Người chiến sĩ công an quê lụa trưởng thành trên đất Mường

Thứ Năm, 31/12/2015, 08:00
Sau 3 năm thực hiện triển khai Pháp lệnh số 16, toàn tỉnh Hòa Bình đã thu hồi trên 1.000 khẩu súng các loại và hàng ngàn kilogam vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Đại tá Hoàng Duy Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hòa Bình.

Là địa phương được Quốc hội chọn điểm để triển khai Pháp lệnh số 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tỉnh Hòa Bình đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thu hồi triệt để số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân. Sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã thu hồi trên 1.000 khẩu súng các loại và hàng ngàn kilogam vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của Đại tá Hoàng Duy Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hòa Bình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Phùng Xá, thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội), làng nghề nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, từ khi còn nhỏ, Hoàng Duy Dũng phải phụ giúp cha mẹ làm nghề, kéo sợi. Là con thứ tư trong gia đình có 8 anh chị em, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên anh sớm định hình đức tính cần cù, chịu khó, anh không nề hà bất cứ việc gì. Tuổi thơ của anh gắn bó với âm thanh phát ra từ khung cửi, tiếng thoi đưa lách cách, lúc rộn ràng khi lại khoan thai, dìu dặt lẫn tiếng cành cạch của máy dệt cải tiến và công nghiệp. 

Hiện nay, nghề dệt ở Phùng Xá chủ yếu dựa vào các khung dệt cơ khí hiện đại. Các khâu sấy, tẩm, hấp, phơi lụa được làm hoàn toàn bằng máy. Nhờ  vậy, người thợ dệt bớt đi phần nào nỗi nhọc nhằn và vải dệt cũng nhanh hơn. Thế nhưng, ký ức về một thời gian khó in đậm trong tâm trí anh, nhắc anh dù ở nơi đây, làm việc gì đều nhớ tới quê hương, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình. Anh tự nhủ sẽ nỗ lực phấn đấu trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Tốt nghiệp phổ thông, tháng 3-1979, Hoàng Duy Dũng được tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân, niềm đam mê từ thuở nhỏ thành hiện thực. Thời điểm ấy, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra và diễn biến phức tạp. Trung Quốc đồng loạt tấn công vào biên giới sáu tỉnh phía Bắc hòng xâm chiếm các tỉnh biên giới, làm bàn đạp để mở rộng xâm lược cả nước. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đào tạo, huấn luyện lực lượng dự bị, sẵn sàng tham chiến khi có yêu cầu. 

Hoàng Duy Dũng và đồng đội thuộc diện cán bộ đào tạo để tăng cường cho chiến trường biên giới. Nhiệm vụ đặt ra với các anh khá nặng nề, đòi hỏi mỗi chiến sỹ phải tích cực học tập, rèn luyện, có bản lĩnh vững vàng, kiên định, không hoang mang, dao động trước khó khăn, thách thức. Sau khi Trung Quốc thất bại, buộc phải rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, tình hình trong nước cơ bản ổn định, song những nguy cơ thường trực luôn tiềm ẩn. Các anh đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. 

Sau gần 2 năm huấn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động thuộc Ty Công an Hà Sơn Bình, tháng 1-1981, Hoàng Duy Dũng được điều động về Đại đội Cảnh sát cơ động, Công an thị xã Hòa Bình, đơn vị chủ công trong tấn công, trấn áp tội phạm lúc bấy giờ. 

Nhiệm vụ chính trị thời điểm ấy là bảo vệ tuyệt đối an toàn quá trình thi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đây là nhiệm vụ quan trọng mang ý nghĩa chiến lược mà Trung ương Đảng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo việc xây dựng đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ, ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình. 

Hoàng Duy Dũng được giao nhiệm vụ bảo vệ, tuần tra, cảnh gác, chủ động phát hiện dấu hiệu nghi vấn, thậm chí người lạ đến nghe ngóng, thu thập thông tin, tài liệu về công trình thủy điện. 

Anh đã trực tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp tài sản, vật tư, cản trở quá trình thi công công trình, giao cho lực lượng chức năng xử lý. Nhờ đóng góp đó mà công trình thủy điện Hòa Bình hoàn thành đúng tiến độ, dòng điện tỏa sáng khắp mọi miền tổ quốc, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Công an thị xã Hòa Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Chứng kiến giây phút đó, anh không khỏi xúc động vì thành công đó có sự đóng góp của anh và đồng đội. Bản thân anh được Ban Giám đốc Công ty Cung ứng vật tư Sông Đà tặng bằng khen. 

Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, tháng 9-1987, Hoàng Duy Dũng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới cờ Đảng, anh thầm hứa sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành trọng trách của người đảng viên, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Đại tá Hoàng Duy Dũng.

Trải qua nhiều vị trí công tác như: cán bộ Đội Hậu cần, Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Hòa Bình, đến tháng 7-1996, anh được bổ nhiệm giữ chức Đội trưởng Đội Đăng ký quản lý xe cơ giới thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Đây là lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và công dân. 

Ý thức được nhiệm vụ được giao, anh cùng đồng đội rà soát, thanh loại, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ nhân dân. Anh yêu cầu cán bộ tiếp dân phải có thái độ niềm nở, lễ phép, kính trọng nhân dân, coi nhân dân như người thân của mình. Với trường hợp hách dịch, cửa quyền, bị nhân dân phản ánh, anh kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở và kiên quyết xử lý. 

“Phải làm sao để mỗi người dân đến làm thủ tục có ấn tượng tốt về đơn vị, về người chiến sỹ Cảnh sát giao thông đẹp trong lòng dân” – anh Dũng nhấn mạnh. 

Nhận thấy năng lực của Hoàng Duy Dũng, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình luân chuyển anh làm Phó trưởng Công an huyện Lương Sơn để bồi dưỡng, đào tạo tại cơ sở. Ở môi trường công tác mới, anh dành nhiều thời gian tiếp xúc, gần gũi với nhân dân, phát huy vai trò của người dân trong phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 

Anh nhận thấy, chỉ có hiểu dân, đồng cảm với người dân, tranh thủ sự giúp đỡ của người dân thì lực lượng Công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những bài học từ cơ sở giúp anh ngày một trưởng thành, vững vàng hơn. Anh tiếp tục được tín nhiệm giao làm Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, đến tháng 7-2013 anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh. 

Thời điểm này, tỉnh Hòa Bình nổi lên thực trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi trong nhân dân, đe dọa tới sự ổn định và bình yên của người dân. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, song do lịch sử để lại mà nhiều khẩu súng không xác định nguồn gốc, xuất xứ. 

Nguy hiểm hơn, Hang Kia tiếp giáp với khu vực tam giác vàng. Lượng ma túy cực lớn từ đây tỏa đi khắp các khu vực trên thế giới. Quá trình vận chuyển, tội phạm ma túy được trang bị các loại vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt. 

Thông qua bọn tội phạm này, một số lượng vũ khí lớn được thẩm thấu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Trong đó, địa bàn Mai Châu là điểm trung chuyển quan trọng mà các đầu nậu lựa chọn để vận chuyển ma túy và các loại vũ khí vào Việt Nam.

Đại tá Hoàng Duy Dũng chia sẻ: Từ xa xưa, khẩu súng không đơn giản là vật sử dụng để bảo vệ mùa màng, săn bắn và trưng bày kỷ niệm mà sâu thẳm trong tâm thức truyền đời, khẩu súng đã trở thành vật gia bảo, bất ly thân. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác, được nâng niu cất giữ. Đó là linh hồn, niềm tự hào của cả một gia đình, dòng tộc. Là người dân tộc Thái nên anh hiểu hơn ai hết tâm lý đồng bào về việc giao nộp vũ khí tự chế.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vận động nhân dân giao nộp vũ khí.

Trong đời sống tâm linh đồng bào Thái có cây kiếm thờ là vật “hội tụ” linh hồn ông bà tổ tiên. Với đồng bào dân tộc Mông và một số dân tộc sống gần rừng, khẩu súng săn, con dao quắm là những vật bất ly thân từ nhiều đời nay của họ. Họ dùng để bắn báo hiệu, vì nhà nọ với nhà kia cách nhau cả quả đồi.. Họ dùng để bắn trong đám ma, để đuổi ma tà, đưa linh hồn người chết siêu thoát. Họ dùng để đi rừng, kiếm sống và tự vệ. 

Việc sử dụng súng tự chế đối với một số đồng bào vùng dân tộc có tâm lý vừa thể hiện sự trưởng thành của người đàn ông, vừa khẳng định uy quyền, vị trí của  gia đình cũng như cá nhân người sử dụng. Nếu như các lực lượng chức năng không có biện pháp kiên quyết và khéo léo, thì người dân sẽ không tự nguyện giao nộp vũ khí, mà giấu trong rừng, trên lán nương, hoặc chỉ nộp báng súng.

 Đây thực sự là khó khăn, thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các vụ  việc vi phạm do khẩu súng gây ra.

Trước thực trạng đó, Đại tá Hoàng Duy Dũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 47 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Đề án 1081 về tổ chức vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp ranh khu vực biên giới. Ban chỉ đạo Đề án lựa chọn 2 xã người Mông Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu làm điểm để triển khai, tổng kết và nhân rộng trong toàn tỉnh. 

Anh biết rằng, việc thay đổi thói quen vốn ăn sâu vào tiềm thức nhân dân không thể là chuyện một sớm, một chiều, anh tham gia tổ công tác đề án trực tiếp xuống cơ sở, thực hiện “3 cùng” với nhân dân để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật. Anh đến tận bản làng, gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, giải thích về tác hại của việc sử dụng súng tự chế. 

Thời gian đầu, việc tiếp cận các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Thấy bóng dáng các anh, họ đều tìm cách trốn hoặc tìm lý do để tránh gặp mặt. Nếu có gặp thì họ một mực khẳng định không có súng trong nhà. Thậm chí, một số kẻ quá khích còn lớn tiếng, chống đối quyết liệt cho rằng, anh có ý đồ không tốt. 

Không nản chí, anh và các đồng đội kiên trì vận động, thuyết phục, anh tin rằng, người dân sẽ hiểu và chấp hành nghiêm túc. Anh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kéo các đoàn thể, quần chúng vào cuộc, tham gia tuyên truyền, vận động. Sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền như: thông qua các cuộc họp dân, họp ở nhà, dòng họ, các hoạt động văn nghệ, thể thao và tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của địa phương. 

Với người dân tộc, thì những già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng có tiếng nói quyết định tới các việc lớn, bé trong bản. Tiếng nói của họ có giá trị hơn hàng chục buổi tuyên truyền, vận động theo phương thức truyền thống. 

Nắm bắt điều đó, anh đã tranh thủ người có uy tín để tuyên truyền, vận động con cháu tự nguyện giao nộp súng. Anh tranh thủ các già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng như: ông Sùng A Giống, Sùng A Xa, Sùng A Dễ ở xã Pà Cò, Vàng A Tình ở xã Hang Kia… để vận động người dân giao nộp vũ khí. 

Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền mà số người liên quan đến ma túy giảm dần, người Mông không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo. Toàn huyện đã thu hồi 3.430 khẩu súng các loại, 154kg đạn ria các loại; 100 nòng sắt chế tạo súng săn, 6kg đạn súng hơi. Trong đó, riêng địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã thu trên 300 khẩu súng các loại. 

Từ thành công của huyện Mai Châu, cuộc vận động thu hồi vũ khí được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, số lượng vũ khí giao nộp ước đạt trên 10.000 khẩu súng các loại, hàng trăm kilogam thuốc nổ, đạn, nòng súng và vũ khí thô sơ khác. Tỉnh Hòa Bình được Nhà nước, Chính phủ ghi nhận đánh giá cao. Thành công ấy có sự đóng góp âm thầm, hiệu quả của Đại tá Hoàng Duy Dũng, người luôn trăn trở về cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Như Hùng
.
.
.