Lặng lẽ gieo mầm thiện

Thứ Hai, 13/06/2016, 10:28
Với mỗi cán bộ quản giáo Trại tạm giam- Công an Hòa Bình, Đại úy Nguyễn Xuân Điệp, Đội trưởng Đội phân trại quản lý phạm nhân là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống và tinh thần trách nhiệm trước công việc. Ít ai biết rằng, Đại úy Nguyễn Xuân Điệp có gia cảnh éo le. Cha mẹ mất khi anh vừa chập chững vào lực lượng Công an, đến người con trai của anh cũng sớm từ biệt cõi đời.

Vượt trên hoàn cảnh khó khăn, Đại úy Nguyễn Xuân Điệp luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao bởi với anh, hạnh phúc lớn nhất là cảm hóa những con người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội.

Năm 2000, học hết bậc phổ thông, Nguyễn Xuân Điệp - chàng trai sinh năm 1981 người dân tộc Mường, quê ở Kim Bôi tỉnh Hòa Bình được gọi nhập ngũ trong lực lượng Công an nhân dân. Ngay từ khi còn nhỏ, hình ảnh các chiến sỹ Công an tả xung, hữu đột trong đấu tranh, trấn áp tội phạm gieo vào tâm hồn trẻ thơ hình ảnh đẹp, uy nghi về chiến sỹ Công an. Ước mơ từ thủa nhỏ thành hiện thực, anh thầm hứa sẽ tích cực học tập, rèn luyện để mai này phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Sau một thời gian huấn luyện, Nguyễn Xuân Điệp được điều về Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Thấy mình tuổi đời chưa đến hai mươi, chưa qua trường lớp mà mới chỉ được huấn luyện ngắn ngày, nay lại trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân đủ mọi tội danh, các kiểu vi phạm thì làm sao đây?… Biết được những băn khoăn, lo lắng của Điệp cũng như bao chiến sỹ nghĩa vụ khác, Ban Giám thị và cán bộ quản giáo nhiều kinh nghiệm rất cảm thông và tận tình chỉ bảo.

Không phụ tấm lòng những đồng nghiệp đi trước, Nguyễn Xuân Điệp ra sức học hỏi và rèn luyện bản thân. Càng ngày anh càng "thấm" việc học tập phải gắn với thực tiễn công tác. Từ đó Nguyễn Xuân Điệp tập trung cao độ thời gian và tâm trí của mình vào công việc chuyên môn, và hễ có thời gian rảnh là anh lại nghiên cứu hồ sơ, liên hệ giữa sách vở và cách giải quyết vụ việc đang diễn ra hàng ngày ở Trại tạm giam. Vừa làm, vừa học, Nguyễn Xuân Điệp ngày càng trưởng thành, được giao đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng. Anh được lãnh đạo tin tưởng, đồng đội quý mến, nể phục.

Đại úy Nguyễn Xuân Điệp (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về nghề.

Là cán bộ quản giáo trẻ phụ trách phạm nhân thành án trong đó không ít phạm nhân  phạm tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy và mại dâm, nếu không nắm chắc quy định, quy chế Trại giam thì thật khó làm việc. Nhưng nếu chỉ biết dựa vào quy định, quy chế mà không biết vận dụng linh hoạt thì kết quả cảm hóa giáo dục lại không cao. Phạm nhân là người có tội. Trong thời gian thi hành án họ tạm thời mất một số quyền công dân chứ không phải tất cả. 

Và hơn hết, họ cũng là con người. Mà với truyền thống "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại" của dân tộc ta, nhiệm vụ cao hơn thế đó là cảm hóa, giáo dục những người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội. Phải làm thức tỉnh tính bản thiện trong con người họ, giúp họ nhận ra lỗi lầm để cải tạo thật tốt. Có như vậy, cán bộ quản giáo mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

"làm việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm trong sáng. Coi phạm nhân như người thân của mình" - đó dường như là kinh nghiệm quý giá mà Đại úy Nguyễn Xuân Điệp có được qua thực tiễn công tác. 

Là một trong số không nhiều cán bộ lâu năm ở Trại, Đại úy Điệp phải đối mặt với biết bao loại người trong xã hội. Anh chia sẻ: quản lý, giáo dục phạm nhân là nhiệm vụ đầy nguy hiểm, cám dỗ, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có bản lĩnh vững vàng, một ý chí thép. Một nguyên nhân khách quan là hiện nay, số lượng tử tù chờ thi hành án khá cao. Sức chứa nhà tạm giam có hạn, cán bộ quản giáo còn mỏng, do vậy việc quản lý gặp nhiều khó khăn. 

Trước đây chính tại trạm giam này, đã từng có cán bộ mắc sai lầm, bị phạm nhân dụ dỗ dẫn tới vi phạm pháp luật, nên Ban Giám thị Trại tạm giam xác định, việc đầu tiên phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản giáo tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, kiên định thì mới đáp ứng yêu cầu được giao. Chính vì vậy, hầu hết cán bộ quản giáo đều yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành mọi mệnh lệnh, kỷ luật của đơn vị.

Đối với mỗi cán bộ quản giáo, điều khó nhất không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao "chạm" được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công. Đối với tử tù thì họ sám hối, ăn năn trước khi đền tội. 

"Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản. Nhiều tử tù như: Nguyễn Văn Tuấn ở Phù Cừ, Hưng Yên kẻ nhẫn tâm sát hại dã man người lái xe ôm vô tội chỉ để cướp chiếc xe máy hay Dương Ngô Duy ở Tân Yên, Bắc Giang thách thức pháp luật khi vận chuyển ma túy với số lượng kỷ lục, lên tới 120 bánh heroin... trước khi thi hành án họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ. "Chứng kiến những thời khắc đó, tôi không khỏi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn" - Đại úy Điệp chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của anh, việc nắm bắt và sử dụng biện pháp tác động tới tư tưởng, tình cảm giúp việc cảm hóa phạm nhân thuận lợi hơn. Điệp kể: Khi phạm nhân Hà Văn N. người dân tộc Thái ở huyện Mai Châu được đưa từ Công an huyện về Trại. Trong hành lý của anh ta có một bức thư của vợ, có đoạn: "Anh N. ạ, Em nghe bảo mai có xe đưa anh về Trại. Không biết em có đi thăm được anh không? Em bán gánh củi được 7.000đ, bà chủ quán bán rẻ cho mấy cái bánh chưng và gửi cho anh một cái. Nếu về trại thì anh cố gắng cải tạo để nhanh về với mẹ con em. Đêm hôm qua người ta đi soi ở ngoài đồng đông lắm. Thấy thế con nó bảo nếu có bố ở nhà thì nhà mình khối nhái ăn…"

Đọc những dòng này, Điệp không kìm được xúc động. Anh biết hoàn cảnh gia đình phạm nhân N. hết sức khó khăn. Tình cảm chân thật của người vợ và ước mơ trong trẻo của đứa con như thế hẳn người phạm nhân này không thể hoàn toàn xấu. Từ đó Điệp quan tâm đi sâu vào tình cảm gia đình thăm hỏi, động viên mà thành cảm hóa N. Kết quả N. chăm chỉ lao động, cải tạo và được giảm án ra trại trước thời hạn.

Hay như một ngày hè nắng chói chang. Từ xa anh thấy một phạm nhân đang làm cỏ giữa vườn rau mà đầu không mũ nón. Lo lắng cho sức khỏe phạm nhân, anh vội vàng mượn chiếc mũ rồi cầm xuống cho  phạm nhân này. Hành động nhỏ song tác động ghê gớm tới tư tưởng người phạm nhân vốn "cứng đầu" này. Nguyễn Công H. cảm nhận sự chia sẻ, độ lượng từ người quản giáo  tốt  bụng, anh ta cởi mở, thân thiện hơn với cán bộ quản giáo và phạm nhân khác. Từ đó H. thay đổi hẳn thái độ và cải tạo tiến bộ.

Thế nhưng, cuộc sống của Đại úy Điệp có những nốt trầm, có lẽ chỉ mình anh hiểu và cảm nhận rõ rệt nhất. Năm 2002, khi anh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì người cha thân yêu của anh đột ngột qua đời khi ông đang thực hiện một công việc ở tận tỉnh biên giới Lạng Sơn. Sau sự ra đi bất ngờ của người cha thì mẹ Điệp lại mắc căn bệnh hiểm nghèo. Chưa đầy 3 năm sau, mẹ anh lại qua đời. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. 

Đầu năm 2008, Điệp xây dựng gia đình với cô Nguyễn Thị Lan. Cuối năm 2008, vợ chồng Điệp vô cùng hạnh phúc khi có con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Xuân Đạt. Thế nhưng, đến tháng 8/2011, cu Đạt bỗng nhiên bị sốt và chưa đầy một ngày sau cháu lại bỏ bố mẹ mà đi theo ông bà. Vợ chồng Điệp suy sụp tinh thần tưởng như không gượng dậy nổi. Cơ quan và gia đình không ai cầm được nước mắt. Bạn bè, đồng đội thường xuyên gần gũi,  động viên giúp anh vượt qua mất mát quá lớn này. Giúp anh có nghị lực, tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn.

Nói về người cán bộ giàu tình cảm, Đại tá Nguyễn Văn Long - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình coi Đại úy Điệp như người em ruột thịt của mình. Nguyễn Xuân Điệp là cán bộ mẫu mực về đạo đức và lối sống, là tấm gương cho cán bộ trẻ noi theo học tập. Người thân, đồng nghiệp chưa khi nào thấy anh than vãn về nghề, hoặc có ý định chuyển môi trường công tác khác để an nhàn. 

Trong con người Đại úy Nguyễn Xuân Điệp luôn có niềm đam mê cháy bỏng, tâm huyết được giáo dục, quản lý những con người một thời lầm lỗi, thức tỉnh tính bản thiện trong con người họ. Với Đại úy Nguyễn Xuân Điệp, đó là điều anh mãn nguyện lắm rồi!

Như Hùng
.
.
.