Nữ quản giáo với cái tâm cảm hóa phạm nhân quay đầu hướng thiện

Thứ Hai, 09/03/2015, 07:00
Là cán bộ quản giáo, trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục và cảm hóa 33 phạm nhân nữ với những mức án khác nhau, đến từ nhiều vùng miền không giống nhau, chị đã có sự đồng cảm thực sự, lấy cái tâm và tình người để cảm hóa phạm nhân. Nhiều lúc chị bỏ cả tiền lương ra để phạm nhân có cuộc điện thoại về nhà, hoặc đóng giúp án phí để họ có đủ điều kiện giảm án. Cũng bởi vậy mà sau khi hết án, nhiều người đã quay trở lại trại giam để cảm ơn người đã khai sinh ra bản thân mình lần thứ hai trong cõi đời này.

Trung úy Trần Thị Mai (SN 1983), hiện làm công tác quản giáo tại Đội 22, Phân trại số 3, Trại giam số 6 (Tổng cục VIII – Bộ Công an), trực tiếp quản lý 33 phạm nhân nữ làm việc trong nhà xưởng với ngành nghề chính là khâu bóng.

Vượt qua những khó khăn khi bản thân là nữ nhi thường tình, làm công việc ở môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với phạm nhân, từ nhiều năm qua, Trung úy Mai đã có những việc làm thiết thực giúp đỡ phạm nhân sớm nhận ra lầm lỗi trong quá khứ, tích cực lao động, cải tạo để sớm được trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

Người mẹ của những đứa con hư

Năm 2009, Trung úy Trần Thị Mai về nhận công tác tại đơn vị Trại giam số 6 sau khi tốt nghiệp Trường Trung học CSND I. So với nhiều đồng nghiệp khác, chị có thuận lợi là nhà ở ngay xã Thanh Hương, sát với đơn vị đóng quân. Chị cũng may mắn có được người chồng là cán bộ cùng ngành, làm công tác quản giáo trong đơn vị nên nhận được nhiều sẻ chia trong công việc cũng như trong quỹ thời gian hạn hẹp dành cho gia đình.

Bên cạnh đó, bản thân chị thường xuyên được Ban giám thị mà trực tiếp là lãnh đạo phân trại số 3 nơi chị đang công tác chỉ đạo sát sao và thường xuyên tạo điều kiện trong quản lý phạm nhân nên trong công việc, bản thân chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người mẹ hiền cảm hóa, giáo dục những đứa con hư.

Trung úy Trần Thị Mai chia sẻ, trong quá trình làm nhiệm vụ chị cũng gặp không ít áp lực, khó khăn khi phạm nhân vào trại ngày càng phức tạp, tội phạm có nhiều tiền án, án dài, án nặng.

Trung úy Trần Thị Mai.

Riêng trong đội 22 do Mai đang phụ trách, hiện có 2 án chung thân và 3 trường hợp đang thụ án với mức 20 năm tù trở lên. Độ tuổi không giống nhau, đơn cử như có phạm nhân đã 76 tuổi vẫn vướng lao lý. Tội danh cũng tương đối phức tạp, trong đó có mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, mua bán trẻ em.

Phạm nhân nữ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội, nhiều chị em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại bị án dài nên tâm lý bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, vào trại với tinh thần suy sụp, bi quan, chán nản.

Kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ quản giáo đã giúp cho Trung úy Trần Thị Mai có những cách cảm hóa, giáo dục riêng đối với từng phạm nhân, qua đó giúp họ nhận ra lỗi lầm để sớm quay đầu hướng thiện.

Đối với từng phạm nhân, sau khi tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, chị Mai đã thường xuyên tìm cách gặp gỡ, giáo dục riêng, qua đó nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng cũng như cuộc sống tâm lý của gia đình phạm nhân.

Cũng chính bởi vậy, phạm nhân ở đội của chị Mai quản lý được đánh giá là “thuần” nhất, cải tạo tốt và được Hội đồng giám thị đánh giá cao. Nhiều phạm nhân nữ sau khi trở về với xã hội đã quay trở lại trại giam để tri ân, cảm ơn chị Mai và các đồng nghiệp khác của chị.

Nhắc đến những trường hợp này, Trung úy Mai kể về “cựu” phạm nhân Nguyễn Thị An, quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), phạm tội “chứa chấp mại dâm”, án 24 tháng tù giam. Nữ phạm nhân này hết án vào dịp 30/4/2014, sau khi trở về làm lại cuộc đời, hai vợ chồng đã nhiều lần quay lại trại giam để cảm ơn.

Hay như phạm nhân Đặng Thị Hải, quê Phú Thọ, thụ án tại Trại giam số 6 với bản án 42 tháng tù cho tội môi giới mại dâm. Tháng 11/2014 vừa qua được ra tù, cả gia đình Hải đã trở lại trại thăm chị Mai. Nhiều người không có điều kiện quay lại thăm vẫn viết thư, gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe của chị Mai và các cán bộ quản giáo đang công tác tại đây.

Thầm lặng dẫn lối về nẻo thiện

Trung úy Trần Thị Mai chia sẻ, các phạm nhân do chị quản lý đều được đối xử bình đẳng như nhau, nhưng riêng với những phạm nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số, chị rất thương bởi trong suốt quá trình thụ án, rất ít chị em được người nhà thăm nuôi. Nhiều chị em thậm chí còn không có tiền để đóng án phí, những trường hợp như vậy chị Mai lại bỏ tiền túi của mình ra để giúp những phạm nhân này, để họ đủ điều kiện xếp loại khá và giảm án.

Cũng với những phạm nhân người dân tộc thiểu số này, đến kỳ được phép điện thoại về nhà nhưng không có tiền, Trung úy Mai lại nhiều lần bỏ tiền túi ra để họ được kết nối với người thân.

Chị Mai kể, trong số các phạm nhân án cao tại Đội 22, hoàn cảnh của phạm nhân Đoàn Thị Quỳnh, quê Hà Nội, án chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy” là đáng thương hơn cả. Phạm nhân này vào trại giam tháng 8/2014, hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo người nên từ khi vào đến nay không có ai thăm nuôi. Vượt qua tâm lý chán nản và buông xuôi ban đầu, đến nay phạm nhân Quỳnh đã chấp hành nghiêm nội quy, làm vượt chỉ tiêu đề ra.

Trung úy Mai đang làm công tác quản giáo với 33 nữ phạm nhân.

Tương tự, phạm nhân Nguyễn Thị Nhung, quê Nghệ An, thụ án chung thân về mua bán trái phép chất ma túy. Ngày đầu vào trại, Nhung cũng có tư tưởng bi quan, chán nản nhưng bằng phương pháp giáo dục riêng, Trung úy Trần Thị Mai đã giúp nữ phạm nhân này nhận ra lầm lỗi của mình để yên tâm cải tạo.

Ngoài công việc của một cán bộ quản giáo, Trần Thị Mai còn là Hội trưởng Chi hội phụ nữ Phân trại số 3, được chị em đánh giá là “đầu tàu” trong các hoạt động phong trào và gây quỹ đền ơn đáp nghĩa. Năm 2014, chị Mai cùng chị em phụ nữ trong đơn vị tham gia các cuộc thi Hội Phụ nữ cơ sở giỏi cấp Tổng cục và đã đạt giải nhì toàn đoàn.

Trung úy Trần Thị Mai chia sẻ, công việc của một nữ quản giáo và một cán bộ Hội Phụ nữ gần như chiếm trọn quỹ thời gian ngắn ngủi trong ngày nên thời gian chị dành cho gia đình còn lại rất ít. Những lúc rảnh rỗi hoặc hết ca trực, chị lại vội vã trở về đời thường là một người mẹ, người vợ, người con dâu đảm đang và hiếu hạnh.

Dù bất cứ ở cương vị, địa vị nào, chị Mai cũng cố gắng hết mình, bởi vậy nên ở đơn vị, chị là một người năng động, được lòng đồng nghiệp và nhận được sự tin yêu của phạm nhân, còn về với gia đình chị lại là người phụ nữ đảm đang, được gia đình chia sẻ và cảm thông.

Theo Trung úy Trần Thị Mai, không phải phạm nhân nào cũng là kẻ xấu, và không phải hễ cứ tội phạm là đáng bị lên án. Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản giáo, thông qua gặp gỡ, giáo dục riêng với từng trường hợp, chị nhận thấy có nhiều hoàn cảnh phạm tội rất đáng thương, nhiều người vì dòng đời đưa đẩy, có người túng quá hóa liều, nhưng cũng không ít phạm nhân phạm tội một cách ngây thơ vì ít học và thiếu hiểu biết pháp luật.

Phần lớn trong số này là chị em đồng bào dân tộc thiểu số, một khi đã vào trại giam thì chồng cũng bỏ mặc, không những không thăm nuôi mà còn ở nhà đi lấy vợ khác. Chính bởi vậy, Trung úy Mai cũng như nhiều cán bộ quản giáo khác, dành nhiều tình cảm hơn với số phạm nhân nữ là dân tộc thiểu số đang chấp hành án phạt tù tại đây.

Với tấm lòng chân tình của mình, từ nhiều năm qua, Trung úy Nguyễn Thị Mai đã cảm hóa, giáo dục được nhiều phạm nhân quay đầu hướng thiện, an tâm cải tạo tốt và sớm trở về với gia đình và xã hội. Bằng chứng là nhiều người sau khi ra trại đã quay lại cảm ơn “người mẹ” thứ hai của đời mình.

Chị Mai bảo, có nhiều người còn mang cả quà để tặng khiến bản thân rất cảm động, nhưng hơn bao giờ hết, mỗi lần có “người cũ” quay lại hoặc điện thoại thăm hỏi, chia sẻ với mình, chị Mai hiểu rằng việc làm của mình đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, và mỗi lần như vậy chị lại có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục hy sinh, âm thầm cống hiến, giúp cho nhiều phận đời lầm lạc khác sớm tìm ra nẻo thiện để tìm về.

Thiện Thành
.
.
.