Niềm tin và sự dũng cảm sẽ đánh bại những tên tội phạm cứng đầu

Thứ Sáu, 13/06/2014, 18:00

Trong các vụ án lớn, khi đối mặt với những tên tội phạm côn đồ, nguy hiểm, không phải lúc nào các chiến sỹ Công an cũng dùng vũ khí để uy hiếp và hạ gục đối tượng. Có không ít vụ án, với bản lĩnh, sự thông minh và khéo léo của mình, các chiến sỹ Công an đã thuyết phục, vận động được đối tượng ra đầu thú. Việc thuyết phục để đối tượng phạm tội buông vũ khí xin hàng quả là một kỹ năng rất tuyệt vời của những người làm điều tra. Để làm được điều đó, ngoài sự thông minh, bản lĩnh, người chiến sỹ Công an phải là người có Tâm sáng. Lòng người có thể thay súng đạn là thế. 

Một đồng chí điều tra viên từng nhiều năm là lính trinh sát của Đội Truy nã, giờ là lãnh đạo Công an huyện của một tỉnh miền núi Đông Bắc đã chia sẻ rằng, kỹ năng thương thuyết, vận động các đối tượng phạm tội chẳng có tài liệu, sách vở nào dạy, tất cả đều do tự mỗi cán bộ điều tra học hỏi, rút kinh nghiệm trong thực tế công việc hằng ngày. Anh nói rằng: “Con người vốn có tính thiện, không phải tội phạm nào cũng là người xấu, hiểu được điều đó nên việc đầu tiên của người chiến sỹ Công an là phải tìm cách để đối thoại, chuyện trò với đối tượng, khơi dậy những tính tốt trong con người họ. Và có không ít các vụ thương thuyết thành công là nhờ những cuộc chuyện trò, phân tích đầy thuyết phục và khéo léo đó”. Lấy ví dụ từ cuộc vận động thành công một đối tượng đặc biệt nguy hiểm trốn truy nã 17 năm ra đầu thú, đồng chí điều tra viên cho biết, vụ này là điển hình của các kỹ năng thương thuyết mà các cán bộ, chiến sỹ của mình đã áp dụng và thực hiện.

Đối tượng Nguyễn Văn Dân, sinh năm 1963, trú tại thôn Văn Tư, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm từ năm 1995 về tội giết người. Ngày 7/9/1995, do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Văn Dân đã có hành vi giết anh Nguyễn Văn Chung, SN 1972, cùng thôn. Ngay sau khi gây án, Dân bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị Công an huyện Hiệp Hòa ra lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm toàn quốc. 17 năm trời lần theo thông tin của đối tượng để tìm dấu vết, các cán bộ tầm nã nhiều lúc cảm thấy như tuyệt vọng. Vì Dân là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm nên mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm hắn vẫn lởn vởn ở ngoài vòng pháp luật thì cũng là ngần ấy thời gian các cán bộ điều tra thấy bất an, lo lắng. Từng mối quan hệ của Dân được các anh dựng lên tỉ mỉ. Lần theo từng mối quan hệ đó, tổ công tác đã lặn lội đến khắp các tỉnh, thành – nơi mà các anh nghi ngờ và nhận định Dân đang lẩn trốn để tìm hắn. Có thời gian Dân từng đi làm thuê ở một số nông trường, mối quan hệ thời gian này của anh ta khá phức tạp nên đã không ít lần tổ công tác đã phải lặn lội lên Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng… để tìm thông tin về Dân. 17 năm đủ nói lên thời gian đằng đẵng thế nào, trong ngần ấy năm là biết bao đêm đông giá rét các anh phải băng rừng, lội suối để kịp vào xác minh đối tượng nghi vấn; là biết bao ngày nắng như thiêu như đốt phải phóng xe máy từ tỉnh nọ sang tỉnh kia rồi vào những xã, bản sâu xa nhất để rà soát, thu thập thông tin về kẻ trốn nã. Bên cạnh với việc rà soát, truy tìm đối tượng, lực lượng điều tra cũng triệt để thực hiện việc thuyết phục, vận động gia đình đối tượng kêu gọi đối tượng ra đầu thú. Đồng chí điều tra viên bảo rằng, việc thuyết phục gia đình đối tượng đồng ý kêu gọi con mình ra đầu thú là việc làm chẳng hề đơn giản. Bởi tâm lý chung của người thân, họ hàng đối tượng là bao che, che giấu đối tượng, họ không muốn con cái, người thân của mình bị bắt lại thì sẽ khổ. Chính bởi vậy, các điều tra viên đã rất kiên nhẫn đến nhà đối tượng để chuyện trò, chia sẻ và phân tích cho họ hiểu về việc kêu gọi người thân ra đầu thú. Thoạt đầu, gia đình Dân quyết liệt từ chối không tiếp các điều tra viên, người bác của Dân thẳng thừng tuyên bố: “Gia đình tôi coi nó như đã chết rồi, giờ nó sống chết ở đâu tôi không quan tâm, các anh đi nơi khác mà tìm nó…”. Qua nghiên cứu hoàn cảnh gia đình Dân, nhận thấy người bác này có tiếng nói trọng lượng đối với hắn và các thành viên khác trong gia đình, do vậy các điều tra viên đã thường xuyên đến gặp gỡ, chuyện trò với ông, đồng thời cũng là để nắm mọi di biến động xung quanh gia đình anh ta.

Đồng chí điều tra viên đã chia sẻ rằng, điều đầu tiên khiến người được thuyết phục, vận động có ấn tượng chính là thái độ, cách chuyện trò của “người thương thuyết”. Tuy không phải là tất cả, nhưng ít nhiều thông tin được truyền đạt thông qua thái độ vui vẻ, cởi mở, cách nói chuyện gần gũi nhưng chân thành thì người được vận động sẽ thấy thoải mái và cởi mở hơn. Ngoài ra, cử chỉ, giọng điệu khi nói cũng thể hiện sự tôn trọng của người thương thuyết đối với người đối diện, điều này góp phần rất quan trọng vào sự thành công của cuộc vận động. Khi gặp bác của Dân, mặc dù lúc đầu bị ông ta từ chối quyết liệt, nhưng đồng chí điều tra viên vẫn kiên nhẫn đến gặp ông ta. Rồi trước những câu chuyện vui vẻ, những chia sẻ chân thành và nụ cười ấm áp, dễ gần của người điều tra viên này, ông bác của Dân đã “xiêu lòng”. Khi nói chuyện với người bác này, đồng chí điều tra viên luôn chủ động đặt câu hỏi để tạo sự thân mật giữa hai bên. Anh hỏi về sức khỏe, công việc làm ăn và chuyện con cái trong gia đình. Người điều tra làm như vậy có nghĩa là anh đang tự tạo cho mình lợi thế cả về thông tin, tâm lý lẫn tính chủ động trong câu chuyện. Bởi thường thì ngay khi mới bắt đầu câu chuyện, người làm công tác thương thuyết vẫn hỏi những câu hỏi trực tiếp để tạo sự thân mật giữa hai bên. Với những điều tra viên có kinh nghiệm và có kỹ năng, các anh thường đưa ra những câu hỏi khéo léo để người nói chuyện sẽ nhận ra người thương thuyết luôn biết lắng nghe và quan tâm những gì họ nói. Người bác của Dân đã bị chinh phục bởi những cuộc chuyện trò cởi mở, chân thành và rất tâm lý của người điều tra viên. Khi thấy người bác này có thái độ hợp tác, lúc đó đồng chí điều tra viên mới bắt đầu phân tích cặn kẽ mọi chuyện, giải thích về chế độ khoan hồng của pháp luật đối với đối tượng phạm tội. Người bác của Dân nghe, ngẫm nghĩ rất lâu rồi quyết định rằng, nếu Dân gọi điện về, ông ta sẽ khuyên cháu về đầu thú. Ngoài ra, người bác này còn cung cấp thông tin địa điểm nơi Dân đang lẩn trốn để các trinh sát nắm được.

Khi nắm được địa chỉ của Dân, các trinh sát vội vã lên đường, tuy nhiên, đối tượng này đã kịp rời khỏi nơi đó từ trước đó nửa tháng trời. Người bác của Dân cho biết, Dân gần như không thông tin về gia đình xem anh ta ở đâu, sống thế nào. Mỗi lần anh ta gọi về, chỉ kịp nói vài câu chuyện, hỏi han mọi người là Dân tắt máy. Sau lần đó thì số điện thoại được thay đổi. Khi nhận được sự hợp tác từ phía gia đình Dân, sau đó ít lâu thì tổ công tác có được số điện thoại mới nhất mà Dân đang dùng. Điều tra viên đã lập tức liên lạc với Dân. Rất may số điện thoại này của Dân chưa bị anh ta bỏ đi nên sau vài hồi chuông, đầu dây bên kia có người trả lời. Có lẽ người bác của Dân đã nói chuyện, khuyên nhủ anh ta từ trước nên khi thấy đồng chí điều tra viên tự giới thiệu, Dân không tỏ ra bất ngờ, sợ hãi mà giữ máy để nghe đồng chí điều tra viên nói chuyện.

Người điều tra viên đó đã chia sẻ rằng, kiên nhẫn là điều kiện vô cùng cần thiết và quan trọng đối với người thương thuyết, bởi nếu nóng vội thường dẫn đến những kết quả không như mong muốn. Trong trường hợp của đối tượng trốn nã Nguyễn Văn Dân, sau cuộc gọi đầu tiên, hôm sau anh lại tiếp tục gọi cho Dân để nói chuyện. Với giọng nói vui vẻ, cởi mở, anh tạo cho đối tượng nhận thấy không khí chuyện trò thân mật, khiến hắn không có cảm giác sợ hãi, gượng gạo. Anh phân tích cho Dân hiểu rằng, anh ta cần sớm ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, vì lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, nếu cứ tiếp tục trốn chạy thì anh ta sẽ không lợi… Gọi đi gọi lại đến lần thứ 3, thứ 4 thì Dân đồng ý sẽ ra đầu thú, tuy nhiên anh ta đưa ra một số điều kiện kèm theo. Đồng chí điều tra viên không vội vàng đi đến thỏa thuận với anh ta, anh tiếp tục nói cho Dân biết hoàn cảnh hiện tại của gia đình anh ta đang khó khăn thế nào, con cái đang cần sự chăm sóc của anh ra sao… Rồi anh phân tích cho Dân hiểu rằng, lợi thế duy nhất cho anh ta lúc này chính là việc ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, đó là việc anh ta nên làm, nếu không Dân sẽ mất cơ hội. Sau cuộc điện thoại ngày hôm đó, hôm sau kẻ trốn nã Nguyễn Văn Dân đã đón xe từ Sơn La về đầu thú, kết thúc cuộc trốn chạy kéo dài gần 20 năm

Hồ Nga
.
.
.