Jack Maple: Người mở cửa kỷ nguyên công nghệ

Thứ Bảy, 18/04/2020, 09:13
Qua nhiều thập kỷ, ngành tội phạm học đã hình thành nhiều phương pháp, cách tiếp cận khác nhau để giúp các sỹ quan cảnh sát Mỹ giải quyết nhanh gọn những vụ án. Một trong những người có công đóng góp lớn trong quá trình này là Jack Maple (23/9/1952 - 4/8/2001), Phó uỷ viên Cảnh sát Thành phố New York (Mỹ) và cha đẻ của công nghệ CompStat.

"Mọi trở ngại chỉ khó khăn tương đương với cách giải quyết nó!". Dường như câu châm ngôn đó của người Anh rất đúng với ngành cảnh sát. Tội phạm và tội ác về bản chất có tính bí mật, hỗn loạn, và thường là rất khó đoán định. Tuy vậy, qua nhiều thập kỷ, ngành tội phạm học đã hình thành nhiều phương pháp, cách tiếp cận khác nhau để giúp các sỹ quan cảnh sát giải quyết nhanh gọn những vụ án. Một trong những người có công đóng góp lớn trong quá trình này là Jack Maple (23/9/1952 - 4/8/2001), Phó uỷ viên Cảnh sát Thành phố New York (Mỹ) và cha đẻ của công nghệ CompStat.

Jack Maple là một người con của New York. Ông sinh ra tại một gia đình trung lưu ở góc phố mang số 108. Jack theo học trường Đại học Kỹ thuật New York rồi đậu bằng cử nhân ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ. Tuy vậy, vì một lý do mà giấc mơ trở thành kỹ sư của Jack không trở thành hiện thực được, và buộc ông phải làm nhiều công việc khác nhau để sống qua ngày. Nhưng thật không ngờ, chính hoàn cảnh khó khăn đó lại là lý do khiến Jack Maple gia nhập ngành cảnh sát đất nước cờ hoa.

Trong những năm 1970 của thế kỷ trước, tại Mỹ, tỷ lệ tội phạm gia tăng đến mức chóng mặt, nhất là ở thành phố New York. Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng trên như: nền kinh tế Mỹ khủng hoảng; cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra; hậu quả về người và tài sản do cuộc chiến tranh mà người Mỹ gây ra tạiViệt Nam để lại, v.v… 

Một bức ảnh hiếm hoi của Jack Maple.

New York thời điểm đó là nơi tập trung một số lượng rất lớn tầng lớp cực khổ trong xã hội Mỹ, từ người da đen, người thất nghiệp cho đến các cựu binh sau cuộc chiến tranh kéo dài tại Việt Nam. Họ không hề có mái nhà nào để lấy chỗ "chui ra chui vào" ngoài hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Trong bối cảnh nói trên, các nhà ga, đường hầm tàu điện ngầm,…trở thành "điểm nóng" về vấn đề tội phạm. Cũng bởi lý do đó mà việc trở thành một cảnh sát chuyên làm nhiệm vụ thường trực trên tuyến tàu điện ngầm là một trong những công việc nguy hiểm nhất New York lúc đó. 

Jack Maple nhận được công việc đó vì không ai dám nộp đơn gia nhập vào lực lượng chuyên hoạt động trên tàu điện ngầm cả. Ông được giao nhiệm vụ túc trực trên toa tàu chạy giữa quảng trường Thời Đại và phố 42, một tuyến đường đi qua nhiều nhà ga vốn có hoạt động tội phạm "nóng" nhất. 

Gần như tất cả những sỹ quan đảm nhận tuyến tàu này hoặc là sớm phải xin chuyển công tác, hoặc là bị thương trong khi thực thi công vụ. Thế nhưng kỳ lạ thay, trong quá trình công tác, Jack Maple chưa bị thương lần nào nhờ vào sự sắc bén, tinh tế và thận trọng của mình. Những đức tính đáng quý trên cũng sớm giúp Jack được thăng hàm trung uý.

Được công tác tại cơ quan chỉ huy của Đội quản lý tàu điện ngầm thuộc Sở Cảnh sát New York, Jack có cơ hội tiếp xúc với một lượng lớn dữ liệu tổng hợp từ báo cáo do các sỹ quan nộp lại từ hiện trường. Đồng thời vị trung uý thông minh và năng động này cũng sớm nhận ra sự chậm chạp trong cái cách mà cảnh sát phản ứng với các tội ác diễn ra trong tàu điện ngầm - lực lượng cảnh sát quá mỏng, mà hệ thống đường tàu điện ngầm New York lại vô cùng lớn. Phải có một cách nào đó để đội quản lý tàu điện ngầm bố trí lực lượng của họ sao cho hiệu quả nhất. Đó là điều khiến Jack bận tâm trăn trở ngày đêm.

Jack Maple bắt đầu theo dõi những vụ án xảy ra dưới hệ thống tàu điện ngầm trên một tấm bản đồ. Đó là phương pháp mà cảnh sát vẫn thường làm khi muốn biết khu vực nào hay mất an ninh trật tự. Tuy vậy, điều mà họ không nhận thấy là loại hình tội phạm cũng liên quan trực tiếp đến địa điểm. Ví dụ như những vụ móc túi thường xuyên diễn ra tại các nhà ga gần những con phố thương mại trung tâm, trong khi những vụ giết người lại xảy ra nhiều tại khu vực gần ngoại ô, v.v...

Điểm đáng ghi nhận của Jack Maple là ông đã sớm biết tận dụng công nghệ mới để phát hiện ra những gì con người không thể (hoặc khó) nhìn thấy. Vốn là một kỹ sư, Jack có kiến thức và tầm nhìn về máy tính, khi đó vẫn là một thứ rất hiếm hoi ở Mỹ. Sau khi thuyết phục được cấp trên mua về một chiếc máy tính, Jack tự mày mò mà viết ra một phần mềm phân tích hành vi tội phạm mang tên COMPSTAT. Cảnh sát không cần phải trải qua những buổi họp dài dòng để sắp xếp lực lượng nữa, mà chỉ cần nhập thông tin về những vụ án xảy ra trong địa bàn vào máy tính để COMPSTAT tự động phân tích, tìm ra những địa điểm nào cần bố trí những sỹ quan túc trực.

Nhờ có kết quả phân tích của COMPSTAT mà hiệu quả hoạt động của Sở cảnh sát New York tăng lên hơn hẳn. Tốc độ phản ứng của họ nhanh tới mức số vụ phạm tội đã giảm 27% trong năm đầu tiên sử dụng COMPSTAT. Sau khi Thủ trưởng của Jack Maple là Bill Bratton trở thành Ủy viên trưởng Sở cảnh sát New York, ông ta cũng đề bạt Jack lên làm Phó ủy viên và tăng ngân sách phát triển phần mềm COMPSTAT.

 Được tạo điều kiện, Jack biến COMPSTAT trở thành một "hệ sinh thái" bao gồm hai nửa: máy tính và con người. Để nửa máy tính (phần mềm COMPSTAT) hoạt động tốt nhất, các sỹ quan cảnh sát sẽ được đào tạo một loạt kỹ năng mới như cách trình bày báo cáo và phương pháp sắp xếp tập tin. 

Ngược lại, máy tính sẽ phục vụ con người bằng cách tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn do cả bên cảnh sát và các đơn vị khác cung cấp (cục thống kê, công ty điện nước, ngân hàng, v.v…) để phân tích tìm ra một bản đồ về tình hình tội phạm trên khắp thành phố. Dựa vào bản đồ này, cảnh sát có thể dự đoán được những khu vực nào sẽ thường xuyên xảy ra các vụ phạm tội gì, rồi từ đó có biện pháp bố trí lực lượng phản ứng phù hợp.

Danh tiếng của Jack Maple được biết đến trên cả nước Mỹ sau khi Đài truyền hình NBC làm một bộ phim phóng sự về ông. Các sở cảnh sát địa phương đua nhau mời Jack đến lắp đặt COMPSTAT và huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ sỹ quan của họ. Nhận thấy cơ hội kinh doanh, Jack và một người đồng sự của mình, John Linder, thành lập một công ty cố vấn chuyên làm hai việc nói trên.

Trung tâm điều hành COMPSTAT tại New York được đặt theo tên của Jack Maple để vinh danh ông.

Khách hàng đầu tiên của Jack và Linder là Sở cảnh sát New Orleans. Khi đó thành phố miền Đông - Nam này được mệnh danh là "thủ đô giết người" của nước Mỹ. Tần số vụ giết người tại New Orleans trung bình là một vụ một ngày. Ngược lại, cảnh sát New Orleans cũng rất thiếu cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến những vụ lạm quyền và tham nhũng xảy ra. Vì vậy mà Jack mới mở rộng tầm hoạt động của COMPSTAT, biến phần mềm này trở thành công cụ để đo lường khả năng trong công việc. Sỹ quan nào để cho số vụ án xảy ra trong địa bàn mình sẽ bị quy trách nhiệm và dĩ nhiên là phải chịu khiển trách.

Jack và các đồng sự của mình đạt được thành công hơn cả rực rỡ. Chỉ sau chín tháng đầu tiên, số vụ phạm tội tại New Orleans đã giảm đến 22% và tiếp tục đi xuống trong vòng bốn năm rưỡi tiếp theo, đưa thành phố này vào danh sách an toàn nhất nước Mỹ. Công ty của Jack nhận được hợp đồng từ đủ mọi ngóc ngách tại Mỹ và cả nước ngoài nữa. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ sử dụng hệ thống COMPSTAT. Đến năm 2000, gần như không còn Sở cảnh sát nào ở Mỹ mà không sử dụng COMPSTAT trong việc quản lý cả.

Giữa lúc công việc đang thành công thì Jack Maple được chẩn đoán bị ung thư trực tràng. Tuy phải nằm trong bệnh viện nhưng ông vẫn không ngừng làm việc để hoàn thành cuốn sách hướng dẫn về COMPSTAT và triết lý chống tội phạm của mình, đồng thời làm cố vấn cho series phim truyền hình cảnh sát "The District".

Đến tận lúc sắp trút hơi thở cuối cùng, Jack Maple vẫn còn tỏ ra quan tâm với công trình của đời mình và những hậu quả tiêu cực nó có thể đem lại. Jack đã sớm tiên đoán được rằng: sẽ có những cảnh sát thiếu đạo đức thực hiện việc bao che cho hành vi tiêu cực và sự thiếu trách nhiệm của mình bằng cách báo cáo sai số liệu cho COMPSTAT. Quả thực thì hiện tượng này đã và đang xảy ra trên rộng khắp nước Mỹ, khiến cho Bộ Tư pháp Mỹ phải đau đầu tìm cách giải quyết. Giá như họ sớm nghe đến lời khuyên của Jack Maple và thực hiện chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống nhân sự cảnh sát.

Tuy là một kỹ sư, nhưng Jack lại luôn luôn hiểu được giá trị của con người. Ông đề cao những phẩm chất cao quý nhất của một người cảnh sát: sự dũng cảm, sự chân chính, nhạy cảm và tinh tế, không vụ lợi, v.v… chính là thứ vũ khí lợi hại nhất của họ để đối mặt với tội phạm và giữ được mình trong một ngành nghề có quá nhiều cám dỗ đầy nhạy cảm. Jack Maple cho rằng, phần mềm COMPSTAT của mình chỉ hoạt động tốt nhất khi nào những người vận hành nó phát huy được chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của bản thân họ.

Cái chết và đám tang của Jack Maple là một sự kiện lớn tại thời điểm đó. Nhiều nhân vật quan trọng trong và ngoài giới cảnh sát Mỹ ca ngợi ông như là người đã đưa ngành hành pháp nước này vào một thế kỷ mới, khi mà công nghệ thực sự thâm nhập vào mọi mặt của hình sự. Và sự thật thì quả đúng là như thế. Đến nay các phiên bản mới nhất của phần mềm COMPSTAT vẫn được các Sở cảnh sát trên khắp nước Mỹ sử dụng như một sự chứng minh cho triết lý phòng chống tội phạm mà Jack Maple đã sáng tạo ra.

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.