Những người "săn" sát thủ

Thứ Sáu, 20/07/2012, 15:04
Giờ đây, phà An Thái không còn, bắc qua sông Kinh Thầy bây giờ là cây cầu được xây rất đẹp và hiện đại. Nhưng mỗi lần có dịp đi qua đây, Đại tá Nguyễn Văn Phục và Thượng tá Nguyễn Văn Quyền lại bồi hồi xúc động. Trận đấu súng dường như mới diễn ra hôm qua...

Gần 14 năm đã trôi qua, cuộc đọ súng định mệnh trên chuyến phà An Thái bắc qua sông Kinh Thầy giữa hai chiến sĩ Cảnh sát với hai tên tội phạm cộm cán Linh "cu" và Minh "rồng" (Linh "cu" là đàn em thân tín của trùm giang hồ đất Cảng Cu Nên), đã trở thành một phần ký ức không bao giờ phai mờ đối với những người trực tiếp tham gia chuyên án. Ký ức ấy giờ hiển hiện trên những vết sẹo, những cơn đau lúc trái gió trở trời của các anh khi bị chúng điên cuồng bắn trả.

Giờ đây, phà An Thái không còn, bắc qua sông Kinh Thầy bây giờ là cây cầu được xây rất đẹp và hiện đại. Nhưng mỗi lần có dịp đi qua đây, Đại  tá Nguyễn Văn Phục và Thượng tá Nguyễn Văn Quyền lại bồi hồi xúc động. Trận đấu súng dường như mới diễn ra hôm qua...

Cuộc trốn chạy của hai tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm

Phải nói một chút về Linh "cu". Hắn tên thật là Đinh Văn Lĩnh, sinh năm 1978, trú tại đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Bố hắn và trùm tội phạm đất cảng Cu Nên vốn từng là chiến hữu, cũng thuộc hàng có số có má nhưng lại không dạy được thằng con bất trị. 14 tuổi, Linh "cu" đã nghiện ma túy nặng và hắn càng ngày càng thể hiện bản chất ngang tàng, lạnh lùng của một sát thủ. Không bảo được con, bố hắn nhờ...

Cu Nên chỉ bảo giùm, với hy vọng, Linh "cu" sẽ sợ oai của "chú Nên" mà nghe lời ông trùm này rời xa ma túy. Nhưng bố hắn đã lầm, dưới trướng Cu Nên, Linh "cu" không những không cai được nghiện mà còn đích thực trở thành một con quỷ dữ, một kẻ chỉ thích làm bạn với súng và dao. Hắn ra tay liều lĩnh và khát máu.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hắn đã cùng đồng bọn gây ra hàng chục vụ giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích... Khi băng nhóm của Cu Nên hầu tòa (trận đánh vào sào huyệt của trùm tội phạm này, Cục Hình sự đã phải huy động hàng trăm quân, kết hợp với Công an Hải Phòng bao vây xung quanh ngôi nhà hắn ở tại đường Lạch Tray, gần Cung Văn hóa Việt Tiệp, tóm sống Cu Nên và bắt giữ toàn bộ đám đàn em của hắn). Linh "cu" thoát án tử hình trong gang tấc vì hắn chưa đủ 18 tuổi, riêng Cu Nên bị tử hình, các tên còn lại phải lãnh án cao nhất là chung thân.

Linh "cu" và Minh "rồng".

Linh "cu" bị giam ở Trại giam Nam Hà, thời gian ở đây, hắn tiếp tục gây ra một vụ giết bạn tù và bị xử chung thân, cũng vì hắn chưa đủ 18 tuổi. Linh "cu" bị chuyển vào Trại giam số 5 (Thanh Hóa). Ở vùng đất mới, tên tội phạm này tiếp tục làm mưa làm gió và đã cùng với tên Trần Quang Minh (còn gọi là Minh "rồng"), sinh năm 1974, trú tại Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội, trốn trại trong một đêm mưa gió.

Trong suốt thời gian trốn chạy cho đến khi bị bắt lại, hai tên này đã gây ra gần chục vụ cướp đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có một đêm, chúng đã bắt 4 chiếc xe ôtô đi trên địa bàn Cẩm Phả, Quảng Ninh dừng lại, bắt các nạn nhân nằm sấp xuống đường và cướp đi số tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Những năm 1998, số tiền ấy có thể mua được mấy ngôi nhà. Dùng số tiền này, Linh "cu" và Minh "rồng" ăn chơi trác táng, mỗi tên cặp với một ả gái điếm và hai ả này đã theo chúng lang thang khắp nơi chơi bời. Bù lại, chúng cũng sắm cho các ả dây chuyền, nhẫn vàng và còn cho các ả rất nhiều tiền.

"Nhận nhiệm vụ truy bắt Linh "cu" và Minh "rồng", tôi và anh Nguyễn Văn Quyền khi ấy là trinh sát Cục Cảnh sát trại giam đã đọc hồ sơ của hai kẻ này để tìm hiểu thông tin liên quan tới chúng. Vì chúng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là Linh "cu", sát thủ số một của Cu Nên, bởi vậy, chúng tôi cũng như các đồng đội ở Trại giam số 5 đều hạ quyết tâm phải truy bắt chúng trong thời gian sớm nhất. Hai tên này còn ở ngoài xã hội ngày nào thì người dân lương thiện còn nơm nớp lo sợ.

Đại  tá Nguyễn Văn Phục.

Thực tế là chỉ ngay sau khi trốn trại về Hà Nội, chúng đã gây ra rất nhiều vụ cướp, ngay khi ấy chúng tôi đã nhận định có sự tham gia của Linh "cu" và Minh "rồng" trong các vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội và Quảng Ninh. Ngoài ra, các nạn nhân cũng cho biết, hai tên cướp có đặc điểm nhân dạng rất giống với Linh "cu" và Minh "rồng". Lúc nào chúng cũng mang theo súng, thế nên, anh em chúng tôi hết sức cảnh giác khi đối mặt với chúng" - Đại tá Nguyễn Văn Phục (nay là Cục phó Cục Tham mưu Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) - kể lại.

"Săn" sát thủ

Gần một tháng trôi qua kể từ lúc Linh "cu" trốn trại, nhưng thông tin về hai tên tội phạm hầu như chỉ là con số không, ngoài những vụ cướp chúng gây ra khiến dư luận nhân dân vô cùng hoang mang. Các chiến sĩ Cảnh sát nhận nhiệm vụ truy bắt chúng cũng như ngồi trên đống lửa. Sau rất nhiều nỗ lực, hai anh Phục và Quyền nắm được thông tin rất quan trọng về hướng di chuyển của Linh "cu" và Minh "rồng".

Ngày 17/10/1998, có tin chúng xuất hiện ở Hải Dương (sau này đã xác định chúng ở nhà trọ của một ả gái điếm tên Mỹ ở An Lưu, Kinh Môn. Chúng ở trong nhà Mỹ cả ngày, nhưng đến đêm lại mò ra lô cốt ven đồi ngủ. Mỹ cặp kè với Linh "cu" trong suốt hành trình trốn chạy). Anh Phục và anh Quyền ngay lập tức đi xe máy về Hải Dương. Hơn một ngày ròng rã xác minh các địa điểm nghi là chúng đến nhưng không có một thông tin nào chuẩn xác.

"Khi ấy, anh em chúng tôi mệt mỏi và vô cùng thất vọng, đang định quay về thì 16 giờ ngày 18/10/1998, anh Phục nhận được thông tin có hai đối tượng trông rất giống Linh "cu" và Minh "rồng" đang ở trên chuyến phà An Thái, chúng chở nhau trên một chiếc xe máy và đi cùng một cô gái rất xinh đẹp. Tôi còn nhớ cô này mặc áo phông, in hình số 17. Chúng tôi vội vàng lên xe phóng hết ga để kịp chuyến phà chuẩn bị rời bến" - Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trưởng phòng Công tác quản giáo - Tổng cục VIII kể lại.

Cuộc rượt đuổi bọn tội phạm diễn ra chỉ trong tích tắc thì chiếc xe Yamaha 250 chở anh Quyền và Phục đã có mặt ở phà An Thái. Lúc này, phà đã cách bờ khoảng một mét, cổng phà đã đóng. Anh Phục liền nhảy xuống xe lao lên phà, anh Quyền cũng không hề nao núng, ngay lập tức về số tăng ga cho cả chiếc xe lao bổng trên mặt nước.

"Vừa dựng chân chống phụ, tôi quan sát rất nhanh và nhìn thấy tên Minh "rồng" đang đứng dựa lưng vào mạn trái phà. Tôi liền áp sát hắn khống chế" - anh Quyền bồi hồi nhớ lại. Có lẽ, trong cuộc đời hai người lính này, đó là cuộc đấu súng đáng nhớ nhất và cũng là phép thử của lòng dũng cảm, sự quyết tâm tấn công tội phạm đến cùng và cũng là trận đánh thể hiện trí thông minh đối phó rất nhanh với các tình huống bất ngờ.

Từ bên kia phà, tên Linh "cu" trông thấy liền rút súng hô: "Thằng nào bắt thằng Minh tao bắn chết". Liền sau đó, hắn chĩa súng bắn vào ngực anh Quyền. Máu chảy ướt đầm ngực áo nhưng anh Quyền vẫn lao về phía Linh "cu" lúc đó đã chạy lên phía đầu phà và hô to: "Cướp... cướp, đề nghị bà con nằm xuống". Lúc đó trên phà có khoảng hơn 100 hành khách đã đồng loạt nằm ngay sau tiếng hô của anh Quyền. Tên Linh "cu" cũng hô "cướp... cướp".

Minh "rồng" sau phút hoảng loạn đã rút ngay khẩu súng AK giấu trong túi du lịch của ả gái điếm ra xả một loạt đạn. Nguyễn Văn Quyền liền rút súng K59 nấp vào phía sau chiếc ôtô khách. "Tôi xác định cần phải tiêu diệt tên Linh "cu" ngay tại chỗ bởi hắn điên cuồng chống trả như một con thú" - anh Phục nói. Tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này cũng đã nhận ra không chỉ có một mình anh Quyền trên chuyến phà nên hắn rút súng ra bắn điên cuồng về phía anh Phục.

Từ đầu phà, Minh "rồng" cũng liên tiếp xả đạn, hai viên đạn đã găm vào người anh Phục. Anh Quyền bị Minh "rồng" bắn một phát vào khuỷu tay phải và một viên găm từ sau lưng xuyên sang bụng. Máu chảy lênh láng, rất nhiều người dân nhìn thấy muốn giúp đỡ anh vì máu càng lúc càng ra nhiều nhưng họ lại sợ những viên đạn lạc nên không dám. Dù bị thương rất nặng nhưng anh Phục vẫn giữ chặt khẩu súng và lừa cơ hội khi Linh "cu" chạy lên phía đầu phà cùng Minh "rồng", anh liền bắn ba phát vào bụng và chân khiến Linh "cu" ngã lộn xuống sông. Khẩu AK của Minh "rồng" vẫn xối xả nhả đạn.

Khi đó, súng của anh Quyền hết đạn, nhưng cứ mỗi lần hắn định nhô ra bắn thì anh Quyền lại làm động tác chĩa khẩu súng về phía hắn khiến Minh "rồng" không dám thò đầu ra nữa. Đó là những giây phút thể hiện sự mưu trí tuyệt vời, bản lĩnh của người Cảnh sát trước tình huống nguy hiểm, đối mặt với tội phạm.

Tất cả những người có mặt trên chuyến phà bão táp hôm ấy đã nín thở theo dõi cuộc đấu súng. Sau này, họ đã gửi rất nhiều thư đến Cục Cảnh sát trại giam để hỏi thăm sức khỏe hai anh Cảnh sát cũng như bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với anh Quyền và anh Phục. Lại nói về hai tên sát thủ, Linh "cu" bị bắn ngã xuống sông nhưng hắn vẫn bơi sang bờ bên kia và bị Công an huyện Kinh Môn bắt gọn.

Còn tên Minh "rồng", vừa lên đến bờ, hắn khống chế một người đi xe máy, bắt anh này chở đi chạy trốn nhưng cuối cùng đã không thoát được trước mạng lưới bủa vây chốt chặn của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương khắp các đường làng, ngõ phố.

Cả hai tên tội phạm này đều bị tuyên án tử hình và bị thi hành án không lâu sau đó.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyền.
Trận đấu súng giờ là một mảnh ký ức. Những tấm giấy khen có lẽ đã được cất vào đâu đó. Nhưng vết thương mỗi lúc trở trời lại nhức nhối vẫn nhắc các anh nhớ về trận đấu súng nghẹt thở trên chuyến phà An Thái hôm nào. Thượng tá Nguyễn Văn Quyền nói rằng, số phận đã bắt anh phải sống, có lẽ là để đi nốt hành trình đấu tranh với cái ác mà anh cũng như đồng đội mình đã lựa chọn từ khi còn trai trẻ.

Vết thương của anh cũng là một câu chuyện khó hiểu, có thể chưa từng được ghi trong y văn. Viên đạn của tên tội phạm sượt qua thái dương cắm vào vai làm gãy xương đòn và xuyên thẳng xuống ngực làm gãy ba xương sườn, thủng phổi, thủng cơ hoành, thủng hai lỗ ở dạ dày, làm tổn thương tụy rồi nó tiếp tục lách qua ruột, đại tràng, sau cùng đầu đạn mới chịu nằm yên dưới hố chậu trái.

Nửa năm trời anh Quyền nằm trong bệnh viện và trải qua 5 cuộc phẫu thuật, trong đó có 3 lần đại phẫu. Chia sẻ thêm chi tiết này với bạn đọc để hiểu rằng, để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, đôi khi người chiến sĩ Công an phải đánh đổi bằng máu và tính mạng mình. Điều đáng nói là các anh luôn bước vào các trận đánh nguy hiểm với một tâm thế sẵn sàng, không toan tính...

Đinh Hiền
.
.
.