Lòng nhiệt huyết, say nghề của nữ quản giáo trẻ tuổi

Thứ Tư, 28/11/2012, 16:03
Đối với nữ quản giáo này, khoảng thời gian 3 năm là “thầy” chưa phải là dài, nhưng 3 năm ấy giúp cô trưởng thành trong nghiệp vụ, tư tưởng rất nhiều. Lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết mỗi ngày lớn thêm. Tâm sự về công việc của mình, nữ cán bộ trẻ tuổi tâm sự: “Nhiều người có thể nghĩ rằng công việc ở trại giam rất tù túng, bó hẹp thậm chí là buồn bã nhưng bản thân mình luôn có cảm xúc đặc biệt đối với nơi đây. Càng gắn bó lâu, mình càng cảm thấy yêu nghề và muốn gắn bó với công việc của một người quản giáo”.

Nhiệt tình và năng nổ

Nữ quản giáo trẻ tuổi này là Thượng sỹ Hoàng Thị Duyệt, hiện đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang. Sinh năm 1989, sau khi tốt nghiệp Thượng sỹ Duyệt được điều động về đơn vị ở địa phương công tác. Là một cán bộ trẻ nhưng Thượng sỹ Duyệt luôn nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo đơn vị. Trong công việc, Duyệt luôn tỏ ra là một người nhiệt tình và sáng tạo, không ngại khó, không ngại khổ.

Những ngày đầu khi mới nhận nhiệm vụ, nữ cán bộ quản giáo trẻ tuổi mang rất nhiều tâm trạng khác nhau. Khi thì cảm thấy hồ hởi với công việc mới nhưng có lúc thì cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với những phạm nhận có bản cáo trạng ghê rợn. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng của bản thân cùng với sự giúp đỡ của các cán bộ lâu năm trong đơn vị, Duyệt đã vượt qua được tất cả những khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất.

Kể về những ngày đầu khi mới bước chân vào làm việc tại Trại tạm giam Hà Giang, cho đến bây giờ Thượng sỹ Duyệt vẫn không thể nào quên được những cảm giác sợ hãi khi đối diện với những phạm nhân là tử tù, rồi những người thuộc diện “đầu bò, đầu biếu” ngoài xã hội. Dù khoảng thời gian chưa đủ dài để cảm nhận đầy đủ về công việc người quản giáo nhưng Duyệt vẫn có rất nhiều kỉ niệm về những phạm nhân – những con người trong trại tạm giam.

Đôi khi những kỉ niệm đó thật giản dị, là những lời chia sẻ tâm tư, tình cảm của phạm nhân, là những câu chuyện về sai lầm của những người tù mang áo số. Song quan trọng nhất, từ những câu chuyện đó, chị giúp những phạm nhân có cái nhìn đúng đắn, thành khẩn nhất về tội lỗi của mình và giúp họ tìm được con đường trở về nẻo thiện.

Kể về một trường hợp từng trực tiếp quản lý, Thượng sỹ Duyệt nhắc đến một tên của một phạm nhân tên Nguyễn Khánh Phương. Duyệt ấn tượng với Phương bởi lẽ đây là một phạm nhân khiến cho các cán bộ trong trại giam có nhiều cảm xúc nhất. Thu Phương bị kết án hơn 2 năm tù vì tội đánh bạc. So với nhiều phạm nhân trong phân trại, mặc dù ít tuổi nhưng Phương già dặn, từng trải rất nhiều.

Thời gian mới được đưa vào trại, Phương luôn tỏ ra là một người không biết nghe lời, luôn chống lại nội quy đã được đề ra, bỏ ngoài tai mọi lời nói của các cán bộ… Khi Thượng sỹ Duyệt được phân công phụ trách phân trại này, Phương được liệt vào danh sách phải quan tâm đặc biệt.

Giáo dục Phương là một việc không hề đơn giản, tuy nhiên, để người phụ nữ này từ bỏ những suy nghĩ điên cuồng để xác định cho mình một hướng đi mới là một việc chẳng hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, Thượng sỹ Duyệt đã cố gắng gần gũi động viên Phương bằng tình cảm chân thành và sự định hướng rõ ràng. Một vài buổi gặp gỡ, trò chuyện đầu tiên, Phương vẫn hết sức bảo thủ, suy nghĩ tối tăm. Nhưng rồi, khi được Thượng sỹ Duyệt chia sẻ những suy nghĩ như những con người bình thường với nhau, Phương đã dần hiểu ra.

Nữ phạm nhân này đã có sự chuyển biến rất tích cực trong suy nghĩ. Không chống đối, không điên cuồng như trước, Phương trở thành một người cải tạo tốt và là một phạm nhân gương mẫu của cả phân trại. Trước thái độ cầu thị mong muốn phục thiện, Phương đã được giảm án và nhanh chóng trở về với cuộc sống tự do. Cho đến ngày ra trại, Phương đã không quên gửi lời cảm ơn đến các cán bộ quản giáo và đặc biệt là đến người quản lý trực tiếp là Thượng sỹ Duyệt.

Sự tâm huyết là quan trọng nhất

Công việc rất đặc thù của những người quản giáo đòi hỏi một sự kiên trì, lòng yêu nghề và đặc biệt là sự tâm huyết. Thượng sỹ Duyệt có thể vẫn còn non nớt trong công việc nhưng đối với nữ cán bộ quản giáo trẻ tuổi này, tâm huyết nghề nghiệp luôn luôn thường trực trong suy nghĩ.

Kỷ niệm với nghề nghiệp có rất nhiều nhưng với Thượng sỹ Duyệt ấn tượng về lần đầu tiên bước chân vào trại giam. Khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, trong lần đi thực tập tại một trại giam của Bộ Công an, Thượng sỹ Duyệt cùng với các bạn trong lớp được phân công về Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng). Lần đầu bước chân và cổng trại giam, nhìn thấy rất nhiều người mặc áo sọc đen trắng, Thượng sỹ Duyệt đã có sự ngỡ ngàng và lạ lẫm.

Những ngày đầu đó, trong tư tưởng của một nữ sinh viên, một nữ cán bộ quản giáo tương lai như Duyệt chồng chéo rất nhiều suy nghĩ. Nào là sợ hãi, nào là lạ lẫm và cả quyết tâm hoàn thành trách nhiệm được giao, áp lực tự đặt ra cho bản thân… tất cả những thứ đó khiến cho Thượng sỹ Duyệt “đứng ngồi không yên” trong suốt khoảng thời gian thực tập.

Nhưng rồi, khi đã quen với công việc, hình ảnh, hoạt động ở trại giam, Thượng sỹ Duyệt đã biết dần loại bỏ những suy nghĩ rồi bời trong đầu để tập trung cao độ trong công việc. Khoảng thời gian thực tập dù là rất ngắn ngủi nhưng cũng giúp cho Thượng sỹ Duyệt có được cho mình những kỷ niệm cho riêng bản thân mình mà có lẽ nó sẽ đi theo trong suốt cả cuộc đời.

Kể về kỷ niệm tại Trại giam Xuân Nguyên, Thượng sỹ Duyệt nhắc đến tên của một phạm nhân nữ là Nguyễn Thị Thu Phương, 20 tuổi. Khi được cử đến làm việc tại phân trại nữ, Thượng sỹ Duyệt đã rất ngỡ ngàng khi Phương, một cô gái còn rất ít tuổi lại phải vào tù. Mang bản án hơn 2 năm bởi tội danh mua bán chất ma túy, khi vào trại giam Phương là trường hợp phạm nhân nữ trẻ tuổi nhất của cả phân trại.

Dù là một người trẻ tuổi nhưng Phương vẫn có sự già dặn, từng trải của một cô gái đã vấp ngã vào tệ nạn xã hội. Vẫn mang phong cách sống ngạo mạn, coi thường tất cả khi như còn ở ngoài xã hội, Phương bất chấp tất cả dù đó là những quy định của trại giam. Đối với những phạm nhân nữ, công tác giáo dục có những đặc thù vô cùng khác biệt nên các cán bộ quản giáo của trại giam đã phải dành cho Phương một sự quan tâm đặc biệt nhất.

Lúc đó, Thượng sỹ Duyệt được tham gia công tác quản lý, giáo dục các phạm nhân tại phân trại giam giữ Phương. Trước trường hợp của một cô gái trẻ tuổi lại phải bước chân vào chốn lao tù, thay vì những suy nghĩ phân vân, Thượng sỹ Duyệt bày tỏ sự cảm thông và luôn cố gắng gần gũi động viên. Thượng sỹ Duyệt coi Phương như một cô em gái, một người bạn nhỏ nên cô sẵn sàng lắng nghe tâm tư, tình cảm của Phương.

Bên cạnh đó, những câu chuyện của hai cô gái gần như cùng một thế hệ dần dần đã thay đổi tư tưởng cho Phương. Nữ phạm nhân này đã hiểu ra được những điều sai trái mà mình đã từng vấp phải. Nhưng điều đặc biệt hơn là việc, Phương đã nhận ra hậu quả của lối sống trụy lạc, ăn chơi vô bờ bến của bản thân khi còn sống ngoài “đời”, cái kết thúc bi đát sau bốn song sắt là điều tất yếu.

Khi nhận được lời tư vấn chân thành của Thượng sỹ Duyệt, Phương đã tìm ra được cho mình một suy nghĩ mới, một hướng đi mới để làm lại cuộc đời. Nữ phạm nhân này thay đổi một cách hết sức tích cực, chấp hành đầy đủ nội quy của trại, phấn đấu cải tạo tốt để được giảm án. Tuy không có cơ hội để được chứng kiến ngày Phương bước chân ra khỏi cổng trại giam bởi Thượng sỹ Duyệt kết thúc đợt thực tập và được phân công về Hà Giang công tác, nhưng cô tin chắc rằng, Phương sẽ tìm được một hướng đi đúng đắn hơn trước…

Đối với những cán bộ trẻ tuổi như Thượng sỹ Duyệt, trong những năm tháng đầu tiên bước chân vào nghề phải chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế để hoàn thiện bản thân. Nữ quản giáo trẻ tuổi này tâm sự, “những ngày đầu khi có biết bao sự bỡ ngỡ nhưng được sự chỉ bảo của các bác, các chú đi trước, những cán bộ trẻ như em sẽ biết cách để vượt qua những khó khăn. Sau mỗi lời chỉ bảo, căn dặn đó tự bản thân bọn em sẽ rút được ra kinh nghiệm để tích lũy cho bản thân. Công việc quản giáo là giúp cho những con người phạm phải lỗi lầm phục thiện chính vì vậy bản thân mỗi người cán bộ phải tự hoàn thiện mình thì mới có thể giúp cho các phạm nhân tìm được những hướng đi mới khi được trở lại cuộc sống tự do”

Nguyễn Ngọc
.
.
.