Người hùng của mô hình "mắt thần" phòng chống tội phạm

Thứ Ba, 12/04/2016, 14:59
Trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an phường 12 quận Gò Vấp, được xem là "cha đẻ" của mô hình "camera giám sát khu dân cư" mà nhiều người đã ví như những "mắt thần" tạo đột phá trong công tác phòng ngừa và kéo giảm tội phạm trên địa bàn. Ở anh toát lên sự tâm huyết và luôn hết lòng với công việc phòng chống tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân…


Người "khai sinh" ra mô hình "mắt thần camera" đầy hiệu quả

Nhắc đến Trung tá Lê Thành Hưng (SN 1965, quê ở xã Tân Nhật huyện Bình Chánh), Trưởng Công an phường 12 quận Gò Vấp, là mọi người nghĩ ngay đến người "khai sinh" ra "mô hình camera giám sát khu dân cư" rất thành công và mang đến những hiệu quả đặc biệt, nhất là nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Mô hình này hiện đang được triển khai ở nhiều địa bàn tại một số quận huyện và nhiều địa phương khác.

Vào ngành năm 1983, anh được tham gia khóa 5 - khóa bồi dưỡng sơ cấp nghiệp vụ tại chức tại Công an quận Gò Vấp trong vòng 2 năm. Đây cũng là khóa bồi dưỡng cuối cùng của Công an quận Gò Vấp. Sau đó, anh trải qua nhiều vị trí công tác và chức vụ khác nhau, như bắt đầu làm Cảnh sát khu vực Công an phường 13 quận Gò Vấp.

Một "mắt thần" đang được lắp ráp trên đường Phạm Văn Bạch.

Tám năm sau, do công tác thay đổi sổ hộ khẩu mới đòi hỏi nhiều nhân sự nên anh được rút về Công an quận để thực hiện nhiệm vụ này (năm 1993). Sau đó 1 năm, anh lại được điều động về làm cán bộ thanh tra của Đội Tổ chức Công an quận Gò Vấp.

Trong suốt khoảng thời gian mấy năm đó, vừa làm việc anh vừa tích cực tham gia học tập, bồi dưỡng về văn hóa, chuyên môn, võ thuật. Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, anh đã tốt nghiệp khóa học Đại học Luật và luyện tập xuất sắc đạt cấp độ 3 đẳng môn võ thuật Taekwondo. Đến năm 2000, anh được Ban chỉ huy Công an quận bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận. 

Hai năm sau, do yêu cầu công tác anh lại được điều động làm Phó Đội trưởng Đội Chính trị hậu cần phụ trách công tác tổ chức cán bộ. Cuối năm 2004, anh được điều động về làm Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về kinh tế chức vụ, phụ trách điều tra án. Đến cuối 2009, anh được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Công an phường 12 phụ trách chung, sau đó là Trưởng Công an phường 12 cho đến nay.

Anh Hưng cho biết tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn phường 12 trước đây khá phức tạp. Là một trong những phường đông dân cư cùng với việc trong những năm gần đây tình hình kinh tế xã hội, văn hóa của phường khá phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh. 

Do đó, số dân từ các tỉnh thành đến cư trú học tập và làm việc cũng tăng lên, trong đó có nhiều đối tượng xấu trà trộn vào gây khó khăn trong công tác quản lý, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội (TNXH) và phạm pháp hình sự. 

Ngoài ra, khu vực này cũng có nhiều hộ dân kinh doanh phòng cho thuê, kéo theo hàng loạt các vấn đề trật tự xã hội phức tạp như cờ bạc, hút chích… Chưa kể, đây còn là địa bàn giáp ranh nhiều quận. Trong đó, tuyến đường Tân Sơn được xem là nơi tập trung TNXH, số lượng tội phạm xã hội gia tăng…

Trước tình hình ANTT có nhiều diễn biến phức tạp như vậy, được sự chấp thuận của các cấp lãnh đạo, Ban chỉ huy Công an phường 12, mà đứng đầu là Trung tá Lê Thành Hưng, đã mạnh dạn, chủ động triển khai mô hình "Camera an ninh giám sát tình hình an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư".

Được triển khai thí điểm từ tháng 8-2013 chỉ với 4 camera, đến nay toàn phường đã có 426 "mắt thần" được lắp đặt tại hầu khắp trên địa bàn phường, nhất là các khu nhà trọ, tuyến hẻm dân cư và nhiều tuyến đường của phường 12 với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng được đóng góp từ nguồn xã hội hóa trong dân.

Theo đó, hình ảnh từ các camera ở các nơi được truyền về trung tâm điều khiển. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm, lực lượng Công an phường, bảo vệ dân phố sẽ có mặt xử lý chậm nhất 5 phút sau. Đồng thời cùng lúc tổ trực tại trung tâm điều khiển cũng sẽ thông báo bằng điện thoại đến cho chủ hộ để cảnh giác phòng ngừa. Mặt khác, tại các khu dân cư được gắn camera, người dân có thể dùng điện thoại, laptop, tivi cài đặt phần mềm để quan sát. Khi phát hiện người khả nghi, trộm, cướp giật, người dân có thể gọi trực tiếp về phường. Phường sẽ dùng hệ thống bộ đàm, điện thoại cử ngay lực lượng bảo vệ dân phố và Công an khu vực gần nhất tới hiện trường hỗ trợ xử lý.

Chính vì hiệu quả như vậy, nên nhiều người đã ví những chiếc camera được lắp đặt tại phường này như những chiếc "mắt thần" góp phần vào việc cải thiện, đảm bảo ANTT, kéo giảm tội phạm. Nhờ mô hình này mà tình trạng trộm cắp, cướp giật, tụ tập gây mất an ninh trật tự, tệ nạn mại dâm trên địa bàn phường 12, quận Gò Vấp, có chiều hướng giảm rõ rệt. Nhiều vụ trộm cắp, tệ nạn xã hội được phát hiện, can thiệp, xử lý kịp thời… Đặc biệt là giải quyết dứt điểm được tệ nạn mại dâm trá hình trên đường Phan Huy Ích và Tân Sơn - nơi từng bị gọi là "phố đèn đỏ" đầy tai tiếng.

Mong muốn nhân rộng và triển khai đồng bộ mô hình này

Ngoà việc trang bị camera, Công an phường còn cho gắn các biển cảnh báo phòng ngừa tội phạm tại các khu vực nhà trọ, khu dân cư như "Khu nhà trọ có gắn camera an ninh quan sát từ xa" và "Tuyến đường công cộng có gắn camera an ninh quan sát từ xa". 

Chính việc khai này như một lời nhắc nhở người dân sinh sống trong khu vực tự điều chỉnh hành vi của mình như việc vất rác đúng nơi quy định, không phóng uế bừa bãi…, giúp cho tình hình ANTT trên địa bàn được ổn định hơn do các đối tượng cộm cán lo sợ tránh xa mà nếp sống văn minh đô thị tại các khu dân cư, phòng trọ cũng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, theo Trung tá Lê Thành Hưng, thời gian đầu mô hình này do còn quá mới mẻ với người dân nên cũng chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ ngay. Đầu tiên là vấn đề kỹ thuật, bởi dù camera không mấy xa lạ với mọi người, nhưng cách để lắp đặt, truyền tải dữ liệu thông qua mạng 3G, Wifi, cáp quang vào điện thoại di động và màn hình theo dõi từ các đầu ghi được lắp đặt tại các khu vực thí điểm thì quả là một vấn đề mới lạ đối với cán bộ chiến sĩ Công an phường…

Đối với anh, khó khăn nhất là công tác vận động người dân. "Lúc đầu, chúng tôi phải mang hệ thống giám sát qua máy tính xách tay, máy chiếu đến từng khu phố trình diễn mô hình cho người dân xem. Được thấy tận mắt nghe tận tai nên ai cũng tin tưởng, tâm đắc. Nhưng khó khăn nhất là kinh phí bởi có gia đình khá giả, có người nghèo khó nên không thể chia bình quân. 

Theo đó, Công an phường đã vận động những gia đình khá đóng trước, mỗi hộ đồng ý đóng 2-3 triệu đồng. Với một hệ thống camera cần khoảng 17-18 triệu nên thiếu bao nhiêu những hộ khác sẽ chia ra đóng, hộ nghèo thì được miễn. Ban đầu chúng tôi làm ở vài hẻm, sau khi thấy tình hình ANTT thay ðổi rõ rệt nên những hẻm, khu nhà trọ cạnh đó cứ thế làm theo", Trung tá Lê Thành Hưng kể lại.

Song song với mô hình này, lực lượng Công an, bảo vệ dân phố còn được trang bị 40 máy bộ đàm giúp họ dễ dàng kết nối với nhau khi hoạt động. Chưa kể người dân còn đóng góp 84 triệu đồng mua 4 xe máy để lực lượng đi tuần tra.

Chính hiệu quả của mô hình này đã đóng góp phần lớn vào thành tích chung của UBND phường 12, quận Gò Vấp. Theo đó, vào ngày 18-3-2015, UBND phường 12 đã vinh dự đón nhận cờ Thi đua xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Bộ Công an trao tặng. Đầu tháng 6-2015, sau khi đến kiểm tra tại phường 12, quận Gò Vấp, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã biểu dương, đánh giá cao mô hình "Camera an ninh" của Công an phường 12, đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an nghiên cứu, nhân rộng mô hình này.

Hiện mô hình này đã được nhiều phường tại các quận 1, 2, 3, 11, Gò Vấp...  triển khai áp dụng, thậm chí triển khai ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Trong đó, có thể kể như Công an phường 13, quận 3 đã cho gắn camera tại các hẻm "nóng" về tệ nạn trộm, cướp giật như hẻm 339, 351, 359 đường Lê Văn Sỹ. Hay Công an xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn từ tháng 10-2014 đến nay cũng đã triển khai lắp 13 camera dọc Quốc lộ 22 và một số hẻm "nóng" về tệ nạn ma túy gần vòng xoay An Sương…

"Điều tôi mong muốn là tiếp tục có sự triển khai đồng bộ từ các quận nói riêng đến thành phố nói chung; đồng lòng nhất trí cao xuyên suốt từ lãnh đạo đến người dân để các mắt camera phủ kín đến từng ngõ hẻm, con phố… Như thế mới giúp phòng ngừa, kéo giảm tội phạm một cách hiệu quả và thiết thực", Trung tá Lê Thành Hưng tâm huyết. 

Mong muốn này cũng đúng như lời của Trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh trong cuộc gặp báo chí đầu năm đã nhấn mạnh rằng ngoài việc sẽ triển khai nhiều phương án để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm thì "sắp tới chúng tôi triển khai đồng bộ hóa hệ thống camera an ninh khắp các khu dân cư, mọi ngõ ngách để phục vụ những mục đích khác nhau, nhưng quan trọng là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cuộc sống người dân".

Trung tướng Lê Đông Phong cũng cho biết thêm, trên cơ sở mạng lưới camera giao thông hiện có, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông nghiên cứu, lắp đặt hoàn thiện hệ thống camera an ninh giám sát toàn địa bàn thành phố.

Phú Lữ
.
.
.