Lay động tính bản thiện trong con người tội phạm

Thứ Năm, 21/08/2014, 15:41

Hầu hết đối tượng truy nã đều tự tạo “vỏ bọc” hợp pháp cho mình để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, bọn chúng thường chống trả rất quyết liệt bằng cả vũ khí “nóng”, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng lực lượng truy bắt. Để đối phó với bọn tội phạm truy nã, các trinh sát Công an Hòa Bình đã sử dụng chiêu bắt tội phạm khá độc đáo. Các anh đã sử dụng “Thư kêu gọi đầu thú” để tác động tới tâm lý, giúp đối tượng nhận ra sai lầm, tự nguyện tới cơ quan Công an đầu thú để hưởng khoan hồng, đồng thời lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ mà không đổ nhiều mồ hôi, công sức. 

Mang tính nhân văn sâu sắc

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với Thượng tá Nguyễn Văn Lập – Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Hòa Bình khi anh vừa từ cơ sở trở về. Những giọt mồ hôi nhễ nhại thấm đẫm trên khuôn mặt trai sạn, anh vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Quá trình tiếp xúc, tôi nhận thấy Thượng tá Lập là người rất nhạy cảm, nhất là việc nắm bắt tâm lý người xung quanh. Vì lẽ đó mà ngay sau khi được giao cương vị thủ trưởng đơn vị trinh sát, Thượng tá Lập cho rằng để bắt và vận động đối tượng truy nã không chỉ dùng sức mà phải dùng mưu. Phải tác động tới tâm lý để lay động tính bản thiện trong con người tội phạm, việc làm đó không chỉ giúp đối tượng nhận ra sai lầm, ăn năn, hối cải mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. “Thư kêu gọi đầu thú” là cụ thể hóa chính sách khoan hồng của pháp luật và được Thượng tá Lập và đồng đội áp dụng rất có hiệu quả trong thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm.

Hòa Bình là tỉnh miền núi, có 7 dân tộc  anh em cùng sinh sống. Do địa hình núi non hiểm trở, nhiều nơi trình độ dân trí thấp, đồng bào dân tộc thường sinh sống tại các hẻm núi, những nơi “thâm sâu cùng cốc”. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, người dân ít được giao lưu với bên ngoài nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Theo số liệu của cơ quan chức năng, tội phạm tại khu vực này thường gây án một cách bột phát, do thiếu hiểu biết, xuất phát từ những nguyên nhân hết sức nhỏ nhặt. Sau khi phạm tội thì hoang mang vì lo sợ phải đi tù, bị tra tấn, đánh đập, thậm chí lo sợ tiếng xấu, ảnh hưởng tới gia đình và người thân. Do vậy, quá trình lẩn trốn, bọn chúng được gia đình bao che một cách mù quáng, tìm mọi biện pháp ngăn cản lực lượng Công an, thậm chí gây hấn, sử dụng vũ lực đe dọa, uy hiếp. Đó là hành vi hết sức nguy hiểm và cực đoan, tiếp tay cho đối tượng phạm tội, rồi vô tình trở thành... tội phạm. Vòng xoáy luẩn quẩn đó có nguy cơ lan rộng, gây tác động xấu tới xã hội và tâm lý nhân dân.

Trước tình thế đó, để tránh tình trạng “nhờn luật”, hội nghị 3 ngành (Công an, Kiểm sát, Tòa án” đã họp và thống nhất ban hành “Thư kêu gọi đầu thú”. Hiệu quả mà lá thư đậm tính nhân văn này mang lại giúp cho các cơ quan tư pháp suy nghĩ, vạch ra chiến lược cụ thể để phòng ngừa và răn đe tội phạm.

“Thư kêu gọi đầu thú” là hoạt động nhằm cụ thể hóa chính sách khoan hồng của  Đảng, Nhà nước đối với những người có hành vi phạm tội, những người phạm tội bỏ trốn đang bị truy nã. Khi nhận được “Thư kêu gọi đầu thú”, gia đình, người thân và bản thân người phạm tội đến cơ quan Công an nơi gần nhất đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Tùy theo mức độ phạm tội, thái độ khai báo và có những việc làm giúp đỡ cơ quan Công an điều tra, khám phá tội phạm, giữ gìn trật tự xã hội. Có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn giảm hình phạt, được ân giảm, ấn xá trong xét duyệt giảm án hằng năm. Ngược lại, nếu tiếp tục lẩn trốn sẽ dễ bị kẻ khác lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội mới hoặc bị đồng bọn thanh trừng; khi bắt được phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật… Nội dung lá thư cô đọng, sâu sắc đã làm lay chuyển nhiều đối tượng có ý định lẩn trốn, nhận thấy được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đã tìm tới cơ quan Công an để đầu thú.

Thượng tá Nguyễn Văn Lập và đối tượng đầu thú nhờ "Thư kêu gọi đầu thú".

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Lập, từ khi sử dụng “Thư kêu gọi đầu thú”, hằng năm, lực lượng Công an đã vận động hàng chục đối tượng truy nã đầu thú. Trong số đó có nhiều đối tượng phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm. Việc sử dụng “Thư kêu gọi đầu thú” không chỉ giúp lực lượng Công an tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách Nhà nước mà còn bảo toàn lực lượng, phương tiện. Trong vòng 4 năm trở lại đây, các anh đã vận động 132 đối tượng truy nã ra đầu thú. Ngoài ra, nhiều đối tượng truy nã khác nắm được thông tin trên đã chủ động liên hệ để được đầu thú trước cơ quan Công an.

Thức tỉnh tính bản thiện

Ngay từ khi còn nhỏ, Lý Nam Tuấn, SN 1987, trú tại tổ 22, phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình phải sống trong cảnh gia đình ly tán. Bố Tuấn bỏ đi phiêu bạt khắp nơi, còn mẹ thì đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, rồi định cư ở đó. Trước gia cảnh éo le của Tuấn, vợ chồng người bác ruột là ông Lê Mạnh Hùng, ở tổ 22, phường Đồng Tiến đã thay mẹ, nuôi dưỡng Tuấn khôn lớn từ những ngày lên 3 tuổi. Chính vì vậy, bác Hùng là người có ảnh hưởng lớn nhất đến nhân cách của Tuấn sau này. Mặc dù vậy cũng không thể bù đắp sự thiếu hụt tình cảm của cha mẹ, Tuấn có biểu hiện tự ty, sống khép kín, thường hành động một cách bột phát. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 2007, Tuấn lập gia đình và sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Để lại người con trai bé nhỏ nhờ bác ruột nuôi dưỡng, Tuấn về quê vợ ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng làm thuê. Thế rồi, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nảy sinh mâu thuẫn, khiến vợ chồng Tuấn “đường ai nấy đi”. Thất vọng, chán nản, Tuấn tìm tới ma túy để “giải sầu”. Khi cơn nghiện ma túy đã lên đỉnh điểm, để có tiền, Tuấn cùng 4 đối tượng khác âm mưu thực hiện kế hoạch bắt cóc táo tợn. Ngày 12/12/2010, Tuấn và đồng bọn đã bắt cóc anh Cường ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, rồi yêu cầu gia đình anh Cường giao nộp 16 triệu đồng để chuộc lại. Sự việc bị bại lộ, cơ quan Công an ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Tuấn và đồng bọn.

Tiếp nhận quyết định truy nã của Công an huyện Thủy Nguyên, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã lập kế hoạch xác minh, vận động đối tượng ra đầu thú. Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát nắm được thông tin quan trọng liên quan tới đời tư của đối tượng. Tuấn có một người con trai khoảng 3 tuổi, đang ở cùng với bác ruột ở tổ 22, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. Các trinh sát đã nhiều lần tiếp xúc, gặp gỡ, tác động tâm lý, vận động bác ruột và người thân của Tuấn. Khi các anh đưa “Thư kêu gọi đầu thú” thì lập tức nhận được tín hiệu tích cực từ gia đình. Vốn là người có học thức, người bác ruột nhận thấy đây là cơ hội để Tuấn làm lại cuộc đời, không phải sống chui lủi, tủi nhục. 

Quá trình tiếp xúc với gia đình, được biết, Tuấn là người sống nội tâm, tình cảm, đặc biệt hắn luôn quan tâm, lo lắng tới cuộc sống người con trai bé nhỏ. Sau khi được biết Tuấn đang sống như vợ chồng với một cô gái tên là Nguyệt, ở Hà Nội. Thông qua Nguyệt, các trinh sát đã tiếp cận xác minh, vận động bằng những lời lẽ thuyết phục, hợp tình hợp lý. Chính những yếu tố đó đã làm lay động lý chí, tình cảm của đối tượng, Tuấn nhận ra hành động sai trái của mình. Ngày 15/10/2011, Lý Năm Tuấn tới Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an Hòa Bình) đầu thú trong thanh thản và nụ cười hiền hậu của người bác ruột đáng kính.

Cùng chung cảnh ngộ với Tuấn, Lê Quang Hải, sinh năm 1975, ở xóm Tân Hương 2, Thanh Hối, Tân Lạc (Hòa Bình) bị truy nã về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, vào ngày 23/10/2010, Hải có xích mích cá nhân với người dân ở cùng xóm. Với bản tính côn đồ, hung hãn, Hải đã sử dụng gậy tấn công khiến cho người này bị thương nặng. Sau khi gây án, Hải vượt hằng ngàn kilômét, trốn chạy vào khu vực giáp biên giới Campuchia, thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian lẩn trốn, Hải tạo “vỏ bọc” hợp pháp, làm giả giấy tới tùy thân, làm công nhân tại khắp các đồn điền cao su. Quá trình tiếp xúc, Hải luôn thận trọng, cảnh giác với mọi người. Đặc biệt là bóng dáng của lực lượng Công an.

Đầu tháng 7/2011, gia đình đã thông tin để Hải biết về “Thư kêu gọi đầu thú” của cơ quan chức năng. Mới đầu, gia đình lo lắng, sợ rằng cơ quan chức năng sử dụng nghiệp vụ để tìm cách bắt con mình. Vì vậy, gia đình không hợp tác, tìm lý do để trốn tránh. Tuy nhiên, sau khi tổ công tác kiên trì vận động, thuyết phục và đảm bảo có chính sách khoan hồng dành cho người đầu thú, gia đình có thêm niềm tin. Nhận thấy đây là cơ hội để làm lại cuộc đời, được sự động viên, khuyên giải của gia đình, người thân, Hải đãä quyết định ra đầu thú. Ngày 17/7, sau khi vượt hàng ngàn kilômét vào Di Linh (Lâm Đồng), gia đình đã đưa Hải tới Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm để đầu thú. Hiện nay, Hải trở nên thanh thản hơn, không còn lo nghĩ việc đối phó với cơ quan Công an nữa. Cơ quan tố tụng cho phép Hải được tại ngoại, chờ ngày xét xử.

Thượng tá Nguyễn Văn Lập cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều đối tượng phạm tội và người dân do nhận thức pháp luật hạn chế cho rằng, “Thư kêu gọi đầu thú” là hành động câu nhử đối tượng ra để bắt chứ không đúng như nội dung lá thư. Do vậy, nhiều gia đình và đối tượng đã lấn cấn, do dự trong việc ra đầu thú. Chúng tôi khẳng định rằng, bức thư hoàn toàn đúng sự thật và được đảm bảo với những đối tượng biết ăn năn, hối cải, ra đầu thú sẽ được hưởng lượng khoan hồng”

Thu Hà
.
.
.