Người lặng lẽ góp phần vào những chiến thắng lẫy lừng

Thứ Năm, 30/04/2015, 11:00
"Ta dùng "vũ khí" giấy tờ của địch để đánh địch thì phải biết sử dụng từng loại "vũ khí" đó một cách thành thạo, khôn khéo nhất. Do đó, sự kết hợp giữa đôi tay khéo léo với cái đầu nhạy cảm biết tính toán một cách khoa học, sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc đặc biệt này", ông Lâm Quốc Dũng - người đã có công lớn trong việc góp phần "tạo vỏ bọc" cho các cán bộ, chiến sĩ vào nội đô Sài Gòn chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ một cách an toàn - đúc kết về nghề.
"Quận trưởng Dũng Râu"

Là con thứ hai trong gia đình có tất cả 7 người con, ông Lâm Quốc Dũng (66 tuổi, biệt danh Dũng Râu hay "Quận trưởng", hiện ngụ phường 7 quận Bình Thạnh) sinh ra và lớn lên tại vùng đất thép Củ Chi (quê gốc ông ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi).

Cũng như bao chàng trai mới lớn ở vùng quê anh hùng này, 14 tuổi ông đã nhập ngũ và được phân công về công tác tại Phòng Chính trị Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Phát hiện ông có năng khiếu bẩm sinh về điêu khắc, với đôi bàn tay khéo léo và đôi mắt tinh anh, nên một năm sau ông đã được đơn vị cử đi học nghề điêu khắc (khắc gỗ).

"Nơi tôi học có mật danh là "Mật khu Hố Bò" (xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi bây giờ). Lớp học chỉ có ba đứa cùng trang lứa với tôi. Thầy dạy lớp học này của tôi có khá nhiều nhưng ba người thầy Út Dự, Tư Lũy, Năm Thi là để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc. Chú Út Dự (quê Quảng Nam, đã hy sinh trong trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Tết Mậu Thân 1968) là thầy dạy tôi khắc mộc (dấu tròn).

Ông Dũng cùng vợ và hai con gái.

Trong khi đó, chú Tư Lũy (sau giải phóng, người này công tác tại Công an TP. Hồ Chí Minh và đã mất cách đây hơn 10 năm) chỉ dạy tôi cách thực hiện từng công đoạn, quy trình để hoàn tất một thẻ căn cước. Trong đó, phần sau cùng, khó nhất là giả chữ ký. Vì vậy, việc tìm hiểu kỹ càng một chữ ký trong các loại giấy tờ của địch, để lựa chọn cho đúng loại viết, màu mực, cách cầm viết như thế nào… để ký chữ ký giả là việc đặc biệt cần lưu ý. Người thầy thứ ba là chú Năm Thi (công tác tại Thành ủy, ngụ quận 10, đã mất cách đây hơn 1 năm) dạy tôi nghề chụp ảnh, rửa hình…

Ba người thầy này đã chỉ dạy cho tôi cái nghề mà học trò dù có học giỏi đến cỡ nào đi nữa cũng không dám khoe với ai. Đây là nguyên tắc giữ bí mật. Người ta học tập có trường lớp hẳn hoi, ra trường được cấp chứng chỉ, văn bằng… "Trường" của tôi chẳng có tên, cũng không hề có địa chỉ (nếu có cũng chẳng dám công khai). Khi "ra trường" thầy chỉ dặn dò một câu thay cho giấy chứng nhận: Hãy luôn cố gắng học tập để tiến bộ và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó", ông Dũng nhớ lại quãng thời gian học tập có một không hai của mình.

Sau ba tháng học tập, ông "tốt nghiệp ra trường" và về làm công việc khắc tranh ảnh cho Báo Ngọn cờ Gia Định. Sau đó, vào tháng 4/1965, ông trở về đơn vị công tác với nhiệm vụ chính là khắc gỗ phục vụ cho Báo Quyết Thắng, tờ báo đầu tiên của lực lượng Vũ trang nhân dân Sài Gòn - Gia Định được in bằng chữ chì ra đời. Đầu năm 1967, ông được điều động sang C10 - T700 Quân báo đô thị với nhiệm vụ mới là chuyên sưu tầm làm giả giấy tờ của địch phục vụ cho công tác hoạt động và chiến đấu nội thành.

Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu vào nghề chưa có kinh nghiệm, ông Dũng kể: "Một lần tôi theo chú Tư Lũy làm "giấy tờ" cho chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ) chuẩn bị cho chuyến đi nghiên cứu chiến trường. Sau một hồi tiếp xúc, chú Năm Xuân nói chú Tư Lũy cứ chủ động đặt tên khác cho chú và cả tên cha mẹ của chú. Một lúc sau, chú Tư Lũy trao cho chú Năm một mẩu giấy.

Ông Dũng thời trẻ.

Xem qua, chú Năm Xuân liền quát ngay: "Các cậu làm việc cái kiểu gì thế này? Mình là dân Bắc kỳ mà để quê quán ở Nam bộ, chẳng lẽ các cậu muốn mình bị bắt hả?...". Đây là một kỷ niệm khó quên, đồng thời là một bài học xương máu đối với tôi. Sau này mỗi khi làm giấy tờ cho ai, tôi đều hết sức lưu ý đến các chi tiết này để tránh mắc sai lầm…".

Theo ông Dũng thì do lực lượng quân báo, biệt động của quân khu đa dạng, già trẻ, gái trai có đủ cả. Vì thế, việc trang bị giấy tờ hợp pháp để hoạt động trong nội thành phải căn cứ vào đặc điểm này. Ví dụ, thanh niên trong độ tuổi quân dịch thì sử dụng Giấy hoãn dịch (lý do sức khỏe, gia cảnh, học vấn, vĩnh viễn…), Chứng chỉ tại ngũ kèm Giấy nghỉ phép…

Chiến sĩ trên dưới 15 tuổi thì sử dụng Giấy khai sinh, Trích lục khai sinh, số khác thì dùng tờ Cớ mất giấy tờ kèm Giấy đi đường. Trường hợp đặc biệt thì sử dụng "Sự vụ lệnh, Thẻ công vụ", nhìn vào giấy này thấy có gạch chéo màu đỏ và lá cờ ba que là đủ để "hù" bọn cảnh sát chế độ cũ rồi. Tuy nhiên, thẻ căn cước vẫn là loại giấy tờ tùy thân chính, các loại khác chỉ có giá trị thay thế tạm thời trong một thời gian nhất định…

Để làm được công việc này đòi hỏi người làm phải có tay nghề cao mới có thể đảm bảo được về mặt kỹ thuật, nếu không sẽ bị địch phát hiện. Những công đoạn như: khắc dấu, ký tên giả, chụp ảnh… đòi hỏi không phải là đẹp hay xấu mà làm sao bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là giấy thật đâu là giấy giả.

Thành công trong việc dùng "vũ khí", giấy tờ của địch để đánh địch

Vào cuối năm 1967, để chuẩn bị cho Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, cấp trên lệnh cho ông Dũng làm hàng loạt giấy tờ giả cho cán bộ chiến sĩ quân báo - biệt động phân khu vào hoạt động, chiến đấu tận sào huyệt kẻ thù. Với tinh thần tiến công, bất chấp ngày đêm bom pháo địch, ông đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, kịp thời để đưa toàn bộ lực lượng quân báo vào hoạt động trong nội thành an toàn, mở màn cho các trận đánh ác liệt làm cho Mỹ-ngụy ngỡ ngàng trước đòn tấn công này.

Nửa cuối năm 1968 song song với việc tổng động viên, tăng tuổi lính lên đến 50 tuổi, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt đầu tiến hành từng bước việc đổi thẻ căn cước mới trên toàn miền Nam cho công dân có độ tuổi từ 15 trở lên (căn cước mới thường gọi lại căn cước rồng xanh).

Ông Dũng (đeo máy ảnh) và đồng đội ở biên giới Campuchia (giáp với Tây Ninh) năm 1971.

Căn cước này được in bởi công nghệ của Mỹ nên chính quyền Sài Gòn rất tự tin tuyên bố công khai là để chống Việt Cộng làm căn cước giả. Và quả thật thẻ căn cước này đã khiến cho chúng ta mất một thời gian khá dài gặp nhiều khó khăn trong việc làm giả do điều kiện kỹ thuật công nghệ của ta còn quá thiếu thốn.

 Với quyết tâm "Nhất định không thể chịu thua được", ông Dũng đã chú tâm cao độ để làm giả thành công tờ biên nhận (đuôi) căn cước mới của chính quyền Việt Nam Cộng hòa… Ông Dũng cho biết: "Sau khi nghiên cứu thật kỹ mọi chi tiết và chuẩn bị tốt nhất mọi thứ cần thiết, nhất là tinh thần phải luôn sảng khoái, chỉ trong vòng một tuần tôi đã khắc xong, đạt yêu cầu như mong đợi.

Với kết quả này, đồng chí Dương Long Sang - Trưởng ban Quân báo liền báo cáo với đồng chí Trần Hải Phụng - Tư lệnh Phân khu 6. Sau khi xem kỹ tờ biên nhận giả được in thử từ bảng khắc gỗ, đồng chí Phụng thốt lên "Đây là phương tiện sắc bén để tấn công địch" và đồng chí đã chấp thuận cho in hàng loạt để sử dụng…". Với thành tích đặc biệt này, ông Dũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Tuy nhiên, thời gian sử dụng tờ biên nhận (đuôi) căn cước này cũng có hạn định, vì nó chỉ là một loại giấy tờ có giá trị thay thế tạm trong thời gian chờ lấy căn cước mới. Khi đương sự được cấp căn cước mới thì tờ biên nhận bị thu hồi. Tuy nhiên, nhờ nó mà đường dây liên lạc nội ngoại thành được thông suốt, những bế tắc lâu nay trong hoạt động nội đô như xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, trinh sát mục tiêu… đã được khôi phục và ổn định, phục vụ kịp thời những yêu cầu của cấp trên.

Cuối năm 1971, ruột thẻ căn cước rồng xanh gửi in từ Liên Xô đã được chuyển về nước, với đầy đủ "trang thiết bị" kèm theo nên việc làm căn cước giả không còn khó khăn nữa. Dù loại này còn một số sơ sót nhưng bộ phận công tác của ông Dũng đã chỉnh sửa lại hoàn chỉnh, như chi tiết ba cạnh của căn cước thật có răng cưa, kích cỡ bằng nhau, nhưng mẫu của Liên Xô làm thiếu chi tiết này; hay số thẻ là loại số rất đặc biệt, có lẽ chỉ dùng riêng cho căn cước - họ làm từng con số rời (thay vì hộp số).

Mỗi lần sử dụng phải ghép lại từng con số nên không thể đều nhau và rất khó dùng. Hơn nữa các con số này thiếu độ chính xác cao… Để khắc phục điểm này, ông Dũng đã khắc hàng loạt chữ số (căn cước có 8 số) để sử dụng cho mỗi khi làm căn cước giả…

"Biết địch biết ta, tùy cơ ứng biến là đặc điểm, là tính chất công việc, đồng thời là phương châm phục vụ của bộ phận làm giấy tờ giả trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ta dùng "vũ khí" giấy tờ của địch để đánh địch thì phải biết sử dụng từng loại "vũ khí" đó một cách thành thạo, khôn khéo nhất. Do đó, sự kết hợp giữa đôi tay khéo léo với cái đầu nhạy cảm biết tính toán một cách khoa học, sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc đặc biệt này", ông Dũng đúc kết về nghề.

Cho đến tháng 4/1975, sau hơn 9 năm làm giấy tờ giả phục vụ cho công tác hoạt động nội thành, ông Dũng cùng đồng đội của mình đã lặng lẽ góp phần vào chiến thắng của nhiều trận đánh lẫy lừng vào tận trung tâm đầu não của kẻ thù, góp phần làm rạng rỡ trang sử oai hùng của lực lượng Quân báo, biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Riêng ông Dũng, tháng 12/1976, ông chuyển ngành sang Công ty Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu năm 2009.

Phú Lữ
.
.
.