Nữ quản giáo lấy tình người ươm mầm thiện

Thứ Năm, 19/01/2017, 10:45
Gần 10 năm gắn bó với công việc của người cán bộ quản giáo, xuất phát từ tình thương yêu và tấm lòng bao dung của mình, chị đã thức tỉnh lương tri của hàng trăm con người lầm lỡ tìm lại con đường sáng.


Hạnh phúc là khi những người đã mãn hạn tù, không chỉ trở thành người tốt cho xã hội mà còn quay trở lại trại giam để tri ân cán bộ quản giáo.

Đến Trại giam số 6 (Tổng cục VIII-Bộ Công an), đóng trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) trong thời gian gần đây, chúng tôi được nghe ca ngợi nhiều về tấm lòng bao dung, cảm thông của Thượng úy Nguyễn Thị Giang, nữ quản giáo hiện đang quản lý, giáo dục và dạy nghề cho 35 nữ phạm nhân làm chiếu trúc, thuộc Đội 35, Phân trại số 1.

Câu chuyện về Nguyễn Thị Giang đã thực sự thuyết phục chúng tôi, không phải qua những báo cáo thành tích sáo rỗng mà chính những lời kể của phạm nhân, những nhận xét của đồng nghiệp...

Thượng úy Nguyễn Thị Giang (35 tuổi), quê quán tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát, Giang được nhận về công tác tại đơn vị Trại giam số 6.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang.

Nhận nhiệm vụ giáo dục, cải tạo những phận người đã từng lầm lỡ, Giang không khỏi lo lắng, bởi thành phần, tính chất của công việc rất phức tạp.

“Phút giây đó rồi cũng nhanh chóng qua đi, bởi khi trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng phạm nhân, em mới ngộ ra rằng, đằng sau những số phận lầm lỡ ấy là những hoàn cảnh rất đáng cảm thông. Phạm nhân, vì những hoàn cảnh khác nhau mà vướng vào lao lý, chứ về bản chất thì nhiều người rất đáng thương, từ đó em thêm tin yêu vào nghề quản giáo”, Thượng úy Giang bộc bạch.

Sau một thời gian nhận nhiệm vụ làm cán bộ quản giáo ở đội nông nghiệp, phụ trách giáo dục những phạm nhân có án nhẹ, án ngắn, lao động cải tạo bên ngoài khuôn viên đơn vị, Ban giám thị Trại giam số 6 đã quyết định “rút” nữ quản giáo này về nhận nhiệm vụ tại nhà xưởng, là nơi dành cho những phạm nhân đang phải chấp hành án với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Hiện, Thượng úy Nguyễn Thị Giang đang phụ trách giáo dục Đội 35, là đội phạm nhân nữ, lao động làm chiếu trúc trong nhà xưởng. 

Thử thách lớn nhất đối với nữ quản giáo 8X là đội này quy tụ những phạm nhân nữ có tuổi đời lớn, án cao, án dài và án đặc biệt nghiêm trọng, với thành phần phức tạp, đầy đủ các loại tội phạm, từ ma túy, mại dâm đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là giết người.

Trong đó, án chung thân có 7 phạm nhân, 3 phạm nhân mức án 20 năm tù và rất nhiều phạm nhân có mức án trên 20 năm. Một số chị em tuổi cao, lại phải thụ án dài nên có những thời điểm, tư tưởng còn hoang mang, dao động.

Những lúc như vậy, Giang lại phải động viên tinh thần, phân tích, chia sẻ để chị em yên tâm cải tạo, lao động  sản xuất để được giảm án, sớm  trở về tái hòa nhập cộng đồng. Không những thế, với những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phạm nhân bị thân nhân “bỏ rơi”, không thăm nuôi, ký gửi kể từ khi vào trại giam, những lúc đau ốm, chị Giang lại đóng vai trò là người mẹ, người chị để chăm lo, thuốc thang. Thậm chí, với một số phạm nhân, chị còn phải bỏ tiền túi ra khi họ đau yếu phải nằm viện, dù không nhiều nhưng cũng đủ để mua cân đường, hộp sữa lúc cần thiết. 

Thượng úy Giang đang hướng dẫn phạm nhân Đội 35 làm chiếu trúc.

Cho đến bây giờ, Thượng úy Nguyễn Thị Giang cũng chẳng nhớ hết mình đã làm vậy bao nhiêu lần, với bao nhiêu phạm nhân, chỉ biết rằng, hiệu ứng của những việc làm ấy là sự ghi nhận rất chân tình của phạm nhân, không chỉ giúp cho quá trình giáo dục, cải tạo của họ tốt hơn mà nhiều người sau khi hết án, trở thành người có ích cho xã hội đã quay trở lại trại giam để nói lời cảm ơn đối với người mẹ, người thầy thứ hai của cuộc đời mình.

Phạm nhân Hờ Y Lỳ (45 tuổi), quê quán tại huyện Tương Dương (Nghệ An) là một trong những trường hợp như vậy. Chấp hành án phạt 16 năm tù về tội giết người, nữ phạm nhân này vào trại đã nhiều năm qua nhưng tuyệt nhiên không có người thân nào thăm nuôi.

Trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu thì Thượng úy Giang được biết, gia cảnh khó khăn, lại cách xa địa điểm thụ án nên từ sau ngày vướng lao lý, mọi người trong gia đình gần như lãng quên người phụ nữ tội lỗi này.

Phạm nhân Lỳ lại mang trong mình rất nhiều thứ bệnh nên cứ phải đến bệnh xá điều trị thường xuyên, có những thời điểm còn phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh. Những lúc như vậy, dù đồng lương không đáng là bao song Thượng úy Giang vẫn rút ví đưa cho “đứa con hư” của mình một ít để mua thêm đường, sữa.

Phạm nhân nữ ở Trại giam số 6 sau giờ lao động cải tạo.

Hoàn cảnh của Hơ Y Lỳ cũng tương tự như trường hợp của một số nữ phạm nhân khác hiện đang thụ án tại Đội 35 do Thượng úy Nguyễn Thị Giang phụ trách như phạm nhân Tăng Thị Duyên (35 tuổi), quê tại Hà Tĩnh, hiện đang thụ án về tội trộm cắp tài sản; Phạm nhân Lê Thị Hồng (33 tuổi), quê quán tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), án 8 năm về tội danh mua bán trái phép chất ma túy…

Những người này, sau khi nhận được tấm chân tình xuất phát từ tâm của chị Giang, đã rất cảm động, từ chỗ tư tưởng dao động, bất cần trước đó đã tu tâm cải tạo tốt hơn, được Hội đồng Giám thị xét giảm án hằng năm.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang tâm sự, nhiều năm gắn bó với công việc của người quản giáo, bản thân chị đã đúc rút được rất nhiều bài học về giáo dục, quản lý để giúp đỡ những phận người lầm lỡ này sớm hoàn lương, trở về tái hòa nhập với cộng đồng.

Gần 10 năm gắn bó với nghiệp quản giáo, tiếp xúc và giáo dục với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phạm nhân đã giúp bản thân chị tự tin hơn khi dẫn lối đến con đường phục thiện cho những phận người lỡ bước.

Còn nhớ, năm 2008, khi ấy chị mới về đơn vị nhận công tác, mọi thứ còn rất mới mẻ và đầy bỡ ngỡ, song có một câu chuyện rất đáng nhớ. Ấy là trường hợp của phạm nhân Lê Quốc Vinh, thụ án ở Đội 22 lao động sản xuất ngoài trời, do chị Giang phụ trách. Năm đó, phạm nhân Vinh chẳng may để lạc mất một con bò và phải đối diện với án phạt. Trong hoàn cảnh đó, chính Giang đã đứng ra nhận trách nhiệm, sau đó cùng phạm nhân này tất tả đi tìm, mãi đến tối mịt mới phát hiện ra bò đi lạc sang đàn bò của người dân gần nơi đơn vị đóng quân.

Năm 2013, phạm nhân Vinh hết thời gian thụ án, trở về địa phương hoàn lương, trở thành công dân tốt. Từ đó đến nay, anh Vinh thường xuyên trở lại trại giam để tri ân, nói lời cảm ơn đối với người mẹ đã khai sinh ra bản thân mình lần thứ hai trong cuộc đời này. Mới đây nhất, vào đầu năm 2016, khi hay tin vợ chồng chị Giang xây nhà mới, anh Vinh đã tìm đến, tặng một bức tranh để làm kỷ niệm.

“Quà” mà những người này mang tặng cho chị chỉ là mớ rau, con gà, có khi là những sản phẩm do chính họ làm ra, không phô trương về giá trị vật chất, nhưng bản thân chị hiểu rằng, đó là tấm chân tình, là “quả ngọt” của sự hoàn lương mà chị là người đã đặt những viên gạch đầu tiên trên bước đường gập ghềnh để dẫn lối. Những người này, sau khi hết án trở về đã có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều người còn nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành những ông chủ, bà chủ ngoài xã hội. Đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất mà chị mong muốn đón nhận trong sự nghiệp quản giáo của bản thân.

Với sự cống hiến lặng lẽ của mình, năm 2016 Thượng úy Nguyễn Thị Giang được suy tôn là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Trước đó, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp; Hội phụ nữ Tổng cục cũng trao tặng Bằng khen cho chị vì những cống hiến cho phụ nữ trong suốt 5 năm chị giữ cương vị là Hội trưởng Hội phụ nữ Phân trại số 1.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang cho biết, may mắn và cũng là phần thưởng lớn nhất mà chị có được, đó là chồng làm cùng đơn vị, dù có lúc việc chăm sóc hai đứa con còn gặp nhiều vất vả do tính chất công việc, song chồng luôn bên cạnh, động viên và chia sẻ nên chị có thêm động lực.

Cùng với đó, việc mỗi ngày qua đi, nhìn thấy những phạm nhân do mình trực tiếp giáo dục ngày càng tiến bộ, cải tạo tốt hơn, chị lại có thêm niềm vui để lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ hy sinh, đặng góp một phần nhỏ bé để giúp những phận người lầm lỡ sớm trở về gia đình và cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Thiên Thảo
.
.
.