Làm bảo mẫu con của phạm nhân

Thứ Tư, 06/08/2014, 14:00

Có lẽ cho đến giờ, chưa có nhiệm vụ nào mà các chiến sĩ Công an Quận Kiến An (Hải Phòng) đã từng nhận lại đặc biệt đến thế. Đó là những ngày tháng mà các cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trông chừng…một cháu bé 8 tháng, con trai của phạm nhân.

Bỏ con ngay tại phiên tòa

Theo như lời kể của các cán bộ, chiến sĩ thì vào sáng 24/1/2014, TAND quận Kiến An (Hải Phòng) mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm vụ án “Môi giới mại dâm” và “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với 4 bị cáo, trong đó có Nguyễn Thị Hường (SN 1986, ở thôn Nhất, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, Hà Nam).

Khi cảnh sát bảo vệ phiên tòa đang dẫn giải các bị cáo từ phòng xét xử xuống phòng lưu giữ bị cáo để Hội đồng xét xử nghị án, bất ngờ một thanh niên từ bên ngoài chạy vào tòa án, tay bế một cháu bé. Nhanh như cắt, thanh niên này đặt cháu bé vào tay bị cáo Hường rồi bỏ chạy thục mạng. Cảnh sát có mặt ở tòa một mặt canh chừng phạm nhân, mặt khác đuổi theo thanh niên nọ, nhưng anh ta đã chạy mất dạng.

Tại tòa, bị cáo Hường tay ôm chặt đứa bé, rơm rớm nước mắt nói rằng: “Cháu là con của tôi”. Theo như bị cáo Hường cho hay, người đàn ông vừa bỏ chạy kia là chồng không hôn thú của mình. Hiện tại Hường không biết rõ anh ta đang ở đâu, liên lạc qua điện thoại thì người này không bắt máy. Trước tình huống bất khả kháng đó, các chiến sĩ Công an đành phải nhận nhiệm vụ trông cháu bé để phiên tòa được tiếp tục. Ngay sau đó, cháu bé được các cán bộ chiến sĩ đội thi hành án, Công an quận Kiến An đưa về nhà ông bà ngoại tại tỉnh Hà Nam.

Thế nhưng, khi đưa cháu bé về tới nhà ông bà ngoại của cháu, hoàn cảnh gia đình của hai ông bà khiến các chiến sĩ hết sức mủi lòng. “Dưới căn nhà tồi tàn, cụ ông thì nằm bệnh liệt giường, cụ bà cũng có tuổi rồi mà còn phải lao động để nuôi cháu lớn của Hường. Chúng tôi cũng ngỏ ý muốn có khoản trợ cấp giúp đỡ hai ông bà nuôi cháu bé nhưng với hoàn cảnh, sức khỏe của họ như thế thì sao nuôi được thêm một cháu nữa...” Đại úy Nguyễn Thị Vân – đội phó đội thi hành án cho biết.

Các cán bộ chiến sĩ luôn túc trực để chăm sóc cháu Phong.

Trước tình huống nan giải ấy, lãnh đạo Công an Quận đã báo cáo Giám đốc CATP, quận ủy, UBND quận Kiến An để xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó họp bàn để đưa ra nhiều phương án giải quyết nhưng tất cả đều không khả thi. Cuối cùng, một giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề này đó là để cháu bé lại Công an quận để chăm sóc.

Đứa con chung của đơn vị

Quả thật như Đại tá Nguyễn Đức Đáng - Trưởng Công an quận Kiến An nhận xét, đây là một nhiệm vụ hy hữu chưa từng thấy. Để có thể chăm sóc cháu bé được tốt nhất, Hội phụ nữ Công an quận đã được cắt cử để làm nhiệm vụ này. Ngoài lịch công tác hàng ngày, các nữ chiến sĩ ở đây còn có thêm một lịch trực mới đó là... lịch trông trẻ với 7 ca/ngày.

Với các nữ chiến sĩ, nhiệm vụ này vừa dễ dàng nhưng lại có những khó khăn. Bởi lẽ những người đã lập gia đình thì nuôi dưỡng một cháu bé 8 tháng tuổi không phải khó, nhưng họ còn công việc của người vợ, người mẹ đang chờ họ ở nhà. Còn với những chiến sĩ trẻ chưa có gia đình thì việc chăm sóc một đứa trẻ lại là một thứ còn mới mẻ, bỡ ngỡ. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm và bằng cả hơi ấm của tình người, đứa bé bị người cha bỏ rơi, phải sống xa vòng tay của người mẹ đã sống khỏe mạnh dưới sự chăm sóc của các chiến sĩ.

Ngoài ra, Công an quận Kiến An còn phải giúp cho mẹ đang chờ xét xử làm giấy khai sinh cho cháu bé. Do sau khi sinh được nhiều tháng, mẹ cháu bé lại “quên” không làm giấy khai sinh. Cơ quan tư pháp đăng ký khai sinh yêu cầu phải có bố, hoặc mẹ đến, nhưng lúc này bố cháu đã trốn biệt tích, còn mẹ đang ở trong tù. Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng cơ quan tư pháp đồng ý làm khai sinh cho cháu bé với thủ tục chưa có tiền lệ là cơ quan công an đăng ký khai sinh cho một cháu bé. Cháu bé được khai sinh theo họ mẹ với tên Nguyễn Đức Phong.

Kể về những ngày chăm sóc cháu, Đại tá Nguyễn Đức Đáng cười và nói: “Thằng bé như đứa con chung của đơn vị, chúng tôi cũng thuê thêm một bảo mẫu để hỗ trợ các nữ chiến sĩ nhưng chẳng mấy khi bà ấy phải bế. Cứ hết đồng chí này đến đồng chí khác tranh thủ lúc rảnh rỗi lại ra bế cháu một lúc”. Và ngay cả lãnh đạo Công an quận, dù công việc bận rộn mệt mỏi vào những ngày gần tết Nguyên Đán nhưng cũng tranh thủ bế cháu Phong sau giờ làm việc. Có thể nói, dù bị bố đẻ bỏ rơi nhưng ở nơi đây, cháu cũng đã có bao nhiêu ông bố bà mẹ luôn quan tâm chăm sóc.

Cháu bé được đoàn tụ với mẹ.

Những ngày đầu sống tại Công an quận, do sức khỏe còn yếu nên đêm nào cháu cũng kêu khóc. Lúc ấy, những nữ chiến sĩ được phân công trực đêm trông cháu lại phải ẵm nựng dỗ dành. Có những chiến sĩ chưa lập gia đình nên còn lạ lẫm với việc thay tã, đổ bô cho trẻ nhưng chỉ sau vài ngày lại thành thạo như là một người mẹ thực thụ. Do cháu được đưa về quận nuôi nấng vào những ngày giáp tết công việc bận rộn, sau một đêm dài bế ẵm, sáng hôm sau những chiến sĩ lại phải tiếp tục làm việc như bình thường. 

“Mọi người ở đây dù bận thật nhưng ai cũng thương cháu Phong nên cố gắng động viên nhau để chăm sóc cháu cho tốt. Khổ thân thằng bé, còn chưa đủ nhận thức đã bị bố bỏ rơi, mẹ thì phải chịu án. Không biết tương lai cháu sẽ đi về đâu...” Đại úy Vân ngậm ngùi.

Và rồi, mỗi người một chút tình thương thể hiện qua chiếc quần, tấm áo hay hộp sữa ấy đã giúp sưởi ấm cho đứa bé đáng thương này. Có lẽ nếu cháu Phong lớn hơn một chút nữa, có thể nhận thức được sự việc thì cháu sẽ không quên được cái tết mà các “bố, mẹ” trong bộ cảnh phục tranh nhau ẵm bế, mừng tuổi. Nhiều người còn đùa rằng, tiền lì xì cho cháu có khi còn nhiều hơn cả những đứa con ở nhà. Điều đó chỉ để thể hiện được rằng, những ông bố, bà mẹ này yêu thương, quan tâm tới cháu đến mức nào. Để rồi sau một tháng ở cùng với các chiến sĩ, bệnh tật cháu Phong mắc phải những ngày trước đó cũng dần tiêu biến, cho đến ngày đoàn tụ với mẹ cháu cũng tăng được 3kg.

Lá thư đẫm nước mắt

Người ta thường nói, đối với một đứa trẻ thì không đâu tốt hơn vòng tay của mẹ. Nhận thấy điều đó, lãnh đạo Công an quận Kiến an đã liên hệ làm việc với CATP Hà Nội để làm thủ tục tiếp nhận cháu Phong về Trại tạm giam số 1 nơi Nguyễn Thị Hường bị giam giữ để nuôi dưỡng. Như vậy sau hơn một tháng được sống cùng các chiến sĩ, ngày 27/2 Công an quận Kiến An đã đưa cháu Phong đoàn tụ với mẹ.

Cũng trong buổi làm việc hôm ấy, sau khi bế đứa con trai bé bỏng trên tay, nước mắt của Hường lã chã tuôn. Tại bàn làm việc, Hường thẽ thọt mượn cán bộ trại giam một cây bút và một tờ giấy rồi hí húi viết trong nước mắt. Nhìn cảnh ấy, các chiến sĩ có mặt ai cũng thấy thương cảm cho người phụ nữ đã bước vào con đường lầm lỡ này.

Sau khi viết hết hai mặt giấy, Hường gửi cho các cán bộ của đội thi hành án hôm ấy, đó là bức thư cảm ơn lãnh đạo CATP Hải Phòng và Công an quận Kiến An. Bức thư còn thấm ướt nước mắt của một phạm nhân trước nghĩa cử cao đẹp của người chiến sĩ. Nếu không có những nghĩa cử ấy thì đứa bé đang ẵm trên tay Hường đây không biết sẽ thế nào sau khi bị người cha nhẫn tâm bỏ rơi.

Còn với các chiến sĩ Công an quận Kiến An, sau ngày chia tay cháu Phong, mỗi lần gặp cán bộ lãnh đạo ai cũng hỏi thăm về tình hình của cháu. Đối với họ một tháng ấy không chỉ là công việc, nhiệm vụ được giao mà còn là kỉ niệm khó quên đối với một đứa con bé nhỏ, tội nghiệp...

Ngọc Minh - Ngọc Trâm (CSTC đặc biệt 2014)
.
.
.