Những lần vượt qua lằn ranh sinh tử

Thứ Bảy, 19/09/2015, 08:40
Công tác trong lực lượng trên 20 năm, đã nhiều lần anh đặt chân lên tử địa, đối mặt với cái chết để có thể thực thi được nhiệm vụ của mình. Nhưng trải qua biết bao khó khăn như địa bàn công tác vô cùng phức tạp hay cuộc sống xa gia đình, người chiến sĩ trẻ ấy vẫn luôn kiên cường bám trụ. Và qua biết bao nhiêu năm tháng, cũng từ những khó khăn ấy đã trui rèn lên một người thủ lĩnh xuất sắc, đó là Thượng tá Trần Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Tuyên Quang.

Hơn một lần cận kề cái chết

Theo như lời kể của Thượng tá Trần Mạnh Cường, những ngày đầu tham gia công tác của anh là những ngày đầy gian nan vất vả. Được phân công về công tác tại Công an huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) năm 1996, khi đó đơn vị của anh phụ trách tất cả các loại án từ kinh tế, ma túy, hình sự...

Xin được nói thêm về tình hình khi đó của huyện Chiêm Hóa, đó là vào những năm đầu thập niên 90, nạn khai thác vàng trái phép ở nơi đây diễn ra rầm rộ. Cũng từ đó, kéo theo các tệ nạn như ma túy, cờ bạc và đặc biệt là những vụ thanh toán lẫn nhau để giành quyền lợi trên những bãi vàng. Do lực lượng của đội mỏng, chỉ có 7 người phụ trách tất cả nên hầu như ai cũng túc trực tại cơ quan suốt, hiếm khi thấy người nào về nhà.

Thượng tá Trần Mạnh Cường.

Anh Cường cho biết: "Do nhà tôi ở tại thành phố Tuyên Quang bây giờ nên mới đầu cũng rất nhớ nhà, sau này công việc bận tối tăm mặt mũi nên cũng nguôi dần. Ngày đó xe cộ chưa nhiều như bây giờ, cứ sau hơn một tháng, vào sáng thứ bảy tôi lại xếp hàng thật sớm mới mua được vé xe rồi đến chiều bắt đầu về nhà. Nhưng ngày ấy đường xá rất khó đi, chỉ có vài chục cây số mà đi mất cả ngày trời, đi từ chiều mà tối mịt mới về tới nhà, sáng hôm sau lại bắt xe trở về đơn vị luôn, như vậy chỉ ở nhà chưa đầy 8 tiếng…".

Đó cũng là nỗi khổ chung của nhiều chiến sĩ trong đội, thế nhưng dù khó khăn như vậy, họ vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Theo như lời kể của Thượng tá Trần Mạnh Cường, một lần nhận được tin báo sắp có xung đột giữa hai băng nhóm trên địa bàn, anh và hai đồng đội nữa cùng đến hiện trường. Do chưa có xe máy nên cả ba lóc cóc đạp xe đạp đi, đến suối hay đường khó đi lại xuống khiêng qua để kịp thời đến nơi. Khi đến nơi, hai băng nhóm này đã tụ tập hàng chục người đứng dàn trận để chuẩn bị cho một cuộc chém giết đẫm máu, không cần nghĩ nhiều, ba chiến sĩ xông vào giữa hai bên để dàn hòa, tránh một cuộc chiến chết người. Thấy ba chiến sĩ xuất hiện, nhiều tên còn tỏ ra hung hăng hơn, hô hào kích động chống trả lại.

"Sau khi có kẻ hô hào kích động, đám đông cũng định xông lên làm càn mặc ba anh em đứng ở giữa cố gắng hòa giải. Thấy tình hình bất ổn, cả ba phải chuẩn bị sẵn vũ khí đứng xoay lưng vào nhau nhưng vẫn không ngừng trấn an và giải hòa cho cả hai nhóm. Lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết đến nơi rồi, rất may sau đó nhiều kẻ cũng chùn tay nên gọi nhau rút lui. Nếu bọn chúng manh động thêm một chút là cả ba không còn mạng mà về. Mấy anh em sau khi giải tán được hai băng nhóm chỉ biết nhìn nhau mà không nói được gì vì trống ngực vẫn đang dồn dập" - anh Cường chia sẻ. Sau vụ việc đó, tên đứng ra kích động đám đông cũng bị bắt giữ và truy tố về tội chống người thi hành công vụ.

Ngoài nhiều vụ xung đột như đã kể trên, các chiến sĩ, đồng đội của anh Cường khi đó còn đau đầu với tệ nạn ma túy. Có lần đi bắt tội phạm ma túy, tên này còn là một kẻ nghiện nặng, khi lực lượng ập vào, hắn chống cự vô cùng mãnh liệt. Chính anh Cường là kẻ đè tên tội phạm xuống để khống chế đối tượng. Nhưng do sơ ý, tên này vùng dậy cắn thẳng vào tay khiến anh rách một phần thịt. Những năm đó, việc tiêm phơi nhiễm còn chưa có nên anh Cường cũng chỉ rửa qua vết thương bằng nước.

Sau này khi nghĩ lại, đó cũng là một lần anh đối mặt với cái chết, đối mặt với tử thần nhưng sự may mắn đã giúp anh vượt qua được sự cố đó. "Ngoài những sự cố như vậy, bị xước tay chân do đối tượng cào cấu là chuyện thường xuyên xảy ra trong quá trình truy bắt tội phạm của các anh em trong đội. Và tôi chắc rằng không chỉ riêng ở đây mà đồng đội ở các đơn vị nghiệp vụ của Tuyên Quang hay các tỉnh khác cũng thường xuyên phải đối mặt", Thượng tá Trần Mạnh Cường chia sẻ.

Những chuyên án cân não

Bằng những thành tích đạt được sau 8 năm công tác tại huyện Chiêm Hóa, Thượng tá Trần Mạnh Cường được điều động công tác tại Đội Phòng chống tội phạm liên tuyến - Phòng Cảnh sát hình sự. Tại đây, anh cùng đồng đội đã lập được nhiều chiến công. Đến năm 2010, anh Cường được luân chuyển sang làm Đội trưởng Đội Truy nã tội phạm. Và tại nơi đây, hành trình vào Nam ra Bắc truy bắt tội phạm bắt đầu.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang khám nghiệm hiện trường một vụ trọng án.

Anh Cường chia sẻ: "Những ngày làm việc tại Đội Truy nã, có đêm tôi cùng anh em bắt hai đối tượng truy nã ở hai nơi khác nhau. Đến sáng sớm tìm được đối tượng thứ ba nữa nhưng tên này trốn mất, phải vài ngày sau mới bắt giữ được. Rồi chuyện vào những vùng núi hoang sơ trong miền Nam nhiều như cơm bữa. Có những đối tượng trốn trong đó hàng chục năm mới nắm được thông tin để truy bắt…".

Nhớ lại những vụ bắt giữ tốn công sức, anh Cường cho biết, nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm đã bỏ trốn nhiều năm hầu hết đều rất tinh ranh. Sau khi bỏ trốn vào những nơi thâm sơn, cùng cốc, bọn chúng tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, làm ăn lương thiện để che mắt các cán bộ địa phương. Việc tìm kiếm thông tin về những đối tượng truy nã này thường mất rất nhiều năm. Như đối tượng Trần Đình Hiếu, bỏ trốn vào Kiên Giang 18 năm và Vương Quốc học đã lẩn trốn tại Phú Quốc hơn 20 năm, đây là hai đối tượng giết người đặc biệt nguy hiểm. Do địa bàn lẩn trốn của chúng đều ở rất xa địa phương nơi gây án nên phải sau nhiều năm cố gắng, các cán bộ của Đội Truy nã mới bắt giữ được chúng.

Với khả năng của mình, Thượng tá Trần Mạnh Cường còn được lãnh đạo đơn vị điều động tham gia nhiều chuyên án lớn. Nhắc lại quá trình tham gia một chuyên án lớn cách đây hơn một năm, anh Cường cho biết: "Đây là một vụ án giết người, hiếp dâm xảy ra vào tháng 7/2014 tại khu đồi Thanh Niên, thôn Độc Lập, huyện Yên Sơn. Vụ án này vô cùng phức tạp do công tác khám nghiệm hiện trường không thu được dấu vết nào của thủ phạm. Hơn nữa, sau khi điều tra cũng không có nhân chứng nào phát hiện ra đối tượng nghi vấn đã giết nạn nhân. Có lúc chúng tôi tưởng như đi vào ngõ cụt bởi không tìm thấy được thông tin gì mới. Miệt mài suốt 5 ngày liền không nghỉ, tìm kiếm tất cả các đầu mối dù nhỏ nhất và áp dụng hầu hết các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án mới tìm ra được đối tượng gây án là tên Kiều Phước Thọ…".

Trong một chuyên án khác về buôn bán người, Thượng tá Trần Mạnh Cường cùng đồng đội đã đấu tranh làm rõ một nhóm đối tượng là Giàng Seo Bàn và Dương Văn Của. Điều đặc biệt trong chuyên án này đó là hai đối tượng trên trú ở tận Đắk Lắk, chúng lợi dụng mạng xã hội của người dân tộc để làm quen với nhiều cô gái trẻ. Sau một thời gian đã thân quen, hẹn hò yêu đương thì chúng liền lộ bản chất của những kẻ buôn người, lừa bán các cô gái sang Trung Quốc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã nhử được đối tượng Giàng Seo Bàn từ Đắk Lắk ra Hà Nội để bắt giữ. Ngay sau đó, đối tượng Dương Văn Của cũng sa lưới khi tên này đang làm quen một cô gái dân tộc tại xã miền núi Thạch An, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng.

Các đối tượng gây ra 45 vụ trộm tài sản trên 18 tỉnh thành.

Gần đây nhất, Thượng tá Trần Mạnh Cường đã cùng đồng đội làm rõ hàng chục vụ trộm cắp tài sản trong két sắt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đây là một chuyên án đặc biệt nghiêm trọng khi một loạt các vụ mất trộm két sắt tại nhà dân và công sở xảy ra liên tiếp, các đối tượng gây án biến mất một cách kì lạ sau khi lấy tất cả tài sản trong két sắt. Những vụ mất trộm này đã gây hoang mang cho người dân tỉnh Tuyên Quang, nhiều người có của đều mất ăn mất ngủ vì lo bị trộm vào nhà.

Nhận thấy sự nghiêm trọng của vụ việc, tổ chuyên án đã làm việc ngày đêm, phân loại sàng lọc hàng trăm đối tượng nghi vấn. Bằng sự nỗ lực đó, hai đối tượng gây án là Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1987) và Nguyễn Hảo Hiệp (sinh năm 1988) đã bị bắt giữ.

Thượng tá Trần Mạnh Cường cho biết: "Cho đến khi bị bắt, bọn chúng đã gây ra 10 vụ chỉ trong một thời gian ngắn trên các địa bàn từ Phú Thọ, Tuyên Quang cho đến Hà Giang, số tiền bị mất trộm lên đến 2 tỷ đồng. Cũng trong chuyên án này, qua quá trình điều tra, tôi cũng phát hiện ra một băng nhóm chuyên trộm cắp tại các công sở trên địa bàn Tuyên Quang nhưng cư trú tại Hà Nội. Phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm rõ được 5 vụ trộm trên địa bàn Tuyên Quang. Sau này Công an tỉnh Thanh Hóa cũng làm rõ được 45 vụ chúng đã làm trên 18 tỉnh".

Trong 5 năm vừa qua, anh đã 2 lần được Thủ tướng tặng Bằng khen, 5 lần được nhận Bằng khen của Bộ Công an và 6 Bằng khen của Chủ tịch tỉnh về thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, Thượng tá Trần Mạnh Cường còn là Chiến sĩ Thi đua toàn ngành và vinh dự là đại biểu đi dự Đại hội thi đua toàn quốc năm 2010 tổ chức tại Hà Nội. 

Nhờ những thành tích nói trên, Thượng tá Trần Mạnh Cường đã được lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang tin tưởng và bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự. Đây là cương vị mới nhưng cũng là trách nhiệm vô cùng nặng nề của anh. Tuy nhiên, với một người lính hình sự đã được rèn luyện qua biết bao gian nan thử thách, trải qua những lằn ranh sinh tử thì chắc chắn anh sẽ vượt qua được những khó khăn trên cương vị mới.

Lê Phong
.
.
.