Người lính hơn 20 năm “cắm bản” ở vùng biên

Thứ Hai, 25/12/2017, 08:02
Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự với tấm bằng kỹ sư xe máy công binh, anh được phân về công tác tại Quân khu III, ngay tại Thái Bình quê hương anh. Chưa kịp hưởng niềm vui đoàn tụ bên gia đình thì anh được điều động đến đặc khu Quảng Ninh phụ trách đội công binh đào hầm.


Thời gian và công việc cứ cuốn anh đi khắp những vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh. Khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật cùng không ít hiểm nguy rình rập khiến nhiều người phải bỏ cuộc, vậy mà người chiến sĩ ấy vẫn kiên cường bám trụ hơn 20 năm ở vùng biên giới...

Tôi gặp Đại tá – nhà văn Hoàng Đức Nhuận (Tạp chí Văn hóa Quân sự) vào một chiều mưa Hà Nội. Bên chén trà nóng, nhìn mưa rơi tí tách, ông kể cho tôi nghe câu chuyện về một người lính đã dành trọn tuổi xuân bám trụ ở vùng biên giới xa xôi hẻo lánh của tỉnh Quảng Ninh để làm nhiệm vụ của một chiến sĩ công binh. Ông bảo: “Mình gặp Đăng ở bản Trình Tường II (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) cũng vào một ngày mưa – một ngày mưa hiếm hoi của nơi đấy.
Anh Nguyễn Hải Đăng chia sẻ về những tháng ngày “cắm bản” cùng bà con dân tộc.

Không đi xây dựng hầm cũng không đi kiểm tra rừng được, người lính ấy ngồi ôm cây đàn ghi ta, lũ trẻ ê a quây quần xung quanh. Cái áo bông bẩn, toàn đất vì trèo rừng, hôi vì không có nước để giặt. Đôi giày, cái ống quần lem nhem đất. Với lính công binh, khó khăn vất vả không thể nào kể xiết.

Nhiều người đã thực sự bỏ cuộc vì không bám trụ được, vậy mà trước khi chia tay về Hà Nội, Đăng nhìn tôi cười tươi và khẳng định chắc nịch: “Còn 208 ngày nữa là hết năm, có người đã bỏ về. Nhưng anh cứ yên tâm về Hà Nội, em ở lại”. 

Chính câu chuyện của nhà văn đã thúc giục tôi tìm gặp Thượng tá Nguyễn Hải Đăng, nguyên cán bộ Phòng Kỹ thuật, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, người cựu học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự năm nào để được nghe chính anh kể về những tháng ngày lăn lộn nơi biên cương xa xôi.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Nguyễn Hải Đăng đó là một người lính, bình dị và thân thiện. Nhắc đến câu chuyện của mình anh chỉ cười. Anh bảo đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một người lính mà bất cứ ai trong hoàn cảnh của anh cũng dốc hết tâm huyết để thực hiện.

Nhưng chúng tôi biết, để gắn bó với đồng bào dân tộc, với những vùng xa xôi hẻo lánh hơn 20 năm dài đằng đẵng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn cả sự hi sinh cao cả không phải ai cũng làm được.   

Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 1986 với quân hàm Trung úy, được phân công về công tác tại Quân khu III, ngay trên mảnh đất quê hương, người kỹ sư trẻ trong lòng phơi phới, háo hức được cống hiến cho quê nhà.

Nhưng về hôm trước, hôm sau anh lập tức được điều động đến đặc khu Quảng Ninh để làm nhiệm vụ chỉ huy đào hầm chiến lược. Dù thường xuyên phải học tập, rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt, gian khổ, nhưng lần đầu tiên đến với vùng biên cương, đối mặt với một công việc mới là xây dựng công trình quốc phòng, dân sinh với muôn ngàn khó khăn, thử thách, anh vẫn không khỏi choáng ngợp.

Sau hai ngày đến huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, anh tiếp tục cùng đồng đội đi bộ 30km vào Lữ đoàn công binh 539. Và từ đấy, những chuyến đi rừng phá núi, đào hầm cứ cuốn anh đi khắp vùng đất hoang sơ, nghèo khó nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Nhớ lại những ngày còn đào hầm chiến lược ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh, khi ấy Nguyễn Hải Đăng được phân làm Trung đội trưởng, vì công trường nằm sâu trong rừng nên hằng ngày, anh cùng đồng đội phải đi bộ vượt hơn 5km đường rừng mới vào được đến nơi.

Trên vai lúc nào cũng nặng trĩu những ba lô, túi khoác đựng đồ ăn, nước uống và những vật dụng cần thiết phục vụ cho công việc. Có những hôm trời rét căm căm, anh em vẫn dầm mình trong hầm sâu, người lấm lem bùn đất.

Với người lính công binh đào hầm, nguy hiểm lúc nào cũng thường trực, chỉ cần sơ sảy một chút thôi có thể khiến cả khối đất đá đè sập xuống, nên lúc nào họ cũng phải thận trọng, tập trung nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.

Hơn 5 tháng bám trụ tại công trường, cuối cùng anh  và đồng đội cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với thành tích ấy, anh được cấp trên tin tưởng chọn lọc “hạt giống đỏ”, giao trọng trách là Đội trưởng Đội cơ động vật cản của Lữ đoàn 513, Quân khu III ra xây dựng hầm pháo đầu tán ở đảo Vĩnh Thực.

Anh Nguyễn Hải Đăng (giữa) thời trẻ.

Năm 1998, anh tiếp tục được thử thách khi về Trung đoàn 42 làm Đội trưởng đội xây dựng, thi công các công trình dân sự. Lúc này chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 vừa kết thúc, Trung Quốc đã rút quân song tình hình vẫn rất căng thẳng. Tại tỉnh Quảng Ninh có 3 xã bị “trắng dân” sau chiến tranh là Thán Phún, Pò Hèn, Lục Phủ; khoảng trống biên giới giữa hai nước là 7km.

Nhiệm vụ quan trọng của bộ đội ta lúc này không chỉ là bảo vệ vùng biên giới mà còn xây dựng Khu kinh tế – quốc phòng Bắc Hải Sơn, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội cho các huyện vùng biên, di dân đến khoảng “trắng” để bám đường biên giới, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Nguyễn Hải Đăng được lãnh đạo Trung đoàn 72 tin tưởng giao làm chỉ huy đơn vị thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó. Với anh, đó là quãng thời gian thực sự khó khăn nhất với người lính quen với chỉ huy đào hầm, xây dựng công trình quốc phòng, dân sự.

Để di dân đến vùng biên giới, việc đầu tiên là phải xây dựng nhà ở, các công trình dân sinh trên diện tích hơn 10 hecta tại ngã ba suối nguồn sông Ka Long. Đảm bảo an toàn cho công trường xây dựng, anh cùng đồng đội mất rất nhiều thời gian thực hiện công tác rà phá bom, mìn, vật cản trước khi xây dựng, sau đó lại bắt tay vào nhiệm vụ đào đất, đóng gạch, đốt lò làm vật liệu xây dựng. Để có đá làm móng, anh lại chỉ huy nổ mìn, khai thác đá, nghiền đá…

Những người lính công binh như những người thợ xây hối hả làm việc quên cả ngày đêm với mong muốn có được những công trình tốt nhất phục vụ nhân dân. Từ những khoảng đất trắng mênh mông bắt đầu mọc lên những ngôi nhà ngói mái ngói đỏ tươi, san sát nhau đầy sức sống mới.

“Thời gian ấy, tình hình biên giới còn rất căng thẳng. Ban ngày, anh em vừa lo xây dựng công trình, vừa lo bảo vệ chủ quyền vùng biên giới. Đêm ngủ đầu giường luôn sẵn sàng hai băng đạn đầy và khẩu súng AK đề phòng mọi trường hợp bất chắc xảy ra”, anh Đăng nhớ lại.

Nhưng khó khăn nhất lúc này là vận động bà con ra định cư nơi ở mới bởi họ đa phần là người dân tộc, đã quá quen với nếp sống bám làng, bám bản. Họ sợ phải ra ở vùng biên giới nhiều biến động, sợ đến nơi ở mới sẽ không có đất để sản xuất, canh tác và phát triển kinh tế. Khi ấy anh Đăng cùng đồng đội đã phải trèo đèo, lội suối đến từng nhà để vận động, thuyết phục bà con.

Miệng nói, tay làm, các anh cùng ăn, cùng ở, cùng bà con làm ruộng, đào mương, trồng cây, gây rừng. Và thật bất ngờ, 1500 người dân đã tự nguyện đến khu định cư sinh sống, cùng bộ đội gây dựng một khu kinh tế mới phát triển.

Anh Nguyễn Hải Đăng (thứ 2 từ trái sang) cùng bạn bè, đồng nghiệp cũ.

Không những thế, anh Đăng còn cùng đồng đội trực tiếp làm thầy giáo mở những lớp học xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc, đưa y tế về thôn, bản; cải thiện điều kiện học hành, khám chữa bệnh, phát triển văn hoá, văn nghệ, đưa phát thanh truyền hình về phục vụ bà con.

Hơn 20 năm (từ năm 1986 đến năm 2007), bước chân anh đã đi qua biết bao bản làng của tỉnh Quảng Ninh, sống gần người dân tộc Dao, người Sán Chỉ. Hình ảnh người chỉ huy nhiệt tình xông xáo trong mọi công việc, những lúc rảnh rỗi lại cầm đàn dậy bọn trẻ con ê a tập hát đã trở nên quá quen thuộc với những người dân bản nơi đây.

Cũng từ đây, những vần thơ mộc mạc, giản dị, lấy chất liệu từ cuộc sống, từ tình yêu, nỗi nhớ với gia đình, quê hương cứ thế tuôn trào. Thời gian này, Nguyễn Hải Đăng tự sáng tác được khá nhiều bài thơ, bản nhạc hay, vừa là cảm xúc, trải nghiệm của chính mình, vừa để phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ của bà con nơi đây. Nếu đến thăm Khu kinh tế – quốc phòng Bắc Hải Sơn hôm nay chắc hẳn nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay của vùng đất mới này.

Năm 2007, Nguyễn Hải Đăng được Quân khu III điều về Phòng Kỹ thuật làm Trợ lý của Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cho đến lúc nghỉ hưu. Thi thoảng có điều kiện anh lại trở về thăm đồng bào dân tộc Khu kinh tế – quốc phòng Bắc Hải Sơn. Với anh đó như là quê hương thứ hai, nơi anh đã cống hiến cả tuổi trẻ để bảo vệ và dựng xây.

Phong Trâm
.
.
.