Những khoảnh khắc thay đổi số phận

Thứ Bảy, 25/01/2014, 13:30

Họ - những cán bộ điều tra, những cán bộ quản giáo, đôi khi phải đứng trước những quyết định khó khăn: Bắt hay không bắt, bắt ở thời điểm nào hoặc sử dụng phương pháp gì để cảm hóa, thuyết phục khiến đối tượng tâm phục khẩu phục, nhận ra lỗi lầm và quyết tâm cải tà quy chính. Kịp thời - sáng suốt - nghiêm khắc - nhân văn, là những gì chúng tôi cảm nhận được từ câu chuyện của chính các anh. Và tôi muốn ví, mỗi câu chuyện của các anh như một bông hoa đời, góp thêm cho sắc xuân tươi thắm.

Xin được gặp gia đình trước khi quy án

Kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện này, Thượng tá Mai Thế Oanh - Phó trưởng Phòng PC45 Công an tỉnh Hải Dương cho rằng, việc vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú là một công tác cực kỳ quan trọng trong quá trình phá án. Làm tốt điều này sẽ không tốn công sức của anh em, hơn nữa hiệu quả lại rất cao.

Vụ án xảy ra ngày 5/1/2012. Nạn nhân là ông Nguyễn Đắc Hóa, SN 1967, trú tại thôn Kim Xuyên, xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Khi mọi người phát hiện thì ông Hóa đã chết trên giường nhà. Bắt tay điều tra, các điều tra viên Phòng PC45 xác định, đây là vụ án giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tìm hiểu về nạn nhân được biết, ông Hóa có vợ là Nguyễn Thị Sim và một con trai. Ông Hóa là một người nát rượu, mỗi khi say, ông này thường chửi bới, đánh đập vợ con và người thân trong gia đình. Vợ con ông đã chuyển ra ở riêng cách đó khoảng 1km. Từ đó, ông Hóa sống một mình, hằng ngày ông này đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, tiền kiếm được chỉ để mua rượu. Hết tiền uống rượu, ông Hóa lại vay tiền, vay gạo để mang đi đổi rượu. Đến bữa cơm, ông Hóa thường vác bát sang hàng xóm hoặc những người anh em cùng họ xin cơm. Sàng lọc rất nhiều đối tượng, cuối cùng Thượng tá Mai Thế Oanh và các đồng nghiệp của mình đã dựng lên kẻ tình nghi số một là Nguyễn Ngọc Cương, SN 1985, là cháu ruột, ở sát nhà ông Hóa.

"Chúng tôi đã kiên trì thuyết thục, giáo dục, giải thích đường lối, chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người vi phạm ăn năn hối cải, các tình tiết giảm nhẹ tăng nặng của pháp luật đối với người phạm tội, mấy ngày sau đó, Cương đã nhận ra lỗi lầm và tự nguyện đề nghị xin viết đơn đầu thú, đồng thời thành khẩn khai báo hành vi phạm tội" - Thượng tá Oanh cho biết.

Nguyên nhân khiến Cương gây án xuất phát từ việc bức xúc với nạn nhân khi ông Hóa có lời lẽ xúc phạm gia đình Cương. Chiều 5/1/2012, khi Cương đang ở nhà một mình thì ông Hóa sang nhà trong bộ dạng say rượu. Ông Hóa hỏi xin cơm nhưng Cương chưa nấu cơm nên ông Hóa lại hỏi vay gạo. Vì nhiều lần vay không trả nên Cương từ chối thì bị ông Hóa chửi và có nhiều lời lẽ xúc phạm gia đình Cương. Tối đó, Cương mua nửa lít rượu định rủ con trai ông Hóa vào uống để mách tội của ông nhưng không gặp nên về nhà ăn tối. Sau đó, Cương nằm mãi không ngủ được vì uất ức khi nghĩ đến nhiều lần ông Hóa đã chửi rủa, vay gạo, mượn đồ không trả, khi say rượu còn đòi đập bát hương và di ảnh của bố Cương.  Cương đã mang theo một cây gậy sang nhà ông Hóa, trút hết cơn giận dữ lên cây gậy khiến ông Hóa tử vong.

Công tác vận động đối tượng đầu thú luôn được chú trọng.

Theo đề nghị của Cương, các điều tra viên đã cho phép anh ta được gặp người thân để nhờ sang xin lỗi, thắp hương và bồi thường cho gia đình ông Hóa. Trước các điều tra viên, Cương đã dặn vợ thay anh ta nuôi dạy con cái cho nên người trong thời gian anh ta bị đi tù. Cuộc gặp gỡ này tuy ngắn ngủi nhưng là nguồn động viên tinh thần rất tốt cho Cương, khiến anh ta yên tâm, thoải mái tư tưởng khi vào trại.

Sau này, khi ra tòa, Cương được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, hai bên gia đình cũng đã có cách ứng xử với nhau vô cùng nhân văn. Nhờ những thiện chí từ gia đình bị hại, những vận dụng linh hoạt đúng luật pháp đồng thời đầy tính nhân văn của cơ quan điều tra mà Nguyễn Ngọc Cương chỉ bị xử 12 năm tù. Giờ đây, Cương đang cải tạo tích cực ở trại giam để mong có cơ hội trở về chuộc lại lỗi lầm.

Còn gia đình Cương, mẹ, vợ và những người thân khác của anh ta, bất cứ khi nào có cơ hội gặp các điều tra viên PC45 Công an tỉnh Hải Dương, họ đều không khỏi cảm động, nhắc lại cái "ơn giời bể" đã cứu giúp cuộc đời Nguyễn Ngọc Cương. Chúng tôi thì nghĩ khác, buộc tội một con người đã là một công việc cực khó, nhưng gỡ tội cho họ trong khuôn khổ luật pháp cho phép, lại là một việc làm còn khó hơn nhưng vô cùng nhân văn, đầy tình người mà các điều tra viên PC45 Công an tỉnh Hải Dương đã làm được và làm rất tốt.

Khi niềm tin đặt đúng chỗ

"Ông Bá đến chơi Hà ơi! Bố mẹ ơi, ông Bá đến nhà mình đây này!" - người đàn ông gần 40 tuổi, nét mặt rạng ngời, hồ hởi kéo tay Trung tá Nguyễn Đình Bá, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, vào nhà. Chỉ loáng cái, ông Tường - bố vợ anh, chị Hà - vợ anh cùng 3 đứa con của anh lốc nhốc ra chào. Họ đón anh Bá như đón người thân về thăm nhà.

Anh Nguyễn Thành Tâm.

Ông Tường xuýt xoa: "Lâu rồi không thấy bác vào chơi, vợ chồng nó cứ nhắc bác mãi". Trung tá Nguyễn Đình Bá hỏi thăm sức khỏe ông bà Tường và đưa tay xoa đầu từng đứa trẻ. Bố của chúng - anh Nguyễn Thành Tâm vừa rót nước vừa nói: "Đấy, ông nhìn xem cháu ông lớn hết cả rồi, chả mấy mà ông được ăn kẹo". Chứng kiến khung cảnh không hề sắp đặt ấy, tôi thầm nghĩ, hẳn giữa họ đã có một ân tình nào đó.

Anh Nguyễn Thành Tâm sinh năm 1974, nhà ở Cao Duệ, Gia Lộc. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hải Hà, chính là con gái người thầy giáo đã dạy dỗ Tâm suốt những năm cấp ba. Sau khi kết hôn, ông Tường đầu tư cho con rể chiếc xe ôtô tải để Tâm chở gạo lên Hà Giang bán cho bà con người dân tộc. Mỗi chuyến đi như thế cũng kéo dài từ 5-7 ngày. Một lần, khi đang trông xe tải bên ngoài chợ thì Tâm được mấy gã bạn cùng là dân lái xe rủ rê hút thuốc phiện. Tò mò, Tâm cũng thử cho biết, không ngờ sau khi hút xong, tinh thần sảng khoái, bao mệt mỏi biến đâu mất. Nhiều lần như thế, Tâm nghiện lúc nào không hay. Năm 2003, Tâm đã gây tai nạn làm 2 người chết. Tuy nhiên, tai nạn xảy ra là do lỗi của nạn nhân nên Tâm không bị khởi tố nhưng cũng phải hỗ trợ cho gia đình nạn nhân tới 80 triệu đồng.

Đến năm 2005, Tâm bị bắt khi đang tàng trữ trái phép mấy tép heroin. Anh Nguyễn Đình Bá khi đó là Đội trưởng Đội Cảnh sát ma túy - môi trường - kinh tế, đã cảm thấy ở Nguyễn Thành Tâm có gì đó không giống với những kẻ nghiện hút khác. Lần nào làm việc với anh Bá, Tâm cũng khóc ròng. Tìm đến nhà Tâm, anh Bá được ông Tường - vừa là bố vợ vừa là thầy giáo của Tâm đưa cho xem một bức thư mà Tâm viết bằng máu khi bị tạm giữ sau khi gây tai nạn chết người.

Bài thơ với tiêu đề: "Kính gửi bố" của Tâm: "Đêm về con với ngọn đèn chong/Mình con hiu quạnh một căn phòng/Khuya rồi con vẫn còn thao thức/Bởi nỗi nhớ cha (thầy) có nhớ không?/Những điều thầy dạy con luôn nhớ/Sống sao đức hạnh để lên đầu/Mong thầy mở rộng lòng Bồ Tát/Cứu con thoát khỏi vũng bùn này".

Cán bộ trại giam chúc mừng một phạm nhân được trở về cộng đồng.

Ông Tường ngậm ngùi: "Tôi là thầy dạy nó mấy năm, tôi biết tính nết nó, vì vậy tôi bàn với vợ con bán mảnh ao đấu thầu để dồn tiền bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân". Đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, anh Bá thầm cầu mong trời phật làm sao để kết quả giám định ma túy không đủ để xử lý hình sự đối với Tâm. Vì anh biết con người này nếu được chỉ đường đúng hướng, sẽ trở thành người có ích. Và ông trời đã không phụ lòng người, kết quả giám định cho thấy số lượng ma túy mà Tâm tàng trữ chưa đến mức phải xử lý hình sự. Tâm được giao cho địa phương quản lý, cai nghiện tại cộng đồng. Cũng từ đó, Trung tá Nguyễn Đình Bá quan tâm nhiều hơn đến con người này, động viên để Tâm vừa cai được nghiện vừa trở thành cơ sở tích cực, giúp cơ quan Công an trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy. Từ năm 2007, Tâm cùng vợ chăm chỉ làm lụng và anh đã xây được nhà, mua lại được ôtô để chạy đường dài.

Năm 2011, trong một lần Công an huyện Gia Lộc tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy ở khu dân cư, ông Nguyễn Văn Tường đã xúc động nói: "Các anh Công an đã cứu con rể duy nhất của gia đình tôi trở lại làm người. Các anh đã cứu các cháu tôi không lâm vào cảnh thất học vì cha nghiện ma túy...".

Và, tờ quyết định xử lý hành chính của Công an huyện Gia  Lộc bao nhiêu năm nay vẫn được anh Tâm treo trang trọng ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong phòng khách. Một quyết định nhân văn, đầy tình người của Trung tá Nguyễn Đình Bá cũng như các đồng chí lãnh đạo Công an huyện, đã cứu không chỉ một con người về với cuộc sống lương thiện mà rất nhiều người nữa như bố mẹ, vợ con của anh Tâm giờ đây luôn coi họ là ân nhân - những người đã sinh ra con, chồng, cha họ lần thứ hai

Đinh Hiền - Xuân Mai
.
.
.