Đại tá Vũ Quang Hưng, Phó giám đốc Công an tỉnh Nam Định:

Luôn cháy bỏng nhiệt huyết được cống hiến cho quê hương

Thứ Hai, 03/06/2013, 12:34
Đại tá Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định bảo rằng, từ khi còn nhỏ, ông đã tự dặn lòng mai này lớn lên phải làm một điều gì đó, góp sức để quê hương phát triển. Và cho đến nay, khi đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của Công an tỉnh Nam Định, trải qua nhiều thăng trầm trong nghiệp Công an cũng như trong cuộc sống, nhiệt huyết ấy vẫn luôn cháy bỏng trong ông. 

Trong chuyến công tác ngắn ngày vừa qua tại Công an tỉnh Nam Định, tôi đã có cơ hội được trò chuyện, lắng nghe Đại tá Vũ Quang Hưng chia sẻ về nhiệt huyết được góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp cũng như những trăn trở với cuộc chiến đảm bảo an ninh trật tự trên mảnh đất Thành Nam.

PV: Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp Công an và thành phố Nam Định, trưởng thành qua nhiều lĩnh vực công tác, vậy Đại tá thấy gắn bó với vị trí nào nhất?

Đại tá Vũ Quang Hưng: Năm 1980, tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), tôi về công tác tại Công an TP Nam Định. Sau 17 năm lăn lộn chiến đấu với cuộc chiến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, tôi được tín nhiệm làm Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, rồi Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về kinh tế. Ở mỗi đơn vị đều để lại trong tôi nhiều ấn tượng song có lẽ 6 năm hòa mình vào cuộc chiến chống cái chết trắng để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Lúc ấy, anh em chúng tôi chiến đấu với cuộc chiến phòng, chống ma túy vất vả lắm. Kinh tế không có, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ phá án cũng hạn chế, trong khi địa bàn công tác toàn là rừng sâu núi thẳm, đối tượng ma túy ranh  ma, xảo quyệt nhưng anh em rất trách nhiệm, tình nghĩa với nhau. Mỗi lần đơn vị xuất quân đi đánh án, cán bộ chiến sỹ trong phòng, kể cả lãnh đạo, không ai bảo ai tất cả cùng móc ví, góp hết tiền cho tổ công tác làm lộ phí. Nhiều chuyến đi, tổ công tác phải “nằm” cả tuần, thậm chí cả tháng tại một trong những chảo lửa ma túy nóng bỏng nhất của cả nước - Tương Dương (Nghệ An), Mai Châu (Hòa Bình) hay Mộc Châu (Sơn La). Hết tiền, anh em lại điện về nhà xin tiếp tế. Trong khi, bọn tội phạm ma túy sẵn sàng dùng cả va li tiền hòng mua chuộc nhưng thấu hiểu những tác hại của ma túy đã gây ra cho nhân dân, lại đã quen với kham khổ, anh em trong đoàn chia đôi chiếc bánh mỳ cầm cự qua ngày, quyết chí  bắt bằng được đối tượng.

Thuở ấy, nguy hiểm, gian khổ, nghèo khó nhưng anh em sống với nhau luôn thắm tình đồng đội. Mọi người quan tâm, chăm sóc nhau như người thân trong gia đình. Nhớ có lần tôi cùng anh em trong đơn vị đi công tác xa nhà đúng đợt bão về, biết tôi đi vắng, anh em trong phòng ra tận nhà giúp chằng chống nhà cửa rồi thăm nom lúc người thân đau ốm… Những hành động nhỏ đó khiến chúng tôi rất cảm động và yên tâm đi công tác.

PV: Gắn bó với anh em lực lượng phòng, chống ma túy như vậy, chắc khi được tín nhiệm chuyển sang làm Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về kinh tế, Đại tá rất lưu luyến?

Đại tá Vũ Quang Hưng: Dạo ấy có đợt luân chuyển cán bộ và những cán bộ trong diện luân chuyển được đề nghị 3 nguyện vọng. Song tôi xin được ở lại Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy. Sau đó, đồng chí Phan Vĩnh (nay là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP) - lúc bấy giờ là Giám đốc Công an tỉnh gọi tôi lên bảo: “Bên kinh tế (Phòng CS ĐTTP về kinh tế - PV) yếu quá, anh muốn chú sang vực đơn vị đó dậy”. Thế là tôi buộc phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên dù trong lòng vẫn rất muốn được ở lại với anh em phòng, chống ma túy.

PV: Chuyển công tác sang Phòng Cảnh sát ĐTTP về kinh tế đúng lúc đơn vị đó đang có đôi chút trì trệ, Đại tá đã có những biện pháp gì để khắc phục tình hình trì trệ ấy?

Đại tá Vũ Quang Hưng: Sát ngày sang nhận nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát ĐTTP về kinh tế, tôi sang đơn vị đó, âm thầm đi một vòng kiểm tra tình hình công tác tại các tổ đội. Tôi thấy 4, 5 phòng đóng cửa, nhìn vào trong thấy cán bộ chiến sỹ tụm ba tụm năm tán gẫu. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, với cương vị là Trưởng phòng, tôi thẳng thắn tuyên bố: Hôm qua tôi sang nghiên cứu, thấy 4 phòng (nêu cụ thể phòng số mấy, đội nào) đóng cửa không làm việc, có bằng này đồng chí không làm việc. Từ hôm nay, nếu đồng chí nào còn không làm việc, tôi đề nghị điều chuyển đi đơn vị khác ngay lập tức. Cả phòng im lặng nhìn nhau, không ai nói gì. Tôi phát cho mỗi cán bộ chiến sỹ trong phòng một bản khai, yêu cầu mỗi đồng chí phải kê khai đầy đủ lý lịch bản thân, kết quả công tác trong 3 năm qua, được giao theo dõi địa bàn nào, đã phát hiện vụ việc nào… Tổng hợp kết quả các bản kê khai của cán bộ chiến sỹ, tôi giật mình nhận ra nhiều đồng chí mấy năm liền không làm được việc gì. Trước tình hình đó, để làm sống lại tinh thần làm việc của cán bộ chiến sỹ, tôi tự soạn thảo một tiêu chí luân chuyển cán bộ theo 2 hướng: những ai làm trái chuyên môn được đào tạo sẽ được điều chuyển cho làm đúng chuyên môn và những ai đã làm đúng ngành, đúng nghề mà hiệu quả công tác thấp sẽ điều chuyển khỏi đơn vị bất kể con cháu ai. Tôi còn giao chỉ tiêu công tác cụ thể cho từng cán bộ và nêu rõ, sau một tháng sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ chiến sỹ, ai không đạt yêu cầu hiệu quả công tác, dứt khoát điều chuyển khỏi đơn vị. Từ đó, các trinh sát hết sức tích cực đi địa bàn nắm thông tin, báo cáo lãnh đạo xin chỉ thị. Tin tức dồn về liên tục, rà soát lại thông tin phát hiện khoảng 30 - 40 vụ việc chưa được giải quyết. Thế là tôi sắn tay áo cùng anh em nghiên cứu hồ sơ tìm cách giải quyết. Từ đó CBCS vào nếp làm việc, công việc cứ thế trôi chảy theo guồng.

Tôi cho rằng, lãnh đạo phải gương mẫu, tích cực công tác, nghiên cứu phát hiện khó khăn tồn tại, có biện pháp giải quyết kịp thời và phải nắm được tình hình cán bộ, phân loại chất lượng cán bộ, từ đó giao chỉ tiêu phù hợp cho từng người. Quá trình làm có hướng dẫn, đôn đốc thì sẽ thành nếp làm việc hiệu quả.

PV: Mỗi vụ án mà Đại tá tham gia là một kỷ niệm và nó sẽ luôn khắc sâu trong tâm trí của Đại tá suốt cả cuộc đời. Đại tá có thể chia sẻ về một vụ án mà Đại tá ấn tượng nhất?

Đại tá Vũ Quang Hưng: Đó là Chuyên án 305B triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Nghệ An về Nam Định tiêu thụ, bắt vợ chồng Phạm Thị Mây (SN 1959) – Vũ Văn Đình (SN 1955), trú tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy với nửa bánh heroin và 200 viên ma túy tổng hợp được đối tượng giấu trong hậu môn và bộ phận sinh dục. Vụ án đã xảy ra gần 10 năm nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ khuôn mặt in hằn sự đau đớn của Đình khi được trinh sát cho biết mức án phải trả nợ pháp luật từ 15 – 20 năm. Gục khuôn mặt khắc khổ vào đôi tay bị còng, Đình bật khóc tức tưởi: “tôi ân hận quá, không cảnh giác để vợ lôi vào tù. Tôi đi tù thì con cái tôi hư hỏng hết…”. Vũ Văn Đình vốn là thành viên của Hội Cựu chiến binh xã Giao Tiến. Người đàn ông này sống ngay thẳng và rất có tinh thần bài trừ các tệ nạn xã hội. Khi biết vợ buôn ma túy, ông đã hết lời khuyên can vợ quay lại nẻo thiện, thậm chí hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với vợ không ít lần để cấm vợ không được buôn ma túy. Có lần đánh vợ, Đình bị Hội Cựu chiến binh kiểm điểm song vợ Đình vẫn lao vào ma túy. Đình khai rất ghét vợ, rất thù bọn buôn ma túy song chính ông ta lại đi buôn với vợ và bị bắt ngay lần đầu tiên. Cơ sự là bởi vợ Đình ham mê bài bạc dẫn đến nợ nần chồng chất và thị đã cầm cố nhà. Không có tiền trả nợ, sợ bị siết nhà, vợ Đình tỉ tê rủ chồng cùng đi buôn ma túy một chuyến cuối để có tiền chuộc lại nhà rồi sau đó thị sẽ đoạn tuyệt hẳn với ma túy.  Nghe vợ ngọt nhạt, Đình đi buôn ma túy với vợ và bị bắt ngay chuyến đầu tiên.

Vũ Văn Đình vốn là một người tốt, đấu tranh quyết liệt với tệ nạn ma túy song chỉ vì một phút yếu lòng, nghĩ đến cảnh mất nhà, con cái bơ vơ mà vướng vòng lao lý. Trong kết luận điều tra, chúng tôi ghi rõ: lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn để là tình tiết giảm nhẹ cho Đình sớm được trở về nuôi dạy các con. Song điều Vũ Văn Đình lo sợ nhất khi bị bắt đã xảy ra. Qua theo dõi, tôi rất đau lòng khi biết tin các con của Đình đều dần đi vào con đường sa ngã.

PV: Bây giờ nhìn lại quãng thời gian hơn 30 năm gắn bó với nghiệp Công an, Đại tá có cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm được?

Đại tá Vũ Quang Hưng: Thấy hài lòng nhất là mình đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ trẻ ngày đêm hăng say, trách nhiệm với công việc.  Đến nay, nhiều cán bộ trẻ tôi phụ trách đã trưởng thành, được tăng cường về Công an các huyện, các phường làm lãnh đạo và đã ghi được dấu ấn bằng những việc làm thiết thực, có ích cho nhân dân.

Điều thứ 2 là khi lên làm Trưởng phòng CS ĐTTP về ma túy, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy được đẩy lùi, cuộc sống của nhân dân được bình yên hơn, Công an được người dân tin yêu hơn. Khi tôi được tín nhiệm bổ nhiệm làm Trưởng phòng CS ĐTTP về ma túy, Nam Định nổi tiếng với những điểm nóng về ma túy như khu 5 tầng xây dở - phường Trần Đăng Ninh, khu Thuỷ Cơ - phường Cửa Nam, ngã 3 đền Trần -xã Mỹ Phúc - huyện Mỹ Lộc… Đi khảo sát địa bàn, vào các điểm nóng ma túy ấy, thấy có người nghiện vào mua ma túy, lập tức có hàng chục đối tượng vây quanh chào “hàng trắng”. Sau chuyến khảo sát đó, tôi nhận ra để triệt xóa tận gốc tội phạm ma túy, lực lượng chức năng phải chặt đứt các đường dây vận chuyển ma túy về Nam Định, đồng thời phải triệt xóa các tụ điểm về ma túy. Giải pháp được triển khai quyết liệt, nhiều đường dây buôn bán ma túy từ các tỉnh về Nam Định được chặt đứt; các đối tượng phạm tội về ma túy tại các điểm nóng bị bắt giữ đã góp phần ổn định nhiều tụ điểm, địa bàn phức tạp về ma túy trên địa bàn tỉnh. Sau 6 năm tuyên chiến quyết liệt, Nam Định thực sự đẩy lùi tệ nạn, tội phạm ma túy. Công an được dân tin yêu hơn.

Có nhiều lần đi bắt án, anh em cảm động rơi nước mắt trong tình cảm thắm thiết của người dân. Nhớ lần bắt đối tượng buôn bán ma túy tại khu Đệ Tứ, TP Nam Định.  Đây là một đối tượng buôn bán lâu năm và nhân dân rất bức xúc. Quá trình chúng tôi bắt đối tượng, rất đông bà con nhân dân chăm chú dõi theo và vỗ tay reo hò. Chứng kiến bao cực nhọc của lực lượng Công an từ quá trình thu thập chứng cứ đến lúc bắt giữ đối tượng, mọi người có mặt tại hiện trường quyết định góp hết tiền trong túi được hơn 3 triệu đồng, thưởng các chiến sỹ Công an. Sau khi vuốt phẳng từng đồng tiền, bà con nhân dân kiên quyết đề nghị các chiến sỹ phá án hôm đó nhận tấm chân tình của bà con khu phố. Nếu nói về nguyên tắc,  Công an không bao giờ được cầm tiền của dân. Song lần đó, khi nhận những đồng tiền được người dân thưởng, anh em thấy tự hào ngập tràn trong tim. Là một người lính trên trận tuyến chống ma túy và những kết quả đạt được được nhân dân ghi nhận là một điều tự hào.

PV: Cuộc sống luôn có hai mặt, có niềm tự hào và có cả những điều trăn trở. Chắc  Đại tá cũng có trăn trở với những điều mình chưa làm được?

Đại tá Vũ Quang Hưng: Tôi rất đau lòng chứng kiến ngày càng nhiều bạn trẻ sa chân vào ma túy và rất hiếm bạn đủ nghị lực thoát khỏi ma túy. Hầu như đã dính vào là quậy quá, buôn bán lẻ ma túy, đánh đập người thân. Mỗi năm, Công an Nam Định bắt rất nhiều đối tượng phạm tội về ma túy song chỉ giải quyết được phần ngọn. Điều đáng buồn là, sau thời gian thụ án, họ ra tù, nhiều người lại quay về buôn ma túy. Ra tù với 2 bàn tay trắng, không việc làm, không có vốn, không có nghề, họ quay lại buôn ma túy. Thời gian ở trại, qua bạn tù, họ biết nhiều đường dây hơn, đối tượng buôn bán hơn. Quay lại con đường tối, họ thủ đoạn hơn, tinh vi hơn, quy mô buôn bán rộng hơn, chống đối hơn nên cơ quan chức năng rất khó triệt phá. Buồn lắm khi số phạm nhân phạm tội về ma túy ra tù, giáo dục cải tạo ít tiến bộ. Nhiều lúc nghĩ, mình như bác sỹ tiêm kháng sinh vậy. Càng ngày càng tiêm với liều lượng mạnh hơn nhưng biến thể bệnh lại càng tinh vi hơn. Công tác bắt giữ, xử lý chỉ giải quyết được phần ngọn. Phải giải quyết được cái gốc, phải nâng cao đời sống, nâng cao đạo đức xã hội, ai cũng có việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống được đảm bảo và hiểu biết về nguy hại của ma túy, không vướng vào ma túy thì tình hình an ninh trật tự sẽ được giữ vững. 

PV: Cảm ơn Đại tá về cuộc trò chuyện với những chia sẻ chân thành này!

Bích Mận
.
.
.