không khoan nhượng với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ Năm, 07/08/2014, 08:00

Không còn là cái gì đó xa lạ, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã hiện hữu và tác oai, tác quái ngay trong đời sống thường nhật của mỗi người chúng ta. Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin có hơn 14 nghìn thuê bao điện thoại di động đã bị nghe lén, thì lại đến vụ hàng chục thuê bao điện thoại bị lừa hàng tỷ đồng từ những cuộc gọi giả danh lực lượng Công an. Hoảng hốt bao nhiêu, người dân giành sự ngưỡng mộ, tin tưởng, trông cậy cho lực lượng phá án bấy nhiêu.

Ít ai biết rằng, để lần ra những tên tội phạm nấp sau bàn phím hay trên xa lộ thông tin số, những người làm án đã phải “lao tâm, khổ tứ” bao ngày tháng. Hỏi chuyện những người lính còn rất trẻ ở Đội 5 – Phòng PC50 Hà Nội, chúng tôi “giải mã” được điều đã giúp họ liên tiếp thành công trong điều tra khám phá những chuyên án lớn trong thời gian chưa đầy một tháng vừa qua.

1. Xuất thân từ lính hình sự số 7 Thiền Quang, đầu quân cho PC50 Hà Nội chưa đầy một năm, nên Đại úy Phạm Văn Thịnh (Đội phó Đội 5) vẫn đậm chất “gấu” của Hình cảnh. Đó là sự máu lửa, xông xáo, ham đối mặt với thử thách. Bởi vậy mà mới đây, chỉ trong một ngày anh đã đề xuất lãnh đạo cho “nổ” đồng loạt cả hai chuyên án lớn.

Thịnh hào hứng kể: “Bọn em theo thông tin về ổ nhóm cung cấp ra thị trường các thiết bị nghe lén, giám sát điện thoại từ khá lâu rồi, nhưng chưa thu thập đủ chứng cứ để “keng” (bắt - PV). Đến giữa tháng 4/2014, trên mạng lại xuất hiện có thông tin rao bán phần mềm nghe lén điện thoại. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của dòng sản phẩm này đối với an ninh thông tin, Đội 5 đã báo cáo đề xuất lãnh đạo Phòng PC50 cho xác lập chuyên án để tổ chức đấu tranh. Trực tiếp Đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng, Thượng tá Tạ Văn Biên – Phó Trưởng phòng PC50 đã phê duyệt kế hoạch và chỉ đạo Đội 5 phải khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong thời gian sớm nhất phải làm rõ và bóc gỡ các ổ nhóm này. Nhận nhiệm vụ, bọn em bắt tay vào việc ngay.

Đội 5 PC50 Hà Nội khám xét Công ty Việt Hồng ngày 13/5/2014.

Giờ G được chọn vào buổi trưa 13/5/2014. Cả Đội 5 lặng lẽ rời trụ sở 54 Trần Hưng Đạo, chia thành hai mũi vận động đến địa điểm xác định. Tổ do Thịnh chỉ huy triển khai mật phục, đón bắt tên Lê Viết Tám (ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội). Qua cả tháng dày công điều nghiên, Thịnh phát hiện tên này chính là chủ của website “mspy.biz” chuyên cung cấp phần mềm theo dõi điện thoại “mspy”. Phần mềm này có tính năng thu thập tất cả các thông tin trên điện thoại bị giám sát, như tin nhắn đi, đến, cuộc gọi đi đến, định vị vị trí cụ thể GPS, Viber, ảnh trong điện thoại, lịch sử truy cập web, khôi phục dữ liệu điện thoại, danh bạ...

Để Tám “tâm phục, khẩu phục”, đòi hỏi phải bắt quả tang đúng lúc anh ta đang cài đặt phần mềm cho khách hàng. Một kế hoạch trinh sát liên hoàn đã giúp Thịnh kiểm soát mọi di biến động của tên này. Gần 12 giờ trưa, Tám cùng một phụ nữ bước vào quán cà phê bên đường. Người phụ nữ đưa ra một máy điện thoại bảo Tám cài đặt phần mềm này vào máy. Chị ta cho biết đang rất khổ sở vì chồng “say nắng” một em sinh viên thực tập, nên cần xem “ông ấy đi đâu, làm gì”! Tám thoăn thoắt cài phần mềm vào điện thoại rồi nhận tiền, đứng dậy định ra về. Bỗng đâu từ phía sau xuất hiện những bàn tay như thép ấn vai anh ta ngồi lại ghế. Tám mặt như chàm đổ bởi số vật chứng vẫn còn nguyên trên tay.

Khi Thịnh “xong việc”, thì ở số 110, phố Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, mũi trinh sát do Thiếu tá Lê Ngọc Chí – Đội trưởng Đội 5 dẫn đầu phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội bất ngờ ập vào kiểm tra hành chính Công ty Việt Hồng. Đây là địa chỉ cung cấp 2 phần mềm nghe lén điện thoại di động (ĐTDĐ) đặc biệt nguy hiểm, có tên là Ptracker và PtrackerERP. Sản phẩm này có mục đích chiếm quyền điều khiển, bí mật thu thập các dữ liệu trên ĐTDĐ bị giám sát và chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng. Khi bị cài đặt, tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi - đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy... đều sẽ được phần mềm này tự động lưu lại và đẩy lên máy chủ. Ngoài ra, phần mềm này còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G.

Quá bất ngờ, Đặng Hồng Đăng (Giám đốc công ty) cùng nhân viên đành “thúc thủ”. Tại máy chủ phát hiện có tới 14.140 tài khoản từng cài phần mềm Ptracker, trong đó dữ liệu của 7.447 tài khoản vẫn còn được lưu, 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian bị giám sát. Ước tính doanh thu bán phần mềm của công ty này khoảng 900 triệu đồng.

2. Tối 30/6/2014, tôi có mặt tại Công an phường Trung Hòa khi hai tên Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu (quốc tịch Đài Loan) đang ngồi giữa “vòng vây” của lính công nghệ cao, lầm lũi ký vào từng trang biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang. Được biết, cả hai bị bắt khi chúng đang rút tiền tại một cây ATM trên phố Nguyễn Thị Định. Khám xét phát hiện trong người có 54 thẻ tín dụng, cùng số tiền mặt gần 300 triệu đồng. Số thẻ này qua sơ bộ xác minh phát hiện đã thực hiện những giao dịch không dưới 7 tỷ đồng. Đây là phần kết có hậu của một chuyên án kỳ công. Dẫn quân đi lần này là Thượng úy Tạ Tuấn Dương – Đội phó Đội 5. Anh cho biết, hai tên này là những đối tượng đầu tiên trong một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại bị sa lưới.

Gần đây, lừa đảo qua viễn thông lại rộ lên với sự cấu kết giữa các lưu manh trong nước và tội phạm quốc tế, đến từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia. Đối tượng chúng thường nhắm đến là những người già, về hưu, cả tin... Mặc dù “kịch bản” các vụ án đã xảy ra tương đối giống nhau, cũng đã có sự cảnh báo, nhưng trong thời gian rất ngắn (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2014), trong cả nước đã có 16 người bị gọi điện lừa đảo. Trong đó có 9 người đã bị chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới gần 2 tỷ đồng.

Các đối tượng Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu (Đài Loan) bị Đội 5, PC50 Hà Nội bắt giữ tối 30/6/2014.

Tại Hà Nội có tới 7 người đã “sập bẫy” của bọn tội phạm. Thủ đoạn của chúng là cho đối tượng người Việt giả danh nhân viên tổng đài hay Công an đang điều tra án, gọi điện thoại cho chủ thuê bao thông báo việc họ nợ cước điện thoại, hoặc có liên quan dính líu đến vụ án hình sự. Sau đó, chúng yêu cầu chủ thuê bao nộp tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Những cuộc gọi trên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP - (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP).

Nhằm tạo lòng tin cho chủ thuê bao, chúng sử dụng phần mềm “giả lập” số điện thoại của các đơn vị Công an. Nghĩa là bằng các thủ thuật công nghệ cao, chúng tạo ra các số điện thoại “ảo” có đầu số +83 và các số sau đó trùng với số điện thoại của một cơ quan Công an. Khi người dân kiểm tra số điện thoại chúng đã liên hệ, tổng đài sẽ báo đó là số của Công an nên dễ tin là thật và chuyển tiền theo yêu cầu.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của ông Đ. (70 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về việc ngày 23/6, ông bị các đối tượng lừa đảo chiếm 720 triệu qua điện thoại, Đội 5 đã đề xuất xác lập chuyên án để tổ chức đấu tranh. Từ đây bắt đầu quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu. Hình ảnh các đối tượng thụ hưởng dòng tiền dần dần rõ ràng hơn trong mắt các trinh sát. Bám sát di biến động của nhóm rút tiền, chiều 30/6/2014, khi Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu vừa từ cây ATM đi ra với số tiền gần 300 triệu đồng vừa rút, tổ công tác Đội 5 đã ập tới khóa gọn trong sự kinh ngạc của những tên tội phạm đã từng qua mặt được cảnh sát nhiều nước

Đào Trung Hiếu (CSTC đặc biệt 2014)
.
.
.