Người trở về từ Côn Đảo

Chủ Nhật, 04/01/2015, 08:00
Người trở về từ Côn Đảo với những vết thương hằn theo năm tháng, âm ỉ suốt cuộc đời. Dù đã về hưu nhưng ông chưa bao giờ nghỉ, bởi còn nặng nợ với đồng đội và trăn trở với nhân dân. Tôi gặp Trung tướng Châu Văn Mẫn tại nhà riêng ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khi những cơn gió biển dịu nhẹ ào ạt đổ vào đất liền. Vị tướng, anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND vẫn vẹn nguyên, sâu lắng như ngày nào.

Khi Tổ quốc không còn tiếng súng

Nếu để viết hết về cuộc đời ông, e rằng không bao giờ là đủ. Tôi đã từng phác thảo trong đầu những dự định cho bài viết của mình, nhưng gặp ông rồi, mạch nguồn cảm xúc cứ kéo tôi theo những trăn trở, những đau đáu của ông với đồng đội, với nhân dân. Chưa kể những tháng ngày “nếm mật nằm gai” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Còn lại, ngót 40 năm phục vụ trong lực lượng Công an, với những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, thì cuộc đời đã xây riêng cho ông chân dung vị tướng mang vẻ đẹp giản dị và khiêm nhường. Đối với ông, những năm tháng tù đày gian khổ, những cuộc đấu tranh chống đàn áp, những gương mặt đồng chí thân thương… chưa một lần phai mờ trong trí nhớ. Ông vẫn nhớ và ông vẫn kể khi quá khứ ùa về.

Đó là những năm 1965, ông hoạt động ở H89 (địa bàn huyện Krông Pak, Đắk Lắk) với nhiệm vụ nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở bí mật. Năm 1970, trong một lần cùng đội công tác đột nhập vào vùng địch bắt tên ấp phó, sau đó bị lộ, ông bị địch bắt và giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột ba tháng rồi bị đày ra Côn Đảo. Ở trong nhà tù, ông chống đối địch, chống chào cờ, chống lao động khổ sai, không chấp hành nội quy nên chúng bắt giam biệt lập. Những cuộc đấu tranh bền bỉ, quyết liệt ngay trong nhà tù địch, các tù chính trị câu lưu, dành quyền tự quản Trại 6B (nay là Trại Phú An) hình thành một lõm giải phóng. Cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị trong lõm giải phóng góp một phần quan trọng vào ngày giải phóng Côn Đảo.

Sau giải phóng, ông là một trong những hạt giống nòng cốt được chọn ở lại Côn Đảo và chuyển sang lực lượng Công an. Những ngày đầu Côn Đảo được hoàn toàn giải phóng, xen giữa niềm vui, niềm hạnh phúc là khó khăn chất chồng về xử lý công việc, kiện toàn bộ máy tổ chức. Suốt 5 năm, người chiến sĩ Châu Văn Mẫn làm việc như một con thoi trong Ban An ninh Côn Đảo.

Từ một anh lính bồng súng gác cổng, ông mày mò tập đánh máy, và ông là người đầu tiên biết đánh máy ở Ban An ninh Côn Đảo lúc bấy giờ. Sau đó, ông chuyển sang làm cán bộ đánh máy rồi Trưởng ban Văn thư, nhận trách nhiệm đào tạo cho 7 cán bộ trẻ từ đất liền ra. Trải qua nhiều trọng trách công tác khác nhau, ông giữ đến chức Phó Công an huyện Côn Đảo (Côn Đảo là một huyện của đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo), được cử vào đất liền học trường bổ túc sĩ quan ở phía Nam. Học xong, ông được điều về làm Phó phòng Bảo vệ chính trị, Công an đặc khu. Đặc khu ngày ấy nổi lên nạn vượt biên, buôn lậu, gây nhức nhối trong nhân dân. Đặc biệt, địa bàn phường Thắng Nhất là phường trọng điểm về vấn đề vượt biên và buôn lậu. Châu Văn Mẫn được điều về làm Trưởng Công an phường Thắng Nhất (thời kỳ đặc khu chỉ mới có hai cấp, là cấp tỉnh và cấp phường). Cán bộ Công an ngày đó đi lại chủ yếu bằng xe đạp, xuống địa bàn nắm tình hình, nắm từng hộ dân cư, từng nhân khẩu, nắm tâm tư, tình cảm của họ để làm công tác vận động quần chúng. Trung tướng Châu Văn Mẫn cho biết, muốn ngăn chặn được các vấn nạn này, trước hết phải phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thành lập các tổ dân phố, ban bảo vệ dân phố cùng với lực lượng Công an ngăn chặn băng nhóm tổ chức tập hợp tàu bè ở các bến bãi. Nạn vượt biên được dẹp yên thì nổi lên nạn buôn lậu, nhức nhối nhất là buôn lậu dầu từ các cảng biển. Lực lượng Công an phải đấu tranh quyết liệt, đề ra các phương án ngăn chặn, cũng như tác chiến đẩy lùi nạn buôn lậu. Từ một phường yếu kém, có nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an bị bắt, bị kỷ luật, sau ngày Châu Văn Mẫn về làm Trưởng Công an phường, ba năm liền phường Thắng Nhất đạt danh hiệu phường quyết thắng. Ông trở lại đặc khu làm Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, được đề bạt lên làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trung tướng Châu Văn Mẫn

Là người đứng đầu lực lượng Công an của một tỉnh giáp biển, có rất nhiều chuyên án kinh tế cũng như hình sự nổi cộm mà ông trực tiếp chỉ đạo đã “cất lưới” thành công. Điển hình như vụ Minh “samasa” (tên thật Nguyễn Văn Minh, SN 1964). Xét về tính chất, Minh “samasa”chẳng khác gì Khánh “trắng” ở Hà Nội, Cu Nên ở Hải Phòng hay Năm Cam ở TP Hồ Chí Minh.Chúng hoạt động theo kiểu xã hội đen, khi cần sẵn sàng thanh trừng các băng đảng khác để xâu xé tranh dành lãnh địa. Ngoài ra, chúng còn chèn ép giá ở các cảng cá, dìm giá của ngư dân. Với sự lộng hành ngang ngược của băng nhóm Minh, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập Chuyên án V698 do giám đốc Châu Văn Mẫn trực tiếp chỉ huy. Sau chuyên án Minh “samasa” là hàng loạt chuyên án khác liên quan đến nạn bảo kê các nhà hàng, vũ trường bị bóc gỡ. Không ít lần bọn chúng có ý mua chuộc ông nhưng đều bất thành, bởi đối với ông, không có gì quý hơn cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân.

Những mùa hoa nở mãi giữa trùng khơi

Sau 5 năm làm Giám đốc Công an tỉnh, cấp trên chuyển ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND. Đất Thủ đô đã để lại trong ông những dấu ấn không thể nào phai. Trên cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Phó Bí thư, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Tổng cục, vị tướng ấy làm việc không biết mệt mỏi. Ông làm chính sách cho cán bộ, chiến sĩ bằng cái tâm, cái tình, bằng sự thấu hiểu. Ông đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an đẩy mạnh phong trào quần chúng, bảo vệ ANTQ, xây dựng lực lượng, Công an xã vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới. Đến nay, phong trào ấy ngày càng được các cấp lãnh đạo quan tâm, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân phấn khởi hưởng ứng.

Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, ông được phân công phụ trách công tác lịch sử, bảo tàng CAND. Trung tướng Châu Văn Mẫn đã chú tâm trong việc nâng cấp, mở rộng di tích Nha Công an Trung ương. Ông để lại mồ hôi, công sức của mình ở bảo tàng trưng bày an ninh Khu V, di tích lịch sử An ninh Trung ương cục miền Nam, đền thờ Bác Hồ và di tích chiến thắng cách mạng ở hòn đá Bạc (Cà Mau). Hoàn thành đúc 5 tượng Bác Hồ bằng đồng đặt ở 5 bảo tàng của các khu di tích trong cả nước. Hoàn thành biên soạn lịch sử, thu thập danh sách liệt sĩ CAND để khắc bia liệt sĩ ở Nha Công an Trung ương, An ninh Khu V, An ninh Trung ương cục miền Nam... Ông thở phào nhẹ nhõm vì những phần việc nặng nề được giao phó đều hoàn thành đúng như mong mỏi của cán bộ, chiến sĩ và nhân nhân. Ông luôn tự hào bởi phía sau có bóng dáng của người bạn đời thân thương, sát cánh cùng ông trên mọi chặng đường.

Cô giáo Đặng Thị Mỹ Chi ngày hôm nay vẫn mang vẻ đẹp trong trẻo của con gái xứ Nha Mân (Đồng Tháp). Thời gian có thể lấy đi của con người ta tuổi trẻ và những hoài niệm, song ở cô giáo Chi vẫn phảng phất một nét đặc trưng của người phụ nữ cả đời tất tả lo cho gia đình, chồng con.

Trung tướng Mẫn chỉ cho tôi xem tấm ảnh cưới trắng đen của ông bà được treo trang trọng trong phòng khách, rồi nói: “Hồi đó tôi là học trò của cô ấy, cô dạy pháp luật ở trường Công an”. Nhớ về ngày tình yêu “đâm chồi nảy lộc”, Trung tướng Mẫn ánh lên niềm hạnh phúc, ông kể: “Đám cưới chỉ ăn kẹo và hút thuốc lá thôi nhưng mà vui nhất trong đời, anh em khắp cả nước về dự”. Hỏi cô giáo Chi sao ngày xưa lại ưng ông, cô cười hiền dịu bảo rằng: “Vì thấy anh ấy học rất giỏi, vận dụng bài học vào thực tế thì sâu sắc không ai bằng. Vì học giỏi mới thương đó”.

Những ngày tháng về hưu, ông nào được nghỉ. Hiện ông đang là Chủ nhiệm CLB Công an hưu trí của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với trên 600 hội viên sinh hoạt. Thời gian còn lại, ông đi làm từ thiện. Ông tìm về những vùng đồng bào khó khăn ở quê hương Quảng Nam, giúp đỡ gia đình đồng đội…

Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn có một cảm xúc đặc biệt với Côn Đảo, nơi mà cả thời trai trẻ của ông đã gửi lại. Ông may mắn trở về, để cả đời trăn trở và đau đáu với người nằm lại. Máu xương của đồng đội ông phải được ghi nhận, được tôn thờ bằng những nghĩa cử cao đẹp nhất của người còn sống. Năm nào ông cũng về Côn Đảo, có năm vài lần để sưởi ấm linh hồn những người yêu nước và các chiến sĩ đã ngã mình trên mảnh đất thiêng và làm nốt những việc còn dang dở. Ông cùng tập thể anh em cựu tù chính trị Trại 6B dựng được tấm bia lưu niệm nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu trại 6B – Côn Đảo (3/2/1972 – 3/2/2012); ghi nhớ cuộc đấu tranh bền bỉ, quật cường của những chiến sĩ gan thép, kiên trung. Rồi đây, tên tuổi tất cả các liệt sĩ sẽ được lưu danh lên bia, để anh linh các anh được sưởi ấm bằng nén nhang ngát tình đồng đội, nặng nghĩa quân dân.

Tháng 10/2011, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Phần thưởng cao quý ấy nhắc nhở ông về những ngày cầm súng chiến đấu với giặc ngoại bang. Nhắc nhở ông những việc cần làm, phải làm cho đồng đội đang nằm lại nơi Côn Đảo xa xôi, cho những mùa hoa nở mãi giữa trùng khơi.

Ngọc Thiện
.
.
.