Một vị tướng tận tâm và năng động

Thứ Sáu, 12/09/2014, 07:00
“Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, những dự án đầu tư phải đúng mục đích, sử dụng đúng quy định và tuyệt đối không lãng phí”. Thiếu tướng Phạm Quốc Cương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH trải lòng như vậy khi nói về cái nghiệp mình đã gắn bó mấy chục năm - nghề hậu cần trong lực lượng Công an.

Chưa bao giờ người dân tỉnh Tuyên Quang chứng kiến một phiên tòa xét xử các bị cáo mua bán ma túy và vũ khí quân dụng trái phép lớn đến vậy. Đoàn xe bít bùng áp giải 50 đối tượng ra hầu tòa, đền tội vận chuyển và tiêu thụ 836,8kg thuốc phiện, 9 bánh heroin và 70 súng ngắn với gần trăm viên đạn. Càng căm giận bọn tội phạm độc ác bao nhiêu, họ càng tán thưởng, khen tài năng các chiến sĩ Công an đã vạch trần tội ác của chúng ra ánh sáng.

Không chỉ có các trinh sát can trường, điều tra viên tinh nhuệ, góp phần khám phá thành công các vụ án còn có hình bóng những con người lặng thầm phía hậu trường - những chiến sĩ Công an làm công tác hậu cần. Họ lo toan đủ thứ. Từ khi bắt đầu công tác trinh sát đến phá án, điều tra, công tác hậu cần luôn phải “đi trước một bước”, đáp ứng đủ xe cộ, phương tiện thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ, vũ khí, tài chính... Rồi trước mỗi phiên tòa xét xử lớn phải lo xe tốt, xăng, vũ khí đủ, liên hệ nơi ăn chốn nghỉ cho đội hình áp giải. Đoạn đường áp giải xa, lái xe cũng phải rành nghiệp vụ, mau lẹ ứng biến trong trường hợp gặp tình huống đột xuất để bảo đảm an toàn. Những công việc ấy với mỗi cán bộ hậu cần đã quá quen thuộc, nhất là người gắn bó với công tác này từ thuở làm lính như Phạm Quốc Cương. Biết bao chuyên án lớn của Tổng cục Cảnh sát anh đã từng tham gia như triệt phá tụ điểm ma túy hàng trăm con nghiện tụ về chích hút ở Mai Hương, Đào Tấn (Hà Nội); băng nhóm Năm Cam lộng hành ở TP Hồ Chí Minh, phá tụ điểm hàng lậu ở Tân Thanh (Lạng Sơn)... Nhất là khi đã lên “sếp”, đối mặt với những trận đánh lớn huy động cả trăm quân, áp lực căng chẳng kém lính mặt trận. Từ thông tin về đối tượng, địa hình, địa điểm, thời điểm phá án... chỉ huy phải có ngay “đáp số” tối ưu nhất để có phương án hậu cần phục vụ tác chiến thành công. Dự báo chuẩn, tham mưu mới đúng và trúng, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đáp ứng kịp thời trong mọi tình huống.

Nhiều người nghĩ đơn giản, làm hậu cần đơn thuần chỉ là mua sắm phân phát theo chế độ. Nhưng ai đã làm nghề này mới thấm thía nỗi vất vả của “một người lo cho cả kho người làm”, rồi lại phải “làm dâu trăm họ”. Đơn giản như tính toán mua phương tiện phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn công tác và khả năng tài chính của đơn vị, rồi hiệu quả khi đưa vào sử dụng, tuyệt đối không thể “trên trời, trên mây”; phải tính toán sao cho sát yêu cầu công tác, vừa túi tiền, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Chưa kể, hậu cần phục vụ chiến đấu đòi hỏi phải luôn đi trước một bước, hết sức linh hoạt; tuyệt đối không được để xảy ra trục trặc, sơ suất khiến xuất trận thất bại, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng đồng đội. Hàng chục năm là “người trong cuộc”, Phạm Quốc Cương càng hiểu rõ điều đó, nhất là khi đảm nhiệm Cục trưởng Cục Hậu cần Cảnh sát thuộc Tổng cục Cảnh sát trước đây.

Hằng ngày, Phạm Quốc Cương cùng đồng đội còn phải giải quyết cả núi công việc thường xuyên như xây dựng, củng cố doanh trại, bảo đảm tài chính, giám sát thu chi các đơn vị bảo đảm đúng Luật Ngân sách, trang bị các loại phương tiện nghiệp vụ, thông tin liên lạc, phòng hộ, vận chuyển, công cụ hỗ trợ, xăng xe. Mua sắm, cấp phát bảo đảm cân đối, ưu tiên các đơn vị mũi nhọn chủ công, rồi tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo, bảo quản, bảo dưỡng không để hư hỏng, thất thoát. Chế độ chính sách Nhà nước đã quy định, có mức khoán điện, nước, công tác phí..., nhưng vận dụng linh hoạt mà vẫn không sai nguyên tắc để công việc luôn trôi là cả nghệ thuật. Bằng vốn kiến thức luật pháp và kinh tế vững từ học đại học và cao học cùng trải nghiệm cọ xát thực tế, tinh thông nghiệp vụ, cái khó ấy được anh giải mã thành công. Sở dĩ nhiều quyết sách chuẩn, sát hợp yêu cầu công tác thuyết phục được cấp trên, các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao bởi tính khoa học, hợp lý, am hiểu đặc thù chiến đấu từng đơn vị ngay từ khâu lập kế hoạch cung ứng, đề xuất chế độ, phân bổ.

Thiếu tướng Phạm Quốc Cương.

Tầm nhìn xa và kinh nghiệm thực tế “thâm niên” mấy chục năm làm hậu cần và tố chất năng động, sáng tạo, cẩn thận, chu đáo và luôn “nhìn xa, trông rộng”, công tác hậu cần ngày càng đi vào chiều sâu. Những ngày đầu Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH mới thành lập, khó khăn bộn bề cả quân số lẫn cơ sở vật chất. Trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan”, với cương vị Cục trưởng Cục Chính trị- Hậu cần, anh Cương trăn trở rất nhiều. Suy nghĩ nhanh chóng biến thành hành động. Anh đã chủ động tham mưu cấp trên khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, chỉnh trang trụ sở, trang bị phương tiện… để hoạt động nhanh chóng ổn định, đi vào nề nếp. Thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông... có thể xảy ra bất cứ lúc nào và gây thiệt hại khôn lường, do vậy lĩnh vực QLHC về TTATXH nóng bỏng, phức tạp không kém. Bên cạnh tinh thần dũng cảm, tận tụy với công việc của mỗi cán bộ chiến sĩ, sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật là đòi hỏi tất yếu, giúp tăng cường khả năng cơ động chiến đấu và chủ động ứng phó trước những tình huống, diễn biến phức tạp. Thực tế, nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại từ các dự án đầu tư quy mô phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu công tác. Đơn cử, nhờ xe cẩu PCCC mà nhiều đám cháy chung cư sớm được dập tắt, phần mềm làm CMND trợ giúp hạn chế tối đa phiền hà phục vụ nhân dân, camera giám sát giao thông khiến người vi phạm buộc phải “tâm phục khẩu phục”, từ đó tai nạn giao thông dần “hạ nhiệt”. Mới đây, lúc cơn bão Hải Yến dự báo sẽ hoành hành dữ dội miền Trung và khu vực lân cận, cùng với việc trực tiếp xuống tận các địa bàn xung yếu, dự báo bão sẽ tràn qua, Thiếu tướng Cương đã cùng cán bộ chiến sỹ Cục Cảnh sát đường thủy thường trực 24/24 giờ chỉ đạo toàn lực lượng chủ động kiểm tra đôn đốc cấp phát, sử dụng phương tiện, phân luồng, chằng chống, di dân tránh bão, ứng phó mau lẹ trước mọi diễn biến có thể xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Những ngày cùng đoàn công tác của Chính phủ vào “tâm bão” Đà Nẵng trực tiếp đôn đốc chỉ đạo trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, giờ anh vẫn nhớ như in.

Làm lãnh đạo không thể “chỉ tay năm ngón”. Chức càng cao, trọng trách càng nặng nề. Lính lo một, chỉ huy lo mười. Gần ba năm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, trực tiếp phụ trách lực lượng Cảnh sát đường thủy, lĩnh vực nóng không kém đường bộ, Thiếu tướng Phạm Quốc Cương đã cùng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục tham mưu đề xuất Bộ Công an báo cáo Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về bảo đảm TTATGT, góp phần ổn định TTATXH, giảm thiểu TNGT. Nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm tồn tại nhiều năm như TNGT gia tăng, nạn trộm cắp, buôn lậu, cát tặc và các loại khoáng sản… được rốt ráo giải quyết cho môi trường sông nước thêm bình yên bởi phòng ngừa bền vững được chú trọng. Anh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, gắn kết chặt chẽ chính quyền địa phương nắm tình hình và phát động phong trào quần chúng thiết thực, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển và buôn bán hàng cấm trên đường thủy nội địa; rà soát, triển khai các quy chế phối hợp với các lực lượng để duy trì thực hiện cho có hiệu quả thực sự. Do chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm trên đường thủy nội địa, tính riêng Cục Cảnh sát đường thủy do Thiếu tướng Phạm Quốc Cương phụ trách gần đây đã xác lập và đấu tranh thắng lợi 7 chuyên án, bắt giữ 5 vụ khai thác cát, vận chuyển than quặng, xăng dầu và tàng trữ thuốc nổ trái phép, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 3 vụ, 16 bị can, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Để vượt qua biết bao gian nan thử thách, vững vàng trưởng thành, Thiếu tướng Phạm Quốc Cương luôn nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Cấp dưới luôn thấy một thủ trưởng cởi mở, gần gũi, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Những phẩm chất ấy không chỉ tôi luyện từ ý chí nghị lực, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi mà còn được hun đúc từ nhỏ ở một gia đình truyền thống đậm chất lính

Vũ Đông
.
.
.