Một cảnh sát chân chính và tiên phong của nước Mỹ

Thứ Ba, 02/06/2020, 15:59
Đóng góp lớn nhất cho ngành cảnh sát nước Mỹ của August là dành cho vấn đề giáo dục. Ông là giám đốc sở cảnh sát đầu tiên tại Mỹ ra văn bản yêu cầu mọi cảnh sát phải có bằng đại học thì mới được nhận vào làm.


Tuổi thơ của August Vollmer không có gì đặc biệt cả. Cũng như nhiều người Đức khác di cư đến Mỹ tại thời điểm đó, gia đình của ông sống tại thành phố cảng New Orleans. Từ nhỏ cậu bé August đã được bố dạy môn bơi lội và đấm bốc, và cùng với đó là một tinh thần sống có kỷ cương. 

Một thời gian sau đó, người cha qua đời, và cả nhà Vollmer chuyển đến sống tại thành phố Berkeley, nơi mà August sẽ dành cả cuộc đời của mình để bảo vệ công lý chân chính.

Ban đầu August mở một cửa hàng bán thức ăn vật nuôi. Ông cũng là một trong những lính cứu hoả tình nguyện đầu tiên của thành phố. Sau khi phục vụ trong quân ngũ thời diễn ra cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, August trở về Berkeley với những tấm huân chương lấp lánh đầy trên ngực nhưng lại phải chịu cảnh nghèo khó do cửa hàng của gia đình bị phá sản.

Để tồn tại, ông nhận làm nghề bưu tá, và trong một lần đi chuyển thư, August đã ngăn được một tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ấy là khi ông bắt gặp một chiếc xe kéo mắc kẹt trên đường ray tàu điện. Không nghĩ ngợi gì, August dùng hết sức mình nâng chiếc xe kéo lên và nhảy sang một bên, tránh được đoàn tàu đang lao tới chỉ trong gang tấc. Nếu không nhờ August thì chắc đã có không ít người gặp phải điều rủi ro trong số hành khách trên con tàu ấy.

Ảnh chụp August Vollmer năm 1925.

Sau khi Berkeley chính thức được công nhận cấp thành phố, chính quyền ra lệnh thành lập nên một sở cảnh sát thành phố. Nhưng vấn đề là hồi đó ở Berkeley không có ai được đào tạo bài bản cả. Cuối cùng thì các lãnh đạo cũng chỉ có một sự lựa chọn là tuyển người tình nguyện. 

Riêng với chức Giám đốc sở cảnh sát thì họ chọn August để bổ nhiệm vì hai lý do. Thứ nhất, August đang là anh hùng của cả thành phố sau khi ông ra tay cứu  đoàn tàu điện, chắc hẳn người dân sẽ tin tưởng ông ở chức vụ này. Thứ hai, họ mong rằng kinh nghiệm làm sỹ quan không chuyên trong quân đội sẽ giúp August xây dựng được một lực lượng cảnh sát thật sự tốt.

Nhưng đứng từ góc độ của August thì ông đã được giao một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Làm thế nào mà ông, một người bỏ học ngay từ cấp tiểu học, lại có thể một mình gây dựng lên một sở cảnh sát với toàn những người không có một chút kiến thức, kỹ năng nào?! Đấy còn là chưa kể trong số những cá nhân tình nguyện, có những kẻ vốn làm nghề ma cô, bảo kê, v.v…chỉ mong lợi dụng quyền lực của cảnh sát để trục lợi cho bản thân.

Tuy vậy, những khó khăn nói trên cũng làm lộ ra mọi đức tính tốt đẹp của August, trước nhất là sự chân chính. Điều đầu tiên mà ông làm trên cương vị mới là đuổi thẳng cổ mọi tên tội phạm đã trà trộn trong lực lượng cảnh sát. Điều thứ hai là tuyển mộ người da màu và phụ nữ vào làm cảnh sát - August là người đã giúp Walter Gordon, một người da đen và cựu cầu thủ bóng bầu dục nghiệp dư - trở thành cảnh sát chuyên nghiệp đầu tiên trên toàn miền Tây nước Mỹ.

Câu chuyện nói trên đã gây ra một cú sốc lớn cho người da trắng đến mức một số cấp dưới của August yêu cầu ông hoặc là đuổi Walter đi, hoặc là đuổi họ. Ngài Giám đốc sở cảnh sát thủng thẳng trả lời rằng, ông không thể đuổi một viên cảnh sát vì màu da của anh ta đi, rồi sau đó tự mình viết và ký giấy đuổi việc cho những người đã đưa ra yêu cầu buộc mình phải làm thế.

Mặt khác, August có một tinh thần cầu thị và ưa học hỏi chưa từng thấy. Ông thường xuyên quanh quẩn gần trường đại học UC Berkeley nhằm mục đích tìm cách nghe lỏm được những câu chuyện bàn tán của sinh viên trong trường, mong rằng mình sẽ học được điều gì đó thật bổ ích từ họ. Trong một lần nghe lén như vậy, August đã bị giáo sư tâm lý học Jacques Loeb - một trong những "tượng đài" của ngành tâm lý học Mỹ thời kỳ đầu - bất ngờ bắt gặp.

Sau khi nghe được câu chuyện của "kẻ nghe lén", vị giáo sư đã nhiệt thành giúp ông bằng cách dạy August đọc và hiểu được những kiến thức khoa học cơ bản. Cũng nhờ Jacques mà August có cơ hội tiếp xúc với lý thuyết tội phạm học của giáo sư người Đức Hans Gross. Chính những tư tưởng của Hans Gross đã được August đưa vào thực tế và dần trở thành tiêu chuẩn của ngành cảnh sát quốc tế.

Ngoài những kiến thức về phương thức, cách suy luận điều tra, Hans Gross còn  đề cập  nhiều đến thái độ của cảnh sát đối với tội phạm. Ông là một trong số những nhà tư tưởng phương Tây sớm nhận ra rằng, bạo lực chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi. Bởi lẽ, một khi bị bạo lực không những đối tượng tình nghi sẽ trở nên bất hợp tác với cảnh sát, mà ngay cả với những người đã thực hiện hình phạt thô lậu đó cũng khiến họ trở nên ít tin tưởng vào hệ thống luật pháp hơn, từ đó dẫn đến việc phạm tội xuất hiện trở lại.

Vốn là một người có tư tưởng nhân đạo, August nhiệt tình tiếp thu tư tưởng giáo dục mang tính nhân văn nói trên. Ông không bao giờ nặng lời với ngay cả những tên tội phạm sừng sỏ nhất, mà bao giờ cũng nói chuyện với chúng như những người ngang hàng với mình. Với những vụ án oan sai hay xảy ra vì tai nạn thì lúc nào August cũng sẵn sàng đứng ra bào chữa cho nghi phạm, kể cả khi đó là người da đen chịu sự kỳ thị của xã hội.

Cũng vì mối quan tâm về vấn đề án oan mà August là người đầu tiên đưa máy phát hiện nói dối vào sử dụng trong ngành cảnh sát. Máy nói dối chỉ mới được sáng chế ra bởi John Larson, một sinh viên tại trường đại học UC Berkeley, khoảng vài tháng trước khi được sở cảnh sát Berkeley đưa vào sử dụng.

Sau máy nói dối, August cũng chính là người đi tiên phong trong vấn đề tạo cơ hội cho một loạt công nghệ, kỹ thuật mới được áp dụng trong ngành cảnh sát. Một số đóng góp tiêu biểu của ông gồm có việc lập ra đội cảnh sát xe đạp;  đội cảnh sát xe máy và sau đó là đội cảnh sát ô - tô đầu tiên ở nước Mỹ.

Khi về hưu, ông August Volmer dành hết tâm trí cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Rồi nữa, cũng lại chính là August tiên phong trong việc biến máy radio trở thành công cụ tiêu chuẩn của ngành cảnh sát; đồng thời lập ra hệ thống cơ sở dữ liệu tội phạm giữa các sở cảnh sát thành phố khác nhau. Và  cũng lại là August tạo ra một quy trình cải tạo thanh thiếu niên  hư hỏng chú ý đến việc giáo dục thay vì đánh đập các em. Ngày nay những điều này đều có vẻ như rất bình thường, nhưng vào thời của August chỉ có một mình ông mới có tầm nhìn để nhận ra tiềm năng của chúng.

Đóng góp lớn nhất cho ngành cảnh sát nước Mỹ của August là dành cho vấn đề giáo dục. Ông là giám đốc sở cảnh sát đầu tiên tại Mỹ ra văn bản yêu cầu mọi cảnh sát phải có bằng đại học thì mới được nhận vào làm. Sau đó, khi nhận ra rằng không có trường đại học nào dạy môn tội phạm học, ông đã cộng tác với Jacques Loeb để lập ra khoa Tội phạm học tại trường đại học UC Berkeley.

Đại học UC Berkeley chính là cơ sở đào tạo cảnh sát chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới. Bản thân August cũng tham gia giảng dạy tại UC Berkeley, và sau đó là trường đại học Chicago. Nhờ vậy mà tư tưởng nhân đạo của August có cơ hội được truyền bá rộng rãi và làm thay đổi cơ bản quy tắc, chuẩn mực đạo đức của ngành cảnh sát đất nước cờ hoa.

Sau khi nghỉ hưu, ngoài việc giảng dạy và viết sách nghiên cứu tội phạm học, August còn có đóng góp cho công cuộc bảo vệ động vật hoang dã. Ông đã cùng với nhà bảo tồn tự nhiên Duncan McDuffie lập nên công viên bảo tồn East Bay Regional Park. Đến nay, ngọn cao nhất của dãy núi chạy từ Berkeley đến Oakland vẫn còn trân trọng mang tên Vollmer để tưởng nhớ đến công trạng này của ông.

Tuy vậy, sức khoẻ của August đi xuống nhanh chóng khi về già. Cuối thập niên 1920, ông bị đau tim đến tận sáu lần, rồi khoảng hai mươi năm sau lại phải chịu nhiều cuộc phẫu thuật cắt hai khối u ổ bụng và cổ họng.

Cuối cùng, vào ngày 4-11-1955, bởi không muốn làm phiền người thân vì bệnh tật của mình mà August Vollmer đã tự sát bằng súng. Tuy rằng trong di chúc của mình, August đã yêu cầu không tổ chức đám tang, còn thân xác thì mang hiến tặng cho khoa học, vậy nhưng vẫn có cả một đoàn người tự nguyện tập trung lại tổ chức đưa thi hài ông từ nhà đến trường đại học UC Berkeley. 

Trong đoàn người tưởng như vô tận ấy xuất hiện không ít nhân vật trước đó từng phạm tội nhưng đã có cơ may được tặng một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời nhờ vào sự công tâm và nhân đạo của vị giám đốc sở cảnh sát mang cái tên: August Vollmer.

Lê Công Hội
.
.
.