Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương:

Những vụ lặn cống, đào đất, cứu người bị nạn

Thứ Tư, 21/10/2015, 10:29
Nói đến Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), người ta thường hiểu họ là những người ôm vòi rồng xịt nước dập lửa tại các đám cháy. Tuy nhiên có một bộ phận thường xuyên phải lao vào trung tâm của những đám cháy, nhảy xuống giếng sâu, có khi họ phải khoét hàng trăm mét khối đất đá xuống lòng đất để cứu người hoặc phải lặn xuống đáy những dòng sông, hồ nước thải độc hại để mò tìm tang vật giúp cơ quan điều tra khám phá nhanh những vụ án.

Lặn cống nước thải mò xác

Chiều 6/9/2014, trong lúc mải tắm mưa với đám bạn, cháu bé La Văn Tỷ, sinh năm 2005, tạm trú tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã bị dòng nước cuốn trôi xuống ống cống nước thải. Phát hiện sự việc, một số người dân gần đó chạy đến giải cứu nhưng không kịp nên đã chủ động gọi điện trình báo chính quyền địa phương.

Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã cử lực lượng cứu nạn – cứu hộ lập tức có mặt để triển khai phương án tìm kiếm cháu bé. Tại hiện trường, do mưa lớn, nước từ các nơi đổ về khiến toàn bộ khu vực ngập sâu trong nước. Nhất là các đường cống, nước chảy xiết tạo ra các dòng xoáy có thể cuốn phăng bất cứ thứ gì bên trong.

Trước tình hình đó, lực lượng cứu nạn - cứu hộ nhanh chóng xác định đường đi của cống thoát nước, nhưng do nước ngập ở nhiều nơi, hơn nữa khu vực này vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn tất nên nhà thầu chưa bàn giao lại sơ đồ, vì vậy anh em quyết định lặn tìm ở những miệng cống trước và chờ đến khi nước rút bớt thì lặn vào trong.

Lặn xuống cống nước thải mò tìm cháu La Văn Tỷ.

Thiếu úy Nguyễn Minh Tuấn, người trực tiếp lặn ngụp trong lòng cống tìm kiếm cháu Tỷ kể lại: Nhận lệnh từ cấp chỉ huy, lực lượng cứu nạn – cứu hộ lập tức xuống ngay hiện trường. Lúc ấy trời đang mưa lớn, trong cống đấy ắp nước nên anh em thợ lặn không thể vào sâu bên trong được. Đêm hôm ấy, khi dòng nước đã rút bớt, toàn đội quyết định mặc quần áo bảo hộ, đeo bình dưỡng khí lặn sâu vào bên trong mò tìm nhưng chỉ được vài chục mét thì bị hàng rào bùn ngập đến tận cổ bốc mùi hôi thối và nồng nặc, bơi thêm vài mét trên mặt bùn lầy thì đụng mùi hóa chất khiến anh em bật ngược trở ra.

Đường cống tối như ban đêm, nhiều mảnh thủy tinh vỡ, bơm kim tiêm cứ liên tục đâm vào cơ thể, nhưng trước tình thế cấp thiết của vụ việc, các chiến sỹ cứu nạn – cứu hộ đã bàn nhau từng người lần lượt lặn vào trong cống để mò tìm nhưng chỉ trong thời gian từ 10-15 phút phải trở ra để người khác vào thay phiên.

Trải qua 3 ngày đêm liên tục quần thảo với đám bùn lầy cùng rất nhiều loại hóa chất độc hại được thải ra từ một số cơ sở sản xuất, đến ngày 9-9-2014, lực lượng cứu nạn – cứu hộ đã tìm được thi thể cháu La Văn Tỷ giao về cho gia đình mai táng.

Đào đất cứu người rơi xuống giếng sâu

“Trong cuộc đời làm công tác PCCC, đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện thành công mỹ mãn một vụ cứu nạn, cứu sống được cháu bé rơi xuống giếng sâu trong thời gian gần 10 giờ đồng hồ. Trong suốt quá trình đào bới hàng trăm mét khốt đất đá xuống độ sâu hơn 10 mét đến nơi nạn nhân mắc kẹt thực sự rất căng thẳng bởi chỉ cần làm sai một ly thôi, đất đá rơi xuống là nạn nhân tử vong ngay. Hơn nữa còn phải làm công tác tư tưởng để nạn nhân cố gắng không ngủ cho đến khi được cứu”. Đó là câu nói mà Trung tá Nguyễn Ngọc Phước, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn – cứu hộ Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương trả lời chúng tôi tại hiện trường sau khi cứu sống được nạn nhân.

Sự việc xảy ra vào lúc 16h ngày 4/8/2015, cháu bé Nguyễn Trần Tú Anh, sinh năm 2008, đang chơi cùng nhóm bạn tại một bãi đất trống, cạnh công trình thi công giếng công nghiệp ở xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thì bất ngờ bị lọt xuống miệng giếng và mắc kẹt ở độ sâu khoảng 15 mét. 

Thấy bạn bị nạn, nhóm bạn cùng chơi với cháu Tú Anh lập tức chạy về thông báo với chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên (mẹ cháu bé), nhưng vì cháu bé đã bị tụt sâu xuống giếng và với tâm lý hoảng loạn nên chị Nguyên chỉ còn biết khụyu gối bên miệng giếng gào khóc trong vô vọng. Phát hiện sự việc, một số bà con xung quanh trình báo với cơ quan Công an địa phương.

Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã cử hàng trăm cán bộ chiến sỹ bao gồm lực lượng cứu nạn – cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy, huy động thêm các đơn vị nghiệp vụ khác của thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên cùng nhóm thợ đào giếng của anh Trần Lê Phương lập tức có mặt tại nơi xảy ra tai nạn để giải cứu cháu bé. Trải qua gần 10 giờ sử dụng cuốc, xẻng đào bới hàng trăm mét khối đất đá, đến 1h37 sáng 5/8, lực lượng cứu nạn – cứu hộ đã thành công trong việc giải cứu và lập tức đưa cháu Tú Anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu.

Cháu Tú Anh đã được giải thoát thành công trong sự vui mừng của các cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên (mẹ cháu Tú Anh) chia sẻ: Khi mới lên 2 tuổi thì cha cháu đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Cuộc sống gia đình vốn đã thiếu thốn, nay lại càng khó khăn hơn. Để có tiền lo cái ăn, cái mặc cho cháu và chị gái, hằng ngày chị Nguyên phải gửi cháu cho mấy gia đình hàng xóm đạp xe đi vào các thôn ấp bán ngô luộc từ sáng sớm đến tận chiều tối mới về nhà. 

Tối hôm ấy, chị đang dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị cho nồi ngô luộc để sáng hôm sau đi bán sớm thì nghe đám trẻ cùng chơi với con gái lúc chiều chạy về thông báo tin Tú Anh bị rơi xuống giếng sâu. Chạy đến nơi thì không thấy con đâu, chỉ nghe tiếng khóc thét vang lên từ dưới giếng. Trước tình huống ấy, chị Nguyên chỉ kêu cứu được vài tiếng rồi từ từ lịm dần. 

Đến lúc tỉnh dậy đã thấy có đông Công an thị xã cùng Cảnh sát PCCC và mấy người thợ đào giếng đang tất bật đào đất cứu con gái. Tuy nhiên, mấy tiếng đồng hồ chờ đợi có lẽ là quãng thời gian nặng nề khủng khiếp nhất trong đời mà chị phải chịu đựng. 

“Nghĩ có nhiều người cứu giúp, con mình sẽ mau chóng được cứu thoát, ai ngờ nó tụt sâu xuống dưới giếng mà khu đất này lại toàn là đá sỏi rất cứng nên đào mãi vẫn chưa tới nơi. Liên tục đòi ra miệng giếng ngóng con nhưng do sợ tôi mất bình tĩnh sẽ gây cản trở làm chậm thời gian cứu nên bà con nhân dân đã kéo tôi ra xa nơi đào đất. Ngồi bó gối chờ đợi tin con mà lòng tôi cứ nóng như lửa đốt. 

Từng giây phút cứ nặng nề trôi qua, tiếng gào khóc gọi mẹ cũng thưa thớt dần rồi bỗng dưng im bặt, đầu tôi như muốn nổ tung với suy nghĩ không biết khi đào tới nơi, con bé có còn sống hay không và rơi vào cơn mê sảng không còn nhận biết những gì xung quanh. 

Đến gần sáng, một chiến sỹ Cảnh sát PCCC bế con tôi vừa chạy như bay ra xe cứu thương vừa hô to: “Sống rồi… sống rồi…” thì tôi mới giật mình tỉnh dậy và vỡ òa trong niềm hạnh phúc không thể nào tả nổi. Cũng may được các anh Cảnh sát, mấy anh thợ đào giếng và bà con xóm giềng kịp thời đến đào bới cứu sống con gái, chứ nếu không bây giờ chẳng biết ra sao nữa. Ơn cứu mạng con tôi không biết bao giờ mới trả nổi… Cảm ơn các anh rất nhiều!”, nói rồi chị lập tức ôm đứa con gái vào lòng vỗ về như sợ có ai sắp cướp mất.

Đào đất giải cứu cháu bé Nguyễn Trần Tú Anh.

Thiếu úy Văn Tiến Hiếu, người làm nhiệm vụ ngồi nói chuyện để tác động tâm lý giúp cháu Tú Anh ổn định tinh thần trong suốt quá trình giải cứu kể lại: “Nói thật, khi ngồi trên miệng giếng, mỗi lần nghe bé Tú Anh la khóc thì không những tôi mà tất cả anh em đang làm nhiệm vụ đều không cầm lòng được. Ở tình huống đó, trong đầu tôi chợt lóe lên suy nghĩ nếu dưới giếng không phải là Tú Anh mà là em gái mình thì sao. Tú Anh chỉ ít hơn em gái mình một tuổi thôi mà… 

Và cũng chính từ những suy nghĩ chớp nhoáng ấy, trong suốt gần 10 tiếng đồng hồ, tôi dùng tình cảm để nói chuyện, động viên Tú Anh như đang nói với chính em gái mình vậy. Từng phút… rồi từng phút trôi qua trong sự nặng nề, tiếng cháu Tú Anh cứ thưa và nhỏ dần rồi có lúc im bặt mà tim tôi cứ như thắt lại vì nếu không thành công thì không những là sự mất mát to lớn đối với gia đình cháu mà cũng là nỗi đau khó quên đối với bản thân những người làm công việc cứu nạn – cứu hộ như chúng tôi. 

Mặc dù có đôi chút hoảng hốt nhưng tôi không tin vào khả năng Tú Anh đã gục ngã và bỏ cuộc nên cứ tiếp tục nói chuyện kêu gọi em cho đến khi có tín hiệu trở lại thì tâm trạng tôi lại vỡ òa niềm vui khôn tả và khi ấy tôi thường buông thêm những câu nói đùa: “Em mà ngủ là anh nghỉ chơi với em luôn đó. Ráng lên nhé, các anh sắp cứu được em rồi. Mai mốt anh sẽ mua nhiều quà và đồ chơi cho em. Em thích loại nào thì cứ nói cho anh biết để anh chuẩn bị…”.

Đến gần 2h sáng 5/8, trải qua gần 10 giờ liên tục đào bới khi đã đạt đến độ sâu 15 mét, lực lượng cứu nạn – cứu hộ quyết định đục tường, bới đất đưa được cháu Tú Anh thoát khỏi nơi mắc kẹt. Kiểm tra nhanh, thấy nhịp thở của cháu tuy dồn dập nhưng còn khỏe, các anh lập tức đưa cháu lên mặt đất để các y, bác sỹ trực sẵn tiến hành biện pháp kiểm tra sức khỏe.

Cho đến nay, mặc dù đã đạt rất nhiều thành tích xuất sắc nhưng tập thể cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, đặc biệt là lực lượng cứu nạn – cứu hộ vẫn không ngừng luyện tập nâng cao các biện pháp nghiệp vụ để đơn vị thực sự là địa chỉ tin cậy đối với bà con nhân dân trong tỉnh.

Đại tá Nguyễn Văn Dựt, Phó Gám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, người trực tiếp chỉ huy toàn bộ quá trình cứu nạn kể lại: Không phải ai cũng có đủ lòng dũng cảm để đến với nghề này bởi khi lặn xuống đáy những dòng sông, kênh và hồ nước thải hoặc dưới một giếng sâu nào đó thì người thợ lặn hoàn toàn mất tầm nhìn. Tất cả mọi công việc mà họ thực hiện hoàn toàn phải cảm nhận bằng đôi tay như những người mù nên việc bị những vật trôi trong nước, sắt phế liệu, kim tiêm xuyên qua lớp áo bơi đâm vào cơ thể là chuyện bình thường. Đặc biệt những dòng nước xoáy ở đáy sông hoặc hóa chất độc hại tại các bể chứa có thể cướp đi tính mạng của người thợ lặn bất cứ lúc nào. Có những người mặc dù đã được đào tạo hết sức bài bản nhưng khi mò được một cái xác người trôi sông đang trong thời kỳ phân hủy đã bị hoảng sợ và sau đó mất luôn khả năng lặn. 
Đại tá Nguyễn Văn Dựt – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương.

Tại vụ việc giải cứu cháu bé Nguyễn Trần Tú Anh bị rơi xuống giếng sâu đòi hỏi người chiến sỹ cứu nạn – cứu hộ ngoài việc kiên trì còn phải thông minh để đề ra phương án tối ưu nhất, an toàn nhất để tránh việc nạn nhân bị tử vong do sơ suất. Tại hiện trường, giếng chỉ rộng chưa đầy 40 phân, sâu 70-80 mét, lại có một ống nhựa được cắm ở giữa. Dùng đèn pin rọi xuống, thấy cháu bé đang mắc kẹt ở độ sâu khoảng 15 mét nên Đội thợ lặn lập tức tháo van bình dưỡng khí, sử dụng ống dây gắn vào để đưa ôxy xuống giếng. Những bình dưỡng khí này được gắn trực tiếp với 4 máy sạc bình ôxy liên tục nạp khí trong suốt quá trình cứu nạn. 

Cùng với những biện pháp ban đầu ấy, một cán bộ có khả năng hiểu tâm lý trẻ em đến miệng giếng ngồi nói chuyện nhằm tạo tâm lý ổn định để cháu bé có lòng tin rồi từ đó hướng dẫn cháu bé cầm ống ôxy kê gần mũi và ngửa bàn tay để hứng nước, sữa cũng được đưa bằng đường ống khác xuống rồi nhẹ nhàng dùng lưỡi liếm cho đỡ đói, khát để cháu có đủ sức chịu đựng đến lúc được cứu. Ngoài ra, lực lượng PCCC còn tạo một sợi dây tự thắt thả xuống và bảo cháu đưa tay vào cho nút dây thắt lại nhằm giữ cho cháu không bị tụt sâu xuống đáy giếng.

Công việc đào đất cũng được tính toán rất kỹ lưỡng. Do bề mặt đất khu vực này là đất pha cát nên không thể đào trực tiếp từ miệng hố xuống được bởi làm như vậy, đất đá sẽ rơi xuống mà ở độ cao như vậy chỉ cần một hòn đá nhỏ rơi trúng đầu cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé. Một nguy cơ khác cũng có thể xảy ra là nếu thành giếng bị tác động gây sạt lở, đất cát đổ xuống sẽ làm cho cháu bé ngộp thở dẫn đến tử vong. 

Trong thời khắc sinh tử ấy, có rất nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra nhưng Đại tá Dựt quyết định tự mình chịu mọi trách nhiệm bằng việc đưa ra phương án đào một giếng bên cạnh. Đầu tiên sẽ dùng 4 xe chuyên dụng dùng gàu múc hàng trăm mét khối đất kế cận với giếng cho đến độ sâu khoảng 6m khi gặp đất sét thì dùng cuốc, xẻng và sức người đào một giếng bên cạnh cho đến khi nào ngang tầm cháu bé mắc kẹt thì dùng tay moi một lỗ ngang qua rồi đưa bé lên mặt đất.

“Đến gần 21h, trong lúc tất cả mọi lực lượng đang tích cực đào đất thì giọng nói ngái ngủ từ dưới giếng vọng lên: “Chú ơi, cháu buồn ngủ quá. Cho cháu ngủ chút nha”. Khi ấy tim tôi như muốn nhảy ra ngoài bởi nếu cháu ngủ, tay chân không còn bám vào thành giếng được nữa thì khả năng tụt sâu xuống đáy và tử vong là cái chắc. Giống như bản năng của người làm cha, tôi lao đến miệng giếng cùng với cán bộ tâm lý dùng mọi cách để tác động cho đến khi nghe được tiếng nói: “Cháu hứa sẽ không ngủ để chờ các chú xuống cứu”, tôi mới thở phào nhẹ nhõm quay lại tiếp tục cùng anh em đào đất. Tuy nhiên một lúc sau, một nỗi lo khác lại ập đến bởi khi đang đào đất thì trời bỗng lất phất mưa. Mặc dù đã chuẩn bị bạt che nhưng chỗ đất này khá trũng nên nếu mưa lớn nước sẽ tràn xuống cùng với nước ngầm dâng lên thì không những cháu bé mà tính mạng của cán bộ, chiến sỹ đang đào dưới hố sâu cũng khó mà bảo toàn được. Cũng may không có mưa lớn nên mọi chuyện cuối cùng đã được toại nguyện như ý muốn”.

Đức Cương
.
.
.