Nữ học viên đa tài của Học viện Cảnh sát nhân dân

Thứ Sáu, 20/03/2015, 15:44
Xinh đẹp, hát hay, học giỏi, hoạt động đoàn năng nổ, từng đạt Á khôi Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2013, Lương Thị Thu Thảo là cái tên được nhiều người biết đến của Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND).
Không chỉ là cô gái tài sắc vẹn toàn, Thảo còn là một tình nguyện viên sôi nổi, tham gia rất nhiều những hoạt động từ thiện của trường, đem lời ca, tiếng hát phục vụ cho những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Đang là học viên năm thứ 4, chi đoàn B1 khóa D37, chuyên ngành Quản lý hành chính và trật tự xã hội, Học viện CSND, nên thời gian được ra khỏi trường của Lương Thị Thu Thảo rất hiếm hoi. Để gặp được cô nữ sinh tài năng này, chúng tôi phải tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần mới có thể gặp và nghe em kể về những thành tích nổi bật của mình trong những năm qua.

Xinh đẹp, tài năng, học giỏi, được xem như một "ngôi sao" trong những nữ học viên của Học viện, nhưng khi tiếp xúc, Thảo luôn bộc lộ một sự gần gũi, giản dị, chân thành, một cách nói chuyện rất duyên và nụ cười hiền lành khiến ai lần đầu tiên tiếp xúc cũng phải có cảm tình.

Lương Thị Thu Thảo (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến đi tình nguyện tại đảo Trường Sa.

Sinh ra tại một vùng quê nghèo của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cả gia đình không có ai công tác trong lực lượng Công an, nhưng vì trót đam mê màu áo Cảnh sát mà Thảo quyết tâm thi đỗ vào Học viện CSND. Năm đầu tiên, dù mới nhập trường, trong khi nhiều học viên còn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, thì Thảo đã là một cán bộ Đoàn năng nổ, tích cực tham gia mọi hoạt động của trường, của chi đoàn B1 khóa D37.

Hiện nay, Thảo đang là B phó học tập của chi đoàn B1, với những thành tích đáng nể trong nhiều lĩnh vực. Năm 2012, Thảo tham dự cuộc thi Hoa khôi du lịch Hà Nội do Trường Đại học Phương Đông tổ chức và lọt vào top 5, để lại trong lòng khán giả những ấn tượng khó quên về hình ảnh một nữ Cảnh sát tương lai với mái tóc đen, dài chấm gót, thướt tha, dịu dàng và một bài thi hùng biện đầy ấn tượng về "Chùa Hương".

Chưa một lần đặt chân tới đây, nhưng Thu Thảo đã xây dựng bài hùng biện của mình từ cảm xúc với nhạc phẩm "Em đi chùa Hương" (nhạc: Trần Văn Khê, thơ: Nguyễn Nhược Pháp) và khéo lép lồng ghép hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giữ vững an ninh trật tự xã hội vào bài hùng biện của mình.

Lương Thị Thu Thảo cùng em bé của một gia đình sống trên đảo Trường Sa.

Sau khi cuộc thi kết thúc, cô nữ sinh Cảnh sát xinh đẹp này đã tham gia cuộc thi Sinh viên Cảnh sát thanh lịch của Học viện CSND và giành giải Á khôi 1 năm 2013. Bên cạnh đó, Thảo còn là một giọng ca có tiếng của Học viện CSND.

Ngay từ năm thứ nhất, Thảo đã là thành viên Đội văn nghệ xung kích của nhà trường nhiệt tình tham gia các chương trình giao lưu, Hội diễn văn nghệ của Bộ Công an, mang về nhiều thành tích lớn cho phong trào Đoàn, văn hóa văn nghệ của Học viện CSND. Em từng đoạt nhiều giải A trong các Hội diễn văn nghệ của Học viện, giải B "Hành trình bài ca tiếng hát sinh viên"...

Sở trường của Thảo là các ca khúc truyền thống cách mạng, vì chính những ca khúc ấy đã cho em thêm niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước ngày càng sâu sắc. Cũng chính từ đây, em đã có nhiều chuyến đi giao lưu văn nghệ ý nghĩa. Trong đó, chuyến đi Trường Sa năm 2012 có lẽ sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời của cô sinh viên trẻ.

Thảo tâm sự: "Em thật may mắn khi được chọn là một trong ba học viên của trường, cùng các thầy cô trong Ban Giám đốc nhà trường tới thăm và tặng quà các chiến sỹ của 11 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Hành trình 10 ngày trên biển, với những trận say sóng khủng khiếp, nhưng với em đó là một trải nghiệm thú vị, một chuyến đi đầy ý nghĩa, mà đặc biệt phải kể đến đó là buổi giao lưu với các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 - là địa điểm cuối cùng của chuyến công tác.

Lương Thị Thu Thảo trong buổi giao lưu văn nghệ với các em Trường

Nguyễn Đình Chiểu.

Vì thời tiết không thuận lợi, sóng biển dữ dội nên đoàn chỉ có thể giao lưu với các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 qua bộ đàm. Nhà giàn và con tàu không cách nhau là mấy, nhưng mọi người trên tàu và các chiến sĩ chỉ biết đứng nhìn và vẫy tay chào nhau thôi. Khi nói chuyện và hát qua bộ đàm, ai cũng khóc vì xúc động và em đã dành tặng các anh chiến sĩ ca khúc "Xa khơi" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ để tâm tình mọi cảm xúc sâu lắng.

Buổi giao lưu qua bộ đàm kết thúc, con tàu bắt đầu chạy xa dần khu nhà giàn DK1, mọi người tạm biệt nhau và khi ấy các chiến sĩ đã cầm cờ Tổ quốc chạy vòng qua nhà giàn đuổi theo tàu. Lúc ấy em đã bật khóc vì tự hào, vì xúc động. Hình ảnh lá cờ là hình ảnh đầu tiên và cũng là hình ảnh cuối cùng khép lại chuyến công tác khiến rạo rực trong em là khát khao muốn xóa tan đi khoảng cách giữa đất liền và hải đảo để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên bản đồ thế giới, khẳng định: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Á khôi Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2013 Lương Thị Thu Thảo.

Được coi là một cô gái có nhiều tài năng của Học viện CSND, nhưng không vì thế mà Thảo tỏ ra kiêu ngạo, xao nhãng chuyện học hành. Trái lại, Thảo luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình để trở thành một học viên toàn diện, đa năng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực học tập. Vì thế, năm học 2012 - 2013, 2013 - 2014 và mới đây nhất là học kỳ I của năm 2014 - 2015 em đều đạt danh hiệu Học viên giỏi của trường.

Với các bạn nam, theo học tại các trường lực lượng vũ trang đã khó thì với các bạn nữ, khó khăn, vất vả càng nhân lên gấp bội phần. Không chỉ học nghiệp vụ, các học viên nữ còn phải rèn luyện thể chất với giờ giấc học tập nghiêm ngặt giống như các học viên nam khác. Gian khổ là thế nhưng chưa bao giờ Thảo hối hận vì con đường mình đã chọn. Được trở thành một chiến sĩ CSND là ước mơ từ thuở bé của em.

Ngoài những buổi học nghiệp vụ, học võ ngành, luyện tập thể thao, Thảo còn dành nhiều thời gian, tâm huyết vào những bài viết cho nội san "Người Cảnh sát trẻ" của trường, các cuộc thi viết, nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử và những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của mình.

Thảo chia sẻ, đây cũng là cách để em nâng cao trình độ nghiệp vụ, là hành trang hữu ích cho công việc sau này của mình. Nhóm sinh viên do Thảo làm trưởng nhóm đã từng đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2013 - 2014 của Học viện CSND với công trình "Nâng cao hoạt động quản lý khách du lịch nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội" và hiện em đang tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu "Hoạt động phòng chống bạo lực gia đình của Cảnh sát khu vực".

Dường như ở em luôn có một tinh thần học hỏi, sáng tạo không ngừng và vì thế mà Thảo có những suy nghĩ rất sâu sắc, trưởng thành. Qua công trình đang nghiên cứu, Thảo muốn bày tỏ sự đồng cảm với số phận bất hạnh của những người phụ nữ, những nạn nhân bị bạo hành với mong muốn tìm được nhiều giải pháp hữu hiệu để đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho mỗi gia đình, cá nhân và đặc biệt là phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam tự ngàn đời.

Bên cạnh đó, với vốn kiến thức chuyên ngành, khả năng ứng xử khéo léo cùng giọng nói truyền cảm, Thảo còn là một MC riêng cho mỗi chương trình của Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Vinh dự hơn nữa em còn được đại diện là sinh viên phát biểu cảm tưởng trong lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 của Học viện CSND và đại diện sinh viên khối các trường Công an nhân dân trong lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2014 của Bộ Công an.

Ngoài thời gian học tập tại trường, nữ sinh viên Cảnh sát trẻ tuổi này còn là một thành viên tích cực trong nhiều hoạt động từ thiện. Thảo đã cùng Đoàn sinh viên thực tập khóa D37 của Học viện Cảnh sát tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và phổ biến pháp luật cho các học sinh khiếm thị tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Chương trình được tổ chức với mong muốn tuyên truyền kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội, giúp các em khiếm thị tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo vào những hoạt động vi phạm pháp luật. Bên cạnh mục đích tuyên truyền, chương trình cũng là dịp để các bạn sinh viên được thể hiện tình cảm với các em thông qua hoạt động tặng quà và giao lưu văn nghệ. Số tiền 30 triệu đồng do nhóm sinh viên khóa D37 đóng góp đã được trao tặng cho nhà trường.

Thảo tâm sự, ước mơ lớn nhất của em là khi ra trường được ở lại công tác tại Học viện, trở thành một người giáo viên Công an nhân dân, đem nhiệt huyết, tình yêu với ngành nghề, truyền đạt và ươm mầm cho những thế hệ Cảnh sát tương lai. Được khoác trên mình bộ quân phục oai nghiêm, đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trọng trách lớn đối với em.

Giờ đây, Thảo vẫn đang cố gắng tập luyện trên thao trường, miệt mài trên giảng đường để trở thành một chiến sỹ Cảnh sát, tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện và thực hiện ước mơ mình đang theo đuổi.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.