Người thầy thuốc đam mê làm từ thiện

Thứ Tư, 05/06/2019, 22:00
Từ giữa năm 2012 đến nay, số tiền mà ông Đỗ Thanh Bình (65 tuổi, ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gom góp để giúp đỡ người nghèo đã lên đến con số hàng trăm triệu đồng.

Ông bảo, niềm vui của việc thiện không chỉ có ở lúc trao tận tay số tiền nhỏ cho người nghèo, mà nó còn nhân lên gấp bội khi một thời gian sau đó, nghe tin có người đã thoát nghèo, có người khỏi bệnh, có em học sinh nghèo không nghỉ học giữa chừng. Với ông, đó là niềm vui trong khoảng lặng mà ít người có được...

Chữa bệnh miễn phí

Nhắc đến thầy thuốc Đỗ Thanh Bình, người dân ở xã Tịnh An và các xã lân cận không ai không biết. Bởi tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ người nghèo. Ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng ông không chỉ là địa chỉ quen thuộc với người dân mỗi lúc ốm đau, mà còn là nơi họ tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia để vượt qua cảnh khốn khó.

Lúc chúng tôi tìm đến, bên trong ngôi nhà giản dị, ông Bình đang tiếp và chữa bệnh cho từng người. Ông không phân biệt người quen, kẻ giàu, cứ chữa bệnh, bốc thuốc theo thứ tự. Bệnh nhân tìm đến ông thường mắc các bệnh như viêm đa khớp, thoái hóa xương khớp, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa… 

Nhiều người bệnh cho biết, ông vừa chữa bệnh hiệu quả, vừa có lòng thương người, chữa bệnh nhưng không lấy tiền công. Với người nghèo, ông còn cho thuốc miễn phí.

"Tôi bị đau cột sống đã hơn 5 năm, đi bệnh viện khám và uống thuốc mấy lần nhưng không khỏi. Nhà nghèo còn chạy ăn từng bữa, biết là bệnh ngày một nặng, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không đến bệnh viện nữa mà đành sống chung với bệnh tật. 

Cách đây một tháng, có người quen giới thiệu thầy Bình chữa bệnh rất giỏi, lại miễn phí nên tôi tìm đến nhờ giúp đỡ. Cứ một tuần, tôi lại đến nhờ thầy chữa trị và lấy thuốc. Biết hoàn cảnh của tôi khó khăn nên cả tiền công và tiền thuốc thầy đều không lấy. 

Hiện giờ, bệnh tình của tôi đã đỡ rất nhiều, thầy bảo lấy thuốc về uống đợt này nữa là sẽ khỏi hẳn. Tôi biết ơn thầy vô cùng", bà Nguyễn Thị Cửa (53 tuổi, ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết.

Ông Bình đã hơn 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Ông Bình sinh ra trong một gia đình nghèo khó của miền quê nơi đây. Lớn lên, ông phải bươn chải, làm lụng đủ thứ nghề để mưu sinh. Sau khi lập gia đình, ông cũng thường sống xa vợ con để làm thuê làm mướn nuôi cả nhà. 

Thời ấy, cha mẹ ông vì làm việc quá sức mà bị các bệnh về xương khớp. Nhà nghèo không có tiền đến bệnh viện nên đành tự chữa bằng mấy bài thuốc dân gian, nhưng vẫn không khỏi bệnh. Chứng kiến cha mẹ khổ sở sống chung với bệnh tật, ông thấy thương vô cùng và tự hứa với lòng sẽ tìm thuốc chữa khỏi bệnh cho người thân.

Trong một lần đi làm thuê, ông Bình gặp được một thầy thuốc có nhiều bài thuốc nam rất hay nên ngỏ ý xin học, cốt là để mang về chữa bệnh cho cha mẹ. Biết tâm nguyện của ông, người thầy thuốc này liền chỉ dạy. 

Rồi, cứ mỗi lần đến một vùng đất mới làm thuê, thấy ai có bài thuốc hay có thể chữa bệnh cho cha mẹ, ông Bình lại xin học. Sau vài năm học nghề như vậy, ông đã thông thuộc được khá nhiều bài thuốc nam chữa bệnh rất hiệu quả. Thành phần các bài thuốc chủ yếu là cây cỏ thảo mộc dễ tìm kiếm.

Hơn 30 năm trước, ông Bình về hẳn quê, đem những gì đã học được để chữa trị cho cha mẹ, người thân. Rồi những người hàng xóm xung quanh cũng đến nhờ ông chữa trị. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến nhờ cứu chữa, đa phần là người nghèo khó. Dần dà, ông gắn bó với nghề thuốc nam lúc nào không hay và được mọi người gọi với cái tên thương mến là thầy Sáu Bình. Ông chữa trị bằng cách xoa bóp, bấm huyệt, đắp thuốc và cho người bệnh uống thuốc nam.

Ông Bình tâm niệm, chữa bệnh mục đích chính là để giúp đời nên không hề lấy tiền công, mà chỉ lấy tiền thuốc. Những người quá nghèo khổ, ông miễn phí luôn tiền thuốc. Tuy nhiên, rất nhiều người được ông chữa khỏi bệnh đã để lại tiền trước khi ra về, coi như là chút ân tình đền đáp người thầy thuốc. Nhiều lần gặp chuyện như vậy, ông cảm thấy áy náy, bởi chẳng thể trả lại cho chủ, cũng chẳng thể bỏ túi tiêu xài, làm trái với ý nguyện của bản thân.

"Bệnh nhân của tôi chủ yếu là nông dân, ngư dân lam lũ khổ cực, đời sống nghèo khó, vì lao động nặng nhọc nên họ mắc các bệnh về xương khớp. Đời tôi cũng chẳng có gì sung sướng nhưng nhìn quanh nhìn quẩn thấy nhiều người khổ quá. Khổ hơn tôi cả trăm ngàn lần. Mà nỗi đau khổ lớn nhất là vì bệnh tật, vì không có tiền chữa trị. Vậy nên tôi giúp được người thì giúp", ông Bình chia sẻ.

Mỗi tuần ông Bình mở thùng từ thiện một lần để giúp đỡ người nghèo.

Gom tiền lẻ cho người nghèo

Suy nghĩ mãi, đến đầu năm 2012, ông Bình liên hệ với chương trình truyền hình từ thiện "Kết nối những tấm lòng" của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi để nhờ họ dùng số tiền này giúp đỡ những trường hợp khó khăn trên địa bàn tỉnh. 

Sau lần đó, ông thường xuyên theo dõi chương trình này và nhận ra rằng, còn rất nhiều hoàn cảnh bi đát, đáng thương cần được giúp đỡ. Vậy nên giữa năm 2012, ông mạnh dạn xin phép xã, rồi đóng một chiếc thùng nhỏ nhờ chính quyền niêm phong lại. Sau đó, ông đặt chiếc thùng tại nhà với suy nghĩ, ai có lòng thì tùy tâm bỏ tiền vào thùng từ thiện. Số tiền này là để giúp đỡ người nghèo, tuyệt đối không dùng vào việc khác.

"Những ngày đầu đặt thùng từ thiện, tôi nói với người bệnh về ý định của mình, tùy tâm mỗi người mà tiền công chữa bệnh tôi sẽ dùng để giúp đỡ người nghèo. Hồi ấy, mọi người hưởng ứng nhiệt tình, tôi mừng lắm. 

Tôi còn nhớ như in số tiền 1.732.500 đồng mà tôi gom được sau một tháng đặt thùng tiền từ thiện tại nhà. Hầu hết đều là những đồng tiền lẻ nên tôi gói ghém lại rất gọn gàng. Ngay ngày hôm sau, tôi lấy một triệu đồng để giúp đỡ một gia đình khó khăn mà tôi đã xem qua tivi. Khi được tôi trao tiền, họ mừng vui đến rơi nước mắt", ông Bình kể.

Ông Bình trao tiền cho học sinh khó khăn.

Những lần mở thùng từ thiện sau đó, nghe ở đâu có những người khó khăn cùng cực, các em học sinh không có tiền học là ông Bình lại mang tiền đến trao tận tay. Ông chia sẻ, càng đi, càng thấy nhiều mảnh đời bất hạnh nên càng thôi thúc ông làm việc nhiều hơn để có càng nhiều tiền, gom lại tặng cho những hoàn cảnh khó khăn. Lúc chưa làm từ thiện, ông chỉ chữa bệnh buổi sáng, buổi chiều nghỉ ngơi. Nhưng bây giờ, ông chữa cho đến tận chiều. 

Nhiều người thấy ông làm việc quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nên khuyên dành thời gian nghỉ ngơi. Ông lại bảo, biết là sức khỏe của bản thân thì không thể hành hạ, nhưng bà con nghỉ làm nương rẫy, đồng áng để đến chờ chữa bệnh, họ đi đường xa xôi vất vả, nếu không giúp thì thấy tội nghiệp bà con. Ông cực thêm một chút không chết liền, nhưng bà con bị bệnh để lâu thì sẽ thêm khổ, thêm đau.

Bây giờ, ở ngay căn phòng khám, chữa bệnh tại nhà ông Bình có một chiếc thùng nhỏ với dòng chữ: "Thùng từ thiện, chuyên mục "Kết nối những tấm lòng", do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Đài PTTH tỉnh Quảng Ngãi thực hiện. 

Mỗi tuần, ông mở thùng từ thiện một lần để giúp đỡ người nghèo. Khán giả của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi thấy ông tuần nào cũng trao tiền hỗ trợ cho người nghèo, cứ nghĩ rằng ông giàu lắm. Có người đến tận nhà mới vỡ lẽ khi thấy cuộc sống giản dị đậm chất của một thầy thuốc nghèo. Họ trầm trồ bảo rằng, ông đã nhóm lên niềm tin vào cuộc sống cho những mảnh đời tưởng chừng như rơi vào tuyệt vọng.

"Có lần, tôi trao một triệu đồng cho cô Võ Thị Lành ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có con gái bị bệnh tim bẩm sinh. Cô Lành nắm tay tôi mà ngân ngấn nước mắt. Cô nói nhiều lần thấy tôi trên ti vi nhưng hôm nay mới được nhìn tận mắt. Cô bảo, nghe người ta nói một phần số tiền mà tôi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn là tiền mồ hôi nước mắt của người lao động nghèo nên cô rất quý trọng", ông Bình chia sẻ.

Từ giữa năm 2012 đến nay, số tiền mà ông Bình gom góp để giúp đỡ người nghèo đã lên đến con số hàng trăm triệu đồng, còn cụ thể bao nhiêu thì ông không nhớ nổi. Ông bảo rằng, niềm vui của việc thiện không chỉ có ở lúc trao tận tay số tiền nhỏ cho người nghèo, mà nó còn nhân lên gấp bội khi một thời gian sau đó nghe tin có người đã thoát nghèo, có người khỏi bệnh, có em học sinh nghèo không nghỉ học giữa chừng. Đó là niềm vui trong khoảng lặng mà ít người có được.

Lúc chúng tôi ra về, ông Bình bảo, làm thầy thuốc thì không có tuổi nghỉ hưu, ông sẽ chữa bệnh cứu người đến lúc nào không chữa được nữa. Ông sẽ tiếp tục giúp đỡ tiền cho người nghèo đến lúc nào không còn tiền nữa. Nhìn ông làm việc thiện một cách bền bỉ, chúng tôi hiểu rằng, tấm lòng của ông luôn hướng đến người nghèo, đến những mảnh đời còn nhiều cơ cực, bất hạnh trong cuộc sống.

Ông Đỗ Thanh Bình đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tặng bằng khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen vì đã có thành tích trong việc thực hiện chuyên mục "Kết nối những tấm lòng" của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, ông còn nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức, đoàn thể vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thiện nguyện.
Phan Nhuận Phin
.
.
.