Nhật ký lính đặc nhiệm

Thứ Tư, 06/08/2014, 07:00

Cái tên Đội đặc nhiệm hình sự Hà Nội (thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của các băng nhóm tội phạm, các tay giang hồ thảo khấu trên địa bàn thành phố. Ở đâu có trọng án, ở đó có đội đặc nhiệm.

Đón Tết nơi vỉa hè

Thiếu tá Lê Khắc Sơn, đội trưởng đội đặc nhiệm Công an TP Hà Nội nói vui rằng: “Đã là lính đặc nhiệm thì chuyện bỏ qua những ngày trọng đại trong đời, những dịp lễ Tết là chuyện rất bình thường. Thậm chí, phải đón Tết ở vỉa hè, trong rừng sâu âm u cũng là chuyện... không nằm ngoài sức tưởng tượng của anh em”. Nói rồi, Thiếu tá Sơn kể lại cho chúng tôi nghe chuyện 15 ngày đánh án biền biệt của Đội đặc nhiệm, điều đáng nói là vụ án đó lại xảy ra đúng vào ngày tận cùng của năm cũ. Và thế là cả đội đặc nhiệm thay vì đón Tết đầm ấm, sum vầy bên gia đình, họ lại phải lao vào phá án, bởi đối tượng gây ra vụ án là một kẻ có súng, rất manh động và mang trên mình nhiều tiền án, tiền sự.

Vào lúc 18h ngày 30 âm lịch Tết Giáp Ngọ, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội nhận được thông tin tại số nhà 15, ngõ 214 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) xảy ra một vụ án mạng. Đối tượng gây án là Trương Văn Hà (tức Hà “cọ”) đã dùng súng sát hại vợ mình là chị Trương Thị Lan Phương (SN 1979). Bằng biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng ở khu vực Mỹ Đình. “Lúc đó nhiều người dân đã đổ ra đường để cùng với người thân chuẩn bị xem bắn pháo hoa, đón giao thừa, còn anh em chúng tôi phải chia nhau rà soát khắp khu vực làng Phú Đô, Đình Thôn, Mễ Trì. Đội đặc nhiệm khi đó có tất cả 28 đồng chí thì tất cả cùng lên đường làm nhiệm vụ, chỉ duy nhất một đồng chí bị tai nạn gãy chân nên được ở nhà. Vì chưa thể xác định vị trí mà đối tượng đang ẩn náu nên buộc lòng chúng tôi phải tiến hành rà soát tất cả các nhà nghỉ, nhà trọ, đồng thời dựng lại các mối quan hệ gia đình và xã hội của Hà “cọ” – Thiếu tá Lê Khắc Sơn nhớ lại.

Anh Sơn kể: “Lúc đó cả thành phố không có một quán ăn nào. Các mặt hàng được bày bán lúc đó chỉ là những quả bóng bay, những cây mía lộc... Biết chúng tôi phải nhịn đói đi đánh án, lúc đó, anh Đỗ Hồng Thái là Phó Công an quận Ba Đình (hiện là Trưởng Công an quận Ba Đình đã mang cho một túi xôi và một con gà chặt. Vì không còn hàng quán nào mở nên anh em trong đội phải ngồi bệt ở vỉa hè gần sân vận động Mỹ Đình để giải quyết cơn đói”. 

Và cũng chỉ đợi qua thời khắc giao thừa, đội đặc nhiệm lại tiếp tục công việc rà soát. Duy trì như thế đến sáng mồng 2, khi biết chắc đối tượng đã không còn ở khu vực đó, các chiến sĩ đội đặc nhiệm cùng với Cảnh sát hình sự quận Ba Đình mới rút khỏi vị trí.

Trong đêm mồng một và rạng sáng mồng 2, đối tượng vẫn liên tục gọi điện về gia đình vợ hỏi thăm tình hình mai táng của chị Phương, đồng thời đe dọa sẽ giết thêm vài người khác nữa rồi tự tử. Và Hà “cọ” cũng tuyên bố không bao giờ để bị bắt. Nếu chẳng may bị bắt thì tên này sẽ quyết đọ súng một mất một còn với lực lượng Công an. Khi gia đình nói mồng 4 sẽ cử hành tang lễ cho chị Phương thì Hà “cọ” nói lúc đưa tang hắn sẽ về. Xác định đây là đối tượng cực kỳ manh động nên đội đặc nhiệm có nhiệm vụ phải bắt bằng được đối tượng trong một ngày sớm nhất để tránh xảy ra những điều đáng tiếc.

Giờ luyện tập của Cảnh sát đặc nhiệm.

Tiếp tục mở rộng rà soát, nổi lên một người là em rể của Hà “cọ”. Người này có đầm cá ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Xét về địa hình, địa thế thì đây là một địa điểm rất thuận lợi để Hà “cọ” có thể trốn. Bởi lẽ xung quanh không có nhà mà chỉ là cánh đồng và sông. Thế nên trinh sát chỉ cần đứng cách khu vực đó 300 mét thì đối tượng đã có thể phát hiện ra. Vì địa hình như vậy nên buộc các chiến sĩ đặc nhiệm phải cải trang thành nhiều vai để tránh sự nghi ngờ từ đối tượng.

Việc quây bắt đối tượng tại đầm cá diễn ra suốt ngày mồng 3. Đến ngày mồng bốn, một nửa lính đặc nhiệm phải rút về để bảo vệ đám tang của chị Phương.

Tiếp tục dựng toàn bộ các mối quan hệ gia đình và các bạn tù của Hà “cọ”, đến ngày mồng 8 Tết lại có thông tin đối tượng đang lẩn trốn ở Quảng Ninh. Ngay lập tức một tổ công tác do đại úy Dương Minh Tùng, đội phó kết hợp với Công an quận Ba Đình, trực tiếp do Thượng tá Đỗ Hồng Thái chỉ đạo xuống Quảng Ninh. Tại đây, anh em đã xác định được một đối tượng đưa Hà “cọ” sang Trung Quốc lẩn trốn. Thông qua mối quan hệ bên Trung Quốc, người này đã thuê cho Hà “cọ” một phòng ở khu chung cư mi ni để lẩn trốn.

Đến ngày 15/2/2014 (tức rằm tháng Giêng âm lịch), đối tượng Trương Văn Hà đã bị bắt. Kết thúc 15 ngày đánh án không mệt mỏi của các chiến sĩ đội Cảnh sát đặc nhiệm Hà Nội.

Hiểm nguy nhưng vẫn say nghề

Thiếu tá Lê Khắc Sơn tâm sự rằng: “Lúc nào chúng tôi cũng có cảm giác áy náy với gia đình và người thân. Bởi trong những dịp quan trọng, chúng tôi gần như không bao giờ có mặt ở bên họ”. Với những người lính đặc nhiệm thì chuyện ăn bờ, ngủ bụi cùng với những chuyến công tác dài ngày đã trở nên quá quen thuộc. Vào hồi đầu tháng 3/2014, nhận được đơn của anh Bùi Thanh Hải, ở số nhà 27, phố Huế, Hà Nội trình báo về việc có bốn đối tượng dùng súng gí vào ngực của con trai anh.

Chúng còn gửi tặng bốn viên đạn cùng với lời đe dọa: “Tao cho bố mày một viên, cho thằng K một viên, thằng T một viên. Bảo với chúng nó tao không phải dạng vừa đâu. Mày là đồ trẻ con tao không thèm chấp, chứ không tao đã bắn chết cả lò nhà mày”. Xác định đối tượng gửi thư và “tặng phẩm” đe dọa là Chu Viết Tuấn, sn 1973, trú tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Qua nhiều ngày điều tra rà soát, đội đặc nhiệm đã xác định được đối tượng đang ở thôn An Khải, xã Bắc Sơn, Ân Thi, Hưng Yên.

Chuẩn bị trước khi đi đánh ánh.

Quá trình rà soát đã phát hiện Tuấn đang ở trong nhà của một người bạn cùng với vợ. Nghi ngờ đối tượng có vũ khí nóng bên người nên các kế hoạch bắt đối tượng phải rất cẩn thận, không được sơ xuất, tránh điều đáng tiếc xảy ra. Khi quan sát thấy Tuấn đang đứng dựa cửa, kế hoạch được vạch ra là ba đồng chí sẽ ốp nhanh đối tượng. Tuy nhiên thoáng thấy có người, Tuấn đã luồn nhanh qua cửa chui tọt vào nhà. Lúc đó buộc các chiến sĩ đặc nhiệm phải bắn chỉ thiên để uy hiếp, sau đó đạp cửa xông vào. Nhanh như cắt, đối tượng Chu Văn Tuấn bị bắt giữ. Ngay cả khi bị bắt rồi, tên này vẫn còn tưởng đó là chân tay của anh Hải đến để xử mình.

Về lý thuyết thì những người lính đặc nhiệm có ba nhiệm vụ. Thứ nhất là phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin. Thứ hai là phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, tội phạm cướp có vũ trang, các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức côn đồ hung hãn. Thứ ba là truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và thứ tư là thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác do cấp trên giao phó. Thế nhưng trên thực tế, chiến công của đội đặc nhiệm lại gắn liền với việc khám phá các vụ trọng án trên địa bàn thành phố.

Với nỗ lực phấn đấu, không ngại hiểm nguy gian khổ để đem lại sự bình yên của thành phố, năm 2009, đội đặc nhiệm hình sự Hà Nội đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý là đơn vị “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao của những người lính đặc nhiệm hình sự số 7 Thiền Quang

Ngọc Quang (CSTC số đặc biệt 2014)
.
.
.