Nhiệt huyết người chiến sĩ Phòng cháy Chữa cháy

Thứ Sáu, 11/01/2019, 10:20
Sinh ra trong một gia đình có mẹ làm trong ngành Công an và bố là một thầy giáo, nhưng đến tuổi trưởng thành anh chọn theo con đường của một chiến sĩ Phòng cháy Chữa cháy (PCCC). Đó là Thiếu tá Đỗ Anh Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Bắc Ninh.


Tâm sự với chúng tôi vào một ngày cuối năm 2018, Thiếu tá Dũng cho biết lúc trước anh chọn theo học Đại học PCCC chỉ đơn giản vì nghĩ rằng đây là một nghề có thể giúp ích được cho người dân, cho xã hội, lại phù hợp với khả năng của mình.

Trưởng thành từ công tác Đoàn

Anh Dũng vào Đại học PCCC từ năm 2001, khi đó mới chỉ là khóa Đại học thứ 2 của trường (trước đó trường chỉ đào tạo hệ cao đẳng). Lúc đó, công tác PCCC cũng như những chiến sĩ PCCC rất ít nhận được sự quan tâm của xã hội, nên gia đình muốn anh thi vào Học viện Cảnh sát hoặc Học viện An ninh hơn. Tuy nhiên, sau nhiều đêm đắn đo, và có lẽ cũng do cái duyên, Dũng đã chọn thi vào Trường PCCC.

Sau khi tốt nghiệp Đại học PCCC, Anh Dũng về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC của tỉnh. Đến năm 2006, anh được chuyển từ Đội chữa cháy sang Đội tham mưu. Trong quá trình đó anh làm Bí thư Chi đoàn của Cảnh sát PCCC. Đó là quãng thời gian quý giá để anh học tập, rèn luyện cả về những kỹ năng lẫn kinh nghiệm sống và bản lĩnh chính trị.

Đến năm 2011, Anh Dũng lại được bầu vào Đảng ủy Công an tỉnh khóa 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. Trong thời gian này, anh tiếp tục được giao phụ trách công tác Đoàn, với vị trí Phó ban và sau đó là Trưởng ban Công tác Thanh niên của Công an tỉnh. 

Thiếu tá Đỗ Anh Dũng, Trưởng phòng PCCC, Công an tỉnh Bắc Ninh.

Cũng cần nói thêm, trường hợp một chiến sĩ xuất thân PCCC, còn trẻ (sinh năm 1983) giữ cương vị này của Công an tỉnh là chuyện khá hiếm, nên lúc đầu nhiều người nhầm tưởng Dũng phải là người rất thân thế. Nhưng anh đã trả lời bằng chính những nỗ lực của bản thân, bằng những hành động và đóng góp cụ thể cho công tác Đoàn trong suốt 5 năm.

Cùng với sự giúp sức của lãnh đạo và đồng đội, thời gian Dũng phụ trách công tác Đoàn thanh niên của Công an tỉnh đã để lại được một số dấu ấn. Nổi bật trong đó là việc xin Công an tỉnh cho Đoàn thanh niên đóng vai trò chủ trì trong việc tham gia tăng cường bảo vệ trực Tết để đảm bảo cho người dân có một cái Tết Nguyên đán an toàn. Việc này cho đến nay vẫn được duy trì. 

Đây được xem là sáng kiến hữu ích của Đoàn thanh niên, nên đã nhận được Bằng khen của Công an tỉnh ngay từ năm triển khai đầu tiên. Đây cũng là điểm nhấn trong việc thực hiện công tác Đoàn của tỉnh Bắc Ninh, một tỉnh công nghiệp mới.

Làm tốt phương châm “4 tại chỗ”

Trước đây, vị thế của Phòng PCCC ở Công an tỉnh rất thấp. Vì vậy, kể từ khi được bổ nhiệm lên vị trí Trường phòng PCCC Công an tỉnh, Thiếu tá Đỗ Anh Dũng quyết tâm gây dựng uy tín cho phòng bằng những việc làm, đóng góp cụ thể.

Song song đó, vị thế của Bắc Ninh ngày càng nâng cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng sản phẩm GRDP năm 2017 của Bắc Ninh chiếm 3,11% GDP cả nước, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 19,12%, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2017. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 75,2%; dịch vụ chiếm 21,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 3%. 

Vì là một tỉnh phát triển nhanh, năng động theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, đời sống của người dân Bắc Ninh ngày càng được cải thiện, các khu công nghiệp, trung tâm thương mại đua nhau mọc lên. Khi kinh tế dư dả, người dân Bắc Ninh có xu hướng thích dùng đồ gỗ hơn trước đây, nên nguy cơ cháy nổ cũng cao hơn, và vật dụng gây cháy cũng nhiều hơn.

Hỏa hoạn ở các khu công nghiệp là điều khó tránh, do vậy khi có cháy, Phòng Cảnh sát PCCC ưu tiên không để xảy ra cháy lớn. Để đạt mục tiêu này, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, Phòng PCCC đã đưa ra phương châm 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. 

Về lực lượng tại chỗ, hiện Phòng PCCC đang nỗ lực xây dựng các lực lượng PCCC tại cơ sở (công ty, xưởng sản xuất…) và nâng chất lượng của đội ngũ này lên bằng cách huấn luyện họ mỗi năm một lần. “Việc huấn luyện không đi vào lý thuyết quá nhiều  mà thực hành là chính”, Thiếu tá Dũng cho biết. 

“Khi nâng cao được khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng PCCC cơ sở thì bản thân họ sẽ biết kiểm tra được những vấn đề của cơ sở mình và tự biết cách phòng tránh, khắc phục ngay để không xảy ra tình trạng cháy nổ. Mà nếu có cháy nổ cũng biết cách dập tắt ngay”.

Theo Thiếu tá Dũng, 10 phút đầu tiên là thời gian vàng ngọc để dập tắt một đám cháy. Khi đó đám cháy dễ dập hẳn, nhưng nếu để cháy lớn rồi thì việc dập lửa là vô cùng khó. 

“Lực lượng tại chỗ rất quan trọng vì họ có thể khống chế ngọn lửa ngay trong vòng 10 phút quý giá. Nếu gọi cho PCCC thì nhanh nhất cũng phải mất nửa tiếng, đã hết thời gian quý giá để ngọn lửa chưa kịp bùng phát mạnh”, Thiếu tá Dũng nói. Anh cũng cho biết hầu hết các lực lượng PCCC của công ty/xí nghiệp trước đây chỉ có cái tên, chứ không có kỹ năng thực tế. “Nhiều người trong lực lượng PCCC cơ sở thậm chí còn không biết cách mở bình chữa cháy”, Thiếu tá Dũng chia sẻ.

Đối với nhà cao tầng, chung cư, Phòng PCCC Công an tỉnh Bắc Ninh siết lại các khâu từ thẩm duyệt với chủ đầu tư. Sau đó, Phòng PCCC sẽ hướng dẫn cho Ban quản lý chung cư và cả những người dân sống ở đó về những kỹ năng PCCC. Thiếu tá Dũng cho biết: “PCCC là một kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Vì vậy khi đi huấn luyện, điều đầu tiên là phải làm cho người dân nhận thức rõ đây là những kỹ năng hữu ích họ cần phải biết. Biết để sinh tồn”.

Với phương châm “4 tại chỗ” nói trên, Phòng PCCC cố gắng làm hết sức để không xảy ra cháy lớn, không để gây thiệt hại về con người. “Bắc Ninh là một thành phố công nghiệp mới nên mình phải làm ngay từ đầu chứ nếu để lâu sẽ không theo kịp”, Thiếu tá Dũng chia sẻ. “Không thể để mất bò mới lo làm chuồng, mà mình phải làm trước”.

Với sức trẻ và nhiệt huyết, cùng sự hỗ trợ của đồng đội và dẫn dắt của lãnh đạo, tin rằng Thiếu tá Đỗ Anh Dũng sẽ hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong việc mang lại yên bình cho người dân tỉnh nhà.

Trong năm 2019, Phòng Cảnh sát PCCC sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy và Trưởng ban chỉ đạo PCCC, trên cơ sở  đó chẻ việc ra từng thời điểm thích hợp. Tiếp tục tham mưu việc trang bị thiết bị cho lực lượng dân phòng và hướng dẫn/tổ chức hướng dẫn họ biết cách sử dụng các trang thiết bị đó để xây dựng lực lượng PCCC ngay trong từng địa bàn dân cư. Phòng cũng sẽ tổng kiểm tra các trung tâm thương mại; cho kiểm tra trực tiếp các đơn vị kinh doanh hạ tầng để bảo đảm an toàn cháy nổ.

Thiếu tá Đỗ Anh Dũng - Trưởng phòng PCCC, Công an tỉnh Bắc Ninh.

Hà Linh
.
.
.