Những con đường của tôi

Thứ Hai, 04/05/2020, 10:33
Ngôi trường Học viện Cảnh sát nhân dân thực sự đã rèn luyện cho tôi tác phong chuyên nghiệp, nghiêm túc và tạo nhiều điều kiện thuận lợi về mặt thời gian cũng như cơ sở vật chất để tôi vừa học tập, vừa tiếp tục chinh phục ước mơ nhà văn từ thuở học trò.


Ngày tôi đặt bút vào hồ sơ đăng ký dự thi khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, bà tôi rơm rớm nước mắt: "Thời buổi kinh tế khó khăn, cháu gắng thi vô một trường Công an, Quân đội mô đó, được Nhà nước nuôi, ra trường có việc làm ổn định, rồi lúc đó muốn viết văn, làm thơ chi cho thỏa mong ước của cháu, bà đều ủng hộ". 

Ổn định là giấc mơ muôn thuở của các bậc phụ huynh quê tôi, nơi mùa đông rét nẻ nứt gót chân, mùa hè nắng như nung, như đốt. Đồng ruộng khi hạn hán, lúc ngập lụt, chẳng biết đâu mà lần. Cây lúa cõng lên mình nỗi lo thất bát. Trước cảnh ấy, người người rủ nhau bỏ làng đi tha phương cầu thực khắp đầu Bắc, cuối Nam. Tôi lên năm, bố mẹ gửi lại anh em tôi cho ông bà nuôi nấng rồi dắt díu nhau vào tận Vũng Tàu làm cá đông lạnh, vài ba năm mới về quê một lần. 

Trung úy Phan Đức Lộc, phan.loc.95.na@gmail.com

Tôi lớn lên bên ông bà, đói nghèo, thiếu thốn đủ thứ mà vẫn luôn chan chứa yêu thương. Trong nhà, tôi thân với bà nhất, gặp chuyện vui buồn gì cũng rủ rỉ tâm sự với bà bên bếp lửa sôi reo nồi cám lợn đến tận khuya lắc, khuya lơ. Bởi vậy, khi đứng trước cánh cửa cuộc đời quan trọng này, lời khuyên của bà đã khiến tôi bao đêm trăn trở. 

Tập hồ sơ đăng ký dự thi viết văn vẫn còn thổn thức trong ngăn cặp như sợ bị tôi bỏ rơi. Tôi đã từng muốn làm giáo viên, thủ thư, bác sĩ tâm lý… nhưng chưa có niềm khát khao nào cháy bỏng như ước mơ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Những bài viết được đăng tải trên Áo Trắng, Văn học và Tuổi trẻ… cùng với giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn năm lớp 12 như thứ chất xúc tác làm cho ước mơ ấy càng thêm mãnh liệt.

Thuở ấy, tôi vẫn hằng tưởng tượng đến ngày tôi viết ra những cuốn truyện làm lay động trái tim hàng trăm nghìn độc giả như "Mắt biếc"; "Cô gái đến từ hôm qua"; "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"; "Cho tôi một vé đi tuổi thơ"… của nhà văn thần tượng Nguyễn Nhật Ánh. 

Nhưng rồi, ngày qua ngày, bà vẫn kiên trì thuyết phục tôi bằng những lời dịu dàng, hiền hậu: "Bà chưa từng nghe nói có ai sống được bằng nghề viết văn. Cơm áo mô đùa với khách thơ. Nghe bà, thi một trường Công an hoặc Quân đội. Mi không thương bà thì cũng phải thương bố mẹ mi, hơn chục năm nai lưng làm thuê chưa lo hết nợ. Chừ mi đậu trường viết văn nớ, bố mẹ mi lấy mô ra tiền nuôi mi ăn học. Bà thì già rồi nạ". Và rồi, bà đã lay chuyển được ý tôi.

*

Khi đã trở thành sinh viên của Học viện Cảnh sát nhân dân rồi, tôi mới càng thấm thía và biết ơn lời khuyên năm nào của bà. Càng tìm tòi, nghiên cứu, tôi càng say mê với chuyên ngành Cảnh sát Hình sự mà mình đang theo học. Có những buổi, được nghe giảng viên phân tích quá trình điều tra những vụ án phức tạp, đầu óc cứ mê mải cuốn theo các tình tiết, diễn biến như thể đang nhập tâm vào một tiểu thuyết trinh thám li kì, hấp dẫn. 

Và cũng từ đó, tôi dần vỡ ra mối tương quan gần gũi, bổ sung lẫn nhau giữa văn chương và hiện thực cuộc sống lấy chất liệu từ những bài học sinh động ấy mà nếu không may mắn được khoác lên mình màu áo xanh này, có lẽ, cả đời tôi cũng không thể nào hiểu thấu.

Trung úy Phan Đức Lộc (phải) và đồng đội chụp ảnh kỷ niệm cùng dân bản trong một chuyến công tác.

Ngôi trường Học viện Cảnh sát nhân dân thực sự đã rèn luyện cho tôi tác phong chuyên nghiệp, nghiêm túc và tạo nhiều điều kiện thuận lợi về mặt thời gian cũng như cơ sở vật chất để tôi vừa học tập, vừa tiếp tục chinh phục ước mơ nhà văn từ thuở học trò. 

Những bài thơ, tản văn, truyện ngắn của tôi lần lượt được đăng tải trên một số tờ báo Trung ương như: Nhân dân, Văn nghệ Công an, Quân đội nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Giáo dục và thời đại... Viết lách, ngoài vai trò duy trì niềm đam mê còn giúp tôi trang trải phần nào những khoản chi tiêu lặt vặt và tích góp được những khoản tiền nhỏ gửi về gia đình ở quê nhà hằng tháng.

Vừa học, vừa viết, vừa tham gia các hoạt động phong trào Đoàn là sự kết hợp đầy thú vị và ý nghĩa trong quãng đời sinh viên tươi đẹp của tôi. Tôi luôn cố gắng rèn luyện thói quen âm thầm viết lách mỗi ngày, để duy trì ngọn lửa đam mê; luôn nỗ lực góp một phần bé nhỏ của mình vào các hội thi, chương trình giao lưu văn nghệ, thiện nguyện… 

Và tất nhiên, tại thời điểm ấy, việc học luôn là ưu tiên hàng đầu với sự đầu tư tâm huyết cả về mặt thời gian lẫn công sức. Tôi luôn tâm niệm rằng, nếu không thể là người giỏi giang thì ít nhất phải là người chăm chỉ. Tuổi hai mươi hai, tôi tốt nghiệp đại học với điểm số xếp vị trí thứ ba của khoa Cảnh sát Hình sự khóa D39, có gần hai trăm bài viết được chọn đăng trên các báo, tạp chí lớn, nhỏ và ba cuốn sách in riêng. Đối với tôi, những con số nho nhỏ ấy chính là hạnh phúc.

*

Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, tôi được phân về Tuần Giáo, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên. Những ngày đầu nhận công tác, phần vì nhớ nhà, phần vì chưa quen với địa hình đồi núi cheo leo, hiểm trở nơi đây, có những đêm, tôi len lén trốn ra một góc vắng, gọi điện về cho bà rồi bật khóc thút thít như một đứa trẻ. 

Bà lấy nhân vật trong một truyện ngắn viết về ngành Công an của tôi, làm dẫn chứng: "Anh trung úy Lê bị mắc kẹt trong hang động, hàng tuần liền nhịn đói mà lòng vẫn luôn khát khao tận hiến cho Ngành. Cháu tui mới gặp một chút thử thách đã vội nản lòng ư?".

Trung úy Phan Đức Lộc làm “thầy giáo” khi xuống bản.

Hai năm công tác thực tiễn chưa phải là khoảng thời gian quá dài nhưng đã mang đến cho tôi những kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu. Cái nôi Công an huyện Tuần Giáo đã giúp tôi được "đi sâu, đi sát cơ sở", được "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân". 

Mỗi lần đến các bản làng làm việc với đồng bào người Thái, người Kháng, người Mông… là thêm một lần được hòa mình vào những nền văn hóa đậm đà bản sắc với những điệu múa xòe bên đống lửa, với tiếng khèn tha thiết đêm xuân, với ngày hội ném pao rực sắc… Rồi còn được nghe người già chậm rãi kể những câu chuyện xa xưa từ thời mở đất. 

Những điều đó chính là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi viết nên những truyện ngắn "Bông ban nở muộn"; "Mùa đông ở Sính Phình"; "Đường về Sai Chản"; "Làm vợ đười ươi"…

Tôi vẫn thầm nghĩ, chắc hẳn ở miền rẻo cao này, người ta biết mình qua màu áo xanh nghiêm ngắn, chứ chẳng ai quan tâm mình là một người viết văn đâu. Vậy mà có một câu chuyện đã khiến tôi vô cùng bất ngờ và xúc động. 

Một lần vào bản làm việc, khi tôi vừa mới giới thiệu mình là Phan Đức Lộc thì một người đàn ông trung niên từ đám đông tiến đến, dõng dạc hỏi: "Cán bộ có phải là người viết ra truyện "Thung lũng Mưa không?"". 

Tôi còn đang ngỡ ngàng chưa kịp trả lời thì người đàn ông tiếp: "Cả gia đình tôi nghe truyện trên mục "Đọc truyện đêm khuya" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Truyện hay lắm. Cán bộ viết thêm nhiều truyện về đất Tuần Giáo mình gửi lên Đài để bà con được nghe với nhé". 

Lời nhắn nhủ nghe sao mà mộc mạc, thân thương quá đỗi. Khoảnh khắc ấy, sống mũi tôi chợt cay cay. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ động lực để tôi phấn đấu vững tay súng, chắc tay bút trên chặng đường rộng dài phía trước!

Phan Đức Lộc
.
.
.