Nhà văn Phùng Thiên Tân: SBC xung trận Ký ức một thời tuổi trẻ...

Thứ Năm, 07/08/2014, 15:00

Khi nói về “SBC xung trận” - cuốn sách viết về lực lượng Cảnh sát trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử, nhà văn Phùng Thiên Tân hào hứng: “Đó là một thời thanh niên sôi nổi của tôi và là một thời kỳ đặc biệt của lực lượng Cảnh sát TP Hồ Chí Minh trong lịch sử”.

Có thể nói, trong những cây bút trong lực lượng Công an nhân dân thì nhà văn Phùng Thiên Tân là người viết nhiều và thành công về đề tài Công an. Ông viết từ khi còn rất trẻ, những “SBC xung trận”, “Hồ sơ chưa kết thúc”, “Sống để đời yêu” là những tác phẩm ghi dấu mốc sáng tạo của nhà văn ở địa hạt khó khăn này. Và khi rời cương vị quản lý, buông bỏ những trách nhiệm bận rộn của một công dân, ông nói, sẽ trở lại với những trang viết, bởi ở đó, ông được sống trọn vẹn là mình. 

40 năm đã đi qua nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ vẫn chưa bao giờ bị quên lãng. Ở đó, có tuổi trẻ của nhà văn, tuổi trẻ của những chàng trai săn bắt cướp SBC dũng cảm đã viết nên huyền thoại. Đó là những năm 1977-1978, nhà văn Phùng Thiên Tân tốt nghiệp Học viện An ninh, về công tác tại Phòng sáng tác của Cục Công tác Chính trị - Bộ Công an. Nhớ lại những năm tháng đó, ông hào hứng, như được sống lại cả một thời sôi nổi. Những năm tháng khi chàng thiếu úy An ninh nhân dân tốt nghiệp ngành phản gián, rẽ sang viết văn, rồi gắn bó cuộc đời với văn chương. Nhưng có lẽ, những năm tháng học ở nhà trường đã giúp ông có vốn kiến thức vững vàng, để khi cầm bút, những trang viết về lực lượng Công an của ông luôn được đón nhận và thành công.

Phải là một người lăn lộn và am hiểu thực tế đời sống của các chiến sĩ Công an thì nhà văn Phùng Thiên Tân mới có những trang viết đẹp như vậy về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của họ. “SBC xung trận” là tác phẩm đầu tiên được viết khi nhà văn mới 24 tuổi. Tháng 3 năm 1978, sau hơn một năm miệt mài học và viết để khẳng định mình, Phùng Thiên Tân được nhà văn Lê Tri Kỷ cử đi thực tế ở Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh.

Lực lượng SBC chụp ảnh với đồng chí Mai Chí Thọ - Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.

Một địa hạt lạ lẫm và mới mẻ so với những gì chàng thanh niên 24 tuổi này được học ở nhà trường. Sáu tháng ròng rã, “nếm mật nằm gai” cùng với các chiến sĩ Cảnh sát để thu thập tư liệu và cảm nhận đời sống chiến đấu của các chiến sĩ Cảnh sát. “Có lẽ đó là một may mắn và một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm bút của tôi. Tuổi trẻ, lăn lộn cùng với các chiến sĩ Cảnh sát hình sự, sống và đi thực tế cùng họ đã giúp tôi có thực tế để viết cuốn sách này. Bởi đây là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát TP Hồ Chí Minh”.

“SBC xung trận” ra đời sau những năm tháng lăn lộn gian khổ. Cuốn sách đã gây được tiếng vang thời đó và liên tục được tái bản với số lượng phát hành kỷ lục, 100 ngàn bản. Cuốn sách ghi lại một dấu ấn rực rỡ của các chiến sĩ SBC, những người lính đã làm nên huyền thoại. Đến bây giờ, đọc lại cuốn sách, nhà văn Phùng Thiên Tân vẫn tự hỏi: “Không hiểu sao ngày đó mình còn rất trẻ mà có được vốn sống và những trang viết về lực lượng hấp dẫn đến vậy”. Còn tôi, khi đọc cuốn sách này, tôi hiểu, đó là tuổi trẻ, nhiệt huyết của một người cầm bút. Và ở đó, có cả một đời sống của các chiến sĩ Cảnh sát hình sự trong một thời điểm lịch sử đặc biệt.

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày thống nhất đất nước, thừa hưởng “di sản” nặng nề là những băng cướp giang hồ, nhiều tên cướp khét tiếng thành lập các băng đảng tổ chức cướp của giết người trắng trợn giữa lòng thành phố. Những sỹ quan, binh lính chế độ cũ trốn tránh, ẩn nấp chuyển thành tội phạm, gây ra những vụ án chấn động dư luận thời đó như vụ sát hại gia đình nghệ sĩ Thanh Nga, bắt cóc, tống tiền con trai nghệ sĩ Kim Cương. Cướp hoành hành trên các nẻo đường Sài Gòn. Máu của người dân và các chiến sĩ Cảnh sát liên tục đổ xuống. Những con số tội phạm gây sốc dư luận, 40 phút một vụ cướp, gần 170 người bị bắn chết vô tội, 200 người bị thương với hơn 45 ngàn vụ phạm pháp hình sự. Cuộc sống quá nhiều nỗi bất an.

Đội SBC- lực lượng trinh sát quả cảm, tiên phong ra đời trong bối cảnh đó. Tiền thân từ mô hình của Công an Quận 5 do Trung tá Trịnh Thanh Thiệp, sau này là Thiếu tướng làm trưởng phòng đã thành lập đội săn bắt cướp để đối phó với những tên cướp nguy hiểm trên địa bàn, lực lượng trinh sát săn bắt cướp SBC ra đời. Họ đã đi vào lịch sử như một huyền thoại đẹp. Những chàng trai SBC với chiếc Honda 67 xoáy nòng, đầu đội mũ mềm màu trắng có 3 chữ SBC màu đỏ thoắt ẩn, thoắt hiện trên phố phường Sài Gòn trở thành một biểu tượng đẹp của những chiến sĩ Cảnh sát thời đó.

Honda 67 xoáy nòng, ngựa sắt của đội SBC.

Nhà văn Phùng Thiên Tân may mắn được thâm nhập Sài Gòn trong thời điểm lịch sử. Ông sống cùng các chiến sĩ Cảnh sát, đi cùng họ trong những cuộc truy bắt gay cấn, trực tiếp hỏi cung những tên cướp bị bắt. “Các chiến sĩ SBC làm việc bất kể ngày đêm. Họ thoắt ẩn, thoắt hiện. Nguy hiểm luôn cận kề. Bọn tội phạm cực kỳ nguy hiểm nhưng tinh thần quyết tử của các chiến sĩ trở thành huyền thoại”. “SBC xung trận” xuất bản sau sáu tháng “nằm vùng” đã gây nên tiếng vang thời đó. “Tôi được sống cùng họ, được chứng kiến những chiến công tuyệt vời của họ, được thấy dư luận xã hội ngưỡng mộ họ, tôi đã viết SBC xung trận”. Một Thái Tây hào hoa, nghĩa hiệp, có học thức; một Long gầm ngang tàng, nghĩa khí với câu nói nổi tiếng giản dị về lý tưởng của mình: “Không đi bắt cướp thì để chúng làm loạn thành phố à”...

Mỗi chàng trai một tính cách, nhưng ở họ đều toát lên sự khảng khái, tinh thần nghĩa hiệp, xả thân của những chiến sĩ Cảnh sát hình sự trước thời cuộc. Ở đó không chỉ có những chiến công, những cuộc rượt đuổi mưu trí, dũng cảm để đối phó với những băng nhóm tội phạm khét tiếng. Mà còn là tâm tư, tình cảm đời thường của họ. Những mâu thuẫn, những cuộc đấu tranh và tình yêu, đó là cuộc sống đời thường của các chiến sĩ Cảnh sát được khắc họa rất rõ nét. 

Câu chuyện của nhà văn Phùng Thiên Tân, không chỉ là ngợi ca những chiến công. Mà ở đó, đằng sau những chiến công đã trở thành huyền thoại còn là những tình cảm buồn vui, những cuộc đấu tranh nội tâm, giằng co giữa thiện và ác, giữa tình yêu và lòng thù hận. Họ, những con người không sống dựa vào hào quang của quá khứ của ông cha mà bằng lý tưởng sống của tuổi trẻ đã góp phần viết nên một trang hào hùng của lực lượng Cảnh sát trong thời điểm cam go của lịch sử.

Mượn hình tượng Thái Tây - đội trưởng đội SBC trẻ, có học vấn, hào hoa, nghĩa hiệp, nhà văn Phùng Thiên Tân muốn xây dựng một hình ảnh lý tưởng về chiến sĩ Cảnh sát đang làm nhiệm vụ giữ bình yên cho cuộc sống. Và SBC xung trận cũng chính là mơ ước về một lý tưởng sống của nhà văn, hơn thế của người dân về lực lượng Cảnh sát.

Giờ đây, sau hơn 40 năm khi cuốn sách ra đời, những câu chuyện mà nhà văn Phùng Thiên Tân kể cho chúng ta nghe đã trở thành huyền thoại. Một huyền thoại anh hùng và nghĩa hiệp của những chàng trai SBC. Và không chỉ là huyền thoại, câu chuyện anh hùng đó vẫn có ý nghĩa thời sự trong bối cảnh hiện nay, khi nạn cướp bóc vẫn đang diễn ra từng ngày ở Sài Gòn, khi trên từng tuyến đường, hằng ngày, hằng giờ, những chiến sĩ Cảnh sát vẫn đang ầm thầm làm nhiệm vụ của mình trên mặt trận đấu tranh phòng chống bọn tội phạm cam go và nhọc nhằn này. Và giấc mơ về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát vẫn luôn đẹp như vậy, dù ở bất cứ thời điểm nào

Khánh Linh
.
.
.