Những chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc

Thứ Năm, 30/04/2015, 13:31
Côn Đảo - nhà tù nổi tiếng về sự hà khắc và kiểm soát gắt gao, nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" song lại là nơi ra đời tờ báo chất chứa khao khát tự do, cất lên tiếng nói tự do của các tù nhân chính trị. Điều không tưởng ấy cho đến bây giờ vẫn là những ký ức không thể nào quên với Trung tướng Châu Văn Mẫn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND). 

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, kể từ cuộc Đại thắng mùa Xuân năm 1975 long trời lở đất, đưa non sông thu về một dải. Làm nên chiến thắng lịch sử mang tầm thời đại ấy có sự đóng góp to lớn của lực lượng Công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chiến sĩ Công an chi viện chiến trường ngày ấy nay tóc đã bạc, mắt đã mờ. Nhưng những kỷ niệm, ký ức của một thời hào hùng, những tháng năm đầy gian khổ, hy sinh song rất đỗi tự hào cùng quân dân cả nước "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Những ngày tháng tư lịch sử này, tất cả những ký ức về một thời hoa lửa lại ùa về với những người lính Công an chi viện chiến trường.

1.Côn Đảo - nhà tù nổi tiếng về sự hà khắc và kiểm soát gắt gao, nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" song lại là nơi ra đời tờ báo chất chứa khao khát tự do, cất lên tiếng nói tự do của các tù nhân chính trị. Điều không tưởng ấy cho đến bây giờ vẫn là những ký ức không thể nào quên với Trung tướng Châu Văn Mẫn - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND).

Chuồng cọp - nơi giam giữ các chiến sỹ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo.

Ngày đó, khi mới vào tuổi 20, trong một lần cùng đội công tác đột nhập vào vùng địch bắt tên ấp phó, sau đó bị lộ, ông bị địch bắt và giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột ba tháng rồi bị đày ra Côn Đảo. Những tù nhân nằm trong "tầm ngắm" của địch bị gom về một nơi, gọi là lao 6B. Đây là một khu trại giam biệt lập được chia thành 9 phòng giam, mỗi phòng giam hơn 80 người.

Ngày đó, khi vừa đưa tù nhân đến trại giam, chúng đã ra đòn "cân não" để uy hiếp tinh thần. Nhưng, với ý chí cách mạng bền gan, những người tù không những không khuất phục mà tại lao 6B đã lập nên được "vùng giải phóng" và trở thành "cái gai" trong mắt bọn cai ngục. Trong điều kiện tù đày khắc nghiệt, sự kiểm soát ráo riết của cai ngục và cả những trận tra tấn cực hình dã man bằng đủ các hình thức khác nhau: Bình điện, bằng nước... rồi đe dọa, mua chuộc... song ông cùng các đồng đội năm ấy vẫn không hề nao núng, không gục ngã.

"Không được khai báo làm thiệt hại đến cách mạng, không được đánh mất khí tiết của người chiến sỹ cách mạng!" - ý nghĩ ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp ông vượt qua những cơn đau đớn về thể xác và sẵn sàng đối diện với sự hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào.

Không chỉ vậy, học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao", ông cùng các chiến sỹ bị giam giữ nơi đây đã cho ra đời tờ báo chính thống đầu tiên, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy nhà lao 6B với tên gọi "Xây dựng". Và rồi số báo đầu tiên ra đời vào giữa năm 1972 đã trở thành tài liệu học tập vô cùng quý giá của anh em tù chính trị nói riêng và tài liệu giác ngộ cách mạng của tù nhân Côn Đảo nói chung. Đội ngũ làm báo của nhà lao 6B đã phải tìm cách tự chế ra mực từ thuốc nhuộm đen, thuốc đỏ y tế, bột nghệ, lá khoai lang... đồng thời cải tiến bút bi thành cây bút viết được nhiều lần, cắt xén màu làm minh họa cho bìa báo, chọn những người viết chữ đẹp để chép bài.

Trung tướng Châu Văn Mẫn.

Cứ thế "Xây dựng" ra được 10 số trong sự kiểm soát gắt gao của địch. Mỗi số báo ban đầu xuất bản chỉ có 2 tờ nhưng do nhu cầu đọc quá nhiều, hơn 800 tù nhân chuyền tay nhau đọc, đến những người cuối thì tờ báo đã nát, giấy đã rách, chữ không rõ, nên Đảng ủy nhà lao 6B quyết định tăng số lượng lên 5 tờ để phục vụ nhu cầu đọc của các chiến sĩ cách mạng. Tờ nội san "Xây dựng" ra được 10 số trong điều kiện kiểm soát gắt gao của địch.

2. 40 năm đã trôi qua, nhưng với Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang - Nguyên Phó Trưởng ban An ninh điệp báo, Công an Bình Trị Thiên, nguyên Trưởng phòng Công an tỉnh Quảng Bình thì những năm tháng chiến đấu ngoài chiến trường là những ký ức không thể nào quên. Mang trên mình 13 tấm Huân chương vẻ vang được Đảng và Nhà nước trao tặng, từ Huân chương Chiến công Hạng Nhất, Huân chương Quân công, Huân chương Giải phóng, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông từng tham gia 105 trận đánh ngoài chiến trường, song có lẽ chiến công vang dội và ý nghĩa nhất của ông là tiêu diệt được tên phản bội Nguyễn Thanh Tụng - Quận trưởng Quận Hải Lăng, Trung tá của chính quyền Việt Nam Cộng hoà vào 8h sáng ngày 8/6/1966.

Nguyễn Thanh Tụng nổi tiếng ác ôn, nguyên là Bí thư Đảng Đại Việt, huyện Hải Lăng, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc (năm 1954) đã phản bội Đảng, đầu hàng địch và trực tiếp ra lệnh bắt tù đày, tra tấn và diệt hàng chục chiến sỹ làm cho phong trào Cách mạng của tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ vấp phải rất nhiều khó khăn. Sự  tồn tại của hắn làm cho cách mạng chịu nhiều tổn thất nặng nề. Chính tay hắn đã giết vợ và anh trai, bắt bố mẹ vợ đi tù  vì có con ra Bắc tập kết.

Nguy hiểm hơn hắn đã bắn ba Đảng viên cộng sản từng sinh hoạt cùng chi bộ, trong đó có một nữ chiến sĩ du kích của ta nằm vùng đang mang thai 5 tháng bị hắn bắt được, dùng giày đinh đá chết ngay giữa chợ. Nguyễn Thanh Tụng ngày càng lún sâu vào tội ác. Quân ta đã nhiều lần đánh vào căn cứ của hắn nhưng đều không tiêu diệt được vì vây cánh bảo vệ xung quanh hắn rất đông, lại cẩn mật.

Nhận trọng trách nặng nề này, Đại tá Nguyễn Xuân Giang đã cải trang thành Trung úy Bảo An cùng đi với hai đồng chí khác cải trang đeo lon trung sĩ ngụy để xâm nhập vào căn cứ của tên Tụng với tư cách tiểu khu quân sự về làm việc. Tổ biệt động đã nhanh chóng loại được tên lính gác cổng, đồng thời chặn lối thoát phía sau để phòng khi tên Tụng tìm cách chạy thoát.

Lúc đó trong phòng làm việc của Tụng có tới 5 người. Đại tá Nguyễn Xuân Giang không biết ai là Tụng cả nên ra lệnh: "Tụng! Đứng dậy". Tên Tụng nhìn ông và cười. Đến khi ra lệnh lần thứ 2 thì hắn đứng dậy, ông rút súng chĩa về phía hắn, yêu cầu bước qua bên phải hai bước. Hắn giơ tay định chồm lấy súng liền bị ông bắn gục tại chỗ. Sau đó ông lấy cặp tài liệu của tên Tụng ra trước sân bắn chỉ thiên làm bộ yêu cầu lính ngụy truy bắt tên ám sát tên Tụng rồi lợi dụng tình hình náo loạn để rút lui êm thấm. Những tài liệu tuyệt mật mà ông thu về đã giúp lực lượng của ta nắm bắt được danh sách bọn gián điệp của địch ở vùng giải phóng.

Sau chiến thắng vang dội này, cái tên Nguyễn Xuân Giang trở thành nỗi khiếp sợ với kẻ thù, chúng không dám liều lĩnh như trước nữa. Nhưng ông đã bị lộ. Vì vậy, theo chỉ thị của quân khu, ông phải đổi tên khác. Suy nghĩ mãi ông lấy tên mới là Việt Hà - ông trở thành một hình tượng đẹp -  nhân vật trong bộ phim nổi tiếng  "Vĩ tuyến 17, ngày và đêm".

Các chiến sỹ Công an chi viện chiến trường ôn lại những kỷ niệm chiến đấu hào hùng.

Báo New times của Mỹ đã thừa nhận "Việt Hà của cộng sản đã làm vô hiệu hoá bộ máy tình báo của CIA tại Quảng Trị". Với tư chất thiên bẩm và lòng quả cảm tuyệt vời, trong những năm từ 1965 đến 1970, Việt Hà đã tiêu diệt hàng chục tên chỉ huy ác ôn khét tiếng, cướp ngục giải thoát cho hàng trăm anh em du kích, bộ đội chính quy ra vùng giải phóng an toàn.

3. Với tấm lòng "Vì miền Nam ruột thịt", Bộ Công an đã điều động hơn 10 nghìn cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, đặc biệt là chiến trường Quảng Đà ác liệt, nơi kẻ địch tập trung xây dựng bộ máy đàn áp và là căn cứ quân sự khổng lồ của địch. Những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam là lực lượng cán bộ ưu tú, quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.

Ngay sau khi vào chiến trường, các chiến sĩ đã kề vai, sát cánh với lực lượng An ninh địa phương, nhanh chóng trở thành nòng cốt trong tổ chức, công tác và xây dựng lực lượng; trong hoàn cảnh nào cũng không chùn bước, thể hiện rõ tinh thần, ý chí và sự kiên cường; thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, của ngành, lập nhiều chiến công vang dội.

Trong những năm tháng gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 1.000 đồng chí đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam; hàng trăm đồng chí bị thương tích, bị địch bắt, tra tấn dã man. 40 năm sau giải phóng, những cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam đã trở về với đời thường, song công lao to lớn ấy mãi được lịch sử ghi công, tôn vinh xứng đáng để các thế hệ Công an tự hào để phấn đấu vì sự bình yên của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân…

Đã 40 năm kể từ cuộc Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nhưng âm vang hào sảng của cuộc chiến đấu thần tốc ấy vẫn còn vang vọng, sự hy sinh quên mình của biết bao thế hệ cha ông vẫn vẹn nguyên giá trị. Các anh, các chị đã hy sinh cả tuổi xuân, xả thân trong mưa bom bão đạn, không tiếc máu xương, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Việt Hưng
.
.
.