Những người thầy tận tâm với nghề chăm Cảnh khuyển

Thứ Ba, 06/11/2018, 10:27
Từ ngày thành lập đến nay “Cảnh khuyển - Chó nghiệp vụ” đã dần trở thành một lực lượng quan trọng, tham gia tích cực vào công tác giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Để có được thành công đó, có những cán bộ chiến sỹ đã dành gần như cả đời binh nghiệp để chăm sóc, huấn luyện hết lứa này đến lứa khác. Họ là những bác sỹ thú y, cán bộ huấn luyện đầy kinh nghiệm của Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.


Kỳ công như nuôi chó nghiệp v

Ở Trung tâm HL&SDĐVNV có một đôi vợ chồng mà mọi người hay nói vui là… “vợ chồng Cảnh khuyển”. Đó là gia đình của Đại tá Lê Xuân Phong, nguyên Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện cán bộ sử dụng chó nghiệp vụ và Thượng tá Bùi Thị Minh Nguyệt, nguyên Trưởng phòng Kiểm tra hướng dẫn sử dụng chó nghiệp vụ.

Nhắc lại kỷ niệm những ngày đầu cách đây hơn 40 năm, Đại tá Phong hóm hỉnh bảo: “Ngày ấy nghèo lắm, người còn chả có cơm mà ăn nói gì đến… chó. Song nhiệm vụ phải chăm sóc chó khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn nên chuyện CBCS phải nhường cơm sẻ áo với chó là chuyện bình thường”.

Rồi giống như một nhà… khuyển học, Đại tá Phong kể ngày ấy giống chó béc giê được nhập từ Đức và một số nước Đông Âu, lúc đầu chưa quen thủy thổ ở Việt Nam, rất khó nuôi, và hay lăn ra ốm. Khi đó thuốc thang còn khó, cán bộ phải đi tìm những cây cỏ như cây nhọ nồi, cây hoa cứt lợn, vỏ xà cừ… để sắc rồi bón cho chúng. Sau một thời gian dài làm quen, đám chó bắt đầu mạnh khỏe, sinh sôi.

“Hiện Trung tâm thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện hàng trăm cá thể chó nghiệp vụ (bao gồm cả chó gây giống, chó trưởng thành…). Cũng vì thế mà nhiệm vụ của các cán bộ, bác sỹ thú y ở đây luôn phải cố gắng hết sức mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Đại tá Phong chia sẻ.

Tình huống giả định tấn công đối tượng.

Khi chó đã được từ 9-12 tháng, cán bộ bắt đầu tuyển lựa xem từng con có những năng khiếu nào để tiếp tục bồi dưỡng. Có những chú thần kinh vững vàng, nhạy với mùi sẽ được đào tạo để giám biệt mùi hơi, chất đặc định (như ma túy, chất nổ). Có chú thì tính khí “hung hăng”, thích sục sạo, có sức khỏe sẽ được phân sang “khoa” tấn công tội phạm hoặc bảo vệ, chống khủng bố.

Thượng tá Đỗ Văn Long, Trưởng phòng Kiểm tra, hướng dẫn sử dụng động vật nghiệp vụ kể rằng anh từng huấn luyện những chú chó từ khi còn bé tý cho đến lúc trưởng thành, có cảnh khuyển từng đoạt giải nhất trong cuộc thi chó nghiệp vụ. Trong số ấy chú chó béc giê được đặt tên là Giôn là một trong những chú chó khiến anh không thể nào quên.

Anh Long còn nhớ như in cái ngày 25-7-2000, anh  được đơn vị giao quản lý dạy dỗ Giôn. Nó cứ như đứa trẻ con rất háo hức, mừng quýnh chạy quanh chân anh. Anh bắt đầu chăm sóc Giôn như đứa con bé bỏng, hướng dẫn từng động tác nhỏ nhất, giáo dục tính kỷ luật. Sau nhiều tháng trời ròng rã, “thầy giáo” Long đã đào tạo Giôn thành một lính chiến thực thụ, hình thành phản xạ của một chú chó nghiệp vụ giỏi. Giôn đã góp công không nhỏ vào nhiều vụ án cần giám định mùi hơi người cũng như công tác cứu hộ cứu nạn.

Thượng tá Long nhớ lại, tháng 9-2001, tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tại một bản heo hút, người dân phát hiện thi thể của một nam giới với nhiều vết đâm. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức lực lượng truy tìm hung thủ. Tuy nhiên, do hiện trường vụ án xảy ra ở nơi vắng vẻ nên không có nhân chứng. Cơ quan Công an chỉ thu giữ tại hiện trường một chiếc mũ len, được cho là của đối tượng trong lúc giằng co với nạn nhân đã đánh rơi.

Đồng thời với việc tổ chức rà soát, Công an Yên Bái đề nghị Tổng cục Cảnh sát đưa chó nghiệp vụ vào tham gia phá án. Nhận nhiệm vụ, Trung tá Long đưa Giôn lên đường. Sau khi được ngửi chiếc mũ len của đối tượng, Giôn sẽ phải phân biệt với những đồ vật như quần áo, giày, tất của khoảng 10 đối tượng tình nghi. Để tránh sai sót, cơ quan Công an đã thực hiện việc giám định này suốt một tuần, và lần nào Giôn cũng chỉ sủa khi ngửi những đồ vật của một đối tượng duy nhất.

Tập trung đấu tranh cuối cùng đối tượng này đã phải cúi đầu nhận tội và khai, buổi sáng hôm đó đối tượng lẻn vào nhà dân để trộm cắp máy phát điện, khi bị phát hiện đã dùng dao chống trả khiến chủ nhà tử vong.

Ngoài chiến công nói trên, anh Long và Giôn còn tham gia khá nhiều vụ việc tìm kiếm người mất tích, cứu hộ cứu nạn trong vụ sập bãi thải ở mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), vụ lở núi ở Phú Thọ… Cuối năm 2003, một đoàn cán bộ Công an tỉnh Cà Mau ra Hà Nội tham quan và học tập kinh nghiệm sử dụng chó nghiệp vụ. Đơn vị bạn cứ tha thiết được xin con Giôn về để làm “mẫu” cho cảnh khuyển trong tỉnh và phục vụ công tác huấn luyện, chiến đấu. Dù rất yêu quý Giôn, nhưng anh Long đành phải gật đầu đồng ý.

Khi được đưa lên xe đặc chủng để vào Nam, Giôn thừa lúc lái xe không để ý liền bật tung cửa quay lại Trung tâm khiến anh Long phải vỗ về mãi Giôn mới chịu lên xe...

Ôm chó đi xin… bú nhờ

Trung tá Tạ Minh Đàn, Phó trưởng phòng Chăn nuôi cũng được đồng đội gọi vui là “Cha đỡ đầu” của hàng ngàn cảnh khuyển. Chúng tôi được nghe anh kể về chuyện đỡ đẻ, chăm sóc, nuôi nấng đàn chó với vẻ say mê kỳ lạ, đôi mắt anh sáng lên một niềm vui thơ trẻ.

Tốt nghiệp bác sỹ thú y, anh Đàn nhận nhiệm vụ tại Trung tâm từ hơn 20 năm trước. Lúc đó, anh được cấp trên giao nhiệm vụ “gây giống” cho đàn béc giê rồi nuôi nấng chăm sóc để cung cấp cho phòng huấn luyện, đào tạo thành những chiến sỹ tinh thông về nghiệp vụ. Dù đã được thực tập nhiều lần với chó ta, song lần đầu đỡ đẻ giống chó “Tây”, anh Đàn không khỏi lo lắng.

Chuyện chăm sóc chó đẻ nó cũng kỳ công lắm. Giống như chăm sóc phụ nữ có thai, bởi nếu thăm khám không cẩn thận chó dễ bị sảy bởi những tác động vật lý. Đến ngày “khai hoa nở nhụy”, tổ chăn nuôi phải thay nhau túc trực 24/24 giờ để đỡ đẻ.

Trung tá Đàn có hơn 20 năm gắn bó với công tác huấn luyện những chú Cảnh khuyển.

Việc chăm sóc chó cái sau khi đẻ cũng phải rất cẩn thận. Sau khi chó mẹ đẻ, phải cho uống sữa hoặc nước đường pha thêm Vitamin B1, để chó nghỉ khoảng vài tiếng mới cho chó ăn cháo thịt hoặc cháo trứng và duy trì trong 24 giờ sau khi đẻ. Những ngày tiếp theo cho chó đẻ ăn 3-5 bữa/ngày.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, đàn chó con thi thoảng vẫn bị chết 1-2 con do mẹ không đủ vú cho con bú. Rút kinh nghiệm, Trung tá Đàn và đồng đội lại phải “lượn” ở nhiều nhà dân xung quanh xem nhà nào có chó đẻ để xin cho bú nhờ. Tuy nhiên việc này cũng không phải là đơn giản, bởi nhiều con chó ta khi thấy “mùi” của nòi béc giê liền tưởng là kẻ thù, đã cắn chết tươi mấy con chó mới sinh.

Nhắc đến tình huống này, mắt Trung tá Đàn đỏ hoe. Ngồi lặng đi một lát anh mới kể tiếp: “Sau này có kinh nghiệm, để khắc phục tình trạng chó sơ sinh bị cắn, tôi và đồng đội nghiên cứu và phát hiện phải dùng biện pháp “đồng mùi”. Nghĩa là lấy nước hoa phun kỹ chuồng trại, và vào người chó con chó mẹ để chúng không phát hiện ra khác loài nữa thì mới thành công, chó con không bị cắn nữa”.

Công việc chăm sóc chó sơ sinh cũng tỉ mẩn không thua gì chăm trẻ. Anh phải dùng bóng điện quây ổ để cho chó con sưởi, hay dùng chăn chiếu để che bớt tránh gió lùa.

Trung tá Đàn còn nhớ mãi con chó tên Leck. Khi vừa mới lọt lòng, Leck cùng sáu anh chị em nó đã phải chịu cảnh mồ côi vì chó mẹ bị chết. Ốm yếu nhất đàn nên Leck được anh Đàn thương nhất. Anh dành tất cả những gì tốt nhất cho nó. Thậm chí còn quây cho nó một ổ ở gần bàn làm việc để có thể thường trực theo dõi sức khỏe cho nó.

Chăm mãi rồi Leck cũng lớn, nó quấn chủ lắm, anh đi đâu nó cũng lon ton chạy theo. Sau đó Leck được “biên chế” vào đội giám biệt mùi hơi, và tỏ ra xuất sắc trong các bài tập. Nhưng khi được giao cho một chiến sỹ trẻ chuyên trách việc huấn luyện Leck nhất quyết không theo. Trung tá Đàn nhiều tuần phải vỗ về động viên mãi nó mới nghe. Nhưng thi thoảng anh đi công tác về phòng làm việc thì vẫn thấy Leck nằm đúng cái ổ mà trước kia anh đã lót cho nó…

Minh Minh
.
.
.