Những 'bà đỡ' bất đắc dĩ

Thứ Sáu, 03/07/2015, 08:30
Địa điểm diễn ra ca đỡ đẻ không phải là bệnh viện mà ở trên đường đê, trong một đêm mưa gió. Những người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề liên quan nhưng đã giúp hai con người bảo toàn mạng sống một cách trọn vẹn bằng những thao tác kịp thời, mau lẹ và chuẩn xác.
Để cảm ơn vì mẹ tròn con vuông, gia đình chị Hoàng Thị Phương (xóm Núi, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) đã viết thư cảm ơn Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp và Thượng sỹ Đoàn Thanh Tùng, Công an huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội - "bác sỹ bất đắc dĩ" của ca đỡ đẻ có một không hai ở Quốc Oai trong ngày 22/6 vừa qua.

Mẹ con sản phụ được hai chiến sỹ Công an cứu giúp trong đêm

Mấy hôm nay, thông tin hai đồng chí Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Quốc Oai trực tiếp đỡ đẻ thành công cho một sản phụ trong đêm mưa gió đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Còn người dân ở địa phương diễn ra sự việc đi đâu cũng bàn tán xôn xao câu chuyện có một không hai này.

Hầu như ai cũng bất ngờ, khâm phục vì với tuổi đời còn quá trẻ, chưa lập gia đình, lại không có bất cứ kinh nghiệm cũng như chuyên môn nhưng hai đồng chí Công an đã giúp mẹ con chị Hoàng Thị Phương vượt cạn thành công. Cả hai mẹ con sản phụ đều an toàn khi được đưa vào bệnh viện. Cháu bé ra đời lành lặn, khỏe mạnh, nặng 3,4kg trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình và những người chứng kiến.

Hôm chúng tôi về nhà chị Phương tìm hiểu câu chuyện thì cả gia đình chị có mặt đông đủ, ai cũng hồ hởi, vui vẻ khi kể lại sự việc. Không vui sao được khi trong gang tấc, con cháu họ được cứu sống một cách ngoạn mục và biết đâu, nếu như chậm khoảng mười phút thôi có thể đã không có một cái kết viên mãn như thế này. Bà Trần Thị Hợp, mẹ chồng chị Phương nói, nhà bà đúng là có phúc khi hai đồng chí Công an đi ngang qua đúng lúc con dâu bà trở dạ.

Kể lại sự việc diễn ra ngày 22/6 vừa rồi, bà Hợp vẫn chưa hết xúc động: "Lúc 3 giờ kém sáng 22/6, cái Phương đi vệ sinh, thấy máu. Vì ngày sinh thằng cu đầu tiên, nó từng bị băng huyết và sinh non nên lần này, chúng tôi quyết định đưa nó đi viện sớm cho an toàn mặc dù theo lịch, còn một tuần nữa mới đến ngày sinh. Người con dâu cả chở Phương mặc nguyên quần áo ở nhà đi viện trước, tôi và ông nhà tôi thu xếp đồ đạc đi sau.

Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp (trái) và Thượng sĩ Đoàn Thanh Tùng.

Lúc qua đê, tôi thấy có tiếng la hét, tôi bảo với ông nhà hình như tiếng con mình thì phải. Đến gần, nhờ chiếc váy lúc nó mặc ở nhà nên chúng tôi nhận ra ngay. Lúc đó, chúng tôi không biết hai chú ấy là Công an vì hai chú mặc thường phục. Chú Tiệp tay thì đỡ lấy đầu đứa trẻ đang nhô ra, miệng vừa dặn cái Phương thở chậm lại, vừa động viên nó "chị cố lên, chị yên tâm, không sao đâu, có em rồi".

Chú Tùng thì vừa đỡ lưng con tôi, vừa cầm điện thoại gọi xe taxi đến. Lúc bấy giờ, cả nhà tôi hoảng hốt quá. Đứa con dâu cả mặc dù từng sinh đẻ rồi nhưng quá bấn loạn, không biết làm gì. Trời thì tối đen, gió trên đê rất mạnh, có dấu hiệu mưa bão. Tình hình rất nguy cấp. Vì không nghĩ sẽ sinh ngay nên khi đi, hai chị em nó không mang thêm đồ đạc, quần áo gì. Lúc thằng cu tòi ra, mẹ nó vừa đau vừa sợ cháu nó bị làm sao vì thời tiết rất lạnh. Chú Tiệp cởi luôn chiếc áo cộc đang mặc bọc thân hình đỏ hỏn của cháu tôi lại".

"Lúc xe taxi đến, chú Tiệp và ông nhà tôi bế cháu Phương lên. Sau đó chồng tôi và chú Tùng đánh xe máy đi theo sau. Trên xe chỉ có tôi - đỡ đứa cháu vừa lọt lòng và chú Tiệp - đỡ con dâu tôi nằm dựa vào người vì lúc đó nó đã quá đau và mệt. May cửa xe vừa đóng lại thì là lúc cơn mưa ập đến. Tới bệnh viện, xe taxi lao thẳng vào sảnh.

Hai chú ấy đỡ cái Phương xuống cáng bệnh nhân trước, tôi đỡ cháu, chân cứ cuống cuồng chạy theo sau, vẫn chưa hết sợ và lo lắng. Dây rốn giữa hai mẹ con vẫn cứ lòng thòng như thế. Khi đưa vào, y bác sỹ ở đây còn tưởng 1 trong 2 chú là chồng con tôi và bảo ra làm thủ tục. Tôi đứng bên ngoài, có nghe được các chú ấy nói với bác sỹ rằng, đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các chú ấy và rút thẻ ngành ra thì mới biết đó là Công an. May cho cháu tôi quá.

Mẹ con chị Phương đã ổn định và trở về nhà sau ca sinh nở đáng nhớ.

Nếu lúc đó, không phải Công an mà là thanh niên bình thường, chắc gì họ đã dừng lại. Gia đình tôi cảm ơn nhiều lắm. Hai chú ấy chờ bác sỹ cắt rốn xong xuôi và vào thăm cháu xem là con trai hay con gái rồi mới rời đi. Chú Tiệp còn thơm má cháu tôi và nhẹ nhàng bảo "chú chào cháu nhé, ăn khỏe ngủ khỏe nhé" rồi cứ thế người trần trùng trục chạy đi. Lúc đó, bên ngoài trời mưa rất to", bà Hợp nhớ lại.

Ông Vương Sỹ Tấn, chồng bà Hợp, lúc chứng kiến cảnh đó cũng cuống lên, cầm điện thoại gọi thêm người giúp mà tay chân run rẩy, đầu óc chẳng nhớ ra ai mà gọi. Ông bảo, may quá, hai chú Công an rất nhiệt tình, mọi thao tác đều hết sức nhanh nhẹn, chuẩn xác. Lúc vào viện, các bác sỹ ở đây ai cũng hết sức bất ngờ về trình độ đỡ đẻ của các chú ấy.

Vợ chồng chị Phương đều làm việc ở Hưng Yên. Vì sắp đến ngày sinh nên chị xin nghỉ trước nửa tháng về nhà dưỡng thai. Hôm chị trở dạ, chồng chị vẫn đang ở Hưng Yên, không biết chuyện ở nhà. Ngày chúng tôi về chơi, hai mẹ con chị Phương đều khỏe mạnh, cháu bé ngủ ngon trên tay mẹ. Chồng chị Phương bảo, gia đình đang viết thư cảm ơn đồng chí Tiệp và đồng chí Tùng gửi đến Công an huyện Quốc Oai. Còn chị Phương, sau cơn hoảng hồn từ số phận đặc biệt của con mình vào lúc 3 rưỡi sáng 22 ấy, giờ đây đã nhẹ nhõm trở lại. Cả nhà dự định đặt tên cháu là Quốc Bảo.

Trở thành "bà đỡ" bất đắc dĩ

Khi cả làng biết chuyện 2 anh lính hình sự trẻ tự nhiên trở thành "bà đỡ" bất đắc dĩ thì bố mẹ Thiếu úy Tiệp và Thượng sỹ Tùng vẫn chưa hề biết chuyện. Hai đồng chí bảo ngại nên không dám kể với gia đình. Hỏi thêm mới biết hai anh đang đi tuần tra ban đêm, lướt qua thấy có người kêu đau thì dừng lại giúp đỡ. Sau khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi, đi đâu ai cũng trêu, Tùng kể, người yêu của Tùng còn khen sao hai người giỏi thế, thằng bé trông yêu thế thì lúc đó cả hai mới thấy… ngượng. Còn lúc ấy, chẳng thấy ngại ngùng gì cả, chỉ biết xắn tay vào làm "bà đỡ" bất đắc dĩ.

Hỏi trước đó đã đỡ đẻ bao giờ hoặc có đọc sách báo gì về chuyện đỡ đẻ không thì cả hai đỏ mặt lắc đầu. Chợt nhớ ra câu chuyện ngày bé, đồng chí Tiệp reo lên như bắt được vàng: "Ngày xưa, mình từng chứng kiến mẹ đỡ đẻ cho… heo. Nhưng heo và người khác nhau. Lúc đó, mình cũng nghĩ đơn giản là cháu bé ra đến đâu mình đỡ đến đó, đừng để rơi xuống đất là được thôi. Còn lại cũng không nghĩ được gì nhiều. Giờ mọi chuyện ổn thỏa cả, thế mới biết ngày xưa mẹ sinh ra mình đau đớn thế nào". Hai anh còn tếu táo trêu nhau, sau lấy vợ chắc chẳng cần đưa vợ đi viện để sinh vì giờ thì có kinh nghiệm "đỡ đẻ" rồi.

Gia đình chị Phương hạnh phúc sau ca sinh đặc biệt.

Thiếu úy Tiệp và Thượng sĩ Tùng tâm sự, công việc thường ngày của họ là bắt tội phạm - so với việc đỡ đẻ thì dễ hơn nhiều vì dẫu sao các anh cũng có nghiệp vụ, được đào tạo bài bản. Còn việc đỡ đẻ, đòi hỏi phải nhẹ nhàng "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa".

Vì thế trong thời khắc ngắn ngủi nhưng dài như cả thế kỷ ấy, điều làm cho Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp lo lắng nhất đó là sợ làm rơi cháu bé khi đỡ đẻ và làm rớt mẹ cháu khi đưa vào viện, nên anh dặn sản phụ cứ vòng tay ra phía sau cổ của mình để cho chắc. Và cái vẻ thô vụng, xù xì nhưng nhẹ nhàng ấy lại là khoảnh khắc đáng nhớ sẽ theo anh đến hết cuộc đời này. Khoảnh khắc trở thành "bà đỡ" bất đắc dĩ và trên tay mình là một đứa trẻ đẹp như thiên thần oe oe cất tiếng khóc chào đời.

Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an TP Hà Nội về mở đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2-9, 70 năm thành lập lực lượng CAND, và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2015), Công an huyện Quốc Oai ra sức tuần tra, thắt chặt an ninh trật tự, đảm bảo ổn định trên địa bàn, nhất là các vùng trọng điểm phức tạp.

Và chính trong chuyến tuần tra đêm 22/6, Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp (25 tuổi) và Thượng sĩ Đoàn Thanh Tùng (23 tuổi) đã trở thành những "bà đỡ" bất đắc dĩ. Phụ trách địa bàn xã Cộng Hòa, Thiếu úy Tiệp và Thượng sĩ Tùng đã nhận được tình cảm yêu mến của bà con nơi đây bởi chính sự nhiệt tình, xông xáo.

Đậu Dung - Ngọc Trâm
.
.
.