Lắng nghe để người dân chia sẻ

Thứ Năm, 28/06/2018, 08:45
Từng là Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội nên Thiếu tá Đào Mạnh Cường là một người rất quyết liệt và cứng rắn. Thế nên, khi được chuyển về làm Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thiếu tá Cường phải tự thay đổi mình rất nhiều để phù hợp với công việc mới. Và một trong những “bí quyết” của anh chính là “luôn lắng nghe”.


Được bố truyền lửa

Xuất thân trong gia đình “con nhà nòi” có cả bố và mẹ đều làm trong ngành an ninh, anh Đào Mạnh Cường đã được “truyền lửa” từ rất sớm. “Từ nhỏ, nhìn bố mặc ‘nguyên cây’ đồng phục an ninh tôi đã rất thích và ước ao lớn lên sẽ thi vào ngành an ninh/cảnh sát”, Thiếu tá Cường chia sẻ. 

Thấy con thích làm cảnh sát, bố anh Cường - một cán bộ trong Tổng cục Hậu cần - đã động viên anh mạnh dạn thi vào trường Cảnh sát khi anh vừa hoàn thành chương trình trung học phổ thông. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp anh Cường được phân công về Đội CSHS Công an quận Đống Đa, công tác ở Tổ phòng chống tội phạm về cướp giật. Đó chính là nơi chàng chiến sĩ CAND Đào Mạnh Cường trưởng thành cả về bản lĩnh và nghề nghiệp. 

Anh đã công tác tổng cộng tại đó tới 12 năm. Trong thời gian này, anh vừa tham gia công tác vừa đi học nâng cao. Anh thi vào học ở Học viện Cảnh sát từ năm 2008. Sau khi tốt nghiệp, qua quá trình công tác anh được cấp trên tín nhiệm thăng chức lên làm Phó Đội trưởng Đội CSHS Công an quận Đống Đa, phụ trách Tổ phòng chống tội phạm về cướp giật.

Trong suốt thời gian công tác tại Đội CSHS Công an quận, Thiếu tá Đào Mạnh Cường đã có nhiều đóng góp phá nhiều chuyên án phức tạp trên địa bàn. Đặc biệt, có vụ một tên cướp bị anh đạp ngã xe nhưng về sau lại cảm ơn anh. 

Khi đó, có một vụ cướp giật xảy ra trên địa bàn, Tổ phòng chống tội phạm về cướp giật đã xác định được nghi phạm nên đã nhờ một người có quen biết với nghi phạm hẹn ra gặp ở gầm cầu Ngã Tư Vọng để bàn chuyện “làm ăn”. Anh Cường đi cùng với người này đến điểm hẹn, đóng giả là dân ăn chơi, nhưng vừa nhìn thấy anh nghi phạm đã rồ ga tính chạy trốn. 

Nhanh như chớp anh Cường túm vai áo và giẫm lên bàn đạp xe máy khiến cả xe và người nghi phạm ngã vào trong lề đường. Ngay khi đó, một chiếc xe tải lao vút qua vị trí trước đó là xe máy của nghi phạm. Sau khi bắt được nghi phạm này, Tổ phòng chống tội phạm về cướp giật đã lần ra manh mối của 20 vụ cướp giật khác. 

Thiếu tá Đào Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Anh Cường đã tận tình khuyên nghi phạm bồi thường tài sản cho tất cả các nạn nhân của mình để được hưởng những hình thức giảm nhẹ. Nghi phạm đã thực hiện tốt và về sau cảm ơn Thiếu tá Đào Mạnh Cường vì đã đạp ngã xe của mình ngày nào: “Nếu không nhờ anh, có lẽ em đã không còn sống”.

Các chiến sĩ của Tổ phòng chống tội phạm về cướp giật như anh Cường phải luôn đối diện với nhiều nguy hiểm. Việc các anh phải tiếp cận, truy bắt những đối tượng có súng vẫn thường xảy ra. Trong các vụ đó, các anh luôn phải lên kế hoạch hành động rất chi tiết và cụ thể; đồng thời xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, để làm sao đảm bảo được tính mạng của anh em. 

Bên cạnh việc đối diện với hiểm nguy, các anh còn phải “nếm mật nằm gai” để có thể phá các chuyên án phức tạp. 

Anh Cường kể, có vụ trộm cắp xe, anh và khoảng 20 chiến sĩ khác đã phải thay phiên nhau theo dõi đối tượng. Nhờ đó, các anh không chỉ bắt được các đối tượng trộm cắp mà còn phá được cả đường dây tiêu thụ xe gian lớn ở Hà Nội và Hà Nam.

Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân

Đến năm 2017, Thiếu tá Đào Mạnh Cường được chuyển về công tác tại phường Láng Hạ, đảm nhiệm vị trí Trưởng Công an phường. Đây là một sự thay đổi rất lớn trong công tác đối với anh Cường, vì dù đều phục vụ trong ngành Công an nhưng tính chất công việc của 2 vị trí này khá khác biệt. 

Trong khi những chiến sĩ CSHS được mệnh danh là “quả đấm thép” của ngành, mọi việc đều cần xử lý cứng rắn, quyết liệt theo luật; thì Công an phường lại cần xử lý mọi việc một cách mềm mỏng, khéo léo mới có thể thu phục lòng dân. 

Sở dĩ có sự khác biệt này vì đối tượng của các CSHS là bọn tội phạm, trong khi đối tượng của Công an phường lại chủ yếu là người dân, tội phạm cũng có nhưng ít hơn. Với người dân, Công an thường phải tuyên truyền, nhắc nhở trước để người dân hiểu và chấp hành tốt luật pháp, từ đó mới tạo được sự đồng thuận.

Những khác biệt này đã khiến Thiếu tá Cường phải nỗ lực học hỏi rất nhiều. Và một trong những “bí quyết” của anh chính là lắng nghe càng nhiều càng tốt. Trên địa bàn phát sinh bất cứ vụ việc mâu thuẫn nào, anh đều trực tiếp xuống dân để lắng nghe những tâm tư, bức xúc của họ. Qua đó anh hiểu rõ người dân và cả tình hình trên địa bàn.

Trong những ca trực, dù là Trưởng Công an phường nhưng anh Cường luôn đích thân ra ngồi ở bàn trực ban, để có thể trực tiếp tiếp nhận ý kiến của người dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ. Anh cũng nhiệt tình hướng dẫn người dân từ những việc đơn giản đến phức tạp, nhờ đó đã được người dân tin tưởng, sẵn sàng cung cấp thông tin. 

“Được người dân tin tưởng mình có thể nắm bắt thông tin nhanh nhạy và chính xác, thậm chí còn hơn từ nguồn cán bộ cơ sở” - Thiếu tá Đào Mạnh Cường chia sẻ - “Mình phải nghe trực tiếp và hiểu được mọi việc mới có thể đưa ra được cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Những vấn đề nào mình không giải quyết được cũng có thể hướng dẫn/tư vấn cho người dân, giúp họ giảm được thời gian không phải đi lại nhiều lần”.

Rút kinh nghiệm từ người đi trước

Khi mới về phường, Thiếu tá Đào Mạnh Cường được các cán bộ cơ sở tại đây phản ánh Công an phường ít tiếp xúc với người dân, trong các cuộc họp cán bộ cơ sở không được tạo điều kiện để trình bày thoải mái. Rút kinh nghiệm từ điều này, anh Cường rất chú trọng đến công tác tiếp xúc dân và động viên các cán bộ cơ sở.

“Mình phải lắng nghe thì người dân mới chia sẻ. Người dân, tổ dân phố, cán bộ cơ sở có chia sẻ mình mới nắm được thông tin, nắm được thông tin mới có thể giải quyết được vấn đề”, Thiếu tá Cường - Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội cho biết.
Anh đã chỉ đạo các cảnh sát khu vực (CSKV) thường xuyên tổ chức họp với người dân tại địa bàn mình để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ. Anh cũng thường trực tiếp xuống cơ sở với CSKV. Với các cán bộ cơ sở, đích thân anh thỉnh thoảng lại xuống nhà từng người để hỏi thăm và động viên, lắng nghe những chia sẻ của họ.

“Quan trọng nhất là để mọi người mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Họ càng góp ý nhiều với mình thì càng tốt, nhờ đó mình thấy được những điểm yếu và điểm mạnh để cải thiện đơn vị và bản thân. Chỉ sợ người ta không nói mà thôi”, Thiếu tá Đào Mạnh Cường chia sẻ. 

Nhưng để người ta mạnh dạn nói lên ý kiến của họ, trước tiên mình phải tạo được sự tin tưởng; thứ đến là phải biết lắng nghe, và quan trọng và phải biết tiếp thu và sửa đổi. “Mình phải lắng nghe thì người dân mới chia sẻ. Người dân, tổ dân phố, cán bộ cơ sở có chia sẻ mình mới nắm được thông tin, nắm được thông tin mới có thể giải quyết được vấn đề”, Thiếu tá Cường cho biết.

Với những nỗ lực lắng nghe và tạo điều kiện để mọi người chia sẻ, Thiếu tá Đào Mạnh Cường tự tin nay anh có thể nắm được khá tốt tình hình cũng như tâm tư nguyện vọng của hầu hết người dân trên địa bàn. Hiện nay tình hình an ninh trật tự ở phường Láng Hạ về cơ bản đã đảm bảo, người dân cũng tỏ ra tin tưởng vào Công an phường hơn. Năm 2017, Công an phường Láng Hạ đạt được danh hiệu đơn vị Quyết Thắng của Công an quận Đống Đa.

Long Viên
.
.
.