Lửa thử vàng gian nan thử sức

Thứ Tư, 13/05/2015, 11:00
Khi tôi ngồi trước màn hình máy tính bắt đầu gõ những dòng đầu tiên về Đại tá An Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Gia Lâm thì cứ có cảm giác băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Bởi trước tôi, đã có nhiều người viết về anh, và viết từ rất lâu rồi, từ khi anh mới chỉ là Trung uý - Đoàn viên Công an tiêu biểu, được nhận Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Khó mà kể hết cuộc đời thăng trầm của anh, cũng như những thành tích công tác, việc tốt mà anh làm trong vài ba trang báo. Có lẽ, tôi chỉ nên nói về anh mộc mạc, giản dị như chính họ tên của anh là hợp lý nhất. Coi như những mẩu chuyện góp vui cùng bạn đọc…

Lửa thử vàng gian nan thử sức

Khi tôi ngồi trước màn hình máy tính bắt đầu gõ những dòng đầu tiên về Đại tá An Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Gia Lâm thì cứ có cảm giác băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu.

Bởi trước tôi, đã có nhiều người viết về anh, và viết từ rất lâu rồi, từ khi anh mới chỉ là Trung uý - Đoàn viên Công an tiêu biểu, được nhận Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Khó mà kể hết cuộc đời thăng trầm của anh, cũng như những thành tích công tác, việc tốt mà anh làm trong vài ba trang báo. Có lẽ, tôi chỉ nên nói về anh mộc mạc, giản dị như chính họ tên của anh là hợp lý nhất. Coi như những mẩu chuyện góp vui cùng bạn đọc…

Đại tá An Thanh Bình là thủ trưởng của một đơn vị Công an cấp huyện có 17 đơn vị trực thuộc (trong đó 3 Đồn Công an, 2 Công an thị trấn và 12 đội nghiệp vụ) nên rất bận rộn và rất khó gặp. Sau vài ba lần liên lạc, tôi cũng gặp được anh, ở chính trụ sở Công an huyện, số 114, đường Cổ Bi, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên là anh hơi nghiêm nghị, lạnh lùng và ít nói.

Khi tôi đặt vấn đề muốn viết bài về anh, muốn lắng nghe những chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề của anh thì An Thanh Bình chỉ nói ngắn gọn: "Tôi cũng chỉ biết sống và làm việc bình thường như bao cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND cũng như lực lượng Công an Thủ đô vậy thôi". Nói rồi anh ngồi vào bàn làm việc lục tìm những bài báo cũ, tất cả đều được photo copy và đóng thành từng tập.

Đại tá An Thanh Bình.

Tôi cũng được anh chia sẻ một chồng dày cộp những huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của nhiều cấp, từ cách đây hơn 20 năm cho đến thời điểm hiện tại, đa số là về thành tích đấu tranh phòng, chống tội phạm, khen thưởng người tốt, việc tốt… Đó là những kỷ niệm ghi dấu từng nấc thang trưởng thành trong công tác luôn được anh trân quý.

Từ khoảnh khắc ban đầu nghiêm nghị ấy, khi nhắc lại những kí ức xưa cũ thời còn là lính ở miền biên cương phía Bắc, Đại tá An Thanh Bình đột nhiên vào trong lấy ra một cây guitar và hỏi tôi thích nghe bài gì. Không bất ngờ trước "tài lẻ" của anh bởi trước khi gặp anh, tôi cũng đã được nghe kể về đồng chí Trưởng Công an huyện trẻ trung, lãng mạn này rồi. Thế nhưng, cái cảm giác trước mắt mình vài phút trước đó là thủ trưởng cơ quan điều tra ăn vận quân phục chỉnh tề trả lời phỏng vấn, rồi vài phút sau đã thăng hoa, sôi nổi trong những ca khúc cách mạng, tình khúc thời chiến quả thật rất khó diễn tả.

Có thể chính âm nhạc, chính sự lãng mạn là thứ dung hoà, giúp anh cân bằng trong cuộc sống. "Có những lúc công việc căng thẳng, thậm chí vụ việc điều tra đang rơi vào bế tắc thì mình lại ôm đàn ra đánh. Tự nhiên thấy lòng mình nhẹ hơn. Có khi, đang chơi đàn mà nảy ra nhiều ý tưởng…" - Đại tá An Thanh Bình tâm sự.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Thủ đô Hà Nội, bố và mẹ đều tham gia kháng chiến nên năm 1980, khi vừa học xong phổ thông thì anh xung phong vào quân ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đơn vị đặc khu Quảng Ninh - tuyến đầu Đông Bắc. Cuối năm 1983 rời quân ngũ, anh chuyển ngạch sang Công an, về công tác tại Công an quận Đống Đa.

Khi còn là Cảnh sát khu vực phường Láng Hạ, người cán bộ trẻ này đã được quần chúng nhân dân yêu mến, tin tưởng. Anh còn nhớ rất rõ, rạng sáng 23 tháng chạp năm 1993, anh cùng đồng đội tuần tra trên đường Thái Thịnh thì gặp 2 thanh niên có biểu hiện nghi vấn. Khi các anh kiểm tra thì chúng rút dao đe dọa, khi được khuyên giải thì tìm cách bỏ chạy.

An Thanh Bình cùng đồng đội lập tức đuổi theo. Đối tượng leo từ mái nhà này sang mái nhà khác anh cũng bám theo, chẳng khác nào trong phim hành động, nhưng chính anh phải thủ vai chính, không có diễn viên đóng thế. Rồi bằng nghiệp vụ và sự khôn khéo, anh và đồng đội đã khống chế được đối tượng, đưa về Công an phường.

Đại tá An Thanh Bình - Trưởng Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cùng cán bộ chiến sỹ họp bàn kế hoạch phá án.

Từ thành tích đó, anh được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy chương "Tuổi trẻ dũng cảm" năm 1996, được tuyên dương là gương điển hình tiên tiến trong lực lượng CAND. Người dân phường Láng Hạ thì hết sức yên tâm vì trên địa bàn có một người Cảnh sát khu vực mẫn cán, thức cho dân ngủ, gác cho dân yên. Đặc biệt, người cán bộ ấy sau đó còn tổ chức chuyên đề tự quản dân cư, được người dân áp dụng đến tận bây giờ. Chính anh cũng là người sáng lập ra mô hình tổ tự quản nhà B2, B3 tập thể Ngân hàng Ngoại thương (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội)…

Có thể nói, dù ở cương vị nào, An Thanh Bình cũng luôn trăn trở suy nghĩ, đưa ra sáng kiến, tìm ra cách làm mới. Khi còn là Cảnh sát khu vực, anh tạo ra các chuyên đề công tác mới, tìm ra biện pháp tổ chức thực hiện sao cho gần gũi với nhân dân, phát động tốt phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, được cấp trên ghi nhận là Cảnh sát khu vực giỏi những năm 90.

Khi là Cảnh sát hình sự, anh bám sát địa bàn, trực tiếp lăn lộn, đấu tranh phá nhiều vụ án phức tạp, tổ chức bắt nhiều đối tượng truy nã. Năm 2004, được bổ nhiệm Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai, An Thanh Bình đã đổi mới thủ tục hành chính, thành lập tổ tự quản bảo vệ tại 2 bến xe lớn trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho người dân ra, vào bến…

Năm 2013 về giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Gia Lâm, anh đã đề ra một khẩu hiệu hành động xuyên suốt trong toàn thể cán bộ, chiến sỹ của đơn vị: Trách nhiệm, chuyên sâu, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. "Phải có trách nhiệm thì mới làm tốt và phải vì dân thì việc làm của mình mới có ý nghĩa, nhà báo ạ…" - Đại tá An Thanh Bình giải thích. Phải chăng, vì luôn sáng tạo, luôn trách nhiệm, luôn vì dân nên anh được người dân Thủ đô công nhận là "người tốt việc tốt tiêu biểu", 17 năm đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở".

Kể về một trong những kỷ niệm công tác đáng nhớ ở mảnh đất Cổ Bi này, Đại tá An Thanh Bình trầm ngâm. Giữa một đêm tháng 7 năm 2013, trên đoạn đường đê Sông Hồng xảy ra vụ án giết người (sau này mới xác định là các đối tượng buôn bán ma tuý trả thù lẫn nhau).

Một thanh niên bị đâm gục trên đường, các đối tượng lên xe rồ ga chạy trốn. Nhận được tin báo, anh đã chỉ đạo anh em lập tức xác minh. Bằng một số biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định hướng chạy trốn của các đối tượng là Hải Phòng và Văn Giang, Hưng Yên.

Tiếp tục bám sát, thu thập được thông tin một đối tượng hiện thuê nhà ở Văn Giang, trong nhà có dao và súng, An Thanh Bình đã tổ chức lực lượng hình sự truy bắt. Trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo án, anh đã khôn khéo tác động để đối tượng ra khỏi khu vực thuê trọ (tránh biện pháp tấn công gây nguy hiểm cho người dân), sau đó dùng các biện pháp nghiệp vụ bắt gọn đối tượng, thu 1 khẩu súng, 16 viên đạn và con dao dùng đâm nạn nhân trước đó…

Nhắc đến thành tích chung của cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Gia Lâm thời gian gần đây, Đại tá An Thanh Bình tự hào kể về chuyên án bắt Sồng A Sở (18 tuổi), trú bản Co Tang, xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La và Nguyễn Thanh Hoàng (23 tuổi), trú Tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót, Mai Châu, Sơn La vận chuyển 1 bánh heroin, 1.860 viên ma túy tổng hợp về địa bàn Hà Nội tiêu thụ tháng 10 năm 2013; chuyên án phối hợp Cục CSĐT tội phạm về ma tuý - Bộ Công an bắt giữ Hà Văn Zếch (41 tuổi) và Khà A Sủa (33 tuổi), đều ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình vận chuyển trái phép 25 bánh heroin từ Hòa Bình về Hà Nội tháng 7 năm 2014…

"Có một thông điệp mà mình muốn gửi gắm tới tuổi trẻ CAND, đó là lòng say mê nghề nghiệp. Từ say mê sẽ chú tâm học tập, trau dồi chuyên môn, vì công cuộc đấu tranh với tội phạm đầy gian khó. Còn đối với nhân dân, cán bộ Công an phải là gương sáng, thông qua nhân dân để hiểu công việc của mình nhưng phải vì nhân dân phục vụ thì nhân dân mới ủng hộ mình" - Đại tá An Thanh Bình chia sẻ. Anh cũng tâm niệm, tuổi trẻ không nên chọn việc, mà được giao việc gì thì làm việc đấy, sẵn sàng hoá thân vào công việc và hoàn thiện mình…

Công an huyện Gia Lâm là đơn vị 14 năm liên tục đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", 8 năm liên tục được Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" và "Đơn vị thi đua xuất sắc", được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an tặng nhiều Huân chương, Bằng khen...

Có 1.036 lượt tập thể và 1.926 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng. Cá nhân Đại tá An Thanh Bình 17 năm đạt danh hiệu "Chiến sỹ Thi đua cơ sở"; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2014), cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp…

Quỳnh Vinh
.
.
.