Nụ cười đã nở trên môi cậu bé được hai chiến sĩ CSGT giúp đỡ

Thứ Ba, 18/02/2014, 11:00

Cách đây hơn 1 năm, sáng sớm ngày 15/9, khi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ Hà Nội, hai chiến sỹ thuộc đội CSGT số 5 đã phát hiện một cậu bé  khoảng 8 tuổi nằm ngất gần chốt, trên người cháu mang nhiều vết thương. Thấy tình trạng của cháu bé không ổn, hai chiến sỹ CSGT đã tiến hành sơ cứu, mua đồ ăn và đưa cháu bé về công an phường Ngọc Lâm (Long Biên). Và từ đó cho tới nay, cuộc sống của cậu bé đã có nhiều thay đổi, tương lai mờ mịt ngày nào đã có một lối ra…

Từ một nghĩa cử đẹp

Theo như lời kể của Trung úy Đặng Hoàng Tân và Thiếu úy Đỗ Hữu Đức thì ngày hôm đó, vào khoảng hơn 6 giờ sáng, khi hai người chuẩn bị cho một ngày làm việc tại chốt Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ thì thấy một cậu bé ăn mặc bẩn thỉu đi bộ từ phía cầu Chương Dương về chốt. Khi đi đến gần bốt giao thông, cậu bé bỗng lả người, ngất ngay phía trước tiệm bán đèn. Thấy vậy, 2 anh Tân và Đức liền vội vàng chạy tới, bế cháu bé vào bốt để sơ cứu rồi mua đồ ăn, nước uống cho cậu bé. Sau khi tỉnh lại được một chút, anh Tân có hỏi: "Nhà cháu ở đâu để chú đưa cháu về". Thế nhưng khi nói đến chuyện đưa về nhà, cậu bé này lắc đầu nguây nguẩy và bỏ chạy.

Thấy vậy, anh Tân vội bảo Đức: "Để thằng bé đi như thế không được rồi em ạ, em gọi taxi đi anh chạy theo nó…". Sau khi chạy theo giữ được đứa bé lại, hai chiến sỹ CSGT đã đưa cháu bé về  Công an phường Ngọc Lâm. Tại đây, sau khi bình tĩnh trở lại, cháu bé mới nói tên thật là Nguyễn Nhật Nam (16 tuổi, xóm Nà Nạng, Phúc Ngọc, Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Qua xác minh, Công an phường Ngọc Lâm đã làm rõ, cháu Nam là người dân tộc Tày, nhà ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Công an xã Phù Ngọc xác nhận, nhà cháu Nam hoàn cảnh khá éo le, bố mất khi Nam đang còn nhỏ, mẹ đã bỏ nhà đi làm kinh tế ở nơi khác. Nam được người anh trai tên là Ngọc chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo công an xã Phù Ngọc, mấy năm trở lại đây, Nam thường xuyên bỏ nhà đi khiến anh trai nhiều lần phải đi tìm và đón nhận về. Mới đây nhất là vào tháng 8, Nam được người nhà đón về từ trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng. Công an xã Phù Ngọc cũng đã vào nhà anh trai Nam thông báo sự việc nhưng anh trai Nam đã từ chối đón em về vì không có điều kiện kinh tế đi lại, tùy cơ quan công an giải quyết.

Những cậu bé đã 16 tuổi nhưng bé như đứa trẻ 8 tuổi, côi cút sợ sệt như con thú hoang các chiến sỹ Công an phường Ngọc Lâm đã phải thông báo với Ban chính sách xã hội - UBND phường Ngọc Lâm - về sự việc. UBND phường Ngọc Lâm đã làm hồ sơ, thủ tục, tạm thời chuyển Nam vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của TP Hà Nội để chăm sóc. Tiếp đó, các cơ quan chức năng sẽ xác minh, chuyển Nam về cho gia đình hoặc cơ sở xã hội địa phương chăm sóc.

Cháu Nguyễn Nhật Nam và ông Nguyễn Văn Bằng - GĐ Trung tâm bảo trợ xã hội 4.

Sau khi bàn giao Nam cho Công an phường, hai chiến sỹ CSGT lại tiếp tục về chốt làm nhiệm vụ. Thế nhưng từ ngày hôm ấy, cả 2 anh Tân và Đức vẫn thường xuyên cập nhật thông tin của Nam. Khi biết Nam đã được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội 4 để nuôi dưỡng, hai anh rất vui mừng vì Nam đã có một nơi nương tựa. Nói về nghĩa cử ấy của mình, Trung úy Tân cũng chỉ cười nói: "Mình thấy đó cũng là một việc bình thường cần phải làm thôi, nếu lúc ấy có người khác đi qua chắc chắn họ cũng sẽ giúp đỡ cậu bé giống mình…".

Cuộc sống mới của cậu bé mồ côi

Gặp Nam tại Trung tâm bảo trợ xã hội 4 (xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), tôi cũng phải thương cảm khi nghe câu chuyện về hoàn cảnh gia đình em. Cha mất, mẹ đi tiếp bước nữa nên đã từ lâu Nam không có được sự chăm sóc của cha mẹ. Ở với người vợ đầu tiên của bố mà Nam gọi là "mẹ cả", dĩ nhiên tình cảm mà em nhận được sẽ không thể nào bù đắp được khoảng trống trong tâm hồn còn non nớt ấy. Theo như lời kể của em, cuộc sống ở quê nhà thật sự rất khổ cực. Không theo được các bạn và cũng vì cuộc sống khó khăn khiến cậu bé chán nản với những con chữ, Nam quyết định bỏ học từ năm lớp 4 để ở nhà phụ giúp gia đình. Thế nhưng, cuộc sống cũng đâu êm đềm đến thế, Nam kể lại cho tôi những ngày tháng cực khổ mà em phải chịu đựng những trận đòn của các anh với giọng lí nhí, sợ sệt: "Anh Ngọc (anh trai Nam) suốt ngày uống rượu rồi về lại đánh cháu, cháu không biết sao anh ấy lại đánh, đang chăn trâu gặp anh ấy cũng đánh. Rồi các anh nhà mẹ cả cũng hay bắt nạt cháu…".

Cũng có lẽ vì những trận đòn đau và thiếu ăn, thiếu mặc mà cậu bé đã 16 tuổi này còn chẳng lớn bằng đứa bé 8 tuổi ở thành phố. Kể lại lần lưu lạc từ Cao Bằng xuống tận Hà Nội, Nam cho biết: "Cháu bỏ nhà để đi xin ăn, hôm ấy thấy có cái xe tải đi Hà Nội dừng ăn cơm nên cháu trèo lên thùng xe. Khi đến gần Hà Nội, xe dừng ở gần đường nên cháu nhảy xuống rồi đi nhờ xe vào thành phố".

Với 20 ngàn đồng trong túi, Nam chỉ đủ ăn hơn một ngày sau đó. Tại chốn thành phố rộng lớn này nhưng chẳng nơi đâu có thể làm chỗ trú chân cho cậu bé. Hết tiền, đói, khát, chẳng ai thân thích chẳng ai giúp đỡ, cái bóng dáng cô độc ấy cứ lẩn khuất trong từng con phố, ngõ hẻm để tìm chỗ ngủ. Đêm ngày thứ hai, khi vừa đặt lưng xuống bức tưởng bẩn thỉu ở khu chợ Long Biên để ngủ cho qua cơn đói, Nam lại bị những đứa trẻ ở đó dựng dậy để gây sự. Bỏ chạy, ngã đau và với nguyên một ngày trời lang thang đã để lại trên thân thể đứa bé ấy biết bao vết tích. Cho đến ngày thứ 3, khi không còn chịu đựng nổi sự mỏi mệt và đói khát, Nam quỵ ngã trước cửa hàng đèn.

Thiếu úy Đỗ Hữu Đức.

Giờ đây, cuộc sống của Nam ở Trung tâm bảo trợ xã hội 4 vô cùng thoải mái. Mỗi ngày, ngoài việc học văn hóa do các cán bộ của Trung tâm hướng dẫn, Nam còn được học kĩ năng sống và giao lưu cùng các bạn đồng trang lứa, hoàn cảnh. Cậu bé còi cọc này một ngày vẫn ăn được 4 bát cơm, bù đắp cho những ngày đói khổ của em trước đây khi lang thang đường phố. Nhận túi quà của hai anh Tân, Đức gửi cho em, Nam nhoẻn cười và vẫn còn nhớ để kể lại mình được giúp đỡ ra sao rồi em vui mừng khi tôi cho em xem hình của 2 anh Tân, Đức trong máy ảnh. Nam nói: "Cháu vẫn nhớ hai chú công an áo vàng cho cháu ăn, uống. Chú cho cháu cảm ơn các chú đã giúp cháu với".

Theo như các cán bộ ở trung tâm, Nam là một đứa trẻ ngoan, dễ bảo, tính tình hiền lành nên em chưa bao giờ để các cô chú ở trung tâm phải phiền lòng kể từ ngày vào đây. Chỉ có một điều thiệt thòi là do Nam bỏ học từ sớm nên phải có sự kèm cặp của các cán bộ ở trung tâm mới có thể nắm bắt việc học. Tuy nhiên, đối với Nam, tương lai phía trước đã có được một tia hy vọng. Dưới sự chăm sóc tận tình của các cán bộ Trung tâm bảo trợ xã hội 4, cuộc đời của em sẽ không còn những ngày đói khát, những trận đòn đau và những ngày lang thang đầu đường xó chợ…

Ông Nguyễn Văn Bằng - Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội 4 cho biết: "Giống như các em có cùng hoàn cảnh, cháu Nguyễn Nhật Nam sẽ được trung tâm nuôi dạy và được học các kĩ năng sống để sau này có thể tự bươn chải. Khi đủ tuổi và đủ sức khỏe, các cháu sẽ được gửi đi học nghề và trung tâm sẽ trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp cần lao động để xin việc cho các cháu. Như trường hợp của cháu Nam, đã 16 tuổi nhưng người còn bé hơn nhiều đứa trẻ ít tuổi hơn nên vẫn chưa thể cho cháu đi học nghề và đi làm. Hy vọng sau này khi được nuôi dưỡng cẩn thận, cháu sẽ phát triển tốt hơn".

Lê Phong - Quang Anh
.
.
.