Không sợ HIV, quyết đấu với tội phạm ma túy

Thứ Hai, 04/08/2014, 11:32
Thành phố Hồ Chí Minh từ khi chuyển mình trở thành một trung tâm kinh tế lớn cũng là lúc tội phạm về ma túy hoạt động mạnh mẽ. Từng giờ trên mỗi điểm nóng ở mọi ngóc ngách của thành phố luôn có những cảnh sát chấp nhận đối diện với muôn vàn hiểm nguy, thậm chí có người còn đổ cả xương máu để đấu tranh, truy quét các loại tội phạm như ma túy, hình sự… Họ chính là những chiến sỹ Công an chuyên trách, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát phòng chống tội phạm…

Hai lần giáp mặt HIV

Tôi gặp Trung tá Nguyễn Quốc Trung vào một ngày buồn nhất trong cuộc đời anh khi cô con gái thứ hai không may qua đời vì dính dịch sởi. Cái nắng như đổ lửa của thời tiết cuối mùa khô ở Sài Gòn làm cho không khí tang tóc trong gia đình anh càng thêm ngột ngạt. Gương mặt hốc hác, dáng vẻ mệt mỏi sau những ngày thức trắng trong bệnh viện chạy chữa cho con, anh ngậm ngùi chia sẻ: “Cuộc đời này cho tôi rất nhiều nhưng cũng lấy đi không kém. Đã hai lần điều trị phơi nhiễm HIV, nay lại vĩnh viễn mất đứa con gái ngoan hiền, hiếu học”.

Sinh năm 1964 tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Tiền Giang, năm 1984, sau khi tốt nghiệp trung học cảnh sát, chiến sĩ Nguyễn Quốc Trung được điều động về công tác tại Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Năm 2000, khi bọn tội phạm về ma túy ở các nơi ùn ùn kéo về khu vực này để tá túc và lén lút hoạt động, anh Trung đã chủ động xin về làm công tác Cảnh sát khu vực phường 13 với mong muốn cùng với các bộ phận chức năng trong công an quận truy quét tận gốc loại tội phạm này. Trong quá trình hàng trăm lần truy quét tội phạm, anh Trung đã hai lần bị đám nghiện hút ma túy bị nhiễm HIV dùng kim tiêm còn dính máu tươi đâm thẳng vào người để hòng trốn thoát. Tuy phải trải qua nhiều đợt điều trị phơi nhiễm HIV và cũng từng ấy lần suýt ngã khụy khi bản thân cùng vợ con phải sống trong chuỗi ngày dài nơm nớp lo anh bị nhiễm bệnh (HIV) nhưng cho đến nay, Nguyễn Quốc Trung vẫn vững vàng.

Đại úy Trần Phan Thế Anh đang trao đổi công việc với lãnh đạo.

Vào năm 2004, trong một lần đi tuần tra, anh phát hiện tại hẻm 115, đường Lê Quang Định có nhiều kim tiêm nên đã yêu cầu lực lượng dân phòng cùng phối hợp dọn dẹp sạch sẽ và lên kế hoạch tuần tra hàng đêm để kiên quyết xử lý những đối tượng hút chích ma túy. Ngày 5/3/2004, khi một mình đi kiểm tra, Trung tá Trung phát hiện hai đối tượng đi xe gắn máy đã lén lút  vào hẻm 115 để tiêm chích ma túy. Khi được yêu cầu về Trụ sở công an phường làm việc, bất ngờ một trong hai thanh niên lấy ống xi - lanh  còn dính máu tươi đâm thẳng vào má anh Trung rồi chạy thoát, bỏ lại chiếc xe gắn máy tại hiện trường. Cú đâm ấy khiến anh Trung phải điều trị chống phơi nhiễm 6 tháng tại bệnh viện Nhiệt Đới, TP Hồ Chí Minh.

Lần gần đây nhất là vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 17/10/2011, khi đang trực tại đơn vị thì nhận được tin báo của quần chúng nhân dân qua điện thoại với nội dung: có một thanh niên tiêm chích ma túy nằm bất tỉnh tại trước cửa nhà số 5/9 đường Trần Văn Kỷ, phường 14, quận Bình Thạnh. Ngay sau khi nhận tin báo, anh Trung cùng với một đội viên đội bảo vệ dân phố tên Trần Tử Phi Hà xuống hiện trường thì phát hiện một thanh niên đang nằm dưới đất, bên cạnh là chiếc xe gắn máy hiệu Dream, biển số 54R2-0316. Tại cơ quan công an, hắn khai tên Mai Phước Bình, sinh năm 1980, ngụ tại 9/17, kênh 19/5, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Sau khi năn nỉ anh Trung không được, Bình rút trong người ra một ống chích loại to có gắn sẵn kim tiêm và dung dịch màu nâu bên trong dọa sẽ đâm nếu không thả hắn ra và hắn cũng đang bị Aids giai đoạn cuối. Anh Trung yêu cầu Bình bỏ ống tiêm xuống và chấp hành yêu cầu kiểm tra của cảnh sát thì hắn tiếp tục xông tới dùng kim tiêm định đâm nên anh Trung phải dùng còng số 8 đập mạnh vào tay Bình nhằm làm cho kim tiêm rơi xuống nhưng không được. Sau đó Bình lao ra xe gắn máy định tháo chạy liền bị anh Trung chặn lại. Bình không những không chấp hành mà còn lấy cây sắt dài khoảng 50cm giấu trong túi xách ra nhằm thẳng hướng anh Trung đánh xuống khiến tay anh bị chảy máu. Trong lúc anh Trung cùng anh Hà khống chế bắt được Bình thì máu trên trán của Bình chảy xuống phần bị thương trên tay của anh Trung và  một lần nữa, anh lại phải đi điều trị phơi nhiễm HIV tại bệnh viện Nhiệt Đới.

Giữ truyền thống gia đình. bất chấp hiểm nguy

Một trường hợp từng phải điều trị phơi nhiễn HIV khác đó là đại úy Trần Phan Thế Anh, tổ trưởng tổ phòng chống tội phạm Công an phường 13, quận 5, TP Hồ Chí Minh.

Ngày 5/4/2014, vào lúc 5 giờ sáng, tổ tuần tra do Đại úy Thế Anh dẫn đầu đang kiểm tra tại công viên Thăng Long thì phát hiện một tốp thanh niên gồm 3 nam, 1 nữ đang ngồi phân chia ma túy để bán lẻ cho con nghiện và tự chích ma túy cho nhau. Khi tổ công tác đến kiểm tra, ba thanh niên bỏ chạy, còn lại một nữ tiếp tục ngồi chích ma túy trực tiếp vào mạch máu. Ngay lúc ấy, Đại úy Thế Anh ra lệnh cho đối tượng ngồi yên tại chỗ, bỏ kim tiêm xuống để tổ công tác áp giải về phường làm việc. Cô gái giả vờ chấp hành, nhưng lợi dụng lúc trời còn chưa sáng hẳn, tầm nhìn bị hạn chế, đã bất ngờ vơ lấy kim tiêm còn dính máu tươi đâm thẳng vào tay Đại úy Thế Anh rồi tháo chạy. Tuy bị đâm kim tiêm còn dính máu nhưng Đại úy Thế Anh cùng lực lượng dân phòng vẫn tiếp tục truy đuổi bọn tội phạm và anh chỉ chịu nghỉ ngơi khi lãnh đạo Công an phường 14 và Công an quận 5 biết được sự việc yêu cầu anh tạm dừng việc truy quét tội phạm và đưa anh vào bệnh viện Nhiệt Đới xét nghiệm máu. Ngay sau đó Đại úy Trần Phan Thế Anh đã được bệnh viện giữ lại để điều trị phơi nhiễm HIV trong thời gian 6 tháng.

Đại úy Trần Phan Thế Anh.

Khoảng hơn một tháng sau, khi bắt được Giang Mỹ Hoa là đối tượng trực tiếp đâm kim tiêm vào tay thì tinh thần của Trung úy Thế Anh mới bị dao động bởi sau khi đưa đối tượng đi xét nghiệm HIV và từ lời khai của chính đối tượng, anh mới biết cô ta đã có thâm niên gần 20 năm tiêm chích, buôn bán ma túy và đang bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. “Theo yêu cầu điều trị của bác sỹ, mỗi ngày mình phải uống thuốc hai lần và phải đúng đến từng giờ, từng phút. Có lần vì mải đuổi theo hai đối tượng giật dây chuyền của người đi đường, mình uống thuốc chậm gần 30 phút nên trong lòng cảm thấy bất an vô cùng. Đặc biệt đến khi biết Hoa có thâm niên tiêm chích ma túy và nhiễm HIV giai đoạn cuối thì mình thực sự cảm thấy ớn lạnh. Bởi  nếu mình có mệnh hệ gì thì ngoài bản thân bị suy sụp, còn vợ và hai đứa con thơ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ và có thể sau này họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi hình ảnh người chồng, người cha bị nhiễm HIV luôn treo lơ lửng trước mặt...”, đại úy Trần Phan Thế Anh chia sẻ.

Cuộc chiến đấu với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy vẫn còn tiếp diễn, lực lượng Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát phòng chống tội phạm nói riêng vẫn phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với biết bao hiểm nguy trực chờ trước mắt. Nhưng với các anh mà nói như Trung tá Nguyễn Quốc Trung và Đại úy Trần Phan Thế Anh thì: “Chuyện nhiễm HIV thì trời kêu ai nấy dạ..., Nhưng bọn mình chống lại cái ác chắc trời thương nên không kêu đâu... Hiện tại mình đang phải điều trị chống phơi nhiễm HIV song xác định là chiến sỹ Công an thì không được phép sợ mà phải luôn quyết tâm chiến đấu với các loại tội phạm đến cùng để bảo đảm bình yên cuộc sống cho người dân thành phố

Đức Cương
.
.
.