Nhà văn nổi tiếng làm cảnh sát

Thứ Ba, 12/05/2020, 15:07
Nhà văn Edward Conlon được mọi người biết đến là một tiểu thuyết gia có những ấn phẩm bán chạy ở nước Mỹ. Nhưng ít ai biết, Conlon (54 tuổi) là một cảnh sát đã về hưu và bây giờ, vị tiểu thuyết gia này trở lại làm việc tại trụ sở cảnh sát với tư cách là một nhà văn.

Quay về trụ sở cảnh sát, không còn còng tay, những vụ án khó nhằn hay bộ cảnh phục… ông Conlon được mời làm Giám đốc điều hành truyền thông chiến lược của Văn phòng Cảnh sát thành phố New York. Người bổ nhiệm vị trí này cho ông Conlon là cảnh sát William W. Andrew, người chịu trách nhiệm truyền thông điều hành chiến lược trong Sở cảnh sát New York.

Edward Conlon trong một buổi kí tặng sách Blue Blood.

Sự nghiệp và cống hiến

Nhà văn Edward Conlon sinh năm 1965, ở vùng Bronx, Mỹ, trong một gia đình có truyền thống làm cảnh sát với ông cố, chú là cảnh sát và bố ông là một đặc vụ FBI. Nhà văn Conlon từng nói: "Công việc trị an đã nằm sẵn trong máu của tôi". 

Ông theo học trường trung học Jesuit có quy chế kỉ cương nghiêm ngặt. Sau đó, Conlon tốt nghiệp trường đại học Harvard vào năm 1987. Thời đại học, ông từng là một chân bóng cừ khôi của Câu lạc bộ bóng đá nhà trường. Conlon không coi tốt nghiệp trường Harvard là một tấm vé cho sự thăng tiến, ông nói: "Tôi vào trường vì tôi đã thi đỗ, tôi rất vui vì tôi đã học ở đó, làm quen thêm nhiều bạn, môi trường giáo dục tốt".

Edward Conlon trong một buổi kí tặng sách Blue Blood.

Sự nghiệp sáng tác của Conlon bắt đầu từ khi ông tốt nghiệp đại học, lúc đó, ông đã có cảm hứng viết một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên này, đến nay vẫn chưa được công bố và xuất bản, Conlon muốn để nó lại như một kỉ niệm cho "bước chân" đầu tiên dẫn đến sự nghiệp sáng tác thành công sau này của ông. 

Tác phẩm được đăng đầu tiên của Conlon vào năm 1993 là "To the Potter's Field", được đăng dài kì trên báo The New York, tiểu thuyết lấy bối cảnh ở đảo Hart của New York, Mỹ. Sau một thời gian theo đuổi việc viết lách tự do và xuất bản vài ấn phẩm Conlon đã có một quyết định đầy táo bạo và bất ngờ, ông muốn cống hiến cho công việc trị an của đất nước. 

Ông đăng kí học tại Học viện Cảnh sát Mỹ và gia nhập lực lượng cảnh sát. Lúc này bố của ông đã mất, mẹ của ông là một luật sư và bà không đồng thuận với quyết định của Conlon, bà cho rằng bấy giờ Conlon đã 30 tuổi, tuổi cần ổn định chứ không phải là để bắt đầu lại từ đầu. Nhưng Conlon cũng đã nói: "Công việc trị an đã nằm sẵn trong máu của con nên xin mẹ cứ yên tâm". 

Năm 1995, ông gia nhập lực lượng cảnh sát. Ban đầu, ông làm sĩ quan cảnh sát bảo vệ an ninh cho thành phố, đồng thời tham gia truy bắt những kẻ buôn bán ma túy ở khu phố. Năm 2002, Conlon được thăng cấp lên làm thám tử và bổ nhiệm đến phân khu 44 của thành phố Bronx, Mỹ. Bạn bè của Conlon nói ông là người có "một chân ở hai thế giới", bạn ông nói: "Conlon có thể thoải mái ngồi ăn trưa với chúng tôi mặc dù mới cách đấy chưa đầy một tiếng, cậu ta đang có một cuộc đối đầu, đuổi bắt những tội phạm nguy hiểm "sừng sỏ" trong những con hẻm". 

Vào những năm 1995, ở thành phố Conlon thi hành nhiệm vụ nổi danh là lãnh địa của ma tuý, ông thường xuyên đuổi bắt những tội phạm tuổi thiếu niên, người say rượu, người nghiện ma tuý và những vụ giết người liên quan đến ma túy. Conlon hài hước nói: "Cảnh sát và nhà văn, tôi có cả hai đam mê này và tôi sống hết mình cho cả hai đam mê". 

Sau khi gia nhập lực lượng cảnh sát New York (viết tắt NYPD), song hành với việc bắt tội phạm, phòng chống tệ nạn ma tuý, Conlon vẫn tiếp tục đam mê sáng tác của mình. Ông cộng tác với báo Người New York từ năm 1997 đến 2000, đảm nhận chuyên mục có tên "Nhật ký của Cop" với bút danh Marcus Laffey. Conlon bắt đầu được biết đến nhiều hơn vào ngày 12/9/2011, khi ông viết bài với tiêu đề "Chú ý trả tiền" trong chuyên mục "Talk of the Town" của tờ New Yorker. 

Bắt đầu tham gia lực lượng cảnh sát năm 30 tuổi, Conlon đã công hiến hết mình, ông dùng hết nhiệt huyết của mình cho công việc trị an, truy bắt tội phạm giữ bình yên cho thành phố New York, Mỹ. Sau 16 năm phục vụ trong ngành cảnh sát, Conlon nghỉ hưu vào năm 2011 và ông tiếp tục tập trung cho công việc viết sách.

Vài tác phẩm nổi bật

Đa số các tác phẩm của Conlon đều viết về cảnh sát. Blue Blood (Máu xanh) xuất bản năm 2004, tác phẩm được bắt đầu viết khi Conlon chưa vào NYPD và hoàn thành khi ông đang làm Thanh tra Cảnh sát đảm nhiệm vai trò trị an phòng chống ma tuý ở New York, Mỹ. Cuốn sách này khi được xuất bản, đã đứng vị trí thứ 9 trong danh sách những ấn phẩm bán chạy nhất và tác phẩm Blue Blood đã đứng vị trí này trên bảng xếp hạng hơn 2 tuần. 

Không những vậy, tiêu đề bài giới thiệu về Blue Blood cũng được đứng trên trang bìa của tờ The New York Times Book Review (trang giới thiệu về sách). Có thể nói, Blue Blood đã đưa tên tuổi của Conlon đi xa trong giới viết văn, sau khi sách được xuất bản, ông cũng thường xuyên làm khách mời cho buổi trò chuyện phỏng vấn trên truyền hình.

Edward Conlon quay về văn phòng cảnh sát với tư cách một nhà văn ở tuổi 54. Quay về làm tại văn phòng cảnh sát, Conlon như trở lại thời gian phục vụ chống tội phạm của mình.

Tác phẩm The Police-Women's Bureau (Văn phòng nữ cảnh sát), tiểu thuyết quay về những năm 1950, khi mọi người đều nghĩ rằng phụ nữ không thể làm cảnh sát tốt, nội dung xoay quanh một nữ sĩ quan cảnh sát nỗ lực chứng minh: phụ nữ cũng có thể tham gia lực lượng bảo vệ trật tự trị an. Thời gian này là khi Colon bắt đầu nghỉ hưu và rời ngành cảnh sát.

Tác phẩm Red on Red (Đỏ trên đỏ), tiểu thuyết viết về cuộc đời của một vị thám tử ở thành phố New York, ngài Nick Meehan. Tác phẩm theo hướng trinh thám, xoay quanh câu chuyện phá những vụ án rắc rối và kì lạ của Meehan. Red on Red khi công bố đã có vô số độc giả đón nhận.

Trở lại trụ sở cảnh sát với tư cách một nhà văn

Sau 8 năm nghỉ hưu, Conlon nhớ nghề, nhớ văn phòng cảnh sát và ông nhận ra rằng mình thực sự muốn quay về làm việc cho Sở cảnh sát một lần nữa. Conlon nói: "Không còn tuổi xuân và sức trẻ, vì vậy cảnh sát William W. Andrew, người chịu trách nhiệm truyền thông điều hành chiến lược trong sở cảnh sát New York, đã phát minh ra công việc này cho tôi". 

Cảnh sát Andrew nói rằng: "Chúng tôi đang cần người làm về truyền thông và ông Conlon phù hợp với công việc ấy. 

Ông ấy giỏi trong công việc đối thoại, viết lách". Conlon quyết định quay về làm tại trụ sở cảnh sát với cương vị Giám đốc điều hành truyền thông cho Văn phòng Cảnh sát, ông nói: "Công việc mới này đôi khi mang lại cho tôi cảm giác như mình đang là một cảnh sát, cho tôi quay về thời gian còn cống hiến trị an cho thành phố. Tuy nhiên, ở vị trí này không có bất kì nhiệm vụ khẩn cấp nguy hiểm nào, hợp với tuổi và sức khỏe của tôi bây giờ".

Ngân Khánh (dịch)
.
.
.