Người tô điểm nét xuân cho đường phố

Thứ Năm, 31/01/2019, 18:49
Ông Nguyễn Văn Minh tự bỏ tiền mua sơn, chổi... tỉ mẩn trang trí từng bức tường lớn khắp con ngõ 62,64, đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP Hồ Chí Minh.

5 năm miệt mài làm đẹp cho những bức tường vốn bừa bộn rác và những tờ rơi quảng cáo, ông Nguyễn Văn Minh không còn bị người dân gọi là "khùng" khi cứ tự bỏ tiền mua sơn, chổi... tỉ mẩn trang trí từng bức tường lớn khắp con ngõ 62,64, đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP Hồ Chí Minh. Giờ đây, người dân ưu ái gọi ông là "họa sĩ Minh" - danh xưng mà ông ao ước từ bé, đến tuổi thất thập mới lần đầu được gọi.

Lão khùng chuyên "may áo" cho những bức tường bị bôi bẩn

Sài Gòn những ngày cuối năm nắng gắt dù mới sáng sớm. Con ngõ nhỏ nằm trên đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4 rổn rảng tiếng nói cười trong dãy chợ tự phát họp đến khoảng 10h sáng. 

Không giống như những khu chợ khác với tràn ngập rác thải, ở nơi này, những hàng tôm, cá, thịt, rau... đều nổi bật vì sau lưng họ là những bức bích họa lớn mô tả cảnh đẹp quê hương đất nước đi kèm những châm ngôn, triết lý nhẹ nhàng, tinh tế...

Nơi ồn ào nhất ngay ngã ba con ngõ là chỗ của chị bán cá. Sau lưng chị là cả mùa xuân phương Nam rực rỡ với hoa mai vàng, bánh chưng xanh, đàn én chao liệng trên bầu trời... 

Cảm giác như chị bán cá khi ngồi giữa chốn thần tiên đó cũng trở nên tao nhã, thanh lịch hơn... Trong lòng chị thầm cảm ơn lão họa sĩ Nguyễn Văn Minh - người đã kỳ công đứng nắng hai ngày trời để hoàn thành bức vẽ...

Khắp ngõ phố phường 2, đâu đâu cũng có dấu ấn của họa sĩ Minh, từ những bức tường công cộng hay tường nhà dân. Cận Tết, ông lại cần mẫn dắt chiếc xe đạp, trên giỏ có vài lọ sơn... tỉ mẩn đi từng ngõ ngách, bôi, xóa, thay áo cho những bức tường mà màu sắc vẫn còn tươi mới. 

Trên nền bức tường từng vẽ mai vàng và dòng chữ "Chào xuân Mậu Tuất", ông xóa đi bằng nền xanh, vẽ lên đó những cành đào hồng thắm bên trên, bên dưới là cả rừng hoa tulip... Họa sĩ già, tay vẽ miệng giải thích rằng "Để cho bà con thấy không khí Tết các miền rộn ràng thế nào...".

Trong gần 5 năm miệt mài đi khắp các con phố quận 4, quận 3, quận 7, di sản "họa sĩ khùng" để lại cho đời dễ đến hàng trăm bức bích họa trên tường. 

Từ hai con ngõ nhỏ quận 4, "tiếng lành đồn xa" - từ chỗ khát khao được vẽ, tự bỏ tiền mua vật liệu, đến nay ông được nhiều nơi mời đến trang trí tường giúp họ. Tiền công đôi khi chỉ là vài lọ sơn... nhưng khiến ông vui đến mất ngủ vì tác phẩm của mình đã được trân trọng.

Ông Nguyễn Văn Minh đang làm đẹp cho một con phố.

Cách đây 5 năm, trong những đêm thức trắng vì bị mất ngủ, ông Minh lọ mọ lấy sơn, cọ vẽ, dắt chiếc xe đạp cà tàng đi khắp lối xóm, vẽ hoa lá, hoạt cảnh lên các bức tường, vừa cho thỏa đam mê, vừa để giết thời gian, chờ đến sáng. 

Ban đầu người ta tưởng ông khùng, thậm chí họ nói ông bị "ma ám" khi đêm hôm cứ lang thang một mình rồi dùng cọ vẽ trò chuyện với những bức tường. 

Lâu dần thấy những bức bích họa làm bừng sáng phố phường, cảnh sắc quá tươi vui... nên những gã say rượu cũng không dám phóng uế bậy, người dân thấy đẹp cũng không nỡ để rác... 

Thậm chí, những người dán tờ rơi quảng cáo "khoan cắt bê tông", "hút bể phốt"... cũng trở thành kẻ yêu cái đẹp, ngẩn ngơ đứng trước những bức tường rực rỡ màu sắc... mà không dám bôi bẩn lần nữa...

Kể từ đó, chính quyền địa phương vui mừng, hỗ trợ kinh phí mua vật liệu, tin tưởng nhờ ông Minh khoác áo mới cho những bức tường. Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người dân cũng nhờ ông Minh "thay áo" cho những bức tường cũ kỹ của nhà mình.

"Nhà tôi vốn xây từ trước năm 1975. Tuy chưa xuống cấp nhưng khá cũ kỹ. Qua bàn tay anh Minh, nhờ các bức tranh mà tôi thấy nhà mình bừng sáng, đáng yêu, thân thương hơn bao giờ hết", bà Loan - một người dân sinh sống ở phường 2, đường Nguyễn Khoái, quận 4 cho biết.

Tác động lớn đến vẻ đẹp cảnh quan đô thị và ý thức bảo vệ môi trường, hành động của ông Minh được giới trẻ khắp TP Hồ Chí Minh học theo. Đầu tiên là Đoàn Thanh niên khu phố, chung tay với ông vẽ những bức tranh tường phong cách vui nhộn dành cho trẻ thơ. 

Sau đó, khắp các quận 7, quận 3, quận Bình Thạnh, quận 1... từ sinh viên trường Mỹ thuật, kiến trúc... đến các họa sĩ trẻ chuyên nghiệp đều thể hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trên các bức tường nằm dọc các con phố lớn như đường Bạch Đằng - quận 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, đường Điện Biên Phủ, quận 3... Đây có lẽ là liều thuốc tinh thần lớn nhất giúp ông Minh khỏi bệnh mất ngủ, khỏi luôn cả chứng sợ mùi sơn vì bệnh hen suyễn.

"Không gì vui bằng mình được gọi là họa sĩ, được khen tranh, và quan trọng là tôi thấy có thế hệ kế thừa khi các bạn trẻ ý thức được việc làm đẹp lối xóm và vẽ các bức tranh giúp người dân nhận thức cao được việc bảo vệ môi trường. Tôi còn tiếp tục vẽ cho đến khi nào sức khỏe còn cho phép" - ông Minh tâm sự.

Những hẻm nhỏ đẹp lên vì các bức họa.

Một cánh én nhỏ đã làm nên mùa xuân!

Nhìn ông Minh hăng say vẽ dưới cái nắng chói chang của Sài Gòn ngày cận Tết, ít ai biết ông từng có thời gian dài trầm cảm vì chứng mất ngủ và bệnh hen suyễn. Chính vì căn bệnh này mà ông phải chia tay những học trò khuyết tật tại một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật, kéo luôn vợ mình nghỉ theo. 

Đang là một người sống có ích, đột nhiên cảm thấy mình thừa thãi, lại thường xuyên mệt mỏi vì mất ngủ... ông Minh tưởng mình đã đi vào hẻm cụt của sự tuyệt vọng. May mắn, hội họa đã cứu ông, đem đến cho ông cuộc sống mới.

Mê vẽ, mê nhạc từ nhỏ, lớn lên, chàng thanh niên Nguyễn Văn Minh thi đậu một trường nghệ thuật tại Đà Lạt. Đang vẽ dở giấc mơ thành họa sĩ thì binh biến nổ ra. Ông Minh đi lính, hòa bình lập lại, ông trở về đời thường, lấy vợ, sinh con, mưu sinh bằng đủ nghề lao động chân tay, trong đó có cả nghề đạp xích lô.

Khi người con duy nhất trưởng thành, ông và vợ thảnh thơi hơn nên hai vợ chồng rủ nhau đến dạy tình nguyện cho các học trò kém may mắn tại trung tâm trẻ khuyết tật. Tại đây ông Minh dạy những học trò đặc biệt của mình kiến thức về hội họa, âm nhạc và võ thuật. Nhiều em có hành vi, ngôn ngữ cải thiện đáng kể sau thời gian dài học các môn năng khiếu của thầy Minh.

Năm 2013 - 2014, ông Minh phải nghỉ dạy đột ngột do bị chứng mất ngủ hành hạ. Nếu không có biến cố này, có lẽ ước mơ được vẽ cho hàng trăm người chiêm ngưỡng... của ông không thành hiện thực. Từ những đêm lang thang một mình, vẽ với tất cả say mê để quên thời gian, đến nay phần thưởng lớn nhất với người nghệ sĩ già là được vẽ, được thỏa sức sáng tạo, được bà con yêu quí... trân trọng gọi bằng danh xưng "họa sĩ".

Ông Minh và gia tài của mình.

Ở tuổi 75, họa sĩ già sống thanh bạch giản dị cùng vợ và con trong một căn nhà nhỏ nằm tút hút nơi cuối con hẻm, chỗ mom đất chạm bờ kênh. Ngoài vẽ, ông còn chơi thành thạo ba nhạc cụ, hát hay và là võ sư Karatedo. Rảnh rỗi, hai vợ chồng cùng người con lại đem đàn ra trước cửa, làm hẳn "liveshow" phục vụ bà con chòm xóm.

Bao năm nay, gắn bó bền bỉ bên họa sĩ vẫn là người vợ tần tảo hiểu chồng. Bà và con ủng hộ hết mình việc ông lang thang khắp nơi để vẽ.

"Ổng mê lắm, bữa nào mưa gió không đi vẽ được là buồn hiu. Có nhiêu tiền tiêu vặt cũng lấy đi mua sơn để vẽ vậy đó, rồi ăn cơm với nước mắm, nước tương. Ổng bị suyễn ba cái sơn đó độc lắm nhưng nói ổng hông nghe đâu, ổng có đam mê mà" - bà vợ cười tít mắt khi nói về chồng.

Chia tay chúng tôi khi con nắng đã lên đỉnh, người ướt sũng mồ hôi, ông trầm ngâm nói:

"Con tôi bảo ba cứ làm gì ba thích miễn là ba thấy vui, mọi thứ con lo được. Tôi chẳng có nhu cầu gì ngoài ngày 2 cữ cà phê, ba bữa cơm... Ở đời sống mà không đam mê một điều gì, khác nào chỉ ăn cho no để tồn tại - làm vậy tôi thấy vô nghĩa lắm".

Rồi ông giơ cao cọ vẽ, vẫy tay cười hiền hậu từ biệt, quay lưng  trở vào để tiếp tục công việc khiến tôi thấy ông đã sống một cuộc đời đáng sống.

Châu Mỹ
.
.
.