Ly kỳ chuyện sang Lào bắt phạm nhân trốn trại

Thứ Ba, 28/10/2014, 15:30

Chúng tôi đến Phòng Công tác truy nã và khai thác phạm nhân, trại viên (Phòng 3), Cục Quản lí phạm nhân, trại viên (Cục C85), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) khi tổ công tác của đơn vị vừa kết thúc cuộc truy bắt đối tượng trốn truy nã ở nước Lào trở về. Trải qua nhiều ngày lặn lội, vất vả, băng rừng lội suối; đối mặt với hiểm nguy cận kề nhưng các anh vẫn vui, tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gương mặt mỗi người, dù mệt, dù da sạm đi vì nắng gió nhưng vẫn hiện hữu sự quyết tâm cho dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan…

Gắn bó với CBCS ở đơn vị này, tôi hiểu được rằng, ít có ở đâu, từ lãnh đạo đến chiến sĩ trẻ luôn coi nhau như anh em một nhà và giống nhau cái máu nghề nghiệp đến thế. Bởi rằng, bất kể ngày hay đêm, gian khổ thế nào, nếu có nhiệm vụ là tất cả đều sẵn sàng vào trận, cho dù đều biết, có thể gặp hiểm nguy, có thể rất gian lao. Kể cả lãnh đạo Cục như Đại tá Phan Xuân Sơn, Cục trưởng; Đại tá Phạm Minh Hạ, Phó Cục trưởng (trực tiếp phụ trách đơn vị) cũng vậy. Không chỉ làm công tác lãnh đạo, chỉ huy, vạch đường hướng cho cấp dưới; mỗi khi có việc, các anh vẫn đến tận nơi, làm cùng với CBCS của mình, bởi các anh hiểu, lãnh đạo có sát sao, có quan tâm mới động viên anh em làm tốt nhiệm cụ của mình.

Kể về chuyến đi Lào bắt tên tội phạm nguy hiểm Chư A Sùng,  Thiếu tá Cao Ngọc Diện, Phó trưởng phòng - người được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ trực tiếp làm Trưởng đoàn đi bắt đối tượng truy nã ở Lào - không giấu được niềm tự hào khi đã vượt qua cả ngàn cây số, bắt giữ an toàn đối tượng, được Công an nước bạn Lào nể phục

Tên Sùng vốn phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 15 năm, thi hành án tại Trại giam Nà Tấu từ ngày 2/10/2013. Vốn quen biết với nhiều đối tượng người Mông ở Lào nên từ khi vào Trại, Sùng nuôi ý định trốn đi. Chính vì vậy, ngày 10/3,  khi đi lao động, lợi dụng địa hình rộng lớn, đồi núi hiểm trở, cây cối rậm rạp, cán bộ quản giáo khó kiểm soát, Sùng đã trốn thoát. Phát hiện sự việc trên, Trại giam Nà Tấu đã tổ chức truy bắt nhưng không thành công. Trại giam Nà Tấu báo cáo Tổng cục VIII đề nghị lập chuyên án truy bắt, đề nghị Phòng 3, cục C85 phối hợp. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng chức năng phát hiện sau khi trốn, Sùng đã vượt biên trái phép sang tỉnh Udomxay, Lào. Tổng cục VIII đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an thành lập tổ công tác gồm 5 đồng chí sang nước bạn Lào để bắt Chư A Sùng.

Cán bộ chiến sỹ Phòng 3, Cục C85 bàn phương án bắt đối tượng truy nã.

Trưa 26/8, trời mưa tầm tã, đoàn rời TP Điện Biên qua cửa khẩu Tây Trang sang  cửa khẩu Pang Hok (Lào). Là những người vốn quen với núi rừng, Trung tá Nguyễn Quyết Tâm, Phó Giám thị Trại giam Nà Tấu; Thượng tá Bùi Văn Hà, Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm  và Thượng úy Phan Minh Hoàng, Công an tỉnh Điện Biên biết rằng mấy ngày tới, ở nước bạn Lào cũng vẫn có mưa rất to, nước dâng cao nên việc vào bản vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó khăn. Dù vậy, cộng với sự quyết tâm của Thiếu tá Cao Ngọc Diện, Thượng úy Nguyễn Hồng Giang từ Tổng cục về, các anh không ai nản lòng.  Đến tỉnh Udomxay, Đoàn công tác làm việc với Bộ chỉ huy An ninh tỉnh Udomxay và đề nghị cử lực lượng phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng Chư A Sùng.

Nhận lời đề nghị của Công an Việt Nam, Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Udomxa đã thành lập Ban chỉ đạo truy bắt do đồng chí đích thân Đại tá Ni La Vông - Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban và cử cán bộ phối hợp với Đoàn công tác của Công an Việt Nam.  Sau khi thống nhất phương pháp, biện pháp xác minh, truy bắt đối tượng Chư A Sùng với Ban Chỉ đạo truy bắt của Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Udomxay và các đơn vị nghiệp vụ, từ ngày 28/8 đến 2/9 lực lượng trinh sát thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xác minh tại địa bàn nghi vấn đối tượng Sùng lẩn trốn ở bản Huổi Nhăm, huyện Mường Xay, tỉnh Udomxay. Qua đó, các anh xác định được, cuối tháng 5-2014, Sùng trốn từ Việt Nam sang bản Huổi Nhăm, được một số đối tượng người Việt cư trú trái phép ở đây cưu mang, giúp đỡ.  Tuy nhiên, do sợ bị phát hiện, bắt giữ và muốn tìm nơi có thể sinh sống, lẩn trốn lâu dài, đến cuối tháng 6,  Sùng tiếp tục đến bản Xảng Xay, huyện Namor, tỉnh Udomxay nằm sâu trong rừng để lẩn trốn.Và nhờ sự giúp đỡ của số người Mông Việt Nam trong họ Vàng Chư đang cư trú tại đây Sùng dựng nhà, mua ruộng nương… để đón vợ là Giàng Thị Cá từ Việt Nam sang sinh sống.

Bản Xảng Xay, huyện Namor cách bản Huổi Nhăm, huyện Mường Xay khoảng 70 km và nằm cách đồn Công an cụm bản Xảng Xay khoảng gần 30km. bản nằm tách biệt sâu trong rừng, không có đường xe đi, chỉ có đường mòn đi bộ vượt núi và men theo bờ suối để vào bản. Xác minh, kiểm tra thông tin đối tượng Chư A Sùng đang lẩn trốn tại bản Xảng Xay là chính xác, Đoàn công tác cùng với Ban chỉ đạo truy bắt của Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh Udomxay lập tức họp bàn, xây dựng phương án, cử lực lượng gồm Đoàn công tác và An ninh tỉnh Udomxay, An ninh cụm bản Xảng Xay tổng cộng 12 đồng chí trực tiếp vào bản Xảng Xay bắt giữ đối tượng. 

Mặc dù trời đổ mưa to, đường núi trơn trượt, nước suối chảy xiết việc đi lại rất gian khổ và nguy hiểm nhưng các anh đều xác định rằng, dù khó khăn, gian khổ nhưng sẽ đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ vì trời mưa, nhân dân trong bản thường ở nhà, không ra ngoài nên không phát hiện được có người lạ vào, hơn nữa, đối tượng cũng không dám đi ra ngoài vì đường xá bị chia cắt nên mới có thể bắt giữ được hắn.

Thiếu tá Cao Ngọc Diện cho biết, Xảng Xay là bản nằm sâu trong rừng, tách biệt với bên ngoài, chỉ có đường mòn nên bắt buộc phải đi bộ vào. Vì bản ít dân, hiếm khi có người lạ vào nên để đảm bảo bí mật, chúng tôi quyết định phải đi vào buổi tối, dù biết, đêm tối sẽ khó đi hơn, nguy hiểm hơn. 5h chiều chúng tôi bắt đầu xuất phát. Đèn pin không đủ, chúng tôi đi cùng  nhau, tận dụng ánh sáng. Mưa tầm tã, những đoạn qua suối nước ngập ngang ngực, lại chảy khá xiết nhưng anh, em không ai nản chí. Lội suối xong, anh em lại dò dẫm trèo núi, băng rừng. Đáng ngại nhất đó là những con vắt rừng nhiều vô kể, chúng bám chặt  vào người, hút máu no nê. Khi phát hiện thấy ngứa, anh em rũ quần áo, vắt rơi lả tả.

Tổ công tác lội suối vào bản Xảng Xay bắt đối tượng Sùng.

Sau hơn 8 giờ dầm mưa, lội suối, băng rừng, cuối cùng, tổ công tác cũng vào được đến bản Xảng Xay. Lúc đó, đã khoảng gần 1h sáng. Quần áo ướt lướt thướt, nước ngấm vào người nên ai cũng khá mệt. Tìm được 1 lán trông nương của người địa phương, từ đây, chỉ cần 1 tiếng đi bộ nữa sẽ vào được nhà đối tượng.  Ngồi dựa vào nhau để "tận hưởng" chút hơi ấm từ đống lửa vừa nhen lên, tổ công tác bàn phương án bắt giữ đối tượng. 

Xác định rằng, Sùng rất manh động, có súng, lại to khỏe nên việc bắt giữ sẽ gặp khó khăn thậm chí có thể thương vong nên việc đảm bảo an toàn được các anh đặt lên hàng đầu. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào chỉ trong vài giây là có thể khóa tay đối tượng, không để hắn có cơ hội sử dụng vũ khí; bắt giữ xong, lập tức phải rút quân ngay  tránh việc đối tượng kêu gọi sự hỗ của các đối tượng khác.

Sau khi tính toán kỹ phương án, gần 4h sáng, tổ công tác bắt đầu vào sâu trong bản. Để đảm bảo bí mật, các anh phải tắt hết đèn pin, dò dẫm đi trong đêm tối. Thực hiện đúng phương án, tổ công tác chia thành 2 tốp, tốp đầu gồm 5 đồng chí đi vào bản trước để trinh sát, áp sát nhà đối tượng tốp 2 gồm 7 đồng chí theo sau hỗ trợ, bao vây vòng ngoài đề phòng lọt đối tượng hoặc người thân, họ hàng của tên Sùng trong bản đến giúp sức, đánh tháo đối tượng.

Khoảng 5h, lực lượng truy bắt bí mật áp sát nhà đối tượng, xác định chính xác Sùng đang trong nhà, một cán bộ người Lào gọi cửa. Con "cáo già" Chư A Sùng rất cảnh giác, hắn chỉ mở cửa để quan sát. Tận dụng cơ hội này,  lực lượng truy bắt đã ập vào  dồn đối tượng vào trong góc nhà. Bị bất ngờ Sùng rút dao giấu sẵn trong người ra chống trả quyết liệt nhưng bị lực lượng truy bắt nhanh chóng tước bỏ vũ khí, khống chế bắt giữ và dẫn giải ra khỏi bản lúc trời chưa sáng rõ.

Thượng úy Nguyễn Hồng Giang cho biết, lúc dẫn giải đối tượng từ nhà ra, chúng tôi phải rất khẩn trương, đề phòng bị đánh tháo. Khi đi đến bờ suối, có tiếng súng nổ từ bản càng khiến anh em quyết tâm vượt rừng, lội suối nhanh nhất có thể. Mặc dù sau một đêm thức trắng, đi lại khó khăn, nhưng công việc khiến anh em quên hết mệt mỏi, dẫn giải đối tượng một mạch về Công an cụm bản Xảng Xay. Lúc đó đã 11h trưa, đảm bảo tuyệt đối an toàn, trên đường dẫn giải đối tượng Sùng đã phải thốt lên rằng: "không ngờ được rằng đã vào tận sâu nội địa của Lào và trốn ở bản nằm tách biệt sâu trong rừng mà vẫn không thoát".

Cùng với việc bắt giữ đối tượng Sùng, các tổ công tác khác của Phòng 3, cục C85 đã tổ chức bắt giữ được nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm khác. Điển hình như bắt đối tượng Trịnh Văn Sáng, SN 1984, quê ở Yên Nhân, Ý Yên, Nam Định, là phạm nhân thi hành án ở Trại giam số 5. Ngày 24/7, Sáng bỏ trốn trong khi đi lao động. Trại giam số 5 đã tổ chức truy bắt nhưng không thành công. CBCS Phòng 3, Cục C85 đã vào cuộc phối hợp, xác minh truy bắt Sáng. Đối tượng này cực kỳ manh động, liều lĩnh, hắn xác định lực lượng chức năng sẽ đến nhà mình nên đã "nhắn" người nhà rằng nếu công an bắt hắn thì chỉ lấy được xác, đồng thời sẽ chống trả đến cùng.

Ngày 19/8, mặc dù là ngày nghỉ, nhưng nắm được thông tin Sáng đang lẩn trốn ở khu vực huyện Chương Mỹ, Hà Nội, CBCS Phòng 3, Cục C85 đã nhanh chóng lên đường cùng với Trại giam số 5 và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức vây bắt đối tượng. CBCS Trại giam số 2 đóng quân gần địa bàn cũng tích cực tham gia truy bắt. Tuy nhiên, do đêm tối, đối tượng gian manh nên hắn đã trốn thoát. Lực lượng chức năng tiếp tục truy xét, lần theo hành trình chạy trốn của Sáng và bắt giữ được đối tượng này khi hắn đang ở bến xe Bắc Yên, Sơn La, chuẩn bị trốn đi nơi khác.

Được biết, với hai mảng nhiệm vụ chính là xác minh thông tin, truy bắt đối tượng trốn truy nã và thu thập tài liệu trước đây đối tượng chưa khai báo hoặc tự khai báo sau khi được giáo dục, cải tạo đã ăn năn hối cải, công việc của CBCS Phòng 3, Cục C85 được đánh giá là khá nặng nề, lại gian nan, vất vả. Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuyến, Trưởng phòng cho biết: do công việc thường xuyên đột xuất nên anh em thường để sẵn 1-2 bộ quần áo và các đồ dùng cá nhân tại đơn vị, nếu có lệnh, lập tức lên đường.

Dù công việc vất vả, nguy hiểm, không có thu nhập gì khác ngoài lương nhưng anh em chúng tôi luôn được sự quan tâm, động viên, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Cục đồng thời chúng tôi cũng luôn động viên nhau, bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, đồng lòng sẽ vượt lên mọi gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”

Phương Thủy
.
.
.