Người gieo mầm thiện

Thứ Năm, 05/02/2015, 18:00
Nhiều phạm nhân sau khi chấp hành án phạt tù, hoặc có tử tù trước giờ thi hành án đều dành sự kính trọng, biết ơn sự động viên, khuyên giải từ anh. Người đánh thức tính bản thiện trong mỗi con người, đó là Đại tá Trần Mạnh Hải – Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình.

Vào những ngày cuối năm, mặc cho đợt rét tăng cường, chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình để gặp một trong những người tâm huyết với công tác giáo dục phạm nhân. Anh đã thức tỉnh nhiều người lầm lỗi, giúp họ nhận ra giá trị cuộc sống để yên tâm cải tạo, lao động.

Nhiều phạm nhân sau khi chấp hành án phạt tù, hoặc có tử tù trước giờ thi hành án đều dành sự kính trọng, biết ơn sự động viên, khuyên giải từ anh. Người đánh thức tính bản thiện trong mỗi con người, đó là Đại tá Trần Mạnh Hải – Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình.

Đại tá Trần Mạnh Hải sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, giàu truyền thống yêu nước. Người cha đáng kính của anh là giáo viên miền xuôi lên tăng cường miền núi. Cha anh từng nhiều năm là Hiệu trưởng Trường Sư phạm cấp 1 Hòa Bình, nơi đào tạo các thầy giáo, cô giáo thế hệ đầu tiên của tỉnh.

Năm 1976, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hòa Bình và đảm nhiệm vị trí đó đến khi nghỉ hưu. Người dân miền núi Hòa Bình biết ơn ông, các thế hệ thầy cô giáo nhớ tới ông như một người thầy mẫu mực, đức độ, luôn hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về người cha đáng kính, Đại tá Trần Mạnh Hải không giấu vẻ tự hào. Anh chia sẻ, chính tấm gương của cha đã soi rọi và định hướng để anh học tập, noi theo và vững bước trên đường đời nhiều chông gai, thử thách. Cha dạy rằng, con người sống phải thương yêu nhau, làm việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm trong sáng. Đó chính là bài học đầu đời để anh ngày một trưởng thành.

Đại tá Trần Mạnh Hải. 

Vốn là người thông minh, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh được bầu làm lớp trưởng. Gánh trọng tránh lớn khi tuổi còn nhỏ, anh gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của lớp và của trường, dẫn đầu các cấp học về thành tích học tập. Anh là một trong số học sinh ưu tú của Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, ngôi trường nổi tiếng về truyền thống giáo dục, đào tạo của tỉnh Hòa Bình.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tháng 11/1983, anh đỗ vào Trường Cảnh sát bảo vệ (tiền thân của Trường Công an vũ trang ngày nay) ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Đầu năm 1988, anh được điều động công tác tại Công an Hà Sơn Bình (nay là Công an Hòa Bình), được phân công giữ nhiều vị trí quan trọng, như: Phó trưởng Công an thị xã Hòa Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hòa Bình điều tra, khám phá nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, nhiều đường dây tội phạm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, anh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Lãnh đạo Công an tỉnh tín nhiệm để anh giữ vị trí công tác mới, vừa phát huy năng lực, sở trường, vừa khơi dậy tính nhân văn trong con người anh.

Tháng 9/2012, anh được bổ nhiệm giữ chức Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Đây là lĩnh vực công tác mới đầy nguy hiểm, cám dỗ, đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có bản lĩnh vững vàng, một ý chí thép. Thời điểm anh mới nhận nhiệm vụ, do chưa áp dụng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc nên số tử tù khá đông. Sức chứa nhà tạm giam có hạn, cán bộ quản giáo còn mỏng, do vậy việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Anh nhận thấy, việc đầu tiên phải xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, kiên định, vững vàng thì mới đáp ứng yêu cầu được giao. Anh quan tâm động viên tinh thần, giúp đỡ các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Đối với cán bộ trẻ, anh trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, tình cảm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, hầu hết cán bộ quản giáo đều yên tâm công tác, tuyệt đối chấp hành mọi mệnh lệnh, kỷ luật của đơn vị.

Là người có nội tâm sâu sắc, Đại tá Trần Mạnh Hải trăn trở làm sao xây dựng môi trường Trại tạm giam đậm chất nhân văn, nơi can, phạm nhân tìm lại con người thật của mình. Điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân, mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công. Đối với tử tù thì họ sám hối, ăn năn trước khi đền tội.

Dù bị kết án tử thì họ vẫn là con người, họ có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản.

Nhiều tử tù như: Nguyễn Văn Tuấn, ở Phù Cừ, Hưng Yên, kẻ nhẫn tâm sát hại dã man người lái xe ôm vô tội chỉ để cướp chiếc xe máy; hay Dương Ngô Duy, ở Tân Yên, Bắc Giang, thách thức pháp luật khi vận chuyển ma túy với số lượng kỷ lục, lên tới 120 bánh heroin.. trước khi ra pháp trường, họ không quên chào từ biệt, họ thấm thía lỗi lầm và cầu mong được xã hội, người đời tha thứ.

“Chứng kiến những thời khắc đó, tôi không khỏi xúc động và cầu mong những người khác có ý định phạm tội hiểu được suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn” – Đại tá Hải chia sẻ.

Để người phạm tội có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội. Đại tá Trần Mạnh Hải phát động cuộc vận động “Gửi lời xin lỗi” nhằm khơi dậy tính thiện trong con người của phạm nhân; mặt khác, giúp cán bộ giáo dục, quản giáo nắm tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Anh chỉ đạo tổ chức diễn đàn “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” để phạm nhân có niềm tin vào cuộc sống, cao hơn thế, giúp họ hoàn lương, trở thành người lương thiện, có ích cho cộng đồng và xã hội. Anh chỉ đạo cán bộ quản giáo tổ chức cho cán bộ đọc sách báo, xem tivi, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách về quyền con người, quyền được sống, trách nhiệm với cộng đồng. Vì lẽ đó mà nhiều phạm nhân sau khi ra Trại vẫn nhớ tới anh, người giám thị đức độ, tâm huyết, giúp họ nhận ra giá trị cuộc sống.

“Anh Hải đã tiếp thêm nghị lực và niềm tin cuộc sống cho chúng tôi. Đó là nền tảng để chúng tôi hòa nhập thành công với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội” – một phạm nhân chia sẻ.

Vào dịp lễ, Tết hoặc Quốc khánh 2-9, anh đề xuất cấp trên đặc xá trước thời hạn với những phạm nhân cải tạo tốt, để họ sớm trở lại cộng đồng, đoàn tụ với gia đình, với xã hội. Trước khi nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, nhiều phạm nhân xúc động, không nói nên lời.

Ngày chia tay, họ bịn rịn, nắm chặt tay người giám thị tốt bụng, đã đánh thức tính bản thiện trong con người họ. Họ thầm hứa sẽ cố gắng hòa nhập thật tốt, trở thành người có ích cho xã hội, không để công sức của cán bộ quản giáo uổng phí.

Với trên 30 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, trong sâu thẳm con người ấy là nghị lực, là tâm huyết, trách nhiệm với công việc, là sự cần mẫn, tận tụy phục vụ nhân dân. “Làm bất kỳ việc gì đều phải xuất phát từ cái tâm” – cái suy nghĩ giản dị đó giúp Đại tá Trần Mạnh Hải đứng vững trước sóng gió cuộc đời và áp lực công việc. Cuộc sống đôi khi chỉ xuất phát từ những điều giản đơn ấy.

Như Hùng
.
.
.