Người hùng ở vùng "đất dữ"

Thứ Sáu, 05/02/2016, 12:51
Anh say sưa kể về những chiến công và cũng say sưa nói về những nỗi niềm vẫn luôn canh cánh trong lòng của người lính hình sự. Trong đôi mắt ấy, trong giọng nói ấy và câu chuyện ấy có một niềm đam mê, một tâm huyết vô cùng tận.

Tôi nghe người đàn ông ấy nói, quan sát sự nhanh nhạy và tính bao quát trong điều hành công việc và biết rằng, dẫu có viết bao nhiêu chữ thì cũng khó mà thể hiện hết được những gì mà anh đã làm cho sự bình yên đất cảng. Đời lính hình sự của anh có mồ hôi, nước mắt, có những đêm không ngủ với biết bao ưu tư, trăn trở. 

Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng đã có 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3, 1 Huân chương Chiến công hạng 3 và 5 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

1. Phòng làm việc của anh lúc nào cũng có người qua lại. Công việc này chưa giải quyết xong, công việc kia lại ập tới. Hai chiếc máy điện thoại liên tục reo vang. Bận bịu là thế, ấy mà rời công việc được vài phút, anh đã có thể đọc thơ và nói về kịch bản văn học. Anh tự tìm cho mình giây phút thảnh thơi, nhưng lại chẳng ngoài công việc. Thơ của anh, kịch bản của anh đều là xúc cảm về người lính hình sự, về bản thân, đồng đội đã từng và hằng ngày vẫn sát cánh bên nhau trong những cuộc chiến đấu chống tội phạm ở thành phố Cảng Hải Phòng.

Và có lẽ, nếu ai biết về những chiến công của anh sẽ nhận thấy, những câu thơ của anh không chỉ là thơ, mà là cuộc đời của anh, là tình yêu của anh với công việc, với thành phố cảng bình yên. Gần gũi là vậy nhưng cái tên Thắng "Phẩm" - (dân giang hồ vẫn gọi tên kèm theo tên bố anh) đã trở thành nỗi sợ hãi của các băng nhóm tội phạm. Bởi, cái tên đó đã gắn với nhiều chiến công, với những vụ phá án gây xôn xao dư luận không chỉ ở riêng Hải Phòng. Những chiến công, những bề dày thành tích của anh được bắt nguồn bởi niềm say mê, yêu thích nghề Cảnh sát hình sự (CSHS) từ khi còn nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Điều tra xét hỏi, Trường An ninh nhân dân I, Bộ Công an, năm 1985, chiến sỹ trẻ Lê Hồng Thắng về nhận công tác tại Phòng An ninh điều tra, Công an TP Hải Phòng. Cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, tình hình tội phạm hình sự ở Hải Phòng diễn biến phức tạp, đó cũng là lúc chiến sỹ trẻ Lê Hồng Thắng chia sẻ hiểm nguy với Đội đặc nhiệm H88 của Phòng CSHS, Công an TP Hải Phòng. Ở tập thể anh hùng nức tiếng cả nước, Lê Hồng Thắng đã trưởng thành và liên tiếp lập chiến công.

Đại tá Lê Hồng Thắng.

Năm 1995, với cấp bậc Đại úy, Lê Hồng Thắng đảm nhiệm cương vị Đội trưởng Đội án tuyến. Chưa đầy 10 năm anh tham gia chỉ huy phá trên nghìn vụ án. Chất hình sự đã ngấm vào máu người chỉ huy đầy bản lĩnh này. Khoảng thời gian phụ trách hình sự ở Công an huyện An Dương, anh đã cùng đồng đội triệt phá "phi đội bay" một thời làm mưa làm gió trên quốc lộ 5.

2. Hỏi anh trong cuộc đời lính hình sự, anh đã bắt được bao nhiêu đối tượng phạm pháp? Anh không trả lời thẳng vào câu hỏi: "Điều quan trọng không phải là bắt, mà là kịch bản bắt, là phương án tiếp cận đối tượng". Mỗi chuyên án của anh và đồng đội là một kịch bản không bao giờ lặp lại. Chỉ trong 10 năm trở lại đây, anh đã trực tiếp chiến đấu, tham gia khám phá hàng trăm vụ án, chuyên án và bắt nhiều đối tượng nguy hiểm như Tuấn "lùn", Trường "cave", Hiển "ung", Hải "phú", Việt "liên"… Có đối tượng như Hưng "sự" ở phố Đình Đông, Hải Phòng sau khi giết người ở TP Hồ Chí Minh đã ra Hải Phòng, cùng đồng bọn tử thủ tại một ngôi nhà ở ngoại ô. Trước đối tượng có vũ khí nóng, anh cùng đồng đội đã dũng cảm, mưu trí buộc nhóm đối tượng này phải hạ súng đầu hàng.

Đối mặt với hiểm nguy, ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc, hay cận kề cái chết, người lính hình sự ấy vẫn thể hiện bản lĩnh hơn người, xử lý tình huống linh hoạt cùng kỹ thuật, chiến thuật và đặc biệt là phải dũng cảm, quyết đoán ở những thời khắc khó khăn nhất. Câu chuyện bắt đối tượng Hải "phú" là một điển hình của việc sử dụng "kịch bản" với những "diễn viên" là CBCS Cảnh sát hình sự nhập vai một cách hoàn hảo - vai diễn không bao giờ diễn lại. 

Hải "phú" tên thật là Nguyễn Văn Hải, SN 1970, ở đường Trần Huy Liệu, phường Năng Tĩnh, TP Nam Định. Hải "phú" là đối tượng có 5 tiền án và liên quan đến đường dây buôn bán 100 bánh heroin. Hắn cực kỳ ma mãnh, hung hãn và nguy hiểm, sẵn sàng nổ súng khi bị vây bắt. Trước đó, Hải "phú" đã từng bị Công an tỉnh Nam Định bao vây, nhưng với bản chất côn đồ hung hãn, hắn đã dùng súng khống chế con tin và bỏ chạy lên Hà Nội, đồng thời bắn trả lực lượng truy bắt. 

Ngay sau khi nhận tin báo chỉ còn 1 giờ đồng hồ nữa Hải "phú" sẽ về nhà một người quen ở Hải Phòng để trú ẩn, Đại tá Lê Hồng Thắng đã xây dựng một kịch bản, phân "vai diễn" trong tình huống vô cùng cấp bách. Việc đầu tiên, anh tìm đến nơi được cho là địa điểm đối tượng sẽ xuất hiện. Đó là một tiệm cắt tóc gội đầu rất đông khách.

Đồng chí Lê Hồng Thắng (cầm hoa) trong một lần được Ban Giám đốc Công an TP Hải Phòng biểu dương vì có thành tích xuất sắc khi tham gia phá án.

Đúng như "kịch bản" phá án, chỉ khoảng 20 phút sau Hải "phú" xuất hiện cùng một đối tượng khác. Thấy quán cắt tóc gội đầu khóa cửa, hắn ra quán nước kế bên ngồi chờ. Khi tín hiệu về sự xuất hiện của hắn vừa phát ra, Đại tá Lê Hồng Thắng phóng xe đến trước cửa tiệm dừng lại. Thấy người lạ, Hải "phú" đứng phắt dậy, để tay vào bụng định rút súng. 

Cũng đúng thời khắc đó, người khách lạ hỏi một câu bâng quơ: "Không biết chủ tiệm đi đâu mà đóng cửa thế này". Đoán là khách đến cắt tóc, hắn yên tâm ngồi xuống. Thế nhưng, khi anh Thắng vừa xuống xe, Hải "phú" đã đứng dậy và rút khẩu súng Colt chĩa thẳng vào đầu anh. Nhanh như cắt, anh gạt phắt tay súng của hắn, quật ngã Hải "phú", đồng đội lao vào hỗ trợ anh khóa tay đối tượng nguy hiểm này.

3. Từ năm 2010 đến 2013, tình hình các ổ nhóm tội phạm có tổ chức liên tục sử dụng vũ khí thanh toán, tranh giành nguồn thu lợi bất chính trong các lĩnh vực, ngành hàng. Đại tá Lê Hồng Thắng đã suy nghĩ, trăn trở làm sao để loại bỏ những nguy cơ phức tạp tiềm ẩn có thể bùng lên bất cứ lúc nào. 

Vậy là sau nhiều đêm suy nghĩ, ý tưởng thành lập một đội tuần tra vũ trang ban đêm ra đời và được triển khai ngay sau đó. Đội tuần tra ban đêm có từ 60-80 CBCS, tuần tra kiểm soát suốt đêm, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm phát luật. Và ngay trong tuần đầu ra quân, lực lượng này đã bắt được một đối tượng truy nã về tội giết người, thu giữ một khẩu súng Col tự chế.

Hải Phòng vẫn được ví như một vùng đất dữ, nơi hoạt động của nhiều băng ổ nhóm giang hồ cộm cán. Là chỉ huy hình sự, đó là điều mà Đại tá Thắng trăn trở lắm. Bản lĩnh và khí chất đặc biệt của người lính hình sự của anh đã khiến giới giang hồ phải chùn bước. Có những vụ phá án, đối tượng bắt giữ con tin, cố thủ trong nhà, nhưng khi nghe anh xưng tên, đối tượng đã dần dần mềm lòng và ra quy hàng, tránh được đổ máu.

Hỏi Đại tá Lê Hồng Thắng gia tài qua bao nhiêu năm làm hình sự của anh là gì? Anh bảo, điều quý giá nhất của anh là gia đình. Vợ và các con anh luôn là hậu phương vững chắc để anh dành trọn tâm huyết cho công việc. 

Và, thêm một hạnh phúc nữa là anh có nhiều bạn, đó là cái ân nghĩa anh để lại cho chính những đối tượng, những giang hồ nên khi trở về làm người tốt đã tìm đến anh như một sự biết ơn. Có người đưa vợ con đều đặn đến thăm anh và gọi người đã từng bắt mình năm xưa là "bá". Không có oán hận, không có thù ghét giữa người thực thi pháp luật với người vi phạm. Thiết nghĩ, đó là thành công lớn, là tình người, sự nhân văn phía sau công việc của người lính hình sự.

Việt Hà - Trần Huy
.
.
.