Thượng úy Mai Danh Lượng – cán bộ quản giáo, Trại giam Thanh Lâm:

Người dẫn lối về nẻo thiện cho những phận đời lầm lỗi

Chủ Nhật, 31/05/2015, 15:00
Là cán bộ quản giáo, công tác ở môi trường luôn phải tiếp xúc với những phận người đã từng chọc trời khuấy nước ngoài xã hội nhưng anh không lấy đó làm nề hà mà ngược lại, với tâm niệm giúp cho một phạm nhân quay đầu hướng thiện là cứu rỗi thêm một phận người lầm lạc, từ nhiều năm nay, Thượng úy Mai Danh Lượng, cán bộ quản giáo của Trại giam Thanh Lâm (Tổng cục VIII – Bộ Công an) đã có nhiều việc làm âm thầm, lặng lẽ theo cách riêng của mình để dẫn lối về nẻo thiện cho những phận đời lầm lạc.

Trong chuyến công tác tại Trại giam Thanh Lâm mới đây, chúng tôi được Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam giới thiệu về một tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” của đơn vị. Anh là Thượng úy Mai Danh Lượng, hiện là cán bộ quản giáo tại Phân trại số 2, đóng chân trên địa bàn phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Điều đặc biệt là những việc làm của người cán bộ quản giáo này âm thầm, không khoa trương nhưng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp nhiều phạm nhân thay đổi, từ chống đối, bất cần đời đã quay đầu hướng thiện, rẽ lối hoàn lương để làm lại cuộc đời. 

Tâm sáng của một cán bộ quản giáo

Thượng úy Mai Danh Lượng (SN 1979), quê ở Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, anh về công tác tại đơn vị Trại giam Thanh Lâm và làm công tác quản giáo từ nhiều năm nay. Thượng úy Lượng cho biết, với thời gian tương đối dài làm công tác này đã giúp anh tích lũy được không ít kinh nghiệm cho bản thân để đối phó với những chiêu bài, thủ đoạn chống đối của các phạm nhân. 

Đối với các phạm nhân trong đội do anh phụ trách và quản lý, chỉ cần một thời gian rất ngắn là anh có thể hiểu hết được tâm tư, bản tính con người thông qua tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, những lần trò chuyện để nắm bắt nguyện vọng. 

Cũng bởi vậy, khác với vẻ bề ngoài trầm tĩnh, gai góc và lạnh lùng của mình, khi mới tiếp xúc ai cũng nghĩ Thượng úy Mai Danh Lượng là người rất khô khan, khó gần, song tiếp xúc rồi mới thấy, bản thân anh kỳ thực là người rất tình cảm, nội tâm. Với phạm nhân, anh thường cảm hóa bằng chính tình cảm chân thành của mình, và điều đó đã làm thay đổi số phận nhiều con người lẫm lỗi từ sau khi được anh giáo dục, cảm hóa.

Thượng úy Mai Danh Lượng.

Thượng úy Mai Danh Lượng chia sẻ, phạm nhân trong Đội lao động sản xuất số 10, với công việc chính là đan lưới thép do anh quản lý có đủ mọi độ tuổi, từ trẻ vị thành niên đến các cụ già, vì những sai lầm không giống nhau nên phải vào trại giam để trả giá. Anh luôn tâm niệm, không phải bất cứ tội phạm nào cũng đều có tâm địa xấu xa, đều xuất phát từ cái ác mà sa ngã. 

Với anh, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, có thể vì một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống, không giữ được mình nên mới trở thành kẻ phạm tội. Bởi vậy, cần nhìn nhận và đối xử với họ ở góc độ thông cảm, nhân văn để quá trình thụ án, những phạm nhân này không mặc cảm thêm. 

Hơn thế nữa, đối với các phạm nhân thuộc đội của Thượng úy Mai Danh Lượng phụ trách giáo dục, quá trình thụ án họ luôn nhận được sự yêu thương, quan tâm thực sự của “người mẹ” thứ hai trong đời này. Những việc làm xuất phát từ tình người khiến không ít phạm nhân rưng rưng xúc động, qua đó quyết tâm hướng thiện để làm lại cuộc đời. 

Đơn cử như trường hợp phạm nhân Nguyễn Văn Minh (SN 1962), quê quán xã Dương Thanh, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), thụ án về tội danh buôn bán trái phép chất ma túy. Do tuổi cao, sức yếu lại bệnh tật hành hạ nên nhiều lần phạm nhân Minh lao động không theo kịp các phạm nhân khác, anh Lượng đã thường xuyên động viên, gặp gỡ nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Trên cơ sở thực tế này, Thượng úy Lượng đã  xin phép lãnh đạo đơn vị giảm cường độ lao động cho phạm nhân này và được chấp nhận. 

Hoặc như trường hợp phạm nhân Lương Văn Lập (SN 1984), quê ở Tén Tằm, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), thụ án 7 năm tù về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Là người dân tộc thiểu số, trình độ có hạn, gia cảnh nghèo khó, quê lại ở xa cách trại giam hơn 300km nên từ khi vào thụ án năm 2012 đến nay, người thân không có điều kiện để đi lại thăm nuôi nên hằng tháng, nhìn bạn tù có người thăm nuôi, phạm nhân này rất tủi phận. 

Hiểu được nỗi lòng, từ vài năm nay, đều đặn hằng tháng, Thượng úy Mai Danh Lượng đã trích một ít tiền lương chia sẻ cho phạm nhân Lương Văn Lập. Trước cử chỉ đầy nhân ái của người cán bộ quản giáo, từ một phạm nhân hung hăng, luôn chống đối, làm trái quy định của trại, phạm nhân Lập đã chấp hành tốt nội quy, cố gắng cải tạo nên đã 3 lần được giảm án.

Hết lòng yêu thương phạm nhân

Ở Phân trại số 2, tiếp xúc với các phạm nhân và nghe họ kể về cái tâm hết lòng vì phạm nhân của Thượng úy Mai Danh Lương, cũng đã là một câu chuyện dài đáng để tự hào và khâm phục. Không chỉ dẫn lối chỉ đường về nẻo thiện hoàn lương cho những người sa ngã, trong cuộc sống thường ngày, nhiều việc làm của anh đã khiến cho phạm nhân rưng rưng cảm động. 

Phạm nhân Nguyễn Văn Huy (SN 1989), quê quán tại Hà Nội, hiện đang thụ án 33 tháng tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Vốn là kẻ ngỗ ngược, bất cần đời, khi vào trại Huy đã tỏ ra chống đối quyết liệt, nhất là khi bị đưa vào Đội 10 làm nhiệm vụ đan lưới thép. 

Biết chuyện, Thượng úy Lượng với kinh nghiệm của mình, đã tìm cách gặp gỡ, giáo dục riêng bởi anh hiểu, ở độ tuổi như Huy, nếu dùng biện pháp mạnh để áp đặt sẽ càng khó để thu phục được con người này. Qua những lần trò chuyện cởi mở, hiểu sâu hơn về gia đình, tâm tư nguyện vọng, dần dà anh đã khiến phạm nhân này chấp hành tốt các nội quy của trại và cùng các phạm nhân khác lao động cải tạo.

Quá trình thụ án, do chưa quen với công việc đan lưới thép, những ngày đầu mới vào lao động, Huy đã sơ ý nên bị sái tay. Biết chuyện, Thượng úy Mai Danh Lượng đã leo lên ngọn núi gần trại giam hái về một nắm lá tướng quân. Đợi các phạm nhân ngủ say, anh đã tự mình dùng lửa hơ lá nóng lên rồi đắp vào vết đau ở tay Huy. Sau 3 ngày đắp lá liên tục, vết thương của phạm nhân này đã được anh Lượng chữa trị lành lại và có thể tiếp tục lao động bình thường như những phạm nhân khác. 

Ngoài ra, thấy các phạm nhân lao động vất vả, nhưng chế độ, tiêu chuẩn ăn uống vẫn chưa đầy đủ chất, Thượng úy Lượng đã đề xuất, xin lãnh đạo hỗ trợ thêm cho một phạm nhân mỗi ngày 10 ngàn đồng để mua thêm thức ăn và được chấp thuận. Sự quan tâm, theo anh dù nhỏ nhưng rất cần thiết nên đã có tác dụng rất tích cực, làm cho các phạm nhân ngày càng chấp hành tốt các nội quy của trại để cải tạo tốt, mong được sớm ra ngoài làm lại cuộc đời. 

Thượng úy Mai Danh Lượng chia sẻ thêm: “Mặc dù họ phạm tội mới phải vào đây, nhưng để họ cải tạo tốt thì giám thị chúng tôi phải nắm bắt được tâm lý của từng người, dùng tình cảm để giáo dục họ, đưa họ đi vào khuôn phép và hướng họ về nẻo thiện”.

Nhờ sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của Thượng úy Mai Danh Lượng mà hằng năm, Đội 10 do anh phụ trách luôn hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu giáo dục giao phó. Đặc biệt, từ khi anh Lượng làm công tác quản giáo, dù nằm biệt lập bên ngoài song nơi đây chưa từng xảy ra bất cứ vụ phạm nhân nào trốn trại, tỉ lệ phạm nhân được giảm án và tha tù trước thời hạn luôn đạt cao. Có được điều này, không thể không nhắc đến sự nỗ lực quan tâm, trách nhiệm vượt trội của Thượng úy Mai Danh Lượng, người được các phạm nhân ví như “mẹ hiền” thứ hai của họ vậy. 

Nói về Thượng úy Mai Danh Lượng, Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm cho biết thêm, đó là một con người mẫn cán, hết lòng vì phạm nhân. Mặc dù không nổi bật bằng những chiến công hay phần thưởng lớn lao, nhưng người cán bộ quản giáo này vẫn nổi bật lên bởi những việc làm mẫn cán, xuất phát từ tình yêu thương phạm nhân như yêu thương chính người thân của mình vậy. Đó, mới chính là cái tâm sáng của người cán bộ quản giáo để mọi người học tập và noi theo trên hành trình gieo mầm thiện.

Thuận Thành
.
.
.