Đại tá Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng PC52-CATP Hà Nội:

Một giờ với "lão làng" trong nghề hình sự

Thứ Sáu, 03/01/2014, 08:00

Năm 2013 toàn Tp Hà Nội đã bắt 1075 ĐTTN, trong đó Phòng PC52 trực tiếp bắt 98 đối tượng, với 14 tên truy nã đặc biệt, 26 tên trốn lâu trên 5 năm, trở thành đơn vị dẫn đầu CATP về bắt ĐTTN đặc biệt. Với thành tích đó, đơn vị đã đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, với nhiều lượt bằng khen, giấy khen được trao tặng cho CBCS.

Một lần "luận anh hùng" ở nhà số 7 Thiền Quang, có vị Giám thị Trại tạm giam cho biết, ông đặc biệt kính trọng Đại tá Nguyễn Thanh Hùng - hiện là Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) - CATp Hà Nội. Theo ông, không dễ gì để có được sự ngưỡng mộ chân thành của đồng đội, nếu không bởi tài năng và chất nhân văn, giàu tình người, tình đồng chí trong tâm hồn vị chỉ huy đó. Đại tá Hùng thuộc "thế hệ vàng" của CSHS Hà Nội, với những trận đánh đã đi vào lịch sử CAND. Sau ba năm ông sang làm "thuyền trưởng" cầm lái "con thuyền" PC52 Hà Nội, vượt bao khó khăn những ngày đầu thành lập, đơn vị ông đang viết lên những bài giảng mới về công tác truy nã, truy tìm trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

1. Không có cái nhìn "mục quang xạ nhân" - (ánh mắt uy hiếp người đối thoại) như nhiều "võ quan" khác, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng trông khá hiền từ, nhưng từng lời nói, cử chỉ của ông cũng đầy uy lực và tính thuyết phục. Hẳn đó là cái đọng lại sau bao năm trận mạc, đối mặt với sống chết. Ông chính là người Đội trưởng CSHS đặc nhiệm đã nổ phát súng thứ 2 vào cổ tên Nguyễn Hoàng Tuấn qua lớp kính xe taxi, khi hắn đang kề dao lên cổ bé Torahiko (người Nhật Bản) trong vụ bắt cóc con tin kinh hoàng ngày 20/4/1999. Đường đạn chính xác đã kết thúc thắng lợi trận đánh nghẹt thở ấy. Trước đó, trong cuộc vây bắt, tiêu diệt tên cướp Nguyễn Quốc Trung, tức Trung "thộn", kẻ gây ra vụ giết cướp kinh hoàng ngày 6/10/1993 trên phố Trần Khánh Dư, Hà Nội, ông đã thoát chết trong gang tấc khi quả lựu đạn tên này ném rơi bên cạnh không nổ...

Thế hệ CSHS của ông đã chiến đấu quên mình, không khoan nhượng với tội phạm vì bình yên cuộc sống người dân. Trận mạc đã tôi luyện người lính ấy trở thành "tên tuổi" lớn trong nghề, là nỗi khiếp đảm của giới "giang hồ". Với lính trẻ, các ông là bậc thầy, là gương cho những lớp kế tiếp ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang soi vào. Trở thành chỉ huy ở Phòng CSHS Hà Nội, ông tận tâm dìu dắt cán bộ từng bước làm quen với công việc bằng sự thương yêu, đại lượng. Bởi sự rèn giũa đó, mà nhiều người lính cũ của ông giờ đã trưởng thành, giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Đại tá Hùng trò chuyện với PV.

Năm 2011 khi thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, Đội 10 được tách khỏi Phòng CSHS Hà Nội để trở thành đơn vị độc lập cấp phòng. Với bề dày kinh nghiệm về hoạt động nghiệp vụ trinh sát, cấp trên đã điều động và bổ nhiệm ông gánh vác trách nhiệm Trưởng phòng PC52. Từ đây, một tập thể hơn 50 con người dưới sự dẫn dắt của người thầy giàu tâm huyết và kinh nghiệm, đã từng bước vượt qua muôn ngàn trở ngại, khó khăn của buổi đầu thành lập, để viết tiếp những chiến công. Từ nỗ lực của từng cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, mà những bế tắc trong tiến trình tố tụng của nhiều vụ án có bị can bỏ trốn, đã được khai thông. Công lý chỉ được thực thi trọn vẹn, khi đã đưa được kẻ thủ ác trở về "quy án".

2. Câu chuyện về vụ "lập công chuộc tội" của anh em PC52 Hà Nội đã "hút" chúng tôi ngay khi ông mở lời. Miền Nam luôn là nơi "đắc địa" để giang hồ đất Bắc bỏ trốn sau khi gây án. Hằng năm, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội có đối tượng trốn vào các tỉnh phía Nam, thường tổ chức truy lùng riêng lẻ. Mỗi chuyến đi thường qua nhiều ngày tháng, rất tốn kém sức người, sức của. Thành lập PC52, Đại tá Hùng trăn trở nhiều về cách làm, sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Ông đề xuất cách làm mới, đó là các đơn vị có "hàng" cần bắt trong Nam, sẽ tập hợp lại thành đoàn để cùng đi một đợt, chứ không đi rải rác. Vào đến nơi, đoàn lại chia nhỏ ra thành các tổ công tác phụ trách từng khu vực, như các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam bộ... phối hợp với PC52 các tỉnh để rà soát, truy lùng. Cách làm ấy đã thu được hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2013, Đoàn truy bắt của các đơn vị CATP Hà Nội đã vào Nam 6 ngày, bắt được 9 đối tượng.

Tuy nhiên, một sự cố đáng tiếc xảy ra trên đường dẫn giải. Bởi quân số bị chia nhỏ, nên trong hành trình áp giải 3 tên ra Hà Nội ngày 30/8/2013 chỉ có 2 cán bộ. Khi xe đã đến Pháp Vân, lợi dụng lúc cán bộ đang gà gật sau nhiều ngày vất vả truy lùng, săn đuổi, tên Phùng Văn Sơn (SN 1983, bị truy nã về tội cướp tài sản) đã ôm cả khóa nhảy xuống xe bỏ trốn.

Án kỷ luật liền treo "lơ lửng" trên đầu anh em. Thương lính, Đại tá Hùng trăn trở rồi hạ quyết tâm bằng mọi giá phải bắt lại tên này. "Đây không chỉ là trách nhiệm, mà là danh dự của toàn đơn vị. Tôi đã có văn bản báo cáo Ban Giám đốc CATP xin cho đơn vị 15 ngày để trả món nợ. Quá hạn 1 ngày xin chịu mọi hình thức xử lý" - ông cho biết. Được cấp trên đồng ý, ông Hùng đã lập một kỷ lục chưa từng có về hành trình xuôi ngược. Trong một tháng ông di chuyển hơn 30 nghìn km. Bay sang Nga, về Việt Nam, vào Quảng Trị, Bình Định, lên Ba Vì… Sau khi trực tiếp dẫn quân đi rà soát các mối quan hệ của Sơn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, khóa chặt đường tiếp tế, Đại tá Hùng nhận định tên này không có tiền sẽ không thể đi đâu xa, nhiều khả năng y mò về nương náu tại quê cũ ở vùng Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội. Cuộc vây ráp của hơn 50 trinh sát PC52 tại chân núi Ba Trại, mang dáng dấp vụ truy lùng hai tên tử tù trốn trại Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam năm 2001. Sau khi vây kín chân núi, Đại tá Hùng đến gặp người anh trai của Sơn, dõng dạc tuyên bố: "Chúng tôi đã khép kín vòng vây. Nếu anh không gọi Sơn ra trình diện, tôi sẽ ra lệnh cho lính gặp là bắn ngay!". Vẻ mặt cương quyết, lời cảnh cáo sắc lạnh, đầy tính trấn áp của ông đã khiến "gia chủ" bủn rủn khiếp sợ, đành lên núi gọi em ra hàng. Té ra trong thời gian lẩn trốn trên núi, Sơn sống dưới một cái hố cá nhân do y tự đào, bên trên phủ đầy lau sậy, cỏ rác để ngụy trang. Giây phút Sơn tra tay vào còng, khép lại hành trình đúng 14 ngày 13 giờ bỏ trốn, trước hạn chót trong lời hứa của ông với Ban giám đốc chỉ 11 tiếng.

Các đối tượng truy nã bỏ trốn nhiều năm bị PC52 Hà Nội bắt giữ.

Bắt được Sơn, bản án số 92/2011/HSST của TAND huyện Ba Vì (đã có hiệu lực pháp luật) đứng trước khả năng phải xét lại theo trình tự tái thẩm, vì từ lời khai của Sơn xuất hiện thêm những tình tiết mới, những dấu hiệu tội phạm bị bỏ lọt... "Công tác truy nã tội phạm giúp làm sáng tỏ bản chất nhiều vụ án, để việc xét xử được đúng người, đúng tội" - ông Hùng cho biết.

3. Đất nước mở cửa hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia đang là thách thức lớn với tất cả các nước. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm với nước ngoài, nhưng để hiện thực hóa các cam kết này, cần phải bắt đầu từ những hành động cụ thể. Công tác truy bắt ĐTTN trốn ra nước ngoài, hay tội phạm nước ngoài trốn tại Việt Nam, là những biểu hiện cụ thể, rõ ràng nhất của quan hệ hợp tác.

Năm 2013, PC52 Hà Nội là đơn vị đầu tiên của cảnh sát Việt Nam "mở hàng" cho hiệp định dẫn độ người phạm tội. Đó là chuyên án bắt tên Phạm Thúy Ngân (SN 1952, bị truy nã đặc biệt về tội cố ý gây thương tích). Sau khi thuê nhóm đòi nợ thuê, gây thương tích nặng cho con nợ ngày 12/3/2009, Ngân trốn biệt tăm. Qua nhiều năm truy lùng, cuối cùng tin Ngân đã bỏ trốn sang Mátxcơva - LB Nga "đến tai" PC52 Hà Nội. Từ đây, những "bài" nghiệp vụ chuyên sâu nhất của ngành được đích thân Đại tá Hùng triển khai áp dụng, để lần ra manh mối nơi Ngân ẩn náu.

Ông kể: "Thủ đô Mátxcơva rộng hơn 80 km2, có hơn 70 nghìn người Việt hiện đang sinh sống, làm việc, lại ở rải rác nên việc "lần" ra nơi trốn của Ngân không hề dễ dàng". Khi thông tin đã "chụm", ông giao Đội 2 - Phòng PC52 Hà Nội đề xuất với Văn phòng Interpol Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế đối với Ngân. Đơn vị đã thông báo chính xác địa điểm nơi trốn của Ngân, để Interpol Nga thực hiện lệnh bắt. Sau khi bạn thông báo đã bắt được Ngân, ngày 6/8/2013 Đại tá Hùng đã dẫn quân sang Nga áp giải bị can về "quy án". "Thủ tục dẫn độ tội phạm cực kỳ phức tạp. Chúng tôi phải dịch điều luật quy định tội của Ngân ra tiếng Nga, đồng thời phải có văn bản cam kết sẽ truy tố xét xử Ngân đúng tội danh đã ghi trong lệnh truy nã quốc tế. Đó là việc bảo đảm nhân quyền của người bị bắt. Chúng ta phải làm quen với những thông lệ quốc tế này. Tôi đánh giá chuyên án là bước đi đầu tiên đặt chân vào tương lai của lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng" - ông Hùng chia sẻ.

Được biết, cả nước hiện có hơn 50 ĐTTN đã trốn ra nước ngoài, trong năm đơn vị ông còn thực hiện việc dẫn độ tên Hùng từ Lào về Việt Nam và bắt nhiều đối tượng nước ngoài theo lệnh truy nã quốc tế.

Hỏi ông về nỗi cực nhọc của nghề tầm nã tội phạm, Đại tá Hùng chia sẻ một suy nghĩ thật lạ: "dân thì biết rõ nỗi vất vả của anh em rồi. Điều chúng tôi cần là sự thấu hiểu, quan tâm hơn nữa của "quan", để lính bớt khó khăn, có điều kiện tập trung cho công việc"

Đào Trung Hiếu
.
.
.