Thượng tá Ngô Quốc Ánh, người Đội trưởng tiêu biểu của Đội trọng án Công an tỉnh Quảng Nam:

Không nản lòng trước hiểm nguy

Thứ Sáu, 25/04/2014, 16:52
25 năm tuổi nghề, 17 năm công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Quảng Nam. Bản thân anh đã nhận được hơn 20 bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh cho các thành tích của mình. Nhưng khi tôi hỏi anh bí quyết nào để phá án nhanh và đạt tỉ lệ cao, Thượng tá Ngô Quốc Ánh chỉ khiêm tốn trả lời, “đó là không ngại khó, không ngại khổ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Những thành tích đó không chỉ là thành quả của riêng cá nhân tôi, mà đó là công sức và trí tuệ của cả tập thể cán bộ, chiến sĩ của Đội trọng án”.

Nhạy bén và linh hoạt trong điều tra, khám phá án

"Hễ địa bàn nào có án nóng hay trọng án, ngay lập tức tôi và đồng đội phải có mặt"... Buổi trưa cuối tháng 3, mồ hôi ướt đầm trên vai áo anh dưới cái nắng nóng như đổ lửa tại hiện trường vụ án ở hồ Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Vậy mà Thượng tá Ngô Quốc Ánh chỉ kịp dành vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ nghỉ trưa, tranh thủ uống ngụm nước và chia sẻ được với tôi về chuyện nghề rồi anh và đồng đội lại lao vào công việc. "Điều tra trọng án là công việc rất vất vả và đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng dù có vất vả, nguy hiểm thế nào đi nữa cũng không làm Đội "phá án" chúng tôi nản lòng... Có những vụ án chúng tôi làm rõ rất nhanh. Nhưng cũng có những vụ, phải lao động cật lực suốt nhiều tháng trời. Hình ảnh những người vô tội bị sát hại hay sự lo lắng, hoang mang của người dân thôi thúc chúng tôi bằng mọi cách đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng” - Ánh chia sẻ.

Anh khoe với tôi, thành tích nổi bật nhất trong năm 2013 của Ánh và đồng đội là phá được vụ án buôn người xuyên biên giới tại địa bàn huyện Nam Giang. Đã có hàng loạt cô gái bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc dưới thủ đoạn đưa người đi tìm việc làm đã được các anh giải cứu. Từ sự trở về của nạn nhân Ka Phu Don (SN 1986, Cà Dy, Nam Giang), Thượng tá Ánh và đồng đội đã phát hiện ra đường dây buôn người do vợ chồng Nông Thị Bé (SN 1984, ở Đồng Lầm, Hòa Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) cầm đầu. Tiếp nhận thông tin từ nạn nhân, anh và đồng đội đã vạch một kế hoạch hoàn hảo bắt gọn vợ chồng đối tượng Bé tại Bến xe Đà Nẵng vào ngày 3/8/2013. Được sự chỉ đạo của cấp trên, anh quyết tâm mở rộng điều tra vụ án để giải cứu các nạn nhân khác cũng như đưa những kẻ buôn người giấu mặt ra đền tội. Không bao lâu sau đó, ngày 14/9/2013, các đối tượng buôn người sừng sỏ như Lương Thị Mằn (SN 1989), Lương Thị Lan (SN 1992), Cụt Văn Yên (SN 1982, cùng ngụ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) bị điều tra viên kỳ cựu này bắt giữ tại thành phố Vinh. Để bắt được các đối tượng này, thượng tá Ánh đã cùng đồng đội vượt hàng trăm cây số ra Nghệ An trinh sát, mật phục để lần theo từng bước chân của đối tượng. Còn một nạn nhân chưa giải cứu là còn một nhiệm vụ chưa hoàn thành, thế là Thượng tá Ánh lại tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ. Không quản ngại gian khổ, không nản chí trước những lời khai “không biết, không nghe, không thấy” của các đối tượng, hết phương pháp này đến phương pháp khác, anh quyết tâm bắt cho được những đối tượng còn lại. Cũng ngay ngày 14/9/2013, Vi Văn Hữu (SN 1993, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), một đối tượng mua bán người trong đường dây này bị bắt. Trong khi đó, đối tượng Xên Văn Dần (SN 1987, thôn Pà Xua, xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) thấy “động” nên bỏ trốn. Và hắn không ngờ rằng, đất rộng, người đông như thế nhưng Thượng tá Ngô Quốc Ánh vẫn kiên trì đi hết nơi này đến nơi khác để truy tìm tung tích của hắn. 19h30 ngày 30/9/2013, Xên Văn Dần đã bị bắt khẩn cấp về hành vi “mua bán người”.

Ánh còn bật mí "nghiệp vụ" với tôi, trong công tác điều tra, khám phá án, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự nhạy bén. Từ người trinh sát khi đi xác minh đến điều tra viên đánh giá tài liệu chứng cứ cho đến người lãnh đạo chỉ huy đều phải nhạy bén, nhận định đúng tình hình và ra quyết định có đưa đối tượng vào dạng hiềm nghi hay không. Mỗi vụ án, mỗi đối tượng đều có những đặc điểm khác nhau nên đòi hỏi cán bộ trinh sát, điều tra viên phải biết vận dụng biện pháp nghiệp vụ phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Một vụ án nữa đã từng gây chấn động dư luận và kết quả phá án gắn liền với sự tài tình, khéo léo của Thượng tá Ngô Quốc Ánh là vụ án xảy ra ngày 15/3/2012, tại thôn Khánh An, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh. Nạn nhân Huỳnh Thị Dung Bưởu (SN 1997, thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) khi bị sát hại đã có thai tháng thứ 5. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Thượng tá Ngô Quốc Ánh và đồng đội đã đủ cơ sở xác định, kẻ giết nạn nhân chính là Lê Đức Dũng (SN 1991, Khánh Thọ, Tam Thái, Phú Ninh). Thế nhưng sau khi án mạng xảy ra, Dũng không hề có mặt ở địa phương. Không chần chừ, anh và đồng đội đã vào TP Hồ Chí Minh để bắt giữ đối tượng Dũng. Biết không thể qua mặt điều tra viên lão luyện, Dũng đã thú nhận, vì Bưởu nói đã có thai với Dũng và buộc Dũng phải có trách nhiệm nên Dũng đã giết Bưởu. Nhưng thật bất ngờ, kết quả giám định cha đẻ của thai nhi trong lòng tử cung nạn nhân Huỳnh Thị Dung Bưởu lại không phải là Lê Đức Dũng! Vậy là, một nhiệm vụ đặt ra cho Thượng tá Ánh và đồng đội của anh là, ai chính là cha đẻ của thai nhi trong bụng nạn nhân? Trong khi đó, nạn nhân đã mất, không còn manh mối. Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm và sự thông minh, sáng suốt, thượng tá Ngô Quốc Ánh đã sàng lọc hàng chục người để tìm ra “tác giả” của bào thai trong bụng nạn nhân là Mai Quốc Tuấn (SN 1958), người tình của mẹ Bưởu. Cho đến khi Mai Quốc Tuấn nhận tội, người dân thôn Hòa Bình và kể cả bà Trần Thị Triện (1958), mẹ nạn nhân đều bàng hoàng, sửng sốt. Và cũng không ít người nức nở khen Thượng tá Ngô Quốc Ánh quá tài giỏi.

Tận tụy trong từng công việc

Thực hiện lời dạy của Bác, “Đối với công việc phải tận tụy”, trong từng vụ án, Thượng tá Ngô Quốc Ánh đã không ngại gian khổ, khó khăn, cùng đồng đội cẩn trọng trong xác minh, điều tra, đánh giá chứng cứ để nhanh chóng phát hiện tội phạm, không bỏ lọt người phạm tội và không làm oan người ngay. Không những nhiệt tình, khẩn trương, anh còn xây dựng cho mình tác phong kiên quyết, khôn khéo, kịp thời tiếp nhận và xử lý tin tố giác tội phạm của người dân. Từ những sợi tóc đến tàn thuốc vứt bỏ tại hiện trường hay một cái tên lưu lại trong danh bạ điện thoại cũng trở thành manh mối để anh và đồng đội phá một vụ án lớn. Điển hình như vụ án giết người xảy ra ngày 4/4/2012 tại Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1973), một người  hành nghề bói toán và chữa bệnh Đông y. Vì nạn nhân có mối quan hệ tình cảm phức tạp, hằng ngày tiếp xúc rất nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau nên việc sàng lọc đối tượng nghi vấn rất khó khăn. Với mẫu tóc của Nguyễn Thị N., hàng xóm của nạn nhân trong tay nạn nhân trước khi chết cho thấy bà N. thuộc diện đối tượng nghi vấn. Nhưng xác minh thì bà N. có chứng cứ ngoại phạm và mẫu tóc trên tay nạn nhân là do quá trình nạn nhân bắt bệnh và bốc thuốc cho bà N. Rồi có người trình báo cho cơ quan điều tra là nạn nhân có quan hệ tình cảm với một người đàn ông tên Nguyễn Văn K. trong thôn. Khi nạn nhân và ông K. mâu thuẫn, nạn nhân đã hăm dọa sẽ nói cho vợ ông K. biết quan hệ của hai người và ông K. cũng đã hăm dọa “cho nạn nhân biết tay”. Tuy nhiên, khi xác minh thì được biết trong thời gian nạn nhân bị giết, ông K. và vợ đang ở thành phố Tam Kỳ. Rồi lại có thông tin trước khi bị giết, nạn nhân và một “đồng nghiệp” khác mâu thuẫn, hăm dọa giết nhau do tranh giành khách…

Cứ thế, có rất nhiều thông tin mới và kẻ tình nghi mới khiến công tác điều tra như mò kim đáy bể. Thế nhưng, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác, Thượng tá Ngô Quốc Ánh đã rà soát, chắt lọc, đánh giá từng thông tin, chứng cứ. Trong hàng ngàn thông tin như thế, nhờ sự tận tụy mà anh đã nắm bắt được thông tin có giá trị phục vụ công tác điều tra. Trước khi nạn nhân bị giết, có một nhân chứng nhìn thấy một phụ nữ đeo khẩu trang điều khiển xe Taurus màu đỏ đen từ trong sân nhà nạn nhân phóng ra rất nhanh. Thứ hai, trong 50 số điện thoại liên lạc với nạn nhân trước khi nạn nhân bị giết, anh đặc biệt chú ý số thuê bao được lưu tên “Hoa” bị mất liên lạc từ sau khi vụ án xảy ra. Trưa 16/5, anh chỉ đạo trinh sát gọi vào số máy này thì có tiếng người “alô”. Thế nhưng khi nghe trinh sát hỏi: “Xin lỗi, chị có phải là chị Hoa không?” thì người kia tắt máy, cắt đứt cuộc liên lạc. Người đi xe Taurus màu đỏ đen có quan hệ với nạn nhân lên đến hơn 300 người, người tên “Hoa” thì không liên lạc được… Với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, cuối cùng, anh và đồng đội đã xác định được người có số thuê bao lưu tên “Hoa” trên máy của nạn nhân cũng chính là người đàn bà đi xe Taurus màu đỏ đen, tên là Trương Thị Kiều Phương (SN 1977, phường An Phú, TP Tam Kỳ).

Hết mực ngợi khen người Đội trưởng tận tụy - Thượng tá Ngô Quốc Ánh, Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng phòng PC45 cho biết: Những vụ án khó, phức tạp, hễ khó là có đồng chí Ánh. Hầu hết vụ án xảy ra ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, thậm chí sát biên giới Việt - Lào hay ở tỉnh bạn, đồng chí Ánh luôn đóng vai trò chủ lực. Công tác chuyên môn tích cực, nhạy bén, xuất sắc làm vậy, nhưng về đời thường Ánh lại là một người chiến sĩ Công an rất khiêm tốn, gần gũi với đồng đội. Ánh luôn là một tấm gương mẫu mực, luôn  sống, làm việc và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Hoài Thu
.
.
.