Những người ở ngôi nhà mật

Thứ Sáu, 03/02/2012, 11:03

Nhà mật là một ngôi nhà 2 tầng, ở tầng hai có hai phòng riêng biệt. Tôi và Nguyễn Văn Giai (biên chế về B49) mỗi người một phòng. Người đưa chúng tôi về để bàn giao nhà cửa là anh Trần Long (cán bộ của Cục). Trước khi chia tay, anh căn dặn: "Vì nguyên tắc nghiệp vụ, từ nay (anh chỉ vào tôi) đồng chí sẽ sử dụng tên mới là Lê Dung. Còn đồng chí này (anh chỉ tay vào Nguyễn Văn Giai) là Trần Thoại”.

Học xong trường Kĩ thuật Trung ương, tôi nhận quyết định về công tác tại Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (tên ngụy trang của Cục Tình báo trong chiến tranh chống Mỹ, nay là Tổng cục II Bộ Quốc phòng).

Tiếng là đơn vị ở Hà Nội, đóng trong thành Hoàng Diệu, nhưng vì nguyên tắc quy định, không được xuất hiện trong thành mà được đưa về một ngôi "nhà mật" nơi phố cổ ở Hàng Bè, với "vai diễn" là cán bộ thương vụ, chuẩn bị đi công tác nước ngoài.

Nơi “nước ngoài" tới đó là một cụm tình báo chiến lược, có mật danh là B48. Địa bàn hoạt động là Sài Gòn, căn cứ bám trụ tại huyện Bến Cát và Châu Thành, tỉnh Bình Dương.

Những tháng ngày ở khu phố cổ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế: Hạn chế quan hệ tiếp xúc, không được cho ai biết nơi ở (kể cả người thân trong gia đình), phải chuẩn bị câu chuyện ngụy trang đề phòng gặp người quen ở gần khu nhà mật. Hằng ngày tập trung vào học tập, nghiên cứu tài liệu. Có thầy từ trong thành tới giảng. Những ngày nghiên cứu tài liệu thì buổi sáng và đầu giờ chiều có cán bộ đem tài liệu tới. Buổi trưa và cuối giờ chiều tới thu về.

Nhà mật là một ngôi nhà 2 tầng, ở tầng hai có hai phòng riêng biệt. Tôi và Nguyễn Văn Giai (biên chế về B49) mỗi người một phòng. Người đưa chúng tôi về để bàn giao nhà cửa là anh Trần Long (cán bộ của Cục). Trước khi chia tay, anh căn dặn: "Vì nguyên tắc nghiệp vụ, từ nay (anh chỉ vào tôi) đồng chí sẽ sử dụng tên mới là Lê Dung. Còn đồng chí này (anh chỉ tay vào Nguyễn Văn Giai) là Trần Thoại”.

Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập năm 1975.

Ấy là chưa kể, ngày chúng tôi rời nhà mật về trạm 66 (ở góc phía Tây-Bắc thành Hoàng Diệu) để chuẩn bị lên đường, chúng tôi được nhận thêm 2 cái tên mới nữa, đều do anh Trần Long thông báo: "Từ nay, đồng chí Lê Dung sẽ mang tên Khổng Thái Dương và đồng chí Trần Thoại là Nguyễn Văn Dần. Đây là tên công khai những ngày ở căn cứ. Còn một cái tên nữa để sử dụng khi vào hoạt động hợp pháp trong thành trì ở trong này (anh đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc phong bì dày cộp đã được dán kín). Của ai người đó biết phải học thuộc, nhớ kĩ những chi tiết cần thiết trong đó. Từ họ tên, quê quán, cha mẹ, đơn vị khi còn tại ngũ trong "quân lực Việt Nam cộng hòa" (quân đội Sài Gòn) cho tới lí do được giải ngũ, nghề nghiệp và nơi cư trú hiện nay".

Ở tầng trệt là gia đình ông bà Tám. Ông là một viên chức làm việc ở một cơ quan nào đó. Bà, nội trợ, thêm nghề phụ là đan len. Cô con gái lớn công tác ngành Ngân hàng. Hai cậu con trai là học sinh phổ thông. Hai ông bà Tám là đặc trưng cốt cách của người Hà Nội xưa - e dè, thanh lịch. Vốn là một anh nhà quê ra tỉnh, dẫu chưa đầy nửa năm ở phố, song tôi hiểu biết nhiều về Hà Nội, về phong cách sống nơi đô thành hoa lệ cũng là nhờ ơn bà Tám.

Ngoài các thành viên trong gia đình bà, tôi có tiếp xúc thêm mấy bà, mấy cô, hình như họ tới học các mốt đan len của bà, trong đó có cả một cô nữ sinh ở nhà đối diện. Thế thôi, thuở ban đầu, người Hà Nội tôi quen biết chỉ có vậy.

Về tới trạm 66, khi đã ổn định chỗ ở, tôi mới dám mở chiếc phong bì bí mật kia và cười thầm “"Không hiểu tướng hình, dáng bộ của mình ra sao, mà 3 cái tên tổ chức đặt cho thì có tới hai cái tên "đặc sệt phái yếu". Tên dùng ở khu phố cổ là Lê Dung. Còn cái tên "bảo bối" trong chiếc phong bì bí mật này là Đỗ Văn Nga!". Tất cả mọi chi tiết cuộc đời, từ tuổi tác tới tên cha mẹ, quê quán đều lạ hoắc. Tôi là dân xứ Đoài chính hiệu, lại nhảy tót sang xứ Đông, ở miệt Gia Lộc, Hải Dương, chỉ có một chi tiết đúng, tôi là lính pháo binh (lựu pháo 105) thuộc Tiểu đoàn 10-F335 Quân khu Tây Bắc thì nhảy sang lính pháo binh thuộc Sư đoàn 7 thuộc chính quyền Bảo Đại. Năm 1954, từ Hải Dương tập kết vào Trà Vinh. Do yếu tim được giải ngũ, về cư ngụ tại Lai Khê - Bến Cát - Bình Dương, với nghề nghiệp là giáo sư bậc Trung học (chế độ Sài Gòn thời đó, ngạch giáo sư có hai bậc: bậc Trung học và bậc Đại học).

Chúng tôi dừng ở trạm 66 khoảng một tuần để học chính trị, nghe thông báo tình hình chiến sự, nhận tài liệu và trang bị cho chuyến đi. Vì đặc điểm tính chất của đoàn nên chúng tôi được ưu tiên đi ô tô tới hết đất Quảng Bình mới bắt đầu hành quân bộ và chỉ sau hơn 3 tháng đã tới địa bàn công tác.

Căn cứ bám trụ của B48 lúc đó ở rừng Vĩnh Lợi (giáp ranh giữa huyện Châu Thành và Bến Cát, tỉnh Bình Dương)... Lực lượng trong căn cứ khoảng gần hai chục người, nhưng duy nhất chỉ có tôi quê miền Bắc, nên được anh em rất quý mến, dành tình cảm cho tôi như đối với một người thân vừa đi xa trở về. Người gây ấn tượng sâu sắc trong tôi ngay từ buổi đầu gặp gỡ - đó là Đài trưởng VTĐ (vô tuyến điện) Trần Thanh Hồng (Tư Hồng) - một cán bộ miền Nam tập kết. Cục II tuyển chọn, huấn luyện đưa vào chiến trường trước tôi gần hai năm.

Sau này tôi được Cụm trưởng Ba Dũng cho biết Tư Hồng thuộc diện đưa vào hoạt động điệp báo nội thành, nhưng do địch bắt lính gay gắt nên phải đưa về căn cứ. Hôm đó anh hỏi thăm tôi rất nhiều về tình hình miền Bắc, tình hình Hà Nội, gia cảnh, nơi tập kết trước khi lên đường… Khi nghe tôi nói thời gian ở Hà Nội chủ yếu sống ở phố Hàng Bè, Tư Hồng nhìn tôi vẻ ngỡ ngàng: "Ở tầng 2, bên trên nhà bà Tám phải không?".

Tôi giật mình, sực nhớ cái hôm chia tay gia đình bà Tám để chuẩn bị "xuất ngoại", bà nhắn gửi tôi: "Anh Dung ra nước ngoài, nếu có gặp anh Tư, cho tôi gửi lời thăm. Anh Tư người miền Nam, đẹp trai, dong dỏng cao, dáng thư sinh, đi từ năm kia, không biết khi nào mới về". Tôi hứa sẽ chuyển lời thăm của bà nhưng trong lòng lại nghĩ không dễ gì gặp được. Mà cái anh Tư nào đó, chắc cũng là tên bí danh như tôi sử dụng thời gian sống trên đất Hà thành, ai ngờ… Tôi nắm chặt tay Tư Hồng, thốt reo lên: "Trời ơi! Vậy là tôi với anh Tư là đồng hương, đồng hương nơi phố cổ!". Cái thuở ban đầu để sau này tôi và anh trở thành đôi bạn tâm giao là vậy. Dẫu rằng về tuổi đời, tôi thua anh tới một phần hai con giáp.

Thời điểm đó, Mỹ mới đưa quân vào, nên tình hình chiến trường chưa tới mức căng thẳng, ác liệt. Các bộ phận chuyên môn vẫn làm việc trong lán. Tất nhiên phải có hầm tránh phi pháo bên cạnh. Riêng bộ phận điện đài, bắt buộc phải làm việc dưới hầm nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Để giữ vững liên lạc từ miền Đông Nam Bộ ra Hà Nội phải sử dụng vô tuyến điện công suất 15W. Muốn có đủ công suất điện như thế, phải sử dụng máy phát quay tay - máy quay RAGONO. Mỗi phiên liên lạc phải sử dụng ít nhất 2 kíp quay máy, mỗi kíp hai người, không kể lực lượng gác phía trên, đề phòng máy bay trinh thám của địch bay qua phát hiện. Vì vậy lực lượng làm việc dưới hầm đều cởi trần, mồ hôi tuôn ra như tắm, chân tay rã rời.

Cung đoạn cuối cùng của một bản tin tình báo

Thuở học trò, tôi mê chuyện tình báo, phản gián. Lớn lên, dun dủi thế nào lại gắn bó cả đời với hai nghề đó. Dẫu đã qua đào tạo, nghiên cứu song có những chi tiết nghề nghiệp phải qua thực tế mới nhận ra, đó là thời gian tính của một bản tin tình báo. Một điệp viên "gạo cội" chui sâu, leo cao trong tổ chức của địch, thu thập được những tin tức, tài liệu cực kì quan trọng, chuyển gấp về căn cứ, cán bộ cơ yếu mã hóa thành những bức điện chi chít những nhóm số hoặc nhóm chữ cái, thế là ngon lành. Song, đâu phải chỉ có vậy. Bởi, còn một cung đoạn cuối cùng, đó là việc thông qua hệ thống điện đài chuyển các bức điện kia về trung tâm. Cung đoạn ấy nhiều khi liên quan đến giá trị của một bản tin tình báo quan trọng.

Gần Tết Bính Ngọ, tại căn cứ vĩnh Lợi, có một báo cáo quan trọng phải chuyển gấp về trung tâm. Đêm hôm đó, tôi đề nghị phải tăng cường lực lượng quay RAGONO (máy phát điện). Ở dưới hầm kĩ thuật chỉ có duy nhất tôi và Đài trưởng Trần Thanh Hồng biết tính chất của bản báo cáo. Tôi biết về nội dung, Đài trưởng Tư Hồng biết qua đặc điểm, bởi trên các bức điện đều ghi "Tối khẩn" (những bức điện phải bằng mọi giá chuyển được về trung tâm).

Số là dịp đó, đơn vị nhận chỉ thị đón một phái viên từ Hà Nội vào. Thời gian, ám tín hiệu và địa điểm đón đã được thông báo. Phái viên đáp phi cơ theo tuyến Hà Nội - Phnôm Pênh - Sài Gòn. Cơ sở bí mật phát hiện địa điểm đón phái viên có dấu hiệu không an toàn, phải chuyển địa điểm khác. Nội dung bức điện thông thường chỉ 15 phút là xong. Vậy mà hôm đó phải kéo dài tới gần 2 tiếng đồng hồ mới xong. Không biết bao nhiêu lần nhịp ma xíp phải ngừng lại vì máy bay địch trinh thám quần đảo trên bầu trời căn cứ. Tới khi nhóm điện cuối cùng được phát đi, máy ngừng quay, anh em thở phào nhẹ nhõm, còn Đài trưởng Tư Hồng mồ hôi đầm đìa như vừa lội từ dưới sông lên. Bởi quá căng thẳng, mệt mỏi, anh gục đầu vào chiếc bộ đàm, phải một lúc sau mới bừng tỉnh.

Tiếng gọi trong rừng chồi

Tôi về tới địa bàn hoạt động, kiểm lại tư trang còn nguyên vẹn: Tăng, võng, 3 bộ quần áo (hai bộ Gabadin Quân giải phóng và một bộ bà ba đen). Tư Hồng báo cáo và được lãnh đạo cụm nhất trí cho tôi đi may mấy bộ quần áo để trong dịp Tết có thể ra tiếp xúc bà con ngoài ấy.

Chiều cuối năm, khi sắp tới giờ "báo yên" (thời gian địch không có khả năng đi càn), tôi thắng bộ đồ quân giải phóng, súng ngắn dắt bụng, thả bộ về ấp An Lợi, cách căn cứ của đơn vị chừng năm, sáu cây số về phía Tây Bắc. Thời đó, vũng An Lợi , An Hòa, Chánh Lưu nằm trên trục lộ 13 còn tương đối yên tĩnh. Thuộc diện "ngày địch, đêm ta" - Ngày, địch quản lý khống chế. Đêm các đơn vị của ta vẫn ra đó nhờ bà con mua lương thực, thực phẩm.

Ở An Lợi có một tiệm may, tôi đã theo Tư Hồng ra đó một lần. Chủ tiệm là cô Ba Thước, một cô gái khéo tay, hiền dịu trở thành tiệm may thân quen của anh em toàn đơn vị. Chừng hơn 5 giờ tôi đã có mặt ở tiệm, khi đã đo xong chiếc quần, đang đo dở chiếc áo thì nghe thấy tiếng máy bay trực thăng rầm rầm đâu đó, rồi tiếng người gọi nhau hốt hoảng - "Trực thăng! Trực thăng đổ quân ngoài ven đồng". Mặt cô thợ may biến sắc khi nhìn bộ quân phục trên người tôi: "Kẹt quá! Tình hình này phải tính sao anh ba?". Tôi trấn tĩnh lòng mình, hỏi cô chủ tiệm -   "Nhà có xe đạp không? Cho tôi mượn một chiếc áo cánh, chiếc nón lá và chiếc xe… cứ bình tĩnh, tôi chấp bọn này đó, sợ gì!..."

Tôi khoác chiếc áo phèn ngụy trang bộ quân phục, chụp chiếc nón lá, nhảy vội lên xe, hòa vào dòng người ngược về phía Chánh Lưu trong lúc chiếc trực thăng kèm sát trên đầu. khi vượt ra khỏi địa phận ấp An Lợi, chừng gần 1 cây số, chiếc trực thăng đổ xuống ngay trên đường. Tình huống quá bất ngờ, không thể quay xe trở lại, làm vậy khác gì "lạy ông tôi ở bụi này". Có tiếng xầm xì phía trước - "Mấy thằng "ẹo" (Mỹ) kiểm tra căn cước".

Tôi vội lần vào áo ngực, rút tấm thẻ căn cước bỏ vào túi áo cánh, dắt xe lách lên phía trước. Những người có thẻ phía trước lần lượt đi qua. Tới lượt tôi, tên Mỹ tay lăm lăm khẩu AR15, hất hàm hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ - "Can cược". Tôi rút tấm thẻ căn cước giơ lên. Tên Mỹ liếc nhìn rồi phất tay nói "Ô kê", ra hiệu cho đi. Tôi lên xe, thủng thỉnh đạp về hướng Chánh Lưu. Chừng 10 phút sau, chiếc trực thăng cất cánh, tiếp tục bay dọc theo lộ 13, đến gần Chánh Lưu thì cua trở lại, nâng độ cao và bay thẳng về phía An Hòa.

Tôi liền quay xe trở lại, khi còn cách An Lợi chừng nửa cây số, lúc đó trời đã tối mịt, phát hiện phía bên trái có một khu rừng chồi liền tạt vào đó. Khi đã cách xa quốc lộ chừng hai ba trăm mét mới dám dừng chân nghỉ. Giấu chiếc xe vào trong bụi cỏ. Tĩnh tâm lại để định phương hướng cắt rừng tìm về căn cứ. Phải tìm về càng sớm càng tốt, vì chắc rằng giờ này cả đơn vị đều lo lắng cho tôi. Rừng chồi bạt ngàn, cây cối chằng chịt đành phải tẽ cây mà đi.

Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau mới mò ra được một khoảng đất trống. Dừng chân để hít thở không khí và định lại hướng đi. Dường như có tiếng gọi tên mình từ đâu vọng lại - "Dương ơ…ơ….ơi… Ba Dương ơ…ơ…ơi…". Tôi vỗ vỗ lên trán, rồi nhéo mạnh vào tay mình để tự định thần, có người gọi mình thật chứ không phải là trong mơ. Tôi leo lên một gò mối ở đó, hú lên ba tiếng thật dài. Chừng 5 phút sau tiếng gọi lại cất lên thật gần. Tôi mừng quýnh khi nhận ra đó là tiếng của Tư Hồng.

Tôi vội leo lên gò mối, gọi thật to - "Anh Tư ơi!... Dương đây… Ba Dương đâ…ây". Có ánh đèn rọi về phía tôi. Tôi chạy như bay về phía đó. Tư Hồng ôm chầm lấy tôi, tất cả anhh em đều vui mừng reo lên, cứ làm như tôi vừa từ cõi chết trở về. Hỏi chuyện mới biết thì ra buổi chiều, khi phát hiện bầy trực thăng quần đảo phía An lợi, Tư Hồng đã dẫn theo một tổ trinh sát có vũ khí gồm Ba Kim, Tư Phác, Tám Huýt chạy về phía đó.

Đợi trời tối, các anh đột nhập vào An Lợi nắm tình hình, được biết địch đổ quân và cụm lại ngoài đồng, có lẽ chuẩn bị cho trận càn ngày hôm sau. Lúc đó các anh mới dám tới tiệm may để hỏi kĩ tình hình. Gia đình rất lo cho tôi và chạy đi hỏi những người từ phía Chánh Lưu đi về, được biết chiếc trực thăng đỗ giữa đường để soát giấy nhưng không có ai bị bắt. Phán đoán có thể tôi chạy lạc trong rừng nên đã đón lõng ở giữa khu rừng từ An Lợi trở về Vĩnh Lợi.

Tư Hồng nhất trí với đề nghị của tôi, anh em cùng nhau đi lấy xe để trả lại và cảm ơn gia đình cô thợ may. Phải tới hơn 12 giờ đêm hôm đó chúng tôi mới về tới căn cứ. Cái buổi chiều hôm ấy đã trở thành kỉ niệm sâu sắc khắc ghi mãi trong tôi về tình đồng đội, đồng chí, tình nghĩa quân dân của một thời máu lửa.

Hội ngộ và chia ly

Sau Tết Mậu Thân, chiến trường Đông bắc Sài Gòn bị địch đánh phá ác liệt. Liên lạc giữa căn cứ với các mạng lưới điệp báo nội thành gặp nhiều khó khăn, cấp trên quyết định nhập B48 về B49. Căn cứ bám trụ tại khu vực Bến Chùa thuộc địa phận phía Tây huyện Bến Cát. Tôi mừng thầm về đó sẽ được gặp lại người bạn thân thiết của tôi là Nguyễn Văn Giai (tự Hai Dần). Tôi giữ kín điều này với Tư Hồng cho tới khi hội ngộ tại B49 tôi mới bật mí về cái chuyện không ngờ, ba công dân ở ngôi nhà mật nơi phố cổ ngày nào gặp lại nhau trong bối cảnh như thế. "Tiệc hội ngộ" đạm bạc chỉ có nước chè pha vào bình tông, uống bằng bát sắt, đường miếng bẻ ra thành bánh kẹo.

Gia đình đại tá Trần Thanh Hồng.

Hơn một tháng sau đó, Hai Dần đi công tác về địa bàn xã An Tịnh thuộc Trảng Bàng-Tây Ninh và đã anh dũng hi sinh tại đó. Kết thúc chiến tranh, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đài trưởng Trần Thanh Hồng nhận quyết định về "R" đảm nhận cương vị Phó Trưởng ban A99 (Ban Thông tin vô tuyến thuộc Đoàn Tình báo J22) sau đó ít lâu, đảm nhận cương vị Trưởng ban.

Chia tay Trần Thanh Hồng chưa được bao lâu, tôi nhận quyết định về công tác tại cụm H67, căn cứ đóng tại "mật khu C" thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng - Tây Ninh. Cuối năm 1969, địch tàn phá, hủy diệt vùng Đông và Tây bắc Sài Gòn, đơn vị chuyển địa bàn bám trụ về Bến Tre. Phải tới cuối năm 1974, trở về Lộc Ninh tôi mới gặp lại Tư Hồng. Ở cái tuổi xấp xỉ 40, tôi nghe tin Trần Thanh Hồng đang yêu. Anh yêu một cô ở A10 (văn phòng đoàn J22) kém anh tới mười mấy tuổi, lại có cái tên trùng với tên đệm của anh. Chẳng biết số trời sắp đặt hay khéo kén chọn mà được Thanh Hồng - Hồng Thanh thật đẹp đôi.

Rồi lại chia tay anh, phải nhiều năm khi nước nhà thống nhất tôi mới gặp lại anh tại Sài Gòn. Đôi trai tài gái sắc ấy đã thành vợ thành chồng và đã có một cháu nhỏ. Mấy năm sau đó mới được gặp anh tại Hà Nội. Anh ra họp và về Nam gấp, chỉ có mấy tiếng đồng hồ để gặp gỡ nên chẳng có dịp cùng nhau trở lại nơi phố xưa, cái điều mà một thời máu lửa chúng tôi vẫn hằng mong ước.

Gần bốn mươi năm kết thúc chiến tranh, đất nước đang trên đà đổi mới và phát triển. Song, vẫn còn bao nỗi day dứt đời thường. Đôi khi nỗi nhớ chiến trường xưa, đồng đội cũ mà trong đó có người anh, người bạn vong niên, người đồng chí thân yêu của tôi - Đại tá Trần Thanh Hồng đã trở thành liều thuốc an thần giúp tôi vượt qua tất cả.

Hà Nội, cuối đông 2011

Nhật kí chiến trường của thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.
.