Những cô giáo gieo chữ ở trại giam

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:30
Lớp xóa mù chữ trong trại giam không phân biệt độ tuổi, từ vị thành niên đến những người ngoài 60, mắt đeo kính lão đều có thể đến học. Họ có điểm chung đều vi phạm pháp luật, bị phạt án tù và trước khi vào đây không biết chữ. Nhiệm vụ của những nhà giáo mang quân hàm đỏ là giúp họ biết đọc, biết viết - một công việc không đơn giản với bất cứ người đứng lớp nào.

Người thầy mang sắc phục

Trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng ở huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Từ đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào khu trại chính khá thưa nóc nhà, vắng bóng người qua lại. "Nhìn bên ngoài, cuộc sống tù tội có vẻ buồn, đơn điệu, nhưng thực tình không phải vậy. Trong môi trường giáo dục, lại cả nghìn con người thì làm sao buồn được", Thượng tá Phan Đình Thành - Giám thị Trại giam số 3 mở đầu cuộc trò chuyện khi chúng tôi hỏi về điều kiện sinh hoạt.

Nơi đây đang giam giữ khá nhiều phạm nhân chịu các mức án cải tạo lâu năm. "Đặc thù trại không có phạm nhân nữ nên số lượng nữ chiến sĩ trong biên chế đơn vị rất ít" - Giám thị Trại giam số 3 chia sẻ. Do vậy, Thượng úy Ngô Thị Ánh Tuyết (giáo viên lớp xóa mù chữ), luôn được anh em trong đơn vị coi là "của hiếm". Không được đào tạo chính quy chuyên ngành Cảnh sát, cô giáo sinh năm 1979 chia sẻ cơ duyên mình đến với cặp quân hàm đỏ xuất phát từ tình yêu, tình thương dành cho chồng con.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, chị Tuyết được nhận vào giảng dạy ở một trường tiểu học thuộc tỉnh miền núi Nghệ An. Cô quen và đem lòng thương yêu chiến sĩ Công an Trần Văn Vinh - cán bộ trinh sát Trại giam số 3. Mối tình đẹp đơm hoa kết trái, họ tổ chức đám cưới và sinh con gái đầu lòng. Công việc đặc thù khiến anh Vinh cũng như gần 500 đồng nghiệp khác trong đơn vị 2 tuần mới được về nhà thăm vợ con một lần. 

Những ngày lễ tết, công tác ứng trực càng đòi hỏi nghiêm ngặt nên anh ít có dịp quây quần bên gia đình, người thân. "Hôm sinh nhật một tuổi con gái đầu lòng năm 2003, anh hẹn tôi sẽ về nhưng rồi lại bị công việc níu chân. Bữa cơm tối mong mỏi của hai mẹ con cuối cùng lại giống với mọi ngày", chị Tuyết nhớ lại.

Trung úy Trần Thị Tố Loan.

Nhiều lần con ốm cần đi viện, chị bảo chẳng đành lòng báo tin cho chồng vì quãng đường từ trại giam về khu ký túc xá giáo viên tiểu học quá xa. Lần một mình, chuyến nhờ được đồng nghiệp, cô giáo Tuyết lại lặn lội đưa con đi chữa trị tới khi việc xong xuôi mới điện báo cho chồng khỏi lo lắng. Cơ may đoàn tụ đến vào năm 2004, khi Trại giam số 3 xét tuyển giáo viên phục vụ việc mở lớp xóa mù chữ cho các phạm nhân. Chị Tuyết được tuyển dụng vào ngành và tới sống cùng chồng trong khu nhà dành cho cán bộ, chiến sĩ Trại 3.

Vào ngành sau chị Tuyết 5 năm, Trung úy Trần Thị Tố Loan là một trong số ít những cán bộ nữ có chồng làm cùng đơn vị. Trước thời điểm ấy, nữ giáo viên dạy Sử một trường trung học phổ thông ở Hà Tĩnh cũng trải qua vài năm sống xa chồng. Giống như mọi người trong đơn vị, chồng chị Loan 2 tuần mới được đơn vị cho về thăm nhà một lần. "Phương tiện đi lại ngày đó không thuận tiện như bây giờ, trong khi quãng đường từ trại giam về nhà ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh xa hơn 200km. Hết giờ làm cũng hết ôtô khách, anh chỉ còn cách chạy xe máy về nhà giữa đêm" - chị Loan nhớ lại.

Chị Loan bảo, thông thường chồng ở nhà chơi tới chiều chủ nhật sẽ trở lại đơn vị, nhưng có hôm gặp con khóc níu chân chẳng thể đi. "3 giờ sáng thứ 2, đợi cho con ngủ, anh lại âm thầm rời nhà để về nơi làm việc cho kịp giờ làm. "Mỗi lần anh về là một lần vui, nhưng khi anh đi là nỗi nhớ và lo lắng. Giây phút mong anh tới nơi để điện thoại về, với tôi dài như ngày anh xa nhà vậy" - chị Loan chia sẻ. 

Thượng úy Ngô Thị Ánh Tuyết.

Năm 2009, trong đợt tuyển giáo viên phục vụ các lớp học cho phạm nhân Trại 3, chị Loan được Bộ Công an tuyển dụng. "Tôi có bố và chị gái công tác trong quân ngũ nên cũng quen với cảnh mẹ mong ngóng chồng mỗi chuyến công tác xa. Giận hờn, tủi thân cũng nhiều nhưng tình yêu luôn lấn át cảm xúc, khiến tôi bỏ qua hết" - Trung úy Trần Thị Tố Loan nhớ lại quãng thời gian sống xa chồng hơn 5 năm trước.  

Những học sinh đặc biệt

"Học sinh tiểu học ở miền núi đứa nào cũng thật thà, ngoan ngoãn. Bài toán nào hiểu sẽ làm nhanh, còn không biết sẽ hỏi thầy cô. Phạm nhân thì khác, không phải ai cũng vậy" - Thượng úy Tuyết nhớ lại những ngày đầu đứng lớp trong trại. Ở Trại giam số 3, mỗi lớp xóa mù chữ có từ 35-40 phạm nhân, khá nhiều người trong đó là người dân tộc thiểu số. Mỗi lớp học kéo dài từ 6-9 tháng, 4 giờ mỗi ngày. Trong khoảng thời gian đó, những học sinh mang trên mình tấm áo sọc sẽ được bổ túc những kiến thức cơ bản về Toán, Tiếng Việt.

Kể về Moong Văn Pành, quê Thanh Hóa - phạm nhân gây "ấn tượng" với chị Tuyết ngay khi đặt chân đến lớp những buổi đầu, theo chị Tuyết, Pành sở hữu 4 tiền án và trải qua 4 lớp học xóa mù chữ. Gặp cô giáo Tuyết, anh này khăng khăng khai chẳng biết đọc, không biết viết. "Chữ viết của người dân tộc thiểu số, cách phát âm của họ khác người Kinh, nên ngoài dạy theo giáo trình xóa mù, giáo viên đứng lớp phải học thêm tiếng dân tộc để có thể giao tiếp, hướng dẫn họ đọc, viết, phát âm cho chuẩn", nữ giáo viên có nụ cười hiền hậu chia sẻ. Với "học sinh" Pành, chị Tuyết dành cả khóa để cầm tay dạy chữ, đánh vần, học toán để đảm bảo "xóa mù chữ" của phạm nhân có 4 tiền án.

Lớp xóa mù chữ trong trại giam không phân biệt độ tuổi, từ vị thành niên đến những người ngoài 60, mắt đeo kính lão đều có thể đến học. Họ có điểm chung là đều vi phạm pháp luật, bị phạt án tù và trước khi vào đây không biết chữ. Nhiệm vụ của những nhà giáo mang quân hàm đỏ là giúp họ biết đọc, biết viết - một công việc không đơn giản với bất cứ người đứng lớp nào.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, nỗi e ngại khi bước vào nghề dạy học trong trại, chị Tuyết dần tìm được niềm vui trong công việc khi gặp nhiều "cậu học trò" ham học. Một trong những học sinh được nữ giáo viên tuổi Mùi dành nhiều lời khen ngợi là Nguyễn Đức Thịnh. Nhà ở Hà Nội, nhưng Thịnh khiến nhiều bạn tù bất ngờ khi khai... mù chữ.

Tâm sự với Thượng úy Tuyết, phạm nhân này bảo, thời gian đầu nhập trại, năm lần bảy lượt vợ biên thư hỏi thăm nhưng do chẳng biết đọc, không biết viết để hồi âm. Vài lần nhờ bạn cùng buồng giam đọc hộ, viết thư trả lời nhưng có người tếu táo xuyên tạc nội dung khiến Thịnh buồn chán. Về phía người vợ, cô ta tò mò tìm lên trại hỏi cho ra nhẽ mới hay từ thuở yêu, anh này đã giấu dốt… vì ngượng. Chăm chỉ học bài, sau 4 tháng, Thịnh đã đọc thông, viết thạo.

Để khích lệ phạm nhân này, người nhà anh ta dặn người cháu trai học lớp 1 thường xuyên viết thư hỏi thăm Thịnh. Cứ như thế, hai chú cháu đua nhau tập đọc, học viết. "Kết thúc khóa học 9 tháng, phạm nhân quê Hà Nội vui ra mặt khi xóa mù và hứa với tôi sẽ cải tạo tốt để ngày trở về nhờ vợ kèm thêm văn hóa", nữ giáo viên có mái tóc ngang vai rất duyên dáng chia sẻ với sự tự hào.

Phạm nhân lao động tại Trại giam số 3.

Chị Loan khi vào trại được giám thị phân công đứng lớp giảng dạy các phạm nhân mới vào chấp hành án và số sắp chấp hành xong án phạt tù. Ở nhóm lớp đầu vào, các bài giảng tập trung cho kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống trong trại. Với lớp sắp hết án, họ cần những kiến thức về tìm việc, hướng thiện và tái hòa nhập cộng đồng. Nhớ lại kỉ niệm đứng lớp những ngày đầu vào trại, chị Loan bảo tâm lý khá sợ sệt mỗi khi đối mặt với phạm nhân mang trọng tội. 

Buổi đầu đứng lớp, tôi cầm phấn viết bảng nhưng không may phấn gãy, rơi xuống sàn lớp. Một phạm nhân ngồi bàn đầu thấy thế lao lên định nhặt giúp, khi đó tôi cứ nghĩ ai đó phía dưới lao lên trêu mình. Hoảng sợ là tâm lý khó tránh khỏi những ngày đầu" - chị Loan chia sẻ.

Những cô giáo trong Trại giam số 3 chia sẻ, càng dạy, họ càng tìm thấy nhiều niềm vui trong công việc gieo chữ ở chốn tù tội. Hy sinh những thú vui đời thường để thầm lặng làm những công việc mà nhiều người phụ nữ không dám nghĩ tới, đó là điều mà chị Tuyết, chị Loan và nhiều nữ cán bộ trại giam khác đang hằng ngày, hằng giờ thực hiện.

Quang Đức
.
.
.