Người “đánh rắn” ở đường biên trắng

Thứ Tư, 06/08/2014, 11:00

Thời đó, mua ma túy dễ như mua mớ rau ngoài chợ. Công viên, bến xe, ngã ba, ngã tư, góc chợ, đâu đâu cũng là các con nghiện và các đối tượng bán lẻ, Công an bắt không xuể. Sơn La, với gần 250 kilômét đường biên trở thành tâm bão của thứ bột trắng chết người và cũng là địa bàn có lực hút hấp dẫn đối với các đối tượng buôn bán ma túy từ phía bên kia tuồn sang như thác lũ.

Trước khi cơn lũ đời đó ồ ạt tràn qua và nhấn chìm tất cả, đã có những chiến sỹ tiên phong sang nước bạn, đi về phía những cánh rừng già, những vùng đất lạ, gieo lại một mặt trời trên đời. Trung tá Bế Thế Quyết, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Sơn La – người đã có một thời gian dài “ăn bờ ở bụi” trên đất Lào là một trong những người như thế.

Đã đánh rắn thì phải đánh giập đầu

Vì sao phải sang tận Lào mới bắt được những kẻ gieo rắc cái chết trắng trong khi những nhức nhối về vấn nạn ma túy lại diễn ra tại chính địa bàn tỉnh Sơn La? Trung tá Bế Thế Quyết nói rằng: “Đã đánh rắn thì phải đánh giập đầu, có tát nước, ngăn nước chảy vào ao như thế nào thì nước vẫn cứ tràn. Đánh ma túy ở Sơn La, nếu muốn thắng thì phải đánh từ bên kia biên giới đánh về”.

Trong trí nhớ của đồng chí Quyết, những năm 90 của thế kỷ trước, ở Sơn La có thời điểm, người ta mua ma túy dễ như mua mớ rau ngoài chợ. Công viên, bến xe, ngã ba, góc chợ, đâu đâu cũng là các con nghiện và các đối tượng bán lẻ. Năm 1998, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được thành lập. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, chỉ có 13 – 14 người, bắt không xuể. Có thể nói từ năm 1998 đến 2004, những thành phần vừa bán vừa sử dụng ma túy tăng lên chóng mặt, tình hình hết sức phức tạp.

Thượng tá Bế Thế Quyết, Phó trưởng Phòng PC47, Công an tỉnh Sơn La.

Trước thực tế đó, năm 2005, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sơn La tổ chức phát giác, tố giác và danh sách lúc đó được “khui” ra lên tới 23.000 con nghiện. Ban chỉ đạo 03 về đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy được thành lập, đồng chí Quyết sang Ban chỉ đạo 03 này.

Mặt khác, sau khi tổng kết lại các vụ án liên quan tới ma túy từ trước đến nay đều bắt nguồn từ bên kia biên giới và nhận định nếu muốn đánh án ma túy thắng thì phải đánh từ bên kia đánh về, Trung tá Bế Thế Quyết cùng anh em trong đơn vị đã tham mưu với Ban Giám đốc kế hoạch tác chiến, rồi Ban Giám đốc tham mưu lại với Tỉnh ủy và kế hoạch “vào hang cọp mới bắt được cọp” có tên gọi “SH09” ra đời vào năm 2010. "SH09" là kế hoạch điều tra cơ bản địa bàn, tuyến trọng điểm, xác định tụ điểm, đường dây, đối tượng đang hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy qua biên giới để làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Và trong cuộc di thân đầy ý nghĩa ấy, Trung tá Bế Thế Quyết là một trong những người mở đường, đi tiên phong vào "hang cọp". Mỗi đợt đi ròng rã vài tháng trời mới về.

Chinh chiến đường trường

Những ngày đầu ở Lào, là bất đồng ngôn ngữ, là khí hậu, địa hình hiểm trở. Là cách làm việc chưa được nhất quán giữa cơ quan chức năng sở tại và mình. Là những ngày cuối tuần vừa chán chường, buồn bã, vừa nhớ nhà khi các bạn Lào về với gia đình, chỉ còn trơ trọi vài người ở lại giữa một nơi hiu quạnh, chẳng phải quê hương, chẳng phải xứ sở, chẳng phải là những gương mặt mình chờ đợi. Là những lần đi "mật phục" rã rời trở về "bốt". 

Nói "bốt" là nói cho vui, nhưng thực chất "bốt" ở đây chính là hội trường cơ quan Công an huyện bên đó, nơi các đồng chí của mình lưu trú trong thời gian công tác. Tiền mang đi có hạn nên mọi chi phí đều phải tiết kiệm hết sức. Ở Lào, sinh hoạt đắt đỏ hơn, nên cứ vác xe máy sang, cứ lương thực mang theo, cứ hộ tống thêm chăn màn đúng kiểu bộ đội hành quân tham gia chiến dịch ngày xưa và cứ "bốt" hội trường mà chinh chiến.

Ở Lào, để tìm ra manh mối cũng như đường dây buôn bán ma túy thì những chiến sỹ của mình có những ngày ròng rã trên đường, đi rất sâu, rất xa. Không như Việt Nam, diện tích rừng già ở Lào vẫn còn rất nhiều. Vì thế mà, có những vùng hoang vu và nhiều thú dữ. Đồng chí Quyết nhớ lại: "Chúng tôi luôn dắt khẩu K59 bên người. Súng lúc nào cũng phải lên đạn. Trên đường đi,  những biển cảnh báo "Ở đây có hổ xuống vồ người" rất nhiều. Đã thế, ở đây cũng có rất nhiều phỉ. Ban ngày là dân nhưng ban đêm là phỉ, chẳng biết đâu mà lần".

Công an Việt Nam và Công an Lào trong một buổi đề ra phương án “tìm rắn”.

Những chuyến đi dày hơn, lịch làm việc "đốt cháy" nhiều hơn. Và khó khăn, hiểm nguy và dấn thân cũng là có thật. Thế nhưng, khi kể lại tôi nghe con đường mình đi, Trung tá Bế Thế Quyết cười bảo lính đánh án ma túy là như thế đấy. Sau nhiều đợt phối hợp vạch ra phương án tác chiến giữa hai nước, kế hoạch SH09 đạt được nhiều thành tựu. Các bạn Lào bắt đầu chủ động khai thác, tìm hiểu địa bàn. Điển hình là Công an huyện Xốp Pâu, Luong prabang đã tự triển khai được chuyên án độc lập. Tình hình lộn xộn về ma túy ở khu vực giáp ranh được kiểm soát chặt chẽ.

Người gieo lửa và giữ lửa

Sinh năm 1965 tại Tràng Định, Lạng Sơn, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp an ninh, kinh qua một số văn phòng rồi về Công an tỉnh Sơn La công tác. Trước vấn nạn ma túy hoành hành, năm 1998, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được thành lập (PC47), Trung tá Bế Thế Quyết cũng viết đơn về đó và làm việc cho tới tận bây giờ. Khi tôi hỏi sao lại chọn ma túy, vốn là "ngạch" khó khăn, nhiều vất vả, đồng chí bảo, chắc là "do từ xưa đến nay, bản tính của mình là người thích phiêu lưu, không ưa môi trường làm việc tĩnh; với lại từ bé đã ham đọc các truyện/tiểu thuyết trinh thám nên khi nghe tin Phòng PC47 sắp ra đời, tôi đã viết đơn xin về đó".

Sơn La trải khắp 250km đường biên giới và vùng lõi ma túy nằm trọn trên địa bàn 6 huyện rộng lớn gồm Mộc Châu, Sông Mã, Yên Châu, Sốp Cộp, Mai Sơn, Vân Hồ. Các đối tượng, các đường dây chủ yếu là anh em, dòng họ, tính cộng đồng rất cao, nhất là người dân tộc thiểu số Mông, không bao giờ khai ra các đối tượng khác; quá trình điều tra và mở rộng vụ án lâu hơn và vất vả hơn. Việc quản lý về mặt hành chính, về hộ khẩu hộ tịch ở khu vực biên giới vô cùng khó khăn. Đa số đối tượng là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế nên không ý thức được những hậu quả do mình gây ra.

Là một trong những "thủ lĩnh" cầm quân trực tiếp đánh vào sào huyệt của nhiều tụ điểm ma túy dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đối với những đối tượng khó trị và lì lợm, Trung tá Bế Thế Quyết chia sẻ ngoài những phương pháp nghiệp vụ cơ bản, thái độ kiên quyết, vững vàng thì trinh sát ma túy phải khéo léo, mềm mỏng. Đối với đối tượng thì thế, đối với anh em đồng đội, đồng chí là một người nghiêm khắc nhưng cũng hết sức ôn hòa. Và đây cũng là người đi gieo lửa nghề, giữ ngọn lửa nhiệt huyết đó đối với những đồng đội của mình.

Hậu phương của đồng chí như thế nào, đã bao giờ "ý kiến" khi đồng chí hay đi như thế chưa, Trung tá Bế Thế Quyết cười bảo: “Lúc đầu cũng hay kêu lắm nhưng kêu mãi thành quen. Mấy lần chỗ tôi ở họp tổ dân phố, các bác ở phường vẫn hỏi bố cháu hôm nay có đi họp không, con gái tôi nói rằng: ối giời, bố cháu bây giờ ấy à, có khi đang ở biên giới. Cũng may đó là hậu phương tuyệt vời nhất của đời mình. Họ đứng thầm lặng phía sau những chiến công, họ tin tưởng và thấu hiểu nỗi vất vả của nghề mình đang làm. Tôi vẫn nói với các đồng đội trẻ của mình rằng: "Các anh có đánh đông dẹp bắc, đời các anh có thành công hay không thì tất cả phụ thuộc vào người vợ của các anh"

Điệp An (CSTC đặc biệt 2014)
.
.
.